<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div>
<meta content="text/html; charset=utf-8" http-equiv="Content-Type">
<title></title>
<div style="text-align: center;"> </div>
<span style="font-family: Arial;">
<div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-size: small;">Nhớ về Thành Đoàn anh hùng</span></strong></span></div>
</span>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Căn cứ địa là sản phẩm đồng thời là yếu tố không thể thiếu của cuộc kháng chiến chống lại ách đô hộ của quân xâm lược. Không có căn cứ địa, kháng chiến không thể tồn tại chứ nói gì đến thành công. Lịch sử cha ông đã từng là như vậy. Chín năm kháng chiến chống Pháp có chiến khu, thời chống Mỹ có vùng giải phóng nông thôn rừng núi làm căn cứ. Nhưng thời kháng Mỹ lại xuất hiện một hình thái mà cuộc kháng chiến trước chưa hề có. Đó là một loại căn cứ địa được coi là hậu phương của phong trào đấu tranh đô thị, có thể ở nơi nào đó trong vùng giải phóng, nhưng có mối quan hệ mật thiết với phong trào cách mạng đô thị như mạch máu tuần hoàn. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Căn cứ đầu tiên của Đoàn Thanh niên khu Sài Gòn - Gia Định được hình thành khoảng tháng 8 năm 1960, ngay sau cuộc Đồng Khởi mở ra vùng giải phóng, tức ngay sau tiếng súng của cuộc kháng chiến chống Mỹ chính thức bắt đầu rất sớm, sau căn cứ khu ủy. Trước đó, phương thức đấu tranh chính trị đơn thuần kéo dài trong nhiều năm trong khi địch dùng bạo lực phát xít trấn áp đã đưa cách mạng đi vào tình thế hiểm nghèo, mất khả năng tiến công, tổn thất khắp nơi vô cùng to lớn. Tổ chức cách mạng và phong trào đấu tranh ở Sài Gòn bị địch đánh phá tan tác. Chúng coi như cách mạng ở Sài Gòn đã bị xóa sổ. Tổ chức Đoàn Thanh niên Sài Gòn - Gia Định đứng trước nguy cơ bị triệt phá, địch đang phăng tổ chức cách mạng trong các trường trung học và đại học. Đồng chí Bí thư Ban cán sự của Đoàn và một vài cán bộ chủ chốt đã bị bắt. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Nhưng căn cứ Đoàn Thanh niên đã kịp thời mở ra! Cán bộ phong trào được đưa về căn cứ vừa điều lắng vừa học tập, chuyển đổi công tác, xóa dấu địch truy tìm, liên tiếp hết đợt này đến đợt khác và lần lượt tung trở vào đô thị với tổ chức mới, phương thức hoạt động mới. Chỉ vài tháng sau bước vào đầu năm 1961, cùng với khí thế Đồng Khởi và sự kiện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, phong trào Thanh niên - Học sinh - Sinh viên (TNHSSV) được phát động bùng lên với tư thế tiến công mới. Truyền đơn cờ Mặt trận xuất hiện nhiều nơi, trong trường học, trong xóm, trong chợ... rồi biểu tình nhập thị, tấn công sĩ quan cao cấp và đại sứ Mỹ bằng lựu đạn… Căn cứ hoạt động càng nhộn nhịp - một điểm chưa đủ mà phát triển nhiều điểm, nhiều nơi khác - phong trào HSSV trong đô thị càng dâng cao khiến địch bất ngờ lúng túng. Phong trào lên cao, lực lượng cách mạng càng phát triển nhanh chóng, căn cứ Đoàn Thanh niên lại liên tục mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, cho người mới tham gia để trở về tiếp tục đẩy phong trào lên cao hơn, tập hợp phát triển lực lượng nhiều hơn và cứ thế… như bánh xe quay tròn đưa cách mạng tiến lên. Có căn cứ của mình, phong trào TNHSSV Sài Gòn không còn nguy cơ thoái trào mà chỉ có tiến công. Địch đánh phá, ta có thiệt hại, nhưng lực lượng cách mạng cứ phát triển ngày một rộng lớn. Theo sự chỉ đạo của Khu ủy, căn cứ đầu tiên ấy được thành lập do quyết định của 2 đồng chí Bí thư và Phó Bí thư Đoàn lúc bấy giờ - Anh Trần Quang Cơ (Tám Lượng) và anh Hồ Hảo Hớn (Ba Lực), người đã đặt bước chân đầu tiên đến khu rừng chồi ấp Bàu Kính xã Nhuận Đức - Củ Chi, chỉ cách Sài Gòn hơn 30km. Tuy chỉ tồn tại được 6 tháng nhưng nó làm được một số nhiệm vụ rất có ý nghĩa: không chỉ giúp cho phong trào và tổ chức cách mạng trong nội thành thoát khỏi nguy cơ bị địch triệt phá, mà còn làm cho phong trào khôi phục và phát triển mạnh lên, đồng thời mở ra khả năng phát triển vùng hậu phương có tính chiến lược cho phong trào cách mạng đô thị. Từ đây hàng loạt các căn cứ khác được mở ra, suốt quá trình cuộc kháng chiến vừa gắn với chỉ đạo của trên, vừa bám chặt phong trào trong đô thị với nhiều loại hình và chức năng đa dạng phục vụ đắc lực cho phong trào như: đảm bảo tốt sự chỉ đạo thông suất kịp thời, điều lắng cán bộ mở lớp huấn luyện, đào tạo, triển khai nghị quyết tích trữ kho tàng phương tiện, vũ khí đánh địch... trong bất cứ tình huống nào. Đó là một hệ thống các căn cứ gồm căn cứ trung tâm chỉ đạo, căn cứ các cánh sinh viên, học sinh, thanh niên công nhân lao động, lực lượng vũ trang, căn cứ chuyên huấn luyện, in ấn, điều lắng, căn cứ ở vùng sâu, căn cứ lõm ở vùng yếu, căn cứ mật ở vùng tạm chiến và trong đô thị, đáp ứng yêu cầu đa dạng của cách mạng. Gắn liền với căn cứ là một hệ thống bàn đạp giao liên dưới nhiều hình thức được nghi trang cẩn thận, giữ bí mật dù ở trong vùng giải phóng; bảo đảm các yêu cầu về đường đây chỉ đạo, đưa đón khách, chuyển tải thư từ, sách báo, phương tiện vũ khí vào nội thành. Thời đó, ta dùng từ “khách” cho gọn chỉ cán bộ từ trong đô thị ra cứ. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Tồn tại và phát triển suốt 15 năm kháng chiến chống Mỹ, nhìn lại quá trình lịch sử của mình, căn cứ Đoàn Thanh niên Sài Gòn - Gia Định quả là một công trình vô cùng đồ sộ và đáng tự hào! Không kể những lõm lẻ tẻ, chỉ tính số căn cứ có qui mô bề thế đủ các bộ phận bảo vệ, giao liên, bàn đạp... thì ngót đến trên 30, được rải đều từ rừng núi, nông thôn, đồng bằng, vùng biên giới và ngay cả trên đất bạn Kampuchia. Từ Tây Ninh, Trảng Bàng, Củ Chi, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa đến Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Kiến Phong Cao Lãnh, An Giang Hồng Ngự, Ba Thu, Kratié, Tiphơlơn... Nhưng cho dù khoảng cách có xa hay gần trung tâm Sài Gòn, thông tin chỉ đạo hai chiều, đưa đón khách vẫn bảo đảm thông suốt chỉ nội trong ngày thôi. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Trong hàng loạt các căn cứ trải rộng trên nhiều vùng bao quanh đô thị Sài Gòn - Gia Định như thế, thì căn cứ miền Đông Nam Bộ - đặc biệt là Củ Chi, Bến Cát - trước sau vẫn là căn cứ mang tính chiến lược, cho dù có lúc địch đánh phá hủy diệt, phải chuyển đi trong suốt một thời gian dài. Bởi đây là vùng đặc biệt tiếp cận Sài Gòn, lại là vùng cao có rừng lớn với hệ thống địa đạo hàng trăm cây số, bảo vệ an toàn cho việc tập trung người lẫn phương tiện, làm hậu phương đắc lực cho đô thị. Căn cứ Núi Dinh - Bà Rịa, chỉ cách Sài Gòn hơn 2 giờ đi lại có rừng núi hang động che chở, có nhiều chùa chiền rộng, lối ra vào hợp pháp. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Nói là công trình đồ sộ, không theo cái nghĩa số lượng vật tư kiến trúc hay trang bị tối tân nào. Vài căn nhà lá nằm giữa rừng hay chen lẫn trong xóm đồng bào, có khi không phải tốn một đồng bạc để dựng lên. Trang bị chủ yếu chỉ vài chục thước nylon làm vách ngăn cắt vài chục cái võng mùng mền ba lô cho khách, thay cho giường tủ bàn ghế. Nhưng cái đồ sộ ở đây, bây giờ ngồi nghĩ lại, suy cho cùng mọi lẽ mới thấy hết, chứ thời đó, nó bình thường, bàng bạc như khí trời ta thở hàng ngày thôi! Đó là lòng dân! Vâng, tính chất đặc điểm lớn nhất căn cứ của ta là căn cứ lòng dân! Lòng dân là chất liệu của mọi chất liệu. Nói thì nghe trừu tượng nhưng nó lại rất cụ thể. Ta nhớ lại xem! Vừa bước chân vào vùng giải phóng, từ cô giao liên dẫn đường đến anh du kích trực gác ở cổng vào căn cứ, rồi cả người phục vụ, tất cả đều là dân địa phương tự nguyện tham gia làm nhiệm vụ kể cả đồng chí cán bộ chiến sĩ bảo vệ từ trong thành phố nhưng cũng là người dân ra đi làm cách mạng. Rồi đến các ba, các má, các em nhỏ trong xóm, trong nhà ta đang ở… đều thăm hỏi ân cần. Những giây phút ngỡ ngàng ban đầu nhanh chóng qua đi để nhường lại cho nghĩa tình ấm áp như người thân trong nhà dù trước đó họ chưa từng gặp mặt. Chưa hết, lúc giặc càn vào, lùng sục tìm nơi ta trú ẩn, chính những người dân bình thường đó đã che chở, tìm cách đánh lạc hướng giặc, đấu tranh không cho chúng lùng sục, hoặc thà chịu địch khảo tra chứ không hề tiết lộ điều gì của cách mạng. Địch đi rồi họ mới đến gần nơi ẩn trú báo yên để ta trở lên nhà. Địch đốt nhà bỏ bom, bắn pháo ngày đêm để dân phải rời khỏi cách mạng. Nhiều người vẫn cố chịu đựng bám trụ, người đi rồi cũng lên quay về thăm nom tiếp tế. Làm sao quên được câu nói vô cùng xót xa của mấy ba mấy má đã từng nuôi giấu chúng ta lúc trước: “Tao đi rồi, không biết tụi bay liệu sống sao đây!”</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Từ miền Đông đến miền Tây Nam Bộ, hàng mấy chục căn cứ mà ta gầy dựng lên có phải đều bằng thứ chất liệu này không, từ bảo vệ, giao liên, bàn đạp đến tiếp tế hậu cần, hệ thống che chở vòng trong vòng ngoài?</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Có phải chính cái chất liệu đó, khi nhiều người trong chúng ta lần đầu bước đến căn cứ này, đã làm tan biến ngay lập tức những điều hoài nghi còn bám trong đầu về hình ảnh nhung con người “V.C gớm ghiếc và độc ác” mà địch đã từng gieo rắc bằng đủ mọi trò, phương tiện tâm lý chiến?</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Có lẽ căn cứ Thành Đoàn là một trong những căn cứ được dân “cưng” nhiều nhất. Cứ nhìn vào con số gần 2.000 gia đình, các ba, các má, các anh em ở khắp các vùng căn cứ của Thành Đoàn đã từng nuôi chứa, giúp đỡ, bảo bọc, kể cả cho con em đầu quân, hoặc đích thân các ba các má... tham gia làm nhiệm vụ cách mạng ở căn cứ thì rõ! Cứ nhìn vào vẻ mặt tư lự xa xôi của các má, khi nghĩ về những đứa con trai, con gái, Thằng Ba, Thằng Tư, Con Năm, Con Tám... đi lâu cả năm trời nhưng không thấy về nữa! Có lẽ chúng đã hy sinh, hay đang nằm ở chuồng Cọp - Côn Đảo, Phú Lợi, Thủ Đức, Biên Hòa...</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"> </span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"> Lòng mẹ chắc phải xót xa lắm, nhưng nào dám hỏi ai (e rằng vi phạm điều bí mật của cách mạng chăng?). Thương chúng nó mới mười tám đôi mươi, đang tuổi ăn tuổi học mà phải chịu lìa xa gia đình cha mẹ để dấn thân vào nơi gian khổ hiểm nguy. Nhưng mà chúng nó chiến đấu cừ lắm! Nào biểu tình xuống đường ác chiến với cảnh sát, với lựu đạn cay, dùi cui, súng đạn, nào đốt xe Mỹ, chiếm tòa đại sứ Lonnol hàng chục ngày liền, những trận đánh diệt Mỹ, diệt ác vang dội ngay giữa sào huyệt địch. Cứ mỗi lần nghe HSSV xuống đường, hay Sài Gòn thắng lớn là vẻ mặt của các ba các má, bà con ngoài căn cứ hớn hở: Trong thành phố chúng nó có các ba các má phong trào. Ngoài căn cứ chúng cũng có hàng trăm hàng nghìn các ba các má nữa đây, sẵn sàng trợ lực hết mình!<br />
Đã hơn 30 năm kể từ ngày giải phóng, các ba, các má lần lượt ra đi gần hết, mà các con vẫn hàng năm về thăm lại gia đình các ba các má năm xưa mong đền đáp phần nào cái ân tình sâu nặng ấy. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Bàn đạp giao liên, mạch máu tuần hoàn giữa căn cứ với tổ chức cách mạng trong đô thị, mười lăm năm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ là một nét son trong lịch sử căn cứ của Thành Đoàn. Dù trong bất cứ tình huống nào vẫn luôn bảo đảm thông suốt kịp thời bảo vệ được bí mật chỉ đạo, bảo đảm đưa đón khách an toàn và đặc biệt là chuyển tải một khối lượng lớn các loại vũ khí vào nội thành từ chất nổ, mìn, lựu đạn, súng ngắn đến tiểu liên AK… đáp ứng được yêu cầu chiến đấu mà không bị địch phát hiện. Đội ngũ là những cô gái, những chị, những mẹ và các em thiếu nhi, hầu hết là những người dân địa phương trong vùng căn cứ, có khi là lính Sài Gòn nhưng là con em gia đình tốt. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Cứ nhìn vào hệ thống kiểm soát dày đặc trên các trục đường vào thành phố, với những tên cảnh sát, mật vụ lành nghề, những tên chiêu hồi ác ôn có nhiều kinh nghiệm hiểu biết với đầy đủ các loại trang bị phương tiện phát hiện hiện đại của Mỹ thì mới thấy hết tinh thần dũng cảm, tấm lòng trung kiên với cách mạng, quyết tâm vượt khó và sự thông minh tài trí của đội ngũ cán bộ chiến sĩ bàn đạp giao liên. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong suốt 15 năm là một thành tích vĩ đại, thật đáng nể phục. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Mỗi chuyến đi công tác của các đồng chí vào trong đô thị là một quá trình nghiên cứu, tính toán chi ly để đối phó với những tình huống bất trắc nguy hiểm đang chờ chực phía trước, thực chất là sự đấu trí với hệ thống an ninh của Mỹ Ngụy. Có những chuyến mà người đi không trở về, những bí mật cách mạng thì được giữ trọn mang theo. Có những chuyến đi gian nan nguy hiểm không lường, tưởng chừng như chuyến đi Kinh Kha khó mà quay lại, nhưng các mẹ, các chị vẫn dũng cảm quyết tâm vượt qua. Công bằng mà nói, những chiến công chính trị vũ trang trong thành phố, dù nhỏ dù lớn đều có công lao thầm lặng nhưng góp phần quan trọng của đội ngũ cán bộ chiến sĩ bàn đạp giao liên, nhưng mấy ai nghĩ đến sự thật cũng đậm chất anh hùng đó!</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Giặc Mỹ và ngụy quyền tay sai gần như điên tiết vì cái căn cứ “quái ác” này của “bọn TNHSSV”. Từ nơi nào đó trong vùng căn cứ “ra lệnh”, thì y như rằng trong Sài Gòn bọn chúng bị ăn đòn, hết chính trị đến vũ trang, không xuống đường thì cũng diệt Mỹ diệt ngụy. Chúng tập trung mạng lưới tình báo, gián điệp tung vào vùng giải phóng để dò la, kết hợp với khai thác những người bị bắt. Khi phát hiện rồi, thì chúng tập trung lực lượng đánh phá, chí ít từ cấp tiểu đoàn trở lên. Đánh vào căn cứ là cả vấn đề... tổn thất. Đến nơi gọi là căn cứ thì chẳng thấy dấu vết nào của HSSV mà chỉ toàn đụng độ với bộ đội hoặc du kích. Năm thì mười họa vớ được thùng tài liệu huấn luyện “công tác đô thị”, còn ban lãnh đạo TNHSSV thì biệt tăm! Không phải địch không mò đúng căn cứ. Chúng mò đúng đấy và mò liên tục. Nơi nào có căn cứ của Thành Đoàn mà chính quyền cách mạng địa phương quen gọi là cánh I.4 là nơi đó địch càn nhiều nhất, bom đạn tập trung nhiều nhất. Ta cố che giấu, nhưng lâu ngày địch dò theo qui luật hoạt động đánh hơi phát hiện. Chính vì vậy mà Thành Đoàn phải xây cứ dời cứ liên tục. Đó là một trong những đặc điểm của cứ Thành Đoàn. Con số căn cứ lên đến hàng vài mươi cái cũng có lý do đó. Phải nói là những lúc phụ trách xây cứ chịu đựng gian khổ và hy sinh nhiều nhất. Nhưng đó cũng là những cán bộ chiến sĩ làm công tác dân vận, “địa phương vận”, đồng thời là những tay súng chiến đấu và phối hợp chiến đấu cừ khôi, để được địa phương ưu ái chấp nhận cho “cắm dùi” ở những địa điểm tốt nhất; chu toàn nhất. Cũng như ở chiến trường đô thị, các anh chị vùng căn cứ chiến đấu rất ngoan cường. Trận càn Cedar Fall đầu năm 1967, trên 30.000 quân Mỹ đánh vào khu gọi là “tam giác sắt”, đánh vào căn cứ của Sở chỉ huy quân khu, khu ủy và khu đoàn TNHSSV Sài Gòn - Gia Định. Địch sử dụng hàng trăm máy bay chiến đấu, cả B52, xe tăng, xe ủi đất, chó bẹc giê, hơi độc và đặc biệt là đội quân “chuột cống” để đánh phá hệ thống địa đạo, tìm diệt đầu não của cách mạng Sài Gòn. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Hơn 20 ngày đêm địch “lột vỏ trái đất” - mệnh danh và thực tế của trận càn - từ một vùng là rừng xanh, bỗng chốc biến thành vùng đất trơ trụi bị cày nát bởi những hố bom và xe ủi đất, xe tăng. Mấy chục con người tuổi trẻ TNHSSV bị vây hãm dưới lòng địa đạo chịu đói chịu khát, chiến đấu chống càn. Rồi cuối cùng vẫn phải chịu tổn thất. Mười mấy con người trên chiếc ghe định mệnh vượt sông Sài Gòn đã lọt vào ổ phục kích của lính Mỹ, khi sắp sửa cặp bê bên kia: Nguyễn Văn Hiếu (Ba Thảo), Nguyễn Văn Sáu (Mười Cẩn), Tư Thanh... chìm dưới dòng nước. Có hơn 20 đồng chí Thành Đoàn đã hy sinh trong trận càn, nhưng không người nào chịu hàng giặc. Trận càn Manhattan tiếp theo, địch nhào vô đánh phá căn cứ, lúc Bùi Minh Trực, một sinh viên trí thức vừa tham gia trận cướp tàu địch lịch sử, vượt Côn Đảo trở về, đã chiến đấu anh dũng, không chấp nhận đầu hàng và đã hy sinh sau khi bắn đến viên đạn cuối cùng, diệt được nhiều tên Mỹ tại vùng căn cứ Thanh Tuyền. Trường hợp đồng chí Trần Quang Cơ, chấp nhận hy sinh, hô khẩu hiệu trước họng súng của kẻ thù tại vùng căn cứ Đức Hòa - Long An tháng 8 năm 1961, sau khi cố dìu một nữ đồng chí bị thương không còn đủ sức vượt qua cánh đồng bưng mênh mông đầy nước và cỏ năng. Nhưng chúng không thể nào biết được chúng vừa bắn chết một cán bộ lãnh đạo cao nhất của Thành Đoàn đang chỉ đạo phong trào TNHSSV vùng lên ào ạt tấn công chúng tại Sài Gòn trong khí thế Đồng Khởi. Đồng chí Hồ Vãn Minh (Tám Thiên), một cán bộ học sinh vừa ra khỏi nhà tù đã tìm về đơn vị, chấp nhận hy sinh bắn đến viên đạn cuối cùng, dứt khoát không chấp nhận chiêu hồi của địch. Đồng chí Lê Văn Ninh (Ba Thoại), Ủy viên Thường vụ Thành Đoàn phụ trách cánh học sinh cùng đồng chí Trần Trung Tín (Sáu Trúc) chịu chết ngộp dưới hầm bí mật, chứ không chịu lên để giặc bắt. Còn nhiều và rất nhiều nữa những tấm gương hy sinh anh hùng tương tự, quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Các đồng chí đã ra đi mang theo bí mật của vùng căn cứ. Địch càn qua rồi, nhưng chúng không thể nào biết được chúng vừa vào tận nơi đầu não chỉ đạo phong trào cách mạng của tuổi trẻ Sài Gòn từng uy hiếp chúng ngay giữa sào huyệt. Chúng cũng không thể nào biết được đã chạm trán với những con người mà ngày hôm qua họ từng chiến đấu chạm mặt chúng giữa các đường phố Sài Gòn. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Thật đáng trách, nếu ta không nhắc đến sự giúp đỡ đã trở thành ân tình sâu nặng của Đảng, mặt trận, đoàn thể các cấp, các đồng chí bộ đội, dân quân du kích địa phương, đặc biệt trực tiếp là xã, ấp đã hết lòng góp sức tạo điều kiện xây dựng căn cứ thuận tiện và an toàn nhất, cung cấp người ưu tú, kể cả cán bộ Đảng viên, lực lượng vũ trang cho công việc bảo vệ quản lý căn cứ, cung cấp người cho công tác bàn đạp giao liên, giữ gìn bí mật, phối hợp cùng chiến đấu bảo vệ mỗi khi địch càn quét đánh phá căn cứ, sẵn sàng chấp nhận hy sinh. Phải khẳng định một điều, không có vùng giải phóng, không có địa phương, không có chiến tranh cách mạng của bộ đội dân quân du kích để giữ vững thành quả cách mạng thì không thể có căn cứ của Thành Đoàn chúng ta! Và những liệt sĩ của căn cứ Thành Đoàn ngoài những lúc trong đô thị phần lớn cũng là người địa phương: Ba Quyền, Năm Khởi, Tư Thanh, Tư Thắng, Út Nhất, Chín Sáng, Hồng Liên, Mười Nam, Bé Khanh, Phạm Thị Thu Vân (Bảy Thủy), Võ Thị Bua (Chín Phương)…</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Mỗi trường hợp hy sinh đều rất thương tâm, người chìm dưới nước, người chết không toàn thây, giặc kéo lê xác đi để đến sình thối. Bé Khanh bị bom napan cháy như cây đuốc đang khi tắm, Bảy Thủy, Chín Phương ngã xuống trên đường dẫn bộ đội tiến vào thành phố trong trận Mậu Thân. Chị Vũ Thị Tiết (Mười Hai), y sĩ hy sinh cùng tất cả thương binh trong bệnh viện dã chiến do bọn biệt kích bất ngờ đánh điểm. Mộ chị cùng mộ các thương binh lại bị bom B52 vùi không còn dấu vết…</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Mỗi trường hợp hy sinh là cái tang chung của Thành Đoàn, ngậm ngùi đau xót bởi mất mát cái thân thương yêu quí như ruột thịt, nhưng không ai chùn bước, không ai rời bỏ đội ngũ, mà ngược lại đau thương đã biến thành căm thù, thành sức mạnh tiến công giặc Mỹ, giặc Ngụy nhiều hơn nữa để trả thù cho đồng chí đồng đội. Có thể nói 15 năm lịch sử căn cứ của Thành Đoàn, cũng là khúc bi tráng kéo dài 15 năm, mà từ đó mỗi đồng chí đều rắn rỏi hơn trưởng thành hơn như “thép đã tôi”. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Nếu không kể hết được những trường hợp hy sinh như thế của các liệt sĩ Thành Đoàn, những nghĩa tình sâu nặng của Đảng bộ và nhân dân vùng căn cứ thì chúng ta, những thế hệ đang sống hôm nay không thể và không được quyền quên lãng…</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Căn cứ Thành Đoàn, mái nhà che chở, bảo vệ tổ chức, cán bộ cách mạng ở thành phố khi gặp nguy hiểm, đồng thời cũng là mái ấm tình thương của đại gia đình TNHSSV cách mạng Sài Gòn. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Đang công tác trong lòng địch, có thư trên gọi về căn cứ, ai cũng phấn khởi sung sướng tràn trề: về lại căn cứ là về lại đại gia đình của những đứa con đi xa, nơi đó sẽ gặp lại bạn bè đồng chí, đồng đội, các ba, các má thân thương nói cười, tâm sự, hát ca thỏa thích bù lại những ngày công tác chiến đấu gian khổ, căng thẳng từng giờ từng phút trong lòng địch. Có khi gặp lại cả người mình yêu cho dù chưa một lần tỏ tình cũng đủ thấy hạnh phúc biết bao, huống hồ với những lứa đôi đã thành vợ chồng hay đã công khai tình yêu cho nhau. Nhưng điều phấn khởi lớn là được nghe trên phổ biến tình hình thắng lợi của cách mạng trên khắp mọi miền, nghe chỉ đạo phổ biến kế hoạch phân công vào trận mới, nhiệm vụ mới, hoặc được học tập triển khai Nghị quyết hay tham dự các lớp học đào tạo bồi dưỡng. Nào lúc A, lúc B chuẩn bị lên R học lớp sơ trung, trung cao chính trị, hay chuyển ngành. Nào đồng chí C được chuẩn bị kết nạp Đảng. Anh H, chị T sắp làm lễ tuyên hôn... Có vài đồng chí cũng hơi buồn vì điều lắng lâu dài chưa biết ngày nào trở vào chiến trường đô thị, vì anh, chị đã bị lộ rồi, phải chờ… thôi! Có người đến căn cứ như một chuyến tham quan, nhưng khi trở về thì trở thành người cách mạng vì ở đó họ đã nghe, đã chứng kiến và đã sống cùng với những con người tuổi trẻ yêu nước, mang lý tưởng hoài bão cao đẹp mà họ không thể không nhập cuộc. Có người từ căn cứ này trưởng thành là cán bộ lãnh đạo. Có người tại nơi đây gặp được bạn đời lý tưởng. Nhiều người khi bị địch bắt nhớ về căn cứ, nhớ đại gia đình TNHSSV nơi đây càng tăng thêm sức chiến đấu trong tù mong có ngày trở về đoàn tụ với niềm tự hào vẫn đứng trong đội ngũ. Nhiều người khi ra khỏi nhà tù chỉ mong sớm trở về căn cứ, trở lại đơn vị để tiếp nối con đường cách mạng của tuổi trẻ. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Những ngày sống ở căn cứ Thành Đoàn là những ngày hạnh phúc, một thứ hạnh phúc không yên bình, hạnh phúc trong gian khổ, trong chiến tranh ác liệt nhưng là những kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên được trong đời đối với bất cứ ai, những TNHSSV đã từng một thời tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thời gian càng lùi xa thì lòng nhớ thương càng da diết!</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Căn cứ Thành Đoàn của chúng ta anh hùng nghĩa tình là thế đấy! Mong rằng tuổi trẻ hôm nay kế thừa sự nghiệp của những người đi trước, các bạn đang tiến quân vào sự nghiệp cách mạng mới xây dựng và bảo vệ tổ quốc XHCN, trên ba lô hành trang cần thiết của các bạn, chắc chắn sẽ có cái gia tài truyền thống lịch sử anh hùng đầy tự hào này. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
<em>Từ hôm nay, website Thành Đoàn trích đăng những bài viết, tư liệu về căn cứ Thành Đoàn Sài Gòn – Gia Định năm 1960 – 1975 để thế hệ trẻ nhớ về một thời chiến đấu anh hùng của các anh hùng liệt sĩ Thành Đoàn, tấm lòng của bà con vùng cứ chở che, yêu thương cán bộ kháng chiến,… và còn nhiều lắm những tình cảm, chia sẻ mà các cô chú trong Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn muốn gửi đến thế hệ trẻ qua những trang viết đầy tình cảm.</em><br />
</span></span></div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><strong>CLB TRUYỀN THỐNG THÀNH ĐOÀN</strong><br />
</span></span></div>
</meta>
</div>
<div><span style="font-family: Arial;"><br />
</span></div> </html>