<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div>
<meta content="text/html; charset=utf-8" http-equiv="Content-Type">
<title></title>
<div style="text-align: justify;"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Lược sử căn cứ Thành Đoàn Sài Gòn – Gia Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ</span></span></strong></div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><strong><span style="font-family: Arial;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);">PHẦN MỘT - Hoàn cảnh và chủ trương dẫn đến sự hình thành căn cứ Thành Đoàn </span></span></strong></span></div>
<div style="text-align: left;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span></span></div>
<table border="0" align="left" width="178" height="297" cellspacing="1" cellpadding="1">
<tbody>
<tr>
<td>
<div><img width="159" height="257" alt="" src="img757.jpg" /></div>
<div><em><span style="font-size: small;">Đồng chí Võ Văn Kiệt </span></em></div>
<div><em><span style="font-size: small;">trong kháng chiến chống Mỹ</span></em></div>
</td>
</tr>
</tbody>
</table>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 giữa chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chính phủ Pháp về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, các lực lượng vũ trang của ta ở miền Nam (từ vĩ tuyến 17 trở vào) tập kết ra Bắc và các lực lượng vũ trang của Pháp và Chính phủ Bảo Đại ở phía Bắc tập kết vào miền Nam Việt Nam. Đất nước bị chia đôi từ sông Bến Hải. Hiệp định Giơ-ne-vơ quy định nhà đương cuộc 2 bên tạm thời quản lý 2 miền: Nam - Bắc, và có trách nhiệm cùng nhau hiệp thương để tiến tới tổng tuyển cử toàn quốc, lập ra một chính quyền Việt Nam thống nhất vào năm 1956. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Với mưu đồ chia cắt lâu dài đất nước ta, đế quốc Mỹ đã thay thế vai trò xâm lược của Pháp, đưa Ngô Đình Diệm về nước làm Thủ tướng Chính phủ Miền Nam, tiến hành các trò truất phế Bảo Đại, nắm toàn bộ chính quyền miền Nam; thiết lập một quốc gia riêng với tên gọi Việt Nam Cộng hòa; tuyên bố chống Tổng tuyển cử theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, dẹp tan các lực lượng vũ trang của giáo phái do Pháp lập ra từ trước, tuyên bố chống Cộng; ngay từ những tháng cuối năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đã công khai khủng bố những người kháng chiến chống Pháp; coi đó là đối tượng phải bị tiêu diệt về chính trị, hòng thiết lập vững chắc, lâu dài một chế độ thực dân kiểu mới với các chiêu bài dân chủ giả hiệu, quốc gia dân tộc giả hiệu…</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Về phía ta, sau khi hoàn tất việc tập kết và chuyển quân theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, chuyển giao việc quản lý hành chánh ở miền Nam Việt Nam - cho chính quyền Liên hiệp Pháp - Bảo Đại; Đảng Lao động Việt Nam ở miền Nam chuyển vào bí mật. Việc chuyển toàn bộ Đảng bộ miền Nam vào hoạt động bí mật là công việc to lớn và phức tạp; từ là tổ chức lãnh đạo toàn bộ công cuộc kháng chiến, hoạt động công khai trước quần chúng - nhưng nhờ sự tín nhiệm và ủng hộ của nhân dân, cùng với kinh nghiệm hoạt động, công việc chuyển vào bí mật đã được hoàn tất thuận lợi, tổ chức của Đảng luôn giữ được xuyên suốt, đã hình thành cơ cấu mới ở toàn miền Nam. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Từ tình hình và nhiệm vụ mới, Trung ương Đảng giải thể Trung ương Cục miền Nam, lập lại Xứ ủy Nam Bộ. Và tháng 10/1955, Xứ ủy Nam Bộ quyết định thành lập mới Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, thay cho Đặc Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn thời chống Pháp.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> <br />
Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn bắt đầu hoạt động, được tăng cường nhiều cán bộ trung kiên với năng lực và kinh nghiệm dày dặn được bố trí ở lại miền Nam. Các cán bộ này, bằng nhiều cách, nhiều mối quan hệ khác nhau, đã trở về Sài Gòn hoạt động. Trong thời gian này, các tổ chức cơ sở nội thành vẫn tồn tại bí mật hoạt động. Các cán bộ, đảng viên nói chung, về bám trụ, tự tạo “vỏ bọc”, tồn tại hợp pháp trong lòng địch, tạo giấy tờ tùy thân hợp pháp, xây dựng tác phong ăn ở, đi lại, nghề nghiệp phù hợp để che dấu hoạt động của mình. Quan hệ với nhau đều theo nguyên tắc hoạt động bí mật, phải nghi trang hợp lý. Các cuộc họp chi bộ, cấp ủy… đều diễn ra phần lớn tại chỗ ở nội thành, có khi một chỗ khác ở ngoại thành hoặc ở các tỉnh lân cận, dựa theo các mối gia đình thân quen, có khi do tổ chức giới thiệu. Công tác học tập chính trị, tùy theo yêu cầu, tình hình, khả năng cho phép mà bố trí, đảm bảo an toàn lúc đến, lúc đi cũng như lúc sinh hoạt bình thường. Nhiều trường hợp có yêu cầu cần thiết, ta cũng đồng ý một số cơ sở xây hầm bí mật cất dấu tài liệu hoặc để bảo vệ cán bộ khi gặp địch ruồng xét nguy cấp. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Hoạt động theo phương thức bí mật, trong tình hình đó bị hạn hẹp nhiều mặt. Nhiều trường hợp phải thu hẹp những yêu cầu hoạt động, tuy vậy, cán bộ ta phải sống và hoạt động trong tình thế hiểm nguy, nhất là khi giặc truy lùng ráo riết. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Dưới chính sách “tố cộng và diệt cộng” thâm độc và tàn bạo của Mỹ - Diệm, nhiều cơ sở cách mạng, nhiều cấp lãnh đạo Khu ủy đã bị lộ bể, bị bắt bớ, tra tấn, bị tù và bị giết chết. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tổ chức Đảng trong học sinh, sinh viên tại Sài Gòn - Chợ Lớn là một bộ phận của Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Từ năm 1955, tổ chức này đã trải qua nhiều hình thái: có lúc được bố trí chung với giới giáo chức, từ đầu năm 1958, lại được tách riêng ra, hình thành Liên chi ủy. Các tổ chức Đảng trong học sinh, sinh viên, nhìn chung đã góp phần tích cực và có hiệu quả vào cuộc vận động cách mạng trong giới, toàn diện các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Và cơ sở đó đã bám chặt phong trào quần chúng, dấy lên những cuộc đấu tranh đòi hòa bình, đòi hiệp thương tổng tuyển cử, đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ (thời kỳ 1955 - 1958). </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Với luật 10/59, Mỹ - Diệm truy lùng tổ chức và cán bộ ta đang hoạt động tại đô thị. Với bộ máy chính quyền to lớn, chúng đã đàn áp, bắt, bỏ tù và giết nhiều cán bộ của ta. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Về phía ta, với tinh thần bất khuất, kiên cường và mưu trí, quyết tâm bám sát cơ sở, bám sát quần chúng học sinh, sinh viên, thực hiện nhiệm vụ cách mạng của mình không bao giờ ngưng nghỉ. Nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng cách mạng, đã chấp nhận hy sinh, chịu đựng tra tấn, tù đày. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Mãi đến năm 1958 trở về sau, phương thức hoạt động nhiều tổ chức hầu như phải sinh hoạt đơn tuyến, để tránh lộ bể, bảo vệ tổ chức. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Chế độ độc tài, khủng bố của Mỹ - Diệm đã tạo ra sự căm phẫn, bức xúc trong toàn bộ nhân dân miền Nam và tình hình đang mong chờ một sự đổi mới!</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Nghị quyết lần thứ 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng tháng 7/1959 ra đời đã đem đến cho Đảng bộ và nhân dân miền Nam một luồng sinh khí mới, làm bật dậy phong trào đồng khởi của cách mạng miền Nam! Nghị quyết nêu: “…Cách mạng Việt Nam ở miền Nam nói chung, không thể đi ra ngoài quy luật chung của cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa phong kiến từ trước tới nay, cho nên con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân”. Thế là các nơi nổi dậy phá rã ách kềm kẹp, diệt ác, phá tề, làm sụp đổ từng mảng lớn chính quyền Mỹ - Diệm ở nông thôn. Nhiều vùng giải phóng mở ra. Phong trào vũ trang nhân dân chống Mỹ - Diệm hình thành và phát triển mạnh mẽ, phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân ta ở nông thôn phát triển khắp nơi nơi. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tình hình mới đã tác động mạnh mẽ tới các tầng lớp nhân dân đô thị. Nhu cầu và khí thế cách mạng dần lên cao… Sự đòi hỏi khách quan về hoạt động của các tổ chức cách mạng cũng tăng lên theo yêu cầu của phong trào. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tình thế cách mạng là như vậy, điều kiện cũng đã cho phép, vùng giải phóng hay vùng mà chính quyền Mỹ - Diệm mất khả năng kiểm soát, cũng đã xuất hiện rõ ràng, đặc biệt là các vùng từ Củ Chi, Trảng Bàng, Bến Cát… cũng đã mở ra ngày càng rộng và ổn định: tất cả đòi vũ trang giải phóng!</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Từ thực tiễn hoạt động những năm trước và từ tình hình, nhiệm vụ mới đầu năm 1960, theo đề nghị của Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Xứ ủy quyết định nhập tỉnh Gia Định vào Khu Sài Gòn - Chợ Lớn, thành lập mới Khu Sài Gòn - Gia Định. Khu ủy Sài Gòn - Gia Định gồm có các đồng chí lãnh đạo hai cấp ủy trước, đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư. <br />
Từ bấy giờ, việc xây dựng căn cứ cách mạng là một đòi hỏi tất yếu thuộc đường lối chiến lược, được triển khai và đã định hình nhanh chóng. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Sau hai lớp học Rừng Già và Rừng Xanh dành cho cán bộ cốt cán của học sinh sinh viên, tháng 8/1960, Khu ủy chủ trương cho thành lập các căn cứ riêng trực thuộc Ban cán sự học sinh sinh viên, với sự giúp đỡ của các địa phương; Căn cứ Thành Đoàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bắt đầu từ đó. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Căn cứ là hậu cứ của Ban cán sự học sinh sinh viên lúc bấy giờ, là nơi trú đóng của cơ quan Ban cán sự, cùng các tổ chức bộ máy cơ quan trực thuộc mà không thể trú đóng an toàn trong nội thành (lúc bây giờ và cả về sau, nội thành luôn là tiền phương; căn cứ địa, hậu cứ là ở nông thôn, rừng núi). </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Với mối quan hệ này, việc chọn địa bàn xây dựng căn cứ thuận lợi, việc ra vào căn cứ an toàn luôn phải cân nhắc. Cuộc sống linh hoạt hàng ngày phải tin dựa vào dân. Các cơ quan lãnh đạo và chuyên môn thì trú đóng ở vùng trong, nơi phong trào vũ trang của nhân dân khá mạnh. Các tổ chức giao liên, bàn đạp cần phải thường xuyên hoạt động trong thế hợp pháp và phải uyển chuyển giữa hai vùng ta và địch. Căn cứ nào cũng phải gắn liền với nhiều “bàn đạp” khác nhau, ở nhiều hướng khác nhau, tùy nơi mà bố trí xây dựng. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Ngoài căn cứ chính, hệ thống căn cứ Thành Đoàn còn bao gồm nhiều căn cứ lớn nhỏ, nhằm giải quyết những nhiệm vụ riêng biệt, cục bộ và cũng phải phù hợp với tình hình phong trào cách mạng tại địa phương. Đồng thời, việc nào không thể giải quyết ở nội thành (vùng A), thì đưa ra giải quyết ở căn cứ (vùng B). Và tất cả nhiệm vụ ở căn cứ chủ yếu là để phục vụ tốt cho phong trào phát triển đô thị. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Căn cứ cách mạng Thành Đoàn đã thực hiện các lớp huấn luyện, đào tạo hàng ngàn lượt cán bộ phong trào, đảm bảo cho việc điều lắng hàng trăm lượt cán bộ bị lộ, được an toàn, để chỉ sau đó ít lâu trở lại đô thị tiếp tục chiến đấu, lãnh đạo phong trào. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Căn cứ Thành Đoàn luôn luôn được đưa vào trong sự chăm lo, giúp đỡ của các đảng bộ địa phương và rộng rãi nhân dân trong vùng trú đóng. Các Đảng bộ địa phương luôn coi đó là nhiệm vụ cách mạng được giao, nhân dân coi đó là tình thương, là trách nhiệm, đậm đà và cao quý. Cũng thông qua quá trình hoạt động ở vùng căn cứ, Thành Đoàn đã vận động, thu nhận được nhiều cán bộ từ phía các gia đình, sau này có nhiều đồng chí là cán bộ ưu tú của Đảng. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Căn cứ Thành Đoàn nằm trong hệ thống căn cứ cách mạng, luôn luôn được bố trí liên lạc thông suốt với Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, với hai hệ thống: hệ thống “đường dây giao liên hợp pháp” và hệ thống “đường dây giao liên vũ trang”. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Dưới áp lực của cuộc chiến tranh tàn bạo của đế quốc Mỹ, căn cứ Thành Đoàn đã phải di chuyển và mở rộng ra ở nhiều tỉnh, từ Miền Đông, triển khai tới Miền Tây Nam Bộ, Long An, Mỹ Tho, Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ, … có lúc sang cả nước bạn Campuchia. Căn cứ Thành Đoàn luôn cơ động, đảm bảo nhiệm vụ chiến lược, đáp ứng kịp thời và hiệu quả các đòi hỏi của phong trào đô thị</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Căn cứ Thành Đoàn là mục tiêu triệt phá, là nỗi nhức nhối của kẻ thù. Chúng bố trí thường xuyên mạng lưới chốt chặn, mật báo, gián điệp theo dõi các hoạt động ra vào của ta, đặt các trạm kiểm soát gắt gao trên các trục lộ, các cửa ngõ tiếp giáp, nơi chúng nghi ngờ hoặc phát hiện địa bàn căn cứ Thành Đoàn. Những trận càn quét lớn nhỏ diễn ra thường xuyên, nhiều trận ác liệt, đã gây cho ta những thiệt hại to lớn, nhiều cán bộ đã hy sinh, bị bắt, bị tra tấn dã man. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Cuộc chiến đấu ở vùng căn cứ Thành Đoàn do lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân đảm trách. Cán bộ, chiến sĩ căn cứ Thành Đoàn đã hòa nhập vào cuộc chiến đấu chung ấy, rất gian khổ song cũng rất vinh quang. Người chiến sĩ bảo vệ căn cứ, cán bộ đô thị đi vào căn cứ, du kích địa phương, bộ đội chủ lực, đã chiến đấu và đã hy sinh để duy trì sự liên tục của căn cứ Thành Đoàn. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Dù kẻ thù có thâm độc tới đâu, căn cứ Thành Đoàn trải qua những năm gian khổ đầy ác liệt hy sinh đã tồn tại và phát triển trong lòng cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc cho đến thắng lợi cuối cùng. Trong cuộc chiến đấu này, nghĩa tình sâu nặng của nhân dân với cán bộ, chiến sĩ, quần chúng cách mạng của Thành Đoàn đã phát sinh, nảy nở, gắn bó keo sơn ngày càng bền chặt. Chính vì vậy mà trong bất cứ tình huống khó khăn, gian nan thử thách nào chúng ta cũng vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đến hơn 30 năm từ sau ngày giải phóng, Thành Đoàn, Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn cùng đông đảo cán bộ của các thời kỳ đã liên tục hàng năm vào ngày lễ Tết, tổ chức các đoàn cán bộ về hầu hết các vùng căn cứ kháng chiến cũ xưa để gặp lại, viếng thăm bà con nhân dân, Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể địa phương, các ba, các mẹ, anh chị em gia đình địa phương. Cũng tại các vùng đất thiêng này, nhiều công trình đền ơn đáp nghĩa được xây dựng hoàn thành. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Với cán bộ Thành Đoàn các thời kỳ và ngày nay, nghĩa tình của các thời kỳ ấy phải được ghi lại trong tâm trí và trong truyền thống Đoàn, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào và công ơn ấy phải được đền đáp bằng tất cả tấm lòng, sống vì nước, vì dân của các thế hệ thanh niên thành phố Hồ Chí Minh.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><a href="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/webtd/vn/default.aspx?cat_id=660&news_id=15928"><strong>Thành Đoàn</strong></a></span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
<br />
</span></span></div>
</meta>
</div> </html>