<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div>
<meta content="text/html; charset=utf-8" http-equiv="Content-Type">
<title></title>
<div style="text-align: center;"> </div>
<span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">
<div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong>PHẦN BA</strong></span><strong> - </strong><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong>Hệ thống căn cứ Thanh niên - Học sinh - Sinh viên trong giai đoạn chống Chiến tranh Cục bộ của Mỹ (1965 - 1968)</strong></span></div>
</span></span>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
<strong>I. Xây dựng hệ thống căn cứ trên địa bàn đồng bằng Trung Nam Bộ từ 1965 – 1967:</strong><br />
<br />
Giữa năm 1965, Mỹ chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ, đưa thực binh Mỹ vào trực tiếp xâm lược Việt Nam, thay vai trò quân Ngụy trong chiến lược “tìm diệt” quân giải phóng và đầu não lãnh đạo cách mạng miền Nam, đẩy quân Ngụy xuống vai trò thứ yếu giữ và bình định. Trọng điểm “tìm diệt” của Mỹ là miền Đông Nam Bộ, Mỹ Tho, Long An và cực Nam Trung Bộ, đặc biệt là chiến khu Đ, chiến khu Dương Minh Châu, thủ phủ của Trung ương Cục, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và quân giải phóng. Địa bàn bình định chủ yếu của quân Ngụy là đồng bằng sông Cửu Long. <br />
<br />
Tháng 3/1965, Mỹ đã đưa 3.500 thủy quân lục chiến, đơn vị đầu tiên đổ bộ lên Đà Nẵng. Đến cuối năm quân viễn chinh đã có 184. 000 tên, trong đó có 20.000 quân “đồng minh”. Với các đơn vị sừng sỏ như Sư đoàn Bộ binh số 1 (Anh Cả Đỏ), Sư đoàn Bộ binh 25 (Tia chớp nhiệt đới), Sư đoàn kỵ binh bay số 1, Sư đoàn Bộ binh 9, Sư đoàn Không vận 101, Lữ đoàn dù 173, Trung đoàn Kỵ binh thiết giáp 11, Lữ đoàn Bộ binh nhẹ 199, Lữ đoàn Hoàng gia Úc số 1, tiểu đoàn pháo binh Tân Tây Lan và một số đơn vị Nam Hàn. Mỹ xây dựng ồ ạt ngay hệ thống căn cứ liên hợp quân sự Long Bình (Biên Hòa), Thủ Đức, Dĩ An, Đồng Dù (Gia Định), Rạch Kiếng (Long An), Lai Khê (Bình Dương), Trảng Lớn (Tây Ninh), tăng cường đánh phá ác liệt vào Củ Chi, Bến Cát với mật độ bom pháo dày đặc, hòng ngăn chặn, giải tỏa áp lực tiến công của quân giải phóng đối với Sài Gòn và các vị trí quan trọng. Mỹ tổ chức ngay chiến dịch phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất 1965 - 1966, tiến hành hàng loạt các cuộc càn quét, sử dụng cả B52, tàn phá dữ dội mọi địa hình, nhà cửa ruộng vườn như các trận càn Marauder, Crimp, Mastib, Rolling Stone, Sweep, Hatties-burg, Silver City, Mali, Whinwee, Birmingham, Austin, Hardi Hood, Deed đánh vào Hậu Nghĩa, Hố Bò An Nhơn Tây, bắc Củ Chi, Bời Lời, Nhà Đỏ Bông Trang (Bình Dương), Bến Cầu (Tây Ninh) chiến khu Đ, chiến khu Dương Minh Châu, Dầu Tiếng, Phước Long, Bà Rịa, khu vực căn cứ Trung ương Cục. Chiến dịch mùa khô lần thứ nhất của Mỹ bị thất bại, thiệt hại thương vong nặng, buộc phải kết thúc vào tháng 5/1966, sớm một tháng, nhưng mức độ tàn phá cũng hết sức lớn. Trên cơ sở đó, chúng lùa dân vào các khu, ấp chiến lược do chúng kiểm soát, tạo ra vùng oanh kích tự do. Các căn cứ, bàn đạp giao liên bị ảnh hưởng nặng nề, có nơi hy sinh, có nơi không thể cất nhà, căn lều, mà phải sống dưới hầm. Việc đưa đón khách ra vào bị kiểm soát nghiêm ngặt, cực kỳ khó khăn, trong khi phong trào đô thị trước sự xâm lược của Mỹ gây ra làn sóng căm phẩn trong các tầng lớp nhân dân, tiếp tục dâng cao với nội dung chống Mỹ xâm lược, đòi lật đổ chính quyền Thiệu - Kỳ và với mức độ bạo lực rất quyết liệt so với thời kỳ trước. Trước tình hình nói trên, Khu ủy chỉ đạo chuyển dần căn cứ về các tỉnh đồng bằng, nơi có dân cư đông đúc bảo bọc che chở, mức độ bom pháo, càn quét ít ác liệt hơn, đường ra vào cứ thuận lợi, hợp pháp, để đáp ứng kịp thời phong trào đô thị. <br />
<br />
<strong>1965 - 1966:</strong><br />
<br />
- Xã Thanh Tuyền, xã Thạnh An (Bến Cát - Bình Dương)<br />
<br />
- Xã Nhuận Đức, Ấp Bến Cỏ, xã Phú Hòa Đông, xã Trung An, xã Trung Lập Thượng (Củ Chi)<br />
<br />
Căn cứ Thường trực khu đoàn, Văn phòng và Ban tuyên huấn vẫn còn đóng tại Thanh Tuyền. Vào cuối năm 1965, một Hội nghị quan trọng của Khu Đoàn được tổ chức tại Thanh Tuyền, tổ chức thêm 5 phân khu đoàn gồm: Phân khu Đoàn Bình Tân gồm có Đặng Công Tâm (Sáu Học), Nguyễn Văn Tư (Bảy Phát), Lê Tú Cẩm (Chín Anh), Nguyễn Thành Hiếu (Ba Thảo) do đồng chí Nguyễn Đông Hà phụ trách; Phân khu Đoàn Nhà Bè có Đặng Quốc Hải, Lê Thị Bạch Cát, Thái Văn Trung (Hai Trung), đồng chí Cường…; Phân khu Đoàn Dĩ An: Đặng Công Danh, Trần Văn Phước… do đồng chí Nguyễn Thị Tràm (Ba Võ) phụ trách; phân khu Đoàn Thủ Đức gồm các đồng chí Bạch Ngọc Giao, Trần Văn Đông (Năm Luận), Phan Thanh Hòa, Phan Hồng Quân (Năm Bình) và phân khu Đoàn Củ Chi. Các phân khu Đoàn trên đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các phân Khu ủy tương ứng. Đồng chí Phạm Trọng Danh được chuyển về làm Bí thư phân Khu ủy Bình Tân. Đồng chí Hồ Hảo Hớn (Hai Nghị) được bổ sung vào khu ủy, làm Bí thư khu Đoàn. <br />
<br />
Năm 1966, các cánh Võ trang, Thanh niên công nhân lao động ở Nhuận Đức đều nằm trong trận càn, phối hợp với du kích địa phương chống càn, đăng ký lên vành đai diệt Mỹ, rất hăng hái. Nằm ngay trên vành đai bảo vệ căn cứ Đồng Dù, bị địch chà xát ác liệt, cơ quan ăn cái Tết cuối cùng dưới bom đạn Mỹ rồi dời về căn cứ Phước Vân, Long Khê huyện Cần Đước tỉnh Long An đã được xây dựng từ năm 1964. Ban quân sự rời Củ Chi về Thanh Tuyền (Bến Cát) nhưng chỉ để lại đây một bộ phận hậu cần làm nhiệm vụ tiếp nhận vũ khí chuyển về căn cứ Vườn Thơm và Phước Vân đã xây dựng trước để chuyển vào nội thành. Giao liên bàn đạp vẫn chốt lại Phú Hòa Đông, Trung An, Trung Lập Thượng Củ Chi. <br />
<br />
Năm 1966, tại ấp Bến Cỏ, Phú Hòa Đông, một đồng chí cán bộ cánh võ trang Nguyễn Văn Ngó (Út Ròm) ra làm việc ở nhà chị Ngại, cơ sở bàn đạp. Lính càn tới, chị dẫn đồng chí ra hầm bí mật. Địch phát hiện bắn chị bị thương, tra khảo đến chết nhưng chị không khai. Đến tối, địch rút, không thấy chị trở ra, đồng chí lần mò vào nhà, thấy nhà trống không, máu me, bông băng vẫn còn đó, hỏi thăm du kích mới hay sự việc đau lòng, nhưng thật là dũng cảm. <br />
<br />
Những tháng đầu năm 1966, bộ phận sinh viên học sinh (S 13) vẫn còn phải ở lại Phú An. Chủ yếu làm nhiệm vụ nối liên lạc với trên. Đồng chí Phạm Kim Dung (Sáu Dung) phụ trách căn cứ này. Trước đó, vào giữa năm 1965, bé Khanh, nữ giao liên công khai, 15 tuổi bị bom napan phủ lên người trong lúc đang tắm, hết sức thương tâm và hy sinh tại bệnh viện sau đó. <br />
<br />
Sau, căn cứ bị bom trúng ngay miệng địa đạo, nhưng rất may, các đồng chí đã chuyển đi trước đó. Căn cứ giờ đây qua trận càn, bom đạn cày nát địa hình, phải đào hầm ở để tránh bom pháo và không để máy bay địch phát hiện. Một thời gian sau, căn cứ sinh viên chuyển về Long Cang, Bến Lức, đóng ở nhà chị Mười Ái, chị Năm Rớt, địa hình chủ yếu là dừa nước dọc theo kênh rạch và vườn cây, có đào hầm bí mật, giống như ở Phước Vân - Long Khê. Một buổi sáng cuối năm 1966, lính biệt kích Ngụy vào đến gần căn cứ (Nhà chị Mười Ái, chị Năm Rớt) lực lượng bảo vệ mới phát hiện. Tất cả anh chị em chạy xuống lá chém vè thì lính ập tới. Sợ giặc lùng sục và phát hiện được, chị Năm Rớt nhanh trí đánh lừa chúng. Chị vào nhà, bế thằng con trai 5 tuổi chạy riết ra biển vừa tắm cho bé, vừa đánh vừa la lớn: “Mới sáng sớm mà lội sông rạch phá phách”. Bé khóc nức nở, hai mẹ con làm ầm cả xóm. Dấu vết anh em vừa lội xuống rạch nhờ đó được “hợp pháp hóa”. Bọn địch thấy vậy không nghi ngờ gì bỏ đi. Cũng vào cuối năm 1966, đồng chí Phan Quốc (Sáu Phong) vào cứ học Nghị quyết qua ngả Bến Lức. Trên đường vào, đồng chí bị một tên cảnh sát chìm chặn lại hỏi giấy tờ, thấy đồng chí người Quảng Nam nó nghi, bắt đồng chí dẫn đi đến nơi khai là thăm bà con. Dọc đường, đồng chí đánh ngã tên cảnh sát, nhảy xuống sông lội qua bên kia bờ. Lên bờ lại bị du kích bắt, sau đó được đưa về cứ. Lúc này đang vào chiến dịch bình định, địch càn quét thường xuyên, lùng sục bắn phá dữ dội vào các địa hình. <br />
<br />
Cuối năm 1966, một trận càn lớn rất ác liệt, lính Mỹ từ Bến Lức dàn hàng ngang càn sát biền lá sông Vàm Cỏ Đông, nơi lực lượng cánh sinh viên ẩn núp, chém vè. Tàu địch trên sông lên xuống bắn phá, nên anh chị em không thể vượt sông tránh càn. Trời mùa đông lạnh lẽo, các đồng chí nằm dưới biền nước lạnh buốt chịu suốt hai ngày đêm. Trận càn này Mỹ giết nhiều thường dân, trâu bò…<br />
<br />
Dù vậy, sau càn, cán bộ cơ sở và đồng bào vẫn bám trụ vững vàng. Đường ra vào cứ trở nên khó khăn, địch kiểm soát nghiêm ngặt, mức độ pháo bắn ngày một tăng, căn cứ hoạt động rất hạn chế. <br />
<br />
Đồng chí Đặng Thiện, Đoàn ủy cánh sinh viên, phát hiện thông qua đồng chí Tư Sĩ, xã Thanh Hưng huyện Cái Bè - Tiền Giang, là vùng giải phóng tương đối yên bình, dân cư đông đúc, xuồng ghe ra vào tấp nập. Cánh sinh viên rời khỏi căn cứ Long Cang - Long Định để chuyển về Thanh Hưng. Tuy tồn tại chỉ một năm, nhưng căn cứ Long Cang cũng mở được nhiều lớp học, hội nghị và đảm bảo được đường dây chỉ đạo đáp ứng được yêu cầu của phong trào nội thành. <br />
<br />
Căn cứ chính của học sinh ở Núi Dinh vẫn còn tồn tại đến tháng 5/1966. Từ giữa cuối năm 1965, bom đạn Mỹ đánh phá vào các xã Long Phước, Long Tân, Long Điền, Hòa Long của Bà Rịa, Phú Hội, Phước Thiện của Đồng Nai vốn là nơi có cứ và đàn đạp của ta, tàn phá ruộng vườn. Núi Dinh cũng là một trọng điểm bắn phá, triệt tiêu. Biệt kích Mỹ, Úc thường luồng rừng mai phục ở những nơi có giếng nước. Vấn đề tiếp tế nước trở nên cực kỳ khó khăn. Năm 1966, địch tiến hành càn quét quyết liệt vùng này. Tháng 3/1966 vào đợt 2 của chiến dịch mùa khô lần thứ nhất, Mỹ tiến hành trận càn có tên là Hardi Hood, ở Bà Rịa có quân Úc tham gia. Núi Dinh là một mục tiêu chính chúng tiêu diệt. Căn cứ học sinh nằm gọn trong tầm hỏa lực. Địch thả bom, bắn pháo cấp tập với từng đợt B52 trút bom rải thảm. Phía trên núi, trực thăng thòng dây cho lính xuống cưa cây rừng dọn bãi đổ quân. Phía dưới núi bộ binh có xe tăng đánh thốc lên, dồn ta vào giữa gọng kềm. Một số ngôi chùa cũng bị chúng bắn phá làm một số ni cô, phật tử chết, bị thương. Lực lượng bảo vệ căn cứ phối hợp với du kích bộ đội địa phương dũng cảm chống càn bảo vệ cơ quan. Từng gốc cây, tảng đá trở thành phòng tuyến để ngăn chặn địch. Cuộc chiến đấu diễn ra suốt 20 ngày đêm, bẻ gãy hàng chục cuộc tấn công của Mỹ - Úc, diệt hàng trăm tên trong cuộc chiến đấu không cân sức. Trong hoàn cảnh ấy xuất hiện nhiều tấm gương hy sinh anh dũng. Bốn đồng chí Lê Văn Năm, Trần Văn Phèn, Trần Văn Mạnh và nữ y tá Hoàng Thị Tâm đã nằm lại trên mảnh đất này để lại trong lòng đồng đội, đồng chí niềm thương tiếc vô hạn. Trước tình hình bất lợi, Khu đoàn quyết định cho Đoàn ủy học sinh rời khỏi căn cứ Núi Dinh, một số đồng chí còn hợp pháp, giả làm nhà sư hòa theo dòng người tản cư, còn lại rút theo đường du kích, do đồng chí Nguyễn Văn Chí - Trưởng đoàn, ban đêm tìm đường xuống núi. Đoàn đã lọt ra khỏi vòng vây địch. Sau hơn một tháng hành quân theo đường vòng cung, vượt qua những nơi hiểm yếu, đường rừng có khu vực sốt rét ác tính hoành hành. Đoàn vượt sông Đồng Nai, chiến khu Đ rồi về đến căn cứ An Tịnh, huyện Tràng Bàng. Dọc đường đến đất Cuốc, đồng chí Phan Văn Mùa (Sáu Đông) ngã bệnh sốt rét. Đồng chí Nguyễn Ngọc Thành (Ba Hiệp) xung phong ở lại chăm sóc thay cho một đồng chí nữ được phân công ở lại. Không may đồng chí Thành lại bị sốt rét ác tính chết trên đường chuyển đến bệnh viện mà đồng chí Mùa khi tỉnh lại vẫn không hay biết. <br />
<br />
Tại xã An Tịnh, từ tháng 7/1966, Đoàn ủy học sinh tổ chức xây dựng củng cố căn cứ, ổn định làm việc. Đóng cơ quan ở các gia đình ấp An Phú, Tịnh Phong, An Khương, Bàu Mây, An Thới vùng suối sâu Gia Lộc, Gia Quỳnh. Đồng chí Ngô Thị Cẩm Tiên phụ trách bàn đạp tại các gia đình ở ấp Phú An, giao liên Lê Thị Bé Hai, Ngô Thị Cẩm Hương về ấp An Khương và Tịnh Phong, tổ chức được nhiều cơ sở giao liên, bàn đạp đưa đón khách. Căn cứ An Tịnh mở được nhiều lớp học do đồng chí Lê Mỹ Lệ, Nguyễn Thị Thanh Tâm phụ trách, tiếp nhận thư từ công văn chỉ đạo chuyển cho các cánh bên ngoài và bên trong nội thành. Tuy nhiên, căn cứ An Tịnh cũng không nằm ngoài chiến dịch mùa khô và tầm hoạt động ác liệt của bom đạn Mỹ. Phi pháo, bom napan, chất độc hóa học đã đẩy đồng bào vào các vùng chúng kiểm soát. Ra vào căn cứ An Tịnh, không còn dễ dàng, qua nhiều trạm kiểm soát, địch rải mật vụ chiêu hồi nhìn mặt bắt bớ, trên quốc lộ Sài Gòn Tây Ninh. Tình hình đó buộc Đoàn ủy Học Sinh và các bộ phận khác của Khu đoàn rút khỏi An Tịnh sau Tết 1967. <br />
<br />
Thương vong trong chiến dịch mùa khô 1965-1966 giữa quân giải phóng và quân Mỹ cũng như quân Sài Gòn là 1/5, thiệt hại về vũ khí và phương tiện chiến tranh của Mỹ, Ngụy là rất nặng nề. Mỹ thừa nhận không bẻ gãy được “Xương sống của Việt Cộng”, không làm chủ được chiến trường như mong muốn. Tình hình gần như trở lại lúc ban đầu, chỉ có mức độ chiến tranh là ác liệt. <br />
<br />
Tình hình đó, Mỹ phải điều chỉnh chiến lược trong chiến dịch mùa khô lần thứ hai 1966 - 1967. Đó là chiến lược hai gọng kềm “tìm diệt” và “bình định” đặt lại ngang nhau. Quân số Mỹ sẽ tăng lên 470.000 quân. Chỉ mở rộng kiểm soát vùng “ưu tiên quốc gia” 33/48 tỉnh, tập trung chủ yếu là miền Đông Nam Bộ thay vì chiến dịch trước bao gồm cả khu 5, đánh mạnh vào Tây Ninh, Bình Dương, Long An, Hậu Nghĩa, Phước Tuy (Bà Rịa), trọng điểm là căn cứ Dương Minh Châu kết hợp bình định các tỉnh “ưu tiên quốc gia” xung quanh Sài Gòn. Tình hình đó, báo hiệu một cuộc chiến vô cùng khốc liệt trên các vùng mà hầu hết các căn cứ của Khu Đoàn đang trú đóng. <br />
<br />
Cuộc phản công chiến lược mùa khô lần 2, 1966-1967 khởi đầu giữa tháng 9/1966 với trận càn lớn: Attenboro 14/9/1967, 30.000 quân đánh vào hậu cần quân giải phóng ở chiến khu D Tây Ninh; Cedar Falls ngày 08/01/1967 với 30.000 quân đánh vào “tam giác sắt” khu Sài Gòn - Gia Định; Junction-City ngày 22/02/1967 đánh vào căn cứ Trung ương Cục, Mặt trận Giải phóng với lực lượng tập trung lớn nhất 45.000 quân. Tất cả nhằm đánh quỵ và bóp chết cách mạng miền Nam, trong đó trận Cedar Falls, trận càn lớn thứ hai của cuộc phản công, trực tiếp đánh vào các căn cứ kháng chiến và lãnh đạo khu Sài Gòn - Gia Định mà các căn cứ của thường trực văn phòng, tuyên huấn, một bộ phận hậu cần quân sự và một bộ phận cánh học sinh của khu đoàn vẫn còn đóng ở đó. <br />
<br />
Trận càn Cedar Falls mệnh danh “lột vỏ trái đất” tiến hành từ ngày 08 đến 26/01/1967, trên địa bàn Bàu Bàng, Bến Súc, Long Nguyên, Phú An, Bến Cát và Củ Chi, cách Sài Gòn 40km về hướng Tây Bắc, tập trung một lực lượng 30.000 quân, gồm 6 lữ đoàn bộ binh thuộc các sư đoàn Anh Cả Đỏ, Tia chớp Nhiệt Đới, sư đoàn 4, Lữ đoàn không vận 173, một bộ phận quân Úc, 8 tiểu đoàn dù quân Sài Gòn, 4 tiểu đoàn tăng thiết giáp có trung đoàn thiết giáp độc lập 11, 8-10 tiểu đoàn pháo 105-155 ly, 1.300 lượt máy bay chiến thuật, 72 lượt máy bay B52, 4 tiểu đoàn công binh với một số đội quân chuột cống, trang bị súng phun lửa, hơi độc, 200 chó berger, 200 xe ủi đất để tiêu diệt đối phương dưới địa đạo. <br />
<br />
Với chiến thuật “bốn mặt bao vây, trên bịt kín”, quân Mỹ khóa chặt vòng vây. Sáng sớm ngày 08/01/1967, pháo địch từ hướng Lai Khê, Đồng Dù, Bình Dương, Trảng Bàng bắn cấp tập hàng giờ vào căn cứ, ngớt tiếng pháo là những đợt B52 rải thảm xuống rừng Long Nguyên, rừng làng 123 An Điền, An Thành. Mặt đất run lên lắc lư như đưa võng, khói bụi mù mịt. Sau những đợt B52, đến lượt máy bay phản lực được hướng dẫn của máy bay trinh sát L19 ném bom xăng, bom miểng, bom phát quang. Bầu trời mặt đất như nát vụn với tiếng nổ của bom pháo và tiếng gầm rú của đủ loại âm thanh xe tăng, máy bay. Dứt đợt dọn bãi, tới trực thăng vũ trang quần đảo bắn phá lần chót rồi từng đoàn hàng trăm chiếc trực thăng thi nhau đổ quân xuống các tỉnh lộ 7, tỉnh lộ 14. Xe tăng, xe bọc thép, xe ủi đất từ các hướng đường 13, cầu Ông Cộ, Bến Cát, lộ 7, lộ 8, quốc lộ 1 - Củ Chi càn vào. <br />
<br />
Có một số vùng phóng viên nước ngoài ghi lại 27 trái bom trên một mét vuông, xe ủi bới tung hệ thống địa đạo Củ Chi, Bến Cát. Đội quân chuột cống chui hầm dùng súng phun lửa đốt hết không khí, hơi độc phun vào địa đạo. Tại ấp An Hòa, xã Trung An, chúng giết chết một lúc 60 người. 11km2 rừng bị phá nát, thị trấn Bến Súc bị san bằng hoàn toàn với trên 600 căn nhà, 5.700 tấn thóc bị đốt và bị cướp, 1.000 dân chết và bị thương, 15.000 dân bị chúng xúc đi. Mỹ khoe đã phá được 6 hệ thống địa đạo, tổng cộng gần 9,5km. <br />
<br />
Sau 18 ngày đêm chiến đấu, bộ đội các lực lượng dân quân du kích, bảo vệ cơ quan, mặc dù lương thực, nước uống cạn kiệt, phải ăn rau, củ sống, uống nước vũng, nước tiểu… đã ngoan cường chiến đấu diệt, làm bị thương 2.500 quân Mỹ, 200 lính Sài Gòn, bắn rơi và bị thương 13 máy bay, phá hủy, phá hỏng 30 xe tăng, xe bọc thép. Tỷ lệ phá hỏng địa đạo thực ra còn nhỏ so với 200 cây số địa đạo và 50 cây số giao thông hào của Củ Chi và Bến Cát. <br />
<br />
Những ngày này, các cơ quan của khu đoàn phía Bắc cũng như Nam Bến Cát đã cùng du kích gài mìn, đặt trái bắn tỉa diệt nhiều tên Mỹ, đánh cháy 2 xe tăng. Đến ngày thứ mười, ở Phú An, tại sân banh và trường học Phú Thứ, địch cho xe tăng càn vào đánh sập hầm ngủ, công sự, giếng nước, làm sụp đoạn địa đạo của cánh học sinh, suýt chôn sống năm đồng chí (Tám Lân, Tư Thắng, Hai Trung, Ba Bình, Thanh Hồ). Địch phát hiện lỗ hổng đoạn địa đạo này, cho tổ chuột cống chui xuống bị bảo vệ khu đoàn và du kích diệt gọn 3 tên. Chúng lấy xác đồng bọn và chôn mìn trở lại. Đồng chí Tư Thắng, chiến sĩ cận vệ cho đồng chí Hồ Hảo Hớn dẫm phải mìn hy sinh. <br />
Chỗ trú ẩn không còn, lương thực thực phẩm nước uống dự trữ gần như cạn kiệt. Một số đồng chí phải phân tán xuống bưng biền, ra bờ sông “chém vè”, một số còn lại sang hầm bí mật dự bị gần đó. <br />
<br />
Đêm 20/01/1967, có bác nông dân còn lại chiếc ghe giấu dưới rạch còn nguyên vẹn, đồng chí Ba Thảo, Tư Thanh thương lượng mượn được đưa 16 đồng chí vượt sông Sài Gòn sang Phú Hòa Đông (Củ Chi). Gần 1 giờ sáng, theo dòng nước lớn, chiếc ghe len lỏi cập theo mé sông vừa tránh tàu địch thả trôi vừa tránh pháo sáng giăng thả đầy trời, chiếc ghe sang được bờ trái đến ruộng làng, đang loay hoay cập bến Nàng Âm thì thình lình từng loạt đạn của Mỹ phục kích từ trên bờ bắn xối xả xuống ghe. Cuộc tao ngộ quá gần, một số đồng chí bí trúng đạn rơi xuống nước hy sinh, một số đồng chí bị thương nặng, ghe bị thủng nhiều chỗ chơi vơi giữa dòng và trôi dạt về bên kia bờ sông. 09 đồng chí hy sinh mất xác, 05 đồng chí bị thương và 02 đồng chí còn lành lặn. <br />
<br />
Qua trận càn, kiểm lại Khu đoàn bị tổn thất lớn. <br />
<br />
Phía Bắc Bến Cát, tại Tà Leng, Thanh Tuyền: đồng chí Nguyễn Văn Dữ (Từ Hải) cánh Tuyên huấn hy sinh vì đạn pháo. Đồng chí Hai Hiển, Tuấn, Tài, Mười Hới cánh văn phòng, đồng chí Nhượng cánh quân sự bị bom đìa B57 ném trúng hầm ngủ hy sinh. Chó berger phát hiện, địch khui hầm bắt hai đồng chí cánh học sinh. <br />
<br />
Phía Nam Bến Cát, tại ấp Phú Thứ, Phú An: đồng chí Tư Thắng (Văn phòng) bị trúng mìn hy sinh. Các đồng chí Ba Bình, Thanh Hồ (cánh học sinh), Ba Thảo, Ba Quang, Sáu Xuân (cánh quân sự), Tư Thanh, Tư Ẩn, Ba Bực (Văn phòng), Mười Cẩn (Trung ương Đoàn) bị địch phục kích khi qua sông. Tất cả 16 đồng chí hy sinh, 2 bị bắt và một số bị thương. <br />
<br />
Ngày 28/4/1967, địch mở trận càn Manhattan, trận cuối cùng của chiến dịch “tìm diệt”, đánh vào vùng Bắc Bến Cát và Nam Dầu Tiếng, căn cứ Ban Quân sự khu đoàn tại Suối Cát (Thanh Tuyền) một lần nữa bị địch càn vào. Đồng chí Bùi Minh Trực (một sinh viên trí thức, tham gia cướp tàu địch, vượt Côn Đảo trở về) chỉ huy chiến đấu đã dùng mìn định hướng cài dưới ruộng mía và trên rừng chồi, bắn rơi một máy bay trinh sát L19 làm chết tên sĩ quan chỉ huy cuộc càn. Hai ngày sau, địch phát hiện căn cứ tập trung bom pháo hủy diệt và bao vây. Đồng chí Bùi Minh Trực, Tám Thông, Ba Hoàng, Tuấn, 04 đồng chí đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và dũng cảm hy sinh bên chiến hào. Đồng chí Bảy Minh, Út Thạnh bị địch đánh chất nổ bất tỉnh và mù mắt, bị chúng bắt đi. <br />
<br />
Trên chiến trường miền Đông, qua những năm gian khổ và ác liệt, đương đầu với cuộc chiến tranh cục bộ, nhiều đồng chí cán bộ chiến sĩ khu đoàn đã hy sinh. Ngoài các đồng chí đã nêu trên, còn có các đồng chí như đồng chí Nguyễn Tuấn Giao (Năm Giang) - Thường vụ Khu đoàn bị pháo ở Cỏ Trách (Thanh An), đồng chí Năm Sơn cánh văn phòng bị bom napan ở Xóm đạo Rạch Kiếng (Thanh Tuyền), đồng chí Út Nhứt (cánh quân sự) hy sinh vì trực thăng ở Nhuận Đức, đồng chí Chín Sáng (cánh Văn phòng) hy sinh vì bom bi ở Phú an, đồng chí Tám Giang (Văn phòng), Năm Vững (quân sự) bị địch phục kích hy sinh tại Trà Cao (Trảng Bàng) trên đường hành quân về Bến Tre. <br />
<br />
“Vùng Tam giác sắt” qua hai mùa khô bị địch càn quét đã thật sự trở thành vùng trắng. Việc đưa đón cán bộ ra vào căn cứ phải qua nhiều tọa độ lửa, máy bay phi pháo hoạt động ngày đêm, mọi sinh hoạt bình thường phải dựa vào hầm hào địa đạo. <br />
<br />
Ở các cửa khẩu chính trên các trục lộ, địch lập nhiều trạm kiểm soát liên hợp như: ngã ba Hồng Châu, Ấp Đồn (Hóc Môn), Mũi Dài (Bình Dương)… chúng rải chiêu hồi, công an, mật vụ chỉ điểm nhìn mặt bắt bớ phá vỡ nhiều cơ sở của ta. <br />
<br />
Trước tình hình đó, Khu Đoàn cùng với Ban Căn cứ Khu ủy mở mũi hướng Biên Hòa, Long Khánh, dùng Quốc lộ 20 Sài Gòn - Đà Lạt và Quốc lộ 1 Sài Gòn - Long Khánh, sau 1 tháng điều nghiên thấy gặp nhiều khó khăn về tiếp tế lương thực và việc xây dựng bàn đạp giao liên, bệnh sốt rét hoành hành, đoàn tiền trạm đành quay về tìm hướng khác. <br />
<br />
Được Khu ủy giới thiệu, Khu Đoàn liên hệ được với hai tỉnh Bến Tre và Mỹ Tho, tổ chức di chuyển căn cứ về hướng đồng bằng, tạm xa địa bàn miền Đông truyền thống đã từng bám trụ nhiều năm. <br />
<br />
<strong>Cuối 1966 đầu 1967:</strong><br />
<br />
- Xã Hội Cư, Bà Tồn (Cái Bè - Mỹ Tho)<br />
<br />
- Xã Thanh Hưng (Cái Bè - Mỹ Tho)<br />
<br />
Cuối năm 1966, sau đợt chống cuộc phản công chiến lược mùa khô lần một của Mỹ, một đoàn cán bộ chiến sĩ gồm 20 đồng chí của các cơ quan khu đoàn từ vùng Củ Chi, Bến Cát lên đường, hơn một tháng vượt qua nhiều ấp chiến lược, và vùng địch bình định, kiểm soát, qua Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Đồng Tháp Mười, đụng đầu với thuyền bay, trực thăng soi đêm trên các kinh Bo Bo, Trà Cú Thượng, đoàn đến Ấp Bắc, Cai Lậy, Mỹ Tho. Sau bữa cơm chiều trên bờ kinh Nguyễn Văn Tiếp, đoàn chia làm ba cánh: đồng chí Phan Văn Mùa (Sáu Đông), Năm Hổ, Hai Trung về xã Hội Cư, Bà Tồn, Cái Bè, Mỹ Tho lập căn cứ học sinh nơi vùng đất mới. Các đồng chí Út Tân, Hai Hiền, Năm Đức cánh Sinh viên về xã Thanh Hưng, An Hữu, Cái Bè, Mỹ Tho. Các đồng chí Út Ròm, Mười Quảng, Tám Điệp cánh văn phòng và cánh quân sự tiếp tục vượt lộ Đông Dương (Quốc lộ 4) qua sông Cửu Long để đến Bến Tre xây cứ ở xã Phước Thạnh. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Xã Thanh Hưng cách thị trấn An Hữu khoảng 8km ngõ vào theo đường sông Cái Cối, đường bộ dọc theo đường liên tỉnh 30 đi Cao Lãnh. Tháng 8/1966, theo hướng dẫn của đồng chí Lê Quang Vinh (Tư Sĩ) có nhà ở vùng này, đồng chí Đặng Thiện về đây làm việc sinh hoạt…, thấy đây là vùng giải phóng tương đối yên bình, dân cư đông đúc, đường ra vào hợp pháp rộng rãi nhiều ngã. Được trên chấp thuận đề xuất, căn cứ sinh viên đã rời Long Cang chuyển về đây. Căn cứ đóng tại nhà Bác Ba (cha đồng chí Sĩ), Bác Năm, bàn đạp giao liên đặt tại nhà cô Mười Bường, cách An Hữu không xa, và nhà chú Bảy Trứ ở sâu vài cây số. Khách vào đến nhà cô Mười thay đồ có giao liên đưa đi bằng xuồng máy vào, hoặc đón thẳng tại bến ghe ở chợ An Hữu vào thẳng nhà chú Bảy Trứ thay đồ rồi vào cứ. Hoặc từ lộ 30, khách có thể đi xe đạp theo giao liên dẫn đường thẳng về. Việc xây dựng cứ lúc đó có đồng chí Phan Văn Dinh (Chín Kế), đồng chí Trần Hữu Phước (Tư Bá), đồng chí Đặng Thiện (Tư Bung), đồng chí Phạm Kim Dung (Sáu Dung) và các đồng chí từ miền Đông về có đồng chí Lê Đình Thám (Mười Thái), Hai Hiền, Năm Đức, Út Tân, Tám Giao. Lực lượng giao liên có các chị: Hai Tâm, Ba Liên, Sáu Hồng, Bé Hồng và sau có bổ sung một số cơ sở địa phương trong đó có gia đình chú Bảy Trứ. Anh chị em chia nhau đào hầm bí mật, xây dựng hội trường để tổ chức lớp học. Máy bay trực thăng và tàu chiến địch cũng thường vào khu vực căn cứ bắn phá, hoặc bộ binh càn quét hai bên bờ sông Cái Cối. Lực lượng bảo vệ phối hợp du kích cùng tổ chức chống càn. Tuy nhiên địch chưa phát hiện căn cứ. Một lần trực thăng quần đảo đột kích bắn chết đồng chí Hai Hiền, bảo vệ. Đồng chí Hai Hiền là một quần chúng nghèo khổ, sống bụi đời ở thành phố, được cách mạng giác ngộ, vào chiến khu tham gia cách mạng. Đó là một đồng chí cần cù công tác, hiền hậu, ít nói nhưng chịu đựng mọi gian khổ trong bom đạn của Mỹ, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ tiếp phẩm cho cơ quan, lớp học của sinh viên ở căn cứ miền Đông. Đồng chí Tám Dễ gài trái sau vườn nhà bác Ba để chống càn, chẳng may bị vướng nổ, chết ngay tại chỗ. <br />
<br />
Lúc đầu căn cứ đóng tại Thanh Hưng, sau mở rộng đóng thêm ở một số địa bàn các xã Mỹ Long, Mỹ Hòa, Mỹ Tho, Vĩnh Long hợp thành một hệ thống căn cứ liên hoàn nhau, hễ nơi này bị động chuyển qua nơi khác. Thường trực Văn phòng khu Đoàn cũng về căn cứ này để chỉ đạo, triển khai nghị quyết, chỉ đạo công tác của các cánh. <br />
<br />
Căn cứ Hội Cư của cánh Học Sinh cũng được thành lập từ những tháng đầu năm 1967 do các đồng chí cán bộ bảo vệ căn cứ từ miền Đông (Núi Dinh, Thanh An, Bến Cát…) về xây dựng. Tháng 4/1967, trên đường chuyển quân, đồng chí Ba Hiệp, do bị sốt rét ác tính, nhiễm từ rừng miền Đông, đã hy sinh. Căn cứ Hội Cư còn gọi là căn cứ Bà Tồn, xã Mỹ Thạnh, nằm giữa thị trấn Cai Lậy và Giáo Đức, cách lộ 4 (nay là quốc lộ 1A), khoảng 5-6km về phía Tây. Tại đây sông rạch chằng chịt nên việc đi lại thuận tiện nhất là đường sông. Tuy nhiên, đây là khu vực sình lầy lại phải xây dựng mới trong vòng 2 tháng. Anh em căn cứ đã xây dựng xong 20 hầm bí mật có sức chứa từ 80 đến 90 người. Vừa xây dựng xong căn cứ đi vào hoạt động chỉ đạo phong trào, mở hội nghị, mở lớp. <br />
<br />
Tuy nhiên đây là vùng địch hay càn quét, một khu vực nằm trong trọng điểm của gọng kềm bình định. Ngày 31 tháng 7 năm 1967 địch càn quét dài ngày vào vùng căn cứ. Tất cả cán bộ cơ sở của ta phải xuống hầm bí mật hoặc chém vè. Đồng chí Lê Văn Ninh (Ba Thoại), Phó Bí thư Đoàn ủy cánh Học sinh, đồng chí Trần Trung Tín (Sáu Trúc) cán bộ trường Pétrus Ký xuống hầm bí mật. Địch càn tới đóng quân gần miệng hầm. Có lẽ anh em ta ở miền Đông, chưa có kinh nghiệm đào hầm bí mật nơi vùng trũng thấp của đồng bằng, nên hầm bị ngộp. Tất cả các đồng chí đã dũng cảm hy sinh trong tư thế ngồi dưới hầm, quyết không trừng lên cho giặt bắt. Đồng chí Ngô Văn Nói (Tám Lễ) Trưởng ban binh vận chống càn, dụ địch ra khỏi nơi anh em ẩn trú và anh dũng hy sinh. Lớp học của cánh học sinh năm đó kết thúc giữa chừng trong mất mát đau thương, do bị lộ, căn cứ chỉ tồn tại được một năm phải dời đi nơi khác. <br />
<strong><br />
Năm 1967 đến đầu năm 1968: </strong><br />
<br />
- Xã Phước Thạnh (Bến Tre).<br />
<br />
Năm 1967, do mức độ chiến tranh ngày càng ác liệt, vấn đề căn cứ trở thành bức xúc. Cánh Thanh niên Công nhân Lao động của Khu Đoàn là đơn vị mở mũi về Bến Tre, khu vực tương đối yên tĩnh, để xây dựng căn cứ.<br />
<br />
Khoảng giữa năm 1967, căn cứ Long Khê, Phước Vân, nhất là Long Khê nằm trong khu vực “bình định trọng điểm” của Mỹ Ngụy nên hoạt động không còn an toàn và rất khó khăn. Lãnh đạo cánh Thanh niên Công nhân Lao động một mặt chuyển dời cứ Long Khê nhập về căn cứ Phước Vân, mặt khác, đồng chí Hồ Thái Hòa (Năm Khoa) Bí thư Đoàn ủy, liên hệ tỉnh ủy Bến Tre, chuyển một bộ phận về xây căn cứ tại xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, kết hợp có đoàn cán bộ của Khu Đoàn và cánh Quân sự cũng về đây. Trước đó, năm 1966 một bộ phận Đoàn ủy Học sinh cũng đã về Bến Tre, lập căn cứ nhỏ ở ấp 6, xã Quới Sơn, tại nhà gia đình đồng chí Đặng Quốc Hải (Chín Ngự, Chín Quốc) và một số gia đình xung quanh, dành cho cơ sở về làm việc và mở lớp ngắn ngày với khoảng 5, 7 học viên. Đây là vùng giải phóng yếu, nên căn cứ không phát triển mở rộng và cũng không tồn tại lâu. Còn xã Phước Thạnh là một trong các xã giải phóng dọc hai bờ sông Ba Lai, rừng dừa bạt ngàn, nhưng vào năm 1967 cũng đã bị bom đạn Mỹ tàn phá lỗ chỗ, với những hố bom, những cây dừa cụt đọt hay thương tích trên mình. Nhà cửa phần lớn chưa bị đốt phá nhưng trống vắng hoang tàn, dân ở thưa thớt, phần lớn đã tản cư vào thị xã hoặc qua cồn Mỹ Tho. Lên phà Rạch Miễu theo tỉnh lộ 6 vào thị xã hoặc lộ đá từ ngã tư Trúc Giang về An Hóa, Bình Đại, theo đường đê rẽ vào vài trăm thước đã thấy có cổng chào, khẩu hiệu và cờ giải phóng, cho biết là đã đến vùng mặt trận giải phóng kiểm soát. Riêng xã Phước Thạnh, từ ấp 2 đến ấp 4 ở cuối xã là vùng hoàn toàn giải phóng. Ấp 1 là vùng tiếp giáp với tỉnh lộ 6. Căn cứ ban đầu đóng ở ấp 1 và ấp 2 tại nhà má Hai Dĩ, ông bà Ba Bộ, ba má Vinh, má Sáu, bà Sáu Chiêm, bà Ba Nhung, dì Tư Huê, bà Mười Nga, ông Trần Danh, ông Trần Đàn, anh Ba Trọng, anh Tư Sâm… Sau, triển khai sâu vào ấp 3 và ấp 4, mở thêm cứ nhánh ở xã Tam Phước, Song Phước bên kia bờ sông Ba Lai và xã Hữu Định tiếp giáp với xã Phước Thạnh về hướng thị xã. Bàn đạp ra các xã Phú An Hòa, Song Phước, Hữu Định, ấp 1 Phước Thạnh lên tỉnh lộ 6 và lộ đá về ngã tư Trúc Giang. Lúc này còn tương đối hòa bình địch ít dám càn sâu, chỉ men theo lộ, địa hình kín đáo, địch khó phát hiện, nên bom pháo hay tàu càn vào sông Ba Lai chỉ bắn vu vơ những chỗ tình nghi. Văn phòng thường trực, Ban Tuyên huấn, Ban quân sự, Khu Đoàn cũng về đóng tại ấp 3 và ấp 4 vào giữa nửa cuối năm 1967. Căn cứ đóng ở nhà dân còn bỏ trống, dùng dừa cây bị ngã đắp công sự nổi, và đào hầm bí mật ngoài vườn. Tại căn cứ này, cánh Thanh niên công nhân lao động đã mở được nhiều lớp huấn luyện chính trị quân sự. Đường dây chỉ đạo, chuyển tải thư từ tài liệu vũ khí thuận lợi, an toàn. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><a href="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/webtd/vn/default.aspx?cat_id=660&news_id=15931"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span></span></a></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">
<div style="text-align: justify;"><a href="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/webtd/vn/default.aspx?cat_id=660&news_id=15931"><span id="VNContent1__ctl0_NewsDetail"><span style="color: rgb(0, 0, 255);">PHẦN MỘT - Hoàn cảnh và chủ trương dẫn đến sự hình thành căn cứ Thành Đoàn</span></span></a></div>
</span></span>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><span id="VNContent1__ctl0_NewsDetail"> </span></span></span><span id="VNContent1__ctl0_NewsDetail">
<div style="text-align: justify;"> </div>
</span><span style="font-family: Arial;"><span id="VNContent1__ctl0_NewsDetail">
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><a href="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/webtd/vn/default.aspx?cat_id=660&news_id=15935"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><br />
PHẦN HAI: Việc thành lập căn cứ đầu tiên và phát triển hệ thống căn cứ TN-HS-SV trong giai đoạn từ Đồng Khởi đến chống chiến tranh đặc biệt 1960 – 1965</span></a><br />
</span></div>
</span><span style="font-size: small;"><span id="VNContent1__ctl0_NewsDetail"> </span></span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
<br />
<br />
<br />
</span></span></div>
</meta>
</div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span></span></div> </html>