<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">PHẦN BA (TIẾP THEO): Căn cứ Thành Đoàn trước và sau cuộc tổng tiến công</span></span></strong></span></div>
<div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"> nổi dậy Xuân Mậu Thân 1967 - 1968:</span></span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Năm 1967, sau trận càn Junction-City không đạt mục tiêu tham vọng nào nhưng người và vũ khí phương tiện bị tổn thất rất lớn, cuộc phản công chiến lược mùa khô lần 2 của Mỹ - ngụy bị thất bại nặng nề. Chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ bị “thất bại một bước quan trọng”. Mỹ lâm vào thế bế tắc về chiến lược giữa lúc quân số Mỹ, “đồng minh” và Ngụy Sài Gòn đạt đến đỉnh cao nhất của cuộc chiến tranh: 1 triệu 450 ngàn quân với mức độ chiến tranh vô cùng khốc liệt mang tính hủy diệt. Vùng giải phóng được mở rộng áp sát Sài Gòn và các thành phố khác. <br />
<br />
Bộ Chính trị họp tháng 4/1967 nhận rõ thời cơ chiến lược xuất hiện, đến tháng 6 thông qua quyết tâm chiến lược “giành thắng lợi quyết định trong thời gian ngắn nhất”, chỉ thị cho Trung ương Cục miền Nam tiến công mạnh về quân sự, chính trị, tạo điều kiện tiến lên Tổng công kích - tổng khởi nghĩa. Ngày 25/10/1967, Trung ương Cục miền Nam ra nghị quyết tổng công kích - tổng khởi nghĩa trên toàn chiến trường Nam bộ và cực Nam Trung bộ, mục tiêu chính là Sài Gòn và các thành thị phía Nam (các mục tiêu thành thị khác như Huế, Đà Nẵng… do Trung ương phụ trách), với mật danh là “Nghị quyết Quang Trung”. <br />
<br />
Từ căn cứ Bến Tre, đồng chí Hồ Hảo Hớn (Hai Nghị) chỉ đạo các đồng chí còn phụ trách vùng căn cứ Củ Chi, Bến Cát khẩn trương tổ chức lại bàn đạp, chỗ tiếp đón cán bộ lãnh đạo, cốt cán các cánh của Khu Đoàn về học Nghị quyết mới do Trung ương Cục trực tiếp triển khai. Đường vào từ bàn đạp tại Sa Nhỏ, Ràng xã Trung Lập Thượng đến căn cứ tập kết của Khu ủy ở Cần Nôm (Thanh An) phải vượt qua vùng trắng địa hình trống trải vượt sông Sài Gòn trong khoảng 2 giờ xe đạp, được coi là vùng oanh kích tự do. Máy bay phản lực, trực thăng, trinh sát quần đảo liên tục bắn phá những nơi nghi có dấu vết con người. Các đồng chí Bảy Phòng, Năm Phú, Sáu Niên, Mười Nam trụ lại trên mảnh đất đầy nguy hiểm chết chóc này, hoàn thành nhiệm vụ đưa được 20 đồng chí đến nơi tập kết. Tuy nhiên vẫn còn một số đông đồng chí bị kẹt lại do địch càn và chốt chặn các cửa khẩu ra vào. Đoàn cán bộ về R, mỗi người một xe đạp với hành trang gọn nhẹ vượt sông vượt suối mùa nước đổ, qua các địa danh Dương Minh Châu, Kà Tum, Thiện Ngôn, để đến căn cứ Trung ương Cục bên ngọn Vàm Cỏ Đông sát biên giới Campuchia. Đoàn ngày đi đêm nghỉ, dọc đường tận mắt chứng kiến cảnh chuẩn bị cho phía trước, người đi lại tấp nập, khẩn trương, có hôm gặp đơn vị quân giải phóng hành quân phải nhường đường cả giờ mới dứt đuôi. Xác xe tăng pháo, máy bay Mỹ trong trận càn Junction-City còn nằm ngổn ngang, đồng thời trên đầu máy bay địch còn quần đảo dập dìu theo dọc đường đi. Có đoạn sương mù trắng xóa của chất độc hóa học vẫn còn vương vãi cả một vùng. Lớp học sắp khai mạc thì đồng chí Hồ Hảo Hớn - Bí thư Khu Đoàn và các đồng chí Ba Triết, Chín Kế, Năm Nam gấp rút về lại nội thành để chỉ đạo phong trào đang sục sôi. Qua một tháng học tập Nghị quyết Quang Trung do các đồng chí Trung ương Cục và Khu ủy triển khai, và được trên chăm sóc bồi dưỡng tối đa cả về vật chất lẫn tinh thần, lần đầu tiên chưa từng thấy trong đời làm cách mạng, ai nấy đều nức lòng, phấn khởi sẵn sàng lao vào chiến đấu cho “một cuộc đổi đời”, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Lớp học kết thúc, một số cán bộ của Khu Đoàn đi đường công khai ra thị xã Tây Ninh, Gò Dầu về thành phố, số còn lại đi đường du kích theo hành lang biên giới qua Kiến Tường, Long An, Đồng Tháp Mười, vượt sông Cửu Long về Bến Tre. Trên đường về, từng đoàn dân công, Thanh niên xung phong, bộ đội tấp nập khẩn trương chuẩn bị cho đại cuộc. Đồng chí Lê Bách người miền Bắc bổ sung vào Khu Đoàn, cảm hứng sáng tác hai bài hát “Vui sao con đường đi đánh Mỹ”, “Thuyền em lướt tới” giữa rừng tràm Tháp Mười. Bài hát đã được Đài Phát thanh giải phóng phổ biến đi khắp nơi. <br />
Đầu tháng 11/1967, giữa không khí tưng bừng chuẩn bị cho ngày giải phóng thì một tin đau lòng, một cái tang chung trùm khắp Khu Đoàn. Đồng chí Hồ Hảo Hớn bị địch bắt do một tên phản bội chỉ điểm, đã quyết tử hy sinh sau một đêm địch tra tấn hết sức dã man, mang theo bí mật của Nghị quyết Quang Trung và bí mật tất cả tổ chức cách mạng trong nội thành do đồng chí phụ trách. Đây là một tổn thất hết sức lớn của Khu Đoàn và phong trào Thanh niên Học Sinh Sinh Viên đô thị, nhưng ai nấy đều rất tự hào về người Bí thư Đoàn của toàn thành phố, học tập tấm gương anh hùng của đồng chí quyết tâm chiến đấu không nề gian khổ, hy sinh cho Tổ quốc, cho lý tưởng cách mạng. <br />
<br />
Khu Sài Gòn - Gia Định mở rộng địa bàn ra các tỉnh phụ cận, lập Khu ủy mới do đồng chí Nguyễn Văn Linh - Phó Bí thư Trung ưng Cục kiêm nhiệm làm Bí thư Khu ủy, đồng chí Võ Văn Kiệt, là Phó Bí thư, chia ra làm 6 phân khu và tổ chức hai Bộ chỉ huy tiền phương phục vụ cho chiến dịch Mậu Thân. Phân khu 6 là nội thành (bao gồm cả Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định) chính là Thành ủy Sài Gòn, do đồng chí Trần Bạch Đằng (Tư Ánh) làm bí thư. <br />
<br />
Với tinh thần cách mạng tiến công vừa chạy vừa sắp hàng, tại căn cứ rừng dừa xã Phước Thạnh, Bến Tre, Khu Đoàn triệu tập toàn bộ cán bộ chủ chốt các cánh về triển khai Nghị quyết Quang Trung… Từ đây, Khu Đoàn Sài Gòn - Gia Định được đổi tên là Thành Đoàn Sài Gòn. Đồng chí Phan Chánh Tâm (Ba Vạn) được Thành ủy quyết định làm bí thư thay đồng chí Hồ Hảo Hớn. Thành Đoàn được tổ chức lại làm 3 lực lượng, không còn các cánh như trước. <br />
<br />
Lực lượng 1 là lực lượng biệt động võ trang được phân công làm thê đội 2 đánh chiếm mục tiêu Dinh Độc Lập, Tòa đại sứ Mỹ, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bưu Điện, Đài Phát Thanh… do đồng chí Lê Tấn Quốc (Tám Thành), Phó Bí thư Thành Đoàn và đồng chí Trang Văn Học (Năm Tranh) phụ trách. <br />
<br />
Lực lượng 2 chính trị vũ trang làm nhiệm vụ vừa diệt ác phá kềm vừa phát động quần chúng nổi dậy làm chủ xóm, cướp chính quyền tại các quận 1, 2, 3 do đồng chí Phạm Chánh Trực (Năm Nghị) phụ trách. <br />
<br />
Lực lượng 3 là lực lượng chính trị công khai vận động và tổ chức quần chúng xuống đường khởi nghĩa xây dựng các đoàn thể Thanh niên ngay trong những ngày công kích do đồng chí Phan Chánh Tâm, Phan Văn Dinh (Chín Kế) phụ trách. <br />
<br />
Cán bộ, chiến sĩ Thành Đoàn với khí thế ra quân hồ hởi chuẩn bị làm một cuộc “đổi đời”, khẩn trương tập luyện quân sự, lên sa bàn các mục tiêu, học chiến thuật tác chiến trong thành phố. Các bộ phận hậu cần rộn rịp vận chuyển vũ khí áp sáng vùng ven Bình Chánh, Phú Lâm, Nhà Bè hoặc đưa vào cất giữ trong các kho ở nội thành. Những đồng chí điều lắng và cán bộ chiến sĩ làm công tác ở căn cứ giờ được tạo điều kiện đưa về nội thành hay áp sát nội thành chờ lệnh tiến quân. Đêm liên hoan chia tay ở rừng dừa hẹn ngày chiến thắng Sài Gòn trở thành đêm không ngủ với các bài hát, bài thơ tưng bừng khí thế. Thành Đoàn giờ đây tạm biệt các vùng căn cứ, lao vào trận địa mới trong thành phố Sài Gòn. Mang tinh thần Nghị quyết Quang Trung, Thành Đoàn chuyển khí thế chuẩn bị võ trang khởi nghĩa từ nơi căn cứ rừng dừa lịch sử ở Bến Tre vào giữa sào huyệt của quân thù, với những chuyến áp tải vũ khí, phương tiện từ các căn cứ của Thành Đoàn vào nội thành, đầy mưu trí và dũng cảm, vượt qua các chốt chặn kiểm soát hùng hậu và nghiêm ngặt của địch; với việc khẩn trương xây dựng nhiều lõm cứ điểm bí bí mật làm kho vũ khí và bám trụ trên các địa bàn đã được phân công. Đặc biệt nhất là tổ chức một cuộc tập hợp lực lượng quần chúng 12. 000 học sinh sinh viên đêm 21/1/1968 (25 Tết âm lịch) tại sân Học viện Quốc gia Hành chánh. Dưới hình thức là đêm văn nghệ mừng Xuân Mậu Thân, nhưng nội dung chủ đề của đêm đó là mừng Tết Quang Trung tiến quân vào giải phóng kinh thành Thăng Long. Rừng cờ đỏ có hình tròn vàng ở giữa (cờ của Quang Trung) bay phấp phới với hàng hàng biểu ngữ bao khắp sân trường của Học viện. Một sân khấu hoành tráng rộng chưa từng có với hình ảnh nền là quân của Quang Trung Nguyễn Huệ với rừng người, rừng cờ, hàng hàng lớp lớp tiến quân thần tốc vào giải phóng Thăng Long. Đêm văn nghệ tưng bừng khí thế quật khởi với những tiết mục hầu hết do học sinh sinh viên sáng tác như “Tiếng trống hào hùng” (Hội nghị Diên Hồng), “Rạch Gầm dậy sóng”, “Ải Chi Lăng”, “Kéo gỗ rừng khuya”, “Hát cho dân tôi nghe”, “Người đợi người”,… Đêm văn nghệ đã thành công vượt yêu cầu, thực sự là một cuộc tổng diễn tập tưng bừng khí thế cho một cuộc nổi dậy đổi đời. Đây là một sáng tạo tuyệt vời của trí tuệ tuổi trẻ Sài Gòn dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy và Thành Đoàn trước giờ xuất kích. <br />
<br />
Cuộc Tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân vào Sài Gòn và các thành thị miền Nam đã phá tan chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ, làm cho phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ và thế giới bùng phát dữ dội, trở thành sức ép mạnh trên chính trường nước Mỹ. Ý chí xâm lược Việt Nam của Mỹ bị lung lay, nội bộ mâu thuẫn và bị phân hóa cao. Mỹ phải ngồi lại đàm phán với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, thay đổi chiến lược tìm thế rút quân. Trong điều kiện tương quan ta - địch chênh lệch tỷ lệ 1/5 (chỉ riêng về quân số) thì đây là một thắng lợi hết sức to lớn, có ý nghĩa chiến lược. Phía cách mạng cũng chịu nhiều tổn thất lớn, chủ yếu do có nhiều thiếu sót và sai lầm chủ quan trong phối hợp chiến đấu, trong chỉ đạo…<br />
<br />
Tuy nhiên, ngay giữa sào huyệt của kẻ thù, trong cuộc chiến đấu không cân sức, quân và dân ta đã thể hiện khí phách anh hùng, dũng cảm hy sinh rất tuyệt vời, chiến đấu đến viên đạn và hơi thở cuối cùng. Thành Đoàn đã góp sức mình vào thắng lợi chung của cách mạng, bên cạnh đó cũng chịu nhiều tổn thất cục bộ, cán bộ nòng cốt ở các phường, trường học, xí nghiệp,… bị lộ, bị bắt. Nhiều đồng chí trong lực lượng võ trang đã hy sinh trên đường phố Bàn Cờ, Quận 4, đường Minh Phụng, khu Chợ Thiếc, Khu Việt Nam Quốc Tự, Phú Thọ Hòa, hoặc dọc đường dẫn quân vào thành phố hoặc đánh địch phản kích ở vùng ven Phú Lâm, Bình Chánh, Phước Vân, Cần Đước, Long An. Nhiều tấm gương hy sinh oanh liệt như Lê Thị Bạch Cát (Sáu Xuân), Nguyễn Sơn Hà (Bảy Thép), Lê Văn Nghề (Năm Lăng), Tư Nghĩa… quyết không đầu hàng giặc, dù đã bị thương nặng nhưng vẫn ngoan cường chiến đấu hy sinh anh dũng. <br />
<br />
Chuẩn bị vào đợt Mậu Thân, một bộ phận của lực lượng 2 (võ trang tuyên truyền) gồm các đồng chí Lê Thanh Văn (Sáu Văn), Trương Mỹ Lệ (Tư Liêm), Đỗ Ngọc Trinh (Bảy Hà), Nguyễn Thị Nghĩa (Chín Ngân), Trần Thị Ngọc (Chín Mai), Nguyễn Thị Chương (Ba Bình) xây dựng cứ lõm ở xã Vĩnh Phú huyện Lái Thiêu, Bình Dương, dùng nhà ông Lê Văn Út, ông cậu và nhiều nhà bà con của đồng chí Bảy Hà ở sát quốc lộ 13 làm nơi sinh hoạt hội họp. Sau ta phát triển thêm hàng chục gia đình ở sâu bên trong làm nơi nuôi chứa, tạm lắng, là vùng ta làm chủ có du kích mật. Cảnh sát mật vụ lính địa phương ít dám thọc vào, trừ khi địch tổ chức càn quét có quy mô. Thường vụ Thành Đoàn cũng thường về họp hoặc đưa khách về làm việc trong suốt các đợt của chiến dịch Mậu Thân. Mặc dù có một số đồng chí bị bắt biết căn cứ này, nhưng vẫn giữ bí mật căn cứ, một số đồng chí Thành Đoàn vẫn bám trụ cho đến ngày giải phóng. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Một lần, sau đợt 1 một tháng, thông qua quan hệ quần chúng tốt báo, đồng chí Bảy Hà bắt được liên lạc Ban Chỉ huy của một tiểu đoàn chủ lực trong đợt 1 tiến quân vào đến Gò Vấp bị tiêu hao nặng, không còn liên lạc được các đơn vị. Bốn bề địch bao vây, truy lùng rất gắt gao. Các đồng chí trốn trên trần nhà của một gia đình mà không biết có con rể là sĩ quan cảnh sát dã chiến rất ác ôn, chỉ huy các cuộc truy lùng quân cách mạng. Rất may, gia đình hết lòng che chở nuôi dưỡng bảo bọc các đồng chí hàng tháng trời và tìm cách bắt liên lạc với cách mạng. Các đồng chí Bảy Hà, Chín Ngân, Chín Mai, Ba Bình đã mưu trí cải trang chocác đồng chí ăn mặc bảnh bao, nghi trang thành những cặp tình nhân đèo nhau trên xe honda, lần lượt chuyển được toàn bộ Ban chỉ huy tiểu đoàn về đến căn cứ Lái Thiêu an toàn… Từ đây các đồng chí về lại chiến khu. <br />
<br />
<strong>Tháng 3/1968 - 8/1968: </strong><br />
<br />
- Về lại xã Phước Vân (Long An).<br />
<br />
Tại Phước Vân trước khi vào chiến dịch Mậu Thân đêm 29 Tết, đã diễn ra một cuộc ra quân đầy khí thế tiến quân vào Sài Gòn của các cánh, các đơn vị của Thành ủy, trong đó có một bộ phận võ trang của Thành Đoàn. Sau đợt một, cánh Thanh niên Công Nhân Lao Động và đội Võ trang Nguyễn Văn Trỗi lại rút về căn cứ Phước Vân củng cố lực lượng chuẩn bị cho đợt 2. Tháng 3/1968, bộ phận Thường trực của Thành Đoàn cũng về đứng chân tại căn cứ này để chỉ đạo các lực lượng chuẩn bị cho đợt 2, đồng thời chuyển toàn bộ lực lượng còn lại từ căn cứ Bến Tre cũng về đây. Ròng rã 46 ngày hành quân, vượt sông Cửu Long và lộ 4 hết sức gay go, đoàn cũng về đến nơi an toàn. Tháng 4/1968, tại căn cứ Phước Vân, Thành ủy chỉ đạo Thành Đoàn chủ trương tập trung các cán bộ về thành lập các liên phường do liên phường ủy lãnh đạo. Liên phường 1 phụ trách khu vực Gia Định do đồng chí Trần Hữu Phước (Tám Võ) làm bí thư, liên phường 3 khu vực Hòa Hưng, Lê Văn Duyệt (Cách Mạng Tháng Tám ngày nay), Nguyễn Thông do đồng chí Phạm Chánh Trực làm bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Bình (Năm Trọng) là Phó Bí thư. Sau Liên phường 3 chia thành liên phường 3A, đồng chí Ba Xích thay đồng chí Năm Trọng bị địch bắt; liên phường 3B phụ trách khu vực Trương Minh Giảng nối dài do đồng chí Phan Văn Dinh (Chín Kế) làm bí thư, đồng chí Võ Văn Thôn (Mười Thôn) là ủy viên; liên phường 6 khu vực Quận 11, Quận 6 do đồng chí Sáu Vĩnh làm bí thư. Cả 4 liên phường đều phát huy tác dụng trong đợt 2. <br />
<br />
Chuẩn bị cho đợt 2, Thành Đoàn còn cử trên 50 cán bộ, chiến sĩ ưu tú, thông thạo đường phố Sài Gòn, tuổi 18 đôi mươi và nhiều em còn tuổi thiếu nhi như bé Quyết, bé Tiến, bé Đào rút từ các đơn vị quân sự, chính trị của Thành Đoàn làm nhiệm vụ dẫn bộ đội vào thành phố. Đồng chí Tư Nghĩa dẫn đầu (cấp đại đội trưởng). Vào đợt, một số cán bộ chiến sĩ đã chiến đấu hy sinh dũng cảm. Ngày 4/5/1968, Phạm Thị Thu Vân (Bảy Thủy), Võ Thị Bua (Chín Phương) và bé Khoan Kiến Quốc (bé Đào) làm nhiệm vụ dẫn một tiểu đoàn chủ lực vào thành phố. Đến xã Mỹ Hạnh (Đức Hòa), giặc Mỹ đổ quân, càn quét đánh thẳng vào đội hình của đơn vị. Các đồng chí chỉ huy bảo các em hợp pháp theo đồng bào di tản, nhưng các em dứt khoát ở lại với tiểu đoàn theo nhiệm vụ được giao. Cả ba nấp vào hầm, bị giặc phát hiện. Chúng kêu gọi đầu hàng nhiều lần. Theo lời bé Đào sống sót kể lại, hai chị hội ý rất nhanh, chỉ trong tích tắc, dứt khoát không đầu hàng, thà hy sinh. Giặc quăng lựu đạn, lập tức Thu Vân dùng thân mình phủ lấy người bé, tiếp theo là Chín Phương. Cả hai đồng chí Thu Vân và Chín Phương hy sinh, bé Đào bị thương vì hai chân còn ló ra ngoài, giặc bắt đem đi, một thời gian sau bé Đào được thả ra, tìm về đơn vị. Thu Vân là con ruột của đôi vợ chồng đều là cán bộ cách mạng - đồng chí Phạm Quang Hồng. Lúc hai vợ chồng ở tù, Thu Vân được mẹ Quế gởi cho đồng chí Trương Mỹ Lệ (Tư Liêm) cùng ở tù chung nhưng sắp được thả nhờ đồng chí Lệ dìu dắt nối chí cha mẹ. Được đồng chí Lệ giác ngộ cách mạng, Thu Vân hoạt động phong trào học sinh của trường mình là trường Lê Văn Duyệt, trở thành bí thư Đoàn trường. Bị lộ, Thu Vân thoát ly ra vùng giải phóng, học tập chính trị, quân sự, trở thành chiến sĩ dũng cảm, năng động và cũng là tay súng giỏi. Lúc hy sinh, Thu Vân ở tuổi 19. Còn Chín Phương quê ở Củ Chi (con của đồng chí Hai Thu, cán bộ giao liên Thành Đoàn, nay là Mẹ Việt Nam Anh Hùng), thoát ly làm cách mạng theo Thành Đoàn, làm công tác giao liên, lúc hy sinh cũng ở độ tuổi xấp xỉ Thu Vân. <br />
<br />
Cũng vào tháng 4/1968, tại căn cứ Phước Vân, mọi người vừa xong cơm sáng thì có báo động giặc càn. Một số chém vè, các đồng chí khác, nhất là nữ thì xuống hầm bí mật. Vì có kẻ chỉ điểm - đây là trận càn đánh điểm - bọn Mỹ bắn phá dữ dội, xông vào căn cứ xục xạo, phát hiện miệng hầm bí mật có các đồng chí Lê Văn Quới (Ba Thành), cán bộ, Hồng Liên và Sáu Lan - giao liên. Chúng gọi hàng nhưng được đáp lại là tiếng hô dõng dạc và tràng AK quyết liệt của đồng chí Ba Thành. Giặc ném lựu đạn vào hầm. Đồng chí Ba Thành, Hồng Liên hy sinh, Sáu Lan bị thương và bị chúng bắt. Do khéo khai là đi thăm chồng, gặp càn theo xuống hầm núp, địch không phát hiện gì hơn. Sau một năm bị giam giữ, Sáu Lan được thả. Ba Thành quê ở Biên Hòa, còn Hồng Liên quê ở Tam Phước, Bến Tre, lúc hy sinh mới vừa 17 tuổi. <br />
<br />
Căn cứ Phước Vân tồn tại đến cuối năm 1968, căn cứ Long Khê đến năm 1967, tổ chức được nhiều lớp học chính trị, huấn luyện quân sự, chỉ đạo phong trào, đảm bảo đánh được 65 trận lớn nhỏ, diệt nhiều Mỹ, công an, cảnh sát Ngụy, mật vụ, bọn ác ôn ở các phường, xóm lao động, xí nghiệp, phá hủy và đốt nhiều xe cảnh sát, quân cảnh Mỹ. Đội Võ trang Nguyễn Văn Trỗi trong đợt một Tết Mậu Thân đã chiến đấu thọc vào khu vực sâu nhất của quân giải phóng là Ngã sáu Minh Mạng, Ngô Gia Tự, Lý Thái Tổ…<br />
<br />
Chính tại căn cứ Phước Vân và Long Khê đã có nhiều đồng chí Thành Đoàn (Cánh Thanh niên Công nhân Lao động và Thường trực Thành Đoàn sau này về đây sau đợt 1 Mậu Thân) hy sinh rất dũng cảm. Riêng năm 1967, thời kỳ cánh Thanh niên Công nhân Lao động và đội Võ trang còn trụ bám, đồng chí Phan Thị Mỹ Tâm (Tư Phương), học sinh trường Gia Long, nữ chiến sĩ kiêm giao liên công khai trúng đạn pháo địch hy sinh tại căn cứ Long Khê. Một nữ sinh trong trắng, dũng cảm, trung thực, hiền lành nhưng tận tụy công tác, thể hiện tính cách phẩm chất người đoàn viên Thanh niên cộng sản trong thời chiến để lại trong đồng đội niềm tiếc thương mà anh em trong đơn vị thường nhắc đến. <br />
<br />
Căn cứ Phước Vân cho đến ngày kết thúc đã có 6 cán bộ chiến sĩ Thành Đoàn hy sinh: Mười Nam, Út Trung, Hai Trung, Ba Thành, Hồng Liên và Năm Sự (Lê Thị Năm). Chưa kể các đồng chí từ nơi này ra đi làm nhiệm vụ như Thu Vân, Chín Phương, Mười Liên… Riêng đồng chí Năm Sự cùng đồng chí Hai Liên đi công tác gấp dưới cơn mưa tầm tã, mịt mù, đã bị sét đánh. Đồng chí Hai Liên văng ra bất tỉnh, còn đồng chí Năm Sự thì hy sinh lúc vừa tròn 18 tuổi. Tháng 8/1968, toàn Thành Đoàn rời căn cứ Phước Vân về Ba Thu học Nghị quyết mới. Số còn lại cũng lên đường về lại Bến Tre, hoặc vào nội thành công tác. Vậy là đến đây căn cứ Phước Vân đã chấm dứt nhiệm vụ, với một quá trình 4 năm chất chồng gian khổ hy sinh nhưng thấm đậm chất anh hùng, cùng với biết bao kỷ niệm vui buồn của cán bộ chiến sĩ Thành Đoàn đã từng sống, chiến đấu nơi mảnh đất này có thời kỳ đã trở thành tuyến lửa. <br />
<br />
Từ sau đợt 2 chiến dịch Mậu Thân, Mỹ Ngụy điên cuồng phản kích, sử dụng bom, pháo, B52, chất độc hóa học… mang tính hủy diệt nhằm vào ruộng vườn, làng mạc, rừng núi để đẩy quân giải phóng ra xa và qua đó tập trung “bình định cấp tốc” gom dân vào ấp chiến lược với tên gọi khác là ấp đời mới, ấp tân sinh, quyết giành lại nông thôn, vơ vét sức người sức của ở đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ, chuẩn bị cho việc chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Cách mạng lúc này đứng trước tình thế hết sức khó khăn. Lực lượng quân sự, chính trị đều bị tổn thất lớn, không bám được địa bàn nông thôn, thành thị. Vùng giải phóng phần lớn bị thu hẹp. Nhiều nơi, các cơ quan căn cứ chỉ còn cách đồn địch vài trăm mét, ăn ở, sinh hoạt phải áp dụng phương châm “đi không dấu, nấu không khói, nói không ra tiếng”. Các lực lượng cách mạng ở nông thôn nói chung, căn cứ Thành Đoàn nói riêng đều nằm trong sự đánh phá rất ác liệt của kẻ thù: bom, pháo, càn quét, đột kích đánh điểm, biệt kích, phối hợp với chiêu hồi gián điệp, chỉ điểm nổi lên. Công tác bàn đạp giao liên ra vào căn cứ khó khăn hơn bất cứ thời kỳ nào. Hy sinh tổn thất trong giai đoạn này khá to lớn. <br />
<br />
Tháng 8/1968, theo chỉ đạo của Thành ủy, toàn lực lượng Thành Đoàn rút về Ba Thu (Mỏ Vẹt) thuộc địa phận Campuchia giáp với Việt Nam, để học Nghị quyết “Bình Giả” 1 và chỉnh đốn lại tổ chức. Một số lớn cán bộ của Thành Đoàn chuyển sang tăng cường, củng cố các liên quận bị tổn thất. Thành Đoàn bây giờ còn lại lực lượng cốt cán chỉ đạo phong trào Thanh niên Học sinh Sinh viên và phát triển lực lượng mới, bám lại vùng căn cứ cũ để phục vụ cho phong trào trong tình hình gay go ác liệt như thế. <br />
<br />
Tuy nhiên, giữa lúc phong trào cách mạng ở nông thôn đang gặp khó khăn và trong nội thành địch truy sát ráo riết cán bộ, cơ sở cách mạng, thì phong trào Học sinh - Sinh viên Sài Gòn vẫn tiếp tục phát triển lên cao. Sau phong trào “tay nắm tay che” trong các đợt Mậu Thân huy động hàng vạn người tham gia dưới hình thức cứu trợ đồng bào nạn nhân chiến cuộc, giúp nhiều cán bộ có nơi tránh địch truy lùng, đã diễn ra các cuộc hội thảo, mít-ting xuống đường xô xát với lực lượng đàn áp, đặc biệt là phong trào chống bắt lính, quân sự hóa học đường, đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược Mỹ, đòi hòa bình, chống văn hóa đồi trụy lai căng, đòi thay đổi chính quyền Thiệu Kỳ… Các ngọn cờ công khai Tổng Hội Sinh Viên, Tổng Đoàn Học sinh, Ban Đại diện các trường Đại học, Trung học, Cao đẳng, Kỹ thuật đều do ta nắm và lãnh đạo, hoạt động sôi nổi. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Sau đợt chỉnh đốn lại tổ chức hồi tháng 8/1968 tại Ba Thu, Thành Đoàn khẩn trương xuống chiến trường về lại căn cứ cũ ở Thanh Hưng, Mỹ Tho để chỉ đạo phong trào, rút cán bộ chủ chốt ra học Nghị quyết và điều lắng cán bộ. Tháng 9/1968, do chiêu hồi, đầu hàng chỉ điểm, địch phát hiện căn cứ Thanh Hưng bao vây đánh phá, đón tại cửa khẩu An Hữu bắt một số đồng chí về họp Ban Chấp Hành gồm Nguyễn Ngọc Phương (Ba Triết) Thường vụ, Hoàng Đôn Nhật Tân (Sáu Triều), Nguyễn Văn Sĩ, Nguyễn Thị Chương (Ba Bình), Đỗ Thiết Hùng (Ba Đông), Mười Thiên, dì Hai giao liên… Địch áp giải về Tổng Nha Công an cảnh sát Sài Gòn điều tra. Như vậy là căn cứ Thanh Hưng không còn hoạt động được, đến cuối năm 1968, đã chấm dứt nhiệm vụ. <br />
<br />
<strong>Tháng 6/1968 - 11/1968</strong><br />
<br />
- Căn cứ Hòa Ninh (Vĩnh Long)<br />
<br />
Sau khi địch càn quét ở căn cứ Thanh Hưng (Cái Bè) thì Thành Đoàn chuyển về Hòa Ninh (nay thuộc ấp Hòa Lợi - Châu Thành - Vĩnh Long).<br />
<br />
Về căn cứ này có các đồng chí lãnh đạo Thành Đoàn như: đồng chí Phan Chánh Tâm (Ba Vạn), đồng chí Lê Mỹ Lệ (Năm Trang), đồng chí Trương Mỹ Lệ (Tư Liêm), cùng các cán bộ chủ chốt của Thành Đoàn và các đồng chí giao liên thường xuyên đưa đón cán bộ về đây hội họp.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Tuy nhiên, vì địa hình mỏng, sát nách địch ta chuyển về Cồn Bình Thạnh, Cao Lãnh vào khoảng cuối năm 1968.<br />
<br />
Căn cứ Hòa Ninh tồn tại khoảng 5-6 tháng nhưng đã đóng góp một giai đoạn quan trọng của Thành Đoàn sau Mậu Thân 1968. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã về đây học tập, triển khai Nghị quyết an toàn, chỉ đạo vào nội thành được xuyên suốt thuận lợi.<br />
<br />
<br />
</span></span></div> </html>