<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">PHẦN BỐN -</span></span></strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> <span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong>Hệ thống căn cứ Thành Đoàn trong giai đoạn chống chiến lược </strong></span></span></span></div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong>“Việt Nam hóa chiến tranh” 1969 - 1973</strong></span></span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><strong><span style="font-family: Arial;">I. Hệ thống căn cứ Thành Đoàn trên địa bàn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long 1969 - 1970:</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Từ cuối năm 1968, Mỹ chuyển nhanh sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Quân Mỹ không đóng vai trò chủ yếu “tìm diệt”, nâng khả năng quân ngụy thay thế, từng bước đảm đương cuộc chiến tranh xâm lược tiêu diệt cách mạng giải phóng dân tộc, tiếp tục áp đặt chế độ thực dân kiểu mới. Để thực hiện chiến lược “thay màu da trên xác chết” này, Thiệu Kỳ tăng cường đôn quân bắt lính, ra lệnh tổng động viên bổ sung thêm các đơn vị chủ lực mới khẩn trương phát triển bảo an, dân vệ, củng cố chính quyền xã. Mỹ tiến hành chuyển giao kỹ thuật và khí tài, tăng viện trợ các mặt cho ngụy quân ngụy quyền. Sau các đợt phản kích chúng đề ra kế hoạch bình định cấp tốc trong thời gian 3 tháng từ 1/11/1968 đến 31/1/1968, hành quân kết hợp giữa quân Mỹ và quân ngụy liên tục càn quét bắn phá mang tính hủy diệt cao vào vùng giải phóng, tạo điều kiện cho kế hoạch bình định tiếp theo. Cho nên mặc dù Mỹ rút quân từng bước, tính chất ác liệt của chiến tranh xâm lược không giảm. Từ sau 1969 đến 1970 thế trận chiến tranh nhân dân có giảm sút. Đây là thời kỳ hết sức khó khăn đối với vùng căn cứ. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><em><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đầu năm 1969 đến cuối năm 1970:</span></span></strong></em></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Cồn Bình Thạnh (Cao Lãnh - Đồng Tháp)</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Xã Mỹ Long, xã Nhị Quý (Cai Lậy, Mỹ Tho)</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Xã Phước Thạnh (Bến Tre)</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đầu năm 1969, toàn Thành Đoàn đã về đóng căn cứ tại Cồn Bình Thạnh, Cao Lãnh, Đồng Tháp. Thành ủy cũng rời Ba Thu về đóng căn cứ tại vùng Cai Lậy, Mỹ Tho. Như vậy sự chỉ đạo giữa trên dưới vẫn thuận lợi. Cồn Bình Thạnh, người dân còn gọi là Cồn Chà, diện tích không lớn, được bao bọc bởi sông Cái Lớn (sông Tiền) và sông Cái Bé, ghe xuồng, tàu bè đi lại tấp nập nhưng là vùng giải phóng, có đội du kích, có chi bộ. Người dân nơi đây sinh sống bằng lập vườn cây ăn trái, làm ruộng, làm rẫy. Hệ thống sông rạch chằng chịt, địa hình bị cắt khúc giữa các vùng. Việc đi lại chủ yếu bằng xuồng ghe. Ban ngày, xem chừng địch không càn quét bắn phá, dân trở về nhà lo việc sản xuất, chiều tối trở lại vùng tản cư. Tuy nhiên, vẫn còn một số dân khá đông trụ bám. Giặc càn, họ mặc đồ trắng giữ thế hợp pháp di tản bằng xuồng ghe, hoặc chuyển vùng trong xã để tránh càn. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Lực lượng võ trang xã bố phòng chống địch càn khá chặt, gài mìn, cắm chông, cắm bảng tử địa khắp mọi nơi, sử dụng cả ong vò vẽ phục kích chống càn rất lợi hại. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đầu tiên, Thành Đoàn đóng căn cứ xung quanh ấp Miễu Trắng, Văn phòng thường trực đóng tại nhà đồng chí Năm Tấn - Bí thư chi bộ xã. Lực lượng giao liên đóng tại Cồn Trọi, phân bổ trên những chiếc ghe tam bản có mui, có trang bị máy đuôi tôm, nghi trang người làm ăn trên sông nước như người dân, rất kín đáo và cơ động. Bàn đạp ra rất nhiều ngã như Sa Đéc, Cao Lãnh, Mỹ Thuận, Mỹ Hiệp, Cái Tàu…</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tại căn cứ Cồn Bình Thạnh, Thành Đoàn tổ chức lại Ban Chấp hành mới, Ban Thường vụ có các đồng chí Phan Chánh Tâm (Bí thư), Lê Mỹ Lệ, Phạm Chánh Trực, Trương Mỹ Lệ, Nguyễn Ngọc Phương (bị bắt ở An Hữu được thả), Trang Văn Học. Các Ủy viên gồm Đỗ Ngọc Trinh (Bảy Hà), Lê Thanh Hải (Hai Nhựt), Nguyễn Thị Nghĩa (Chín Ngân), Nguyễn Thị Chương (Ba Bình), Trần Thị Ngọc (Chín Mai), Trần Thị Sáu (Mười Thoa), Lê Công Giàu (Út Mới), Trầm Khiêm (Hai Lâm)… Trong khoảng 2 tháng, Thành Đoàn đã đưa được hầu hết cơ sở về đây học Nghị quyết và đưa các cán bộ chủ chốt đi học Nghị quyết Bình Giã 3 tại căn cứ của Thành ủy ở Bến Tre. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Do có nhiều ngả ra vào và vận dụng thế hợp pháp của đồng bào, căn cứ cồn Bình Thạnh đã tổ chức được hội nghị, mở nhiều lớp huấn luyện, học tập nghị quyết, điều lắng… rất an toàn. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Khoảng tháng 3/1969, để đáp ứng yêu cầu chỉ đạo phong trào nhanh nhạy, kịp thời, Thường trực và Văn phòng chuyển hẳn vào bên trong, xây dựng các căn cứ lõm xung quanh Sài Gòn để đứng chân chỉ đạo, gồm cứ lõm ở ấp Chợ Đồn, Tân Vạn (Biên Hòa) và Long Hải thuộc Bà Rịa. Cứ lõm là vùng địch còn kiểm soát, nhưng lỏng. Mọi sinh hoạt hoạt động đều nghi trang hợp pháp. Nếu không bị lộ thì đây là những nơi thích hợp cho công việc chỉ đạo, hội họp, công tác văn phòng thư từ liên lạc vì địch ít chú ý, và khá yên tĩnh. Ở hai cứ này, việc đi lại rất cơ động. Đồng chí Trần Thị Sáu (Mười Thoa) - Chánh Văn phòng, đồng chí Nguyễn Thị Nam (Chín Trung) và Nguyễn Văn Mót - Phó văn phòng. Lực lượng giao liên có Hai Danh, Năm Hồng, Út Hằng, Tám Thư, Chín Lan, Mười Tân, bé Tuấn. Ban Thường vụ thường xuyên về họp và làm việc với Phó Bí thư Thành ủy phụ trách - đồng chí Nguyễn Thái Sơn (Bảy Bình). Căn cứ Cồn Bình Thạnh bây giờ trở thành căn cứ huấn luyện, mở các lớp học chính trị, quân sự và điều lắng. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Căn cứ lõm hoạt động được một thời gian thì bị lộ. Các đồng chí Phan Chánh Tâm - bí thư Thành Đoàn, đồng chí Phạm Chánh Trực, đồng chí Lê Mỹ Lệ - phó bí thư, Nguyễn Ngọc Phương - Ủy viên thường vụ, đồng chí Lê Thị Sáu đều bị bắt cùng với một số đồng chí cán bộ và giao liên. Đồng chí Nguyễn Ngọc Phương và đồng chí Trần Thị Sáu bị địch tra tấn dã man, vẫn chiến đấu ngoan cường và hy sinh. Văn phòng chuyển về lại căn cứ Cồn Bình Thạnh. Thường vụ Thành Đoàn được củng cố và bổ sung gồm các đồng chí Trang Văn Học (Năm Tranh) được chỉ định là quyền bí thư Thành Đoàn, Trương Mỹ Lệ - Phó bí thư, các đồng chí Nguyễn Văn Chí (Sáu Chí), Trầm Khiêm (Tám A), Nguyễn Văn Minh (Ba Dừa) là Ủy viên thường vụ. Thành Đoàn bấy giờ chia ra các bộ phận: Văn phòng thường trực, Tuyên huấn, Học sinh - sinh viên, Ban Quân sự và Liên phường Đoàn. Bộ phận Văn phòng tuyên huấn đóng tại nhà bác Bảy Phần, ấp Bình Mỹ B. Các bộ phận Học sinh, Sinh viên, Tuyên huấn, Liên phường Đoàn và Quân sự đóng ở ấp Miễu Trắng. Các lớp học của các bộ phận sinh viên, quân sự, liên phường và học sinh mở ra liên tục. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Giàn giao liên gồm 4 ghe tam bản gắn máy: ghe bác Bảy Trứ, ghe bác Huyền Phong, ghe chú Hai Long và ghe ông Ba Cường. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đang lúc vừa sắp xếp xong tổ chức và ổn định căn cứ thì ngày 3/9/1969 được tin Bác Hồ mất. Cả căn cứ phủ một màu tang đau buồn như cắt ruột cắt gan. Bên ngoài mưa dầm dề suốt ngày suốt đêm không ngớt. Đất trời dường như cũng thương tiếc vô vàn người anh hùng dân tộc vĩ đại đã ra đi, một mất mát vô cùng, không gì bù đắp được của cả dân tộc, trong lúc giặc Mỹ xâm lược vẫn còn hoành hành gieo rắc đau thương tang tóc trên đất nước. Theo chỉ đạo của Thành ủy, toàn căn cứ tổ chức lễ truy điệu và để tang Bác trong nước mắt, biến đau thương thành hành động cách mạng, nguyện tiếp bước con đường và lý tưởng cách mạng của Bác cho đến thắng lợi hoàn toàn. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Lúc này lực lượng căn cứ khá đông, khá nặng. Địch tiến hành bình định trong chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, nên Cồn Bình Thạnh cũng bị địch thường xuyên càn quét, đánh phá, có lúc phải chống càn liên tục cả nửa tháng. Lực lượng bảo vệ do đồng chí Năm Tranh trực tiếp chỉ huy phối hợp với bộ đội, du kích địa phương chống càn, bảo vệ căn cứ an toàn. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Do tình hình trên, tháng 12/1969, Thường vụ Thành Đoàn chủ trương triển khai một số bộ phận xây dựng căn cứ mới. Cánh học sinh về Mỹ Long, Dưỡng Điềm, Nhị Quý ở Cai Lậy, Mỹ Tho do đồng chí Tư Liêm tiền trạm mở mũi. Cánh quân sự và liên phường Đoàn trở về xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, Bến Tre. Cánh sinh viên tuyên huấn vẫn tiếp tục ở cùng với thường trực tại Cồn Bình Thạnh…</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Căn cứ học sinh tại xã Mỹ Long, Cai Lậy phát triển thành 3 cụm:</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Cụm xã Mỹ Long: căn cứ chính, đóng trong vườn nhà Bác Năm Gần, cặp bờ sông Mỹ Long có địa hình sậy và chuối rậm rạp, khoảng 2 mẫu (ngang 100m, dài 200m) và liên hoàn với xóm dân. Căn cứ mở bàn đạp ra lộ 4, qua hai xã Dưỡng Điềm, Nhị Quý; được chi bộ chính quyền địa phương và đội võ trang xã tận tình giúp đỡ. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Cụm xã Long Tiên, Cai Lậy Nam, chủ yếu là căn cứ dự bị phòng tránh địch càn quét. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Cụm xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành, có địa hình cây cao, bụi rậm, chỉ sử dụng hội họp, mở lớp ngắn ngày. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Về ở các cụm căn cứ này có các đồng chí Nguyễn Văn Chí (Bảy Điền) - phụ trách chung, đồng chí Nguyễn Thị Chương (Ba Bình) - Bí thư Đoàn ủy, Nguyễn Thị Nghĩa (Chín Ngân) - Phó bí thư, Triệu Công Tinh Trung - Ủy viên thường vụ, thường trực. Đồng chí Mạnh Chuẩn được Trung ương Đoàn tăng cường chỉ đạo phong trào. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Phụ trách bảo vệ cứ có các đồng chí Đào Văn Đức (Bảy Lâm), Trần Văn Ơn (Năm Nghĩa), Lê Thanh Tạo (Bảy Tạo), Năm Hồng và 5 chiến sĩ miền Bắc tăng cường: Nguyễn Bá Tí (Tư Vui), Nguyễn Hồng Kỳ, Thí, Dung, Tự. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Giao liên có Nguyễn Thị Hạnh (Chín Hồng), Biện Thị Hoa (Sáu Lập), Võ Thị Tư (Út Phương), Sáu Hiếu, Năm Xuân, Thúy. Bàn đạp có nhà Bác Năm Sao, bác Năm Gần ở Mỹ Long là cơ sở nòng cốt, chú Hai Bích, chú Năm Dung, chị Hai Khuynh, anh Tư Sểnh ở xã Nhị Quý. Địa bàn huyện Châu Thành, Cai Lậy, Mỹ Tho nằm trong đối tượng bình định cấp tốc, bình định đặc biệt của Mỹ ngụy, trực tiếp là Sư đoàn 7, Sư đoàn 9, Trung đoàn 10 của sư đoàn 7, chuyên đánh biệt kích. Toàn bộ nằm trong tầm pháo Bình Đức của Tân Tây Lan, 24 khẩu bắn cùng một lúc liên hồi, bất chợt ngày cũng như đêm vào bất cứ nơi nào. Các đồng chí ta gọi là “dàn nhạc Tân Tây Lan”. Địch tận dụng ưu thế không quân mới đưa vào gồm loại trực thăng phản lực tốc độc cao vừa nghe tiếng chỉ vài giây đồng hồ chúng đã tới, dân quen gọi là “cá rô”, “bù nóc”, đi cùng có trực thăng chiến đấu (gọi là cá lẹp). Chúng xà xuống thấp cỡ ngọn cây, dùng cánh quạt vẹt trống mọi địa hình dừa nước, bụi rậm, tốc mái nhà, để phát hiện người, hầm bí mật, công sự… bắn tỉa, quăng lựu đạn phóng hỏa tiễn tiêu diệt bất cứ ai chúng coi là Việt cộng, hoặc xuống đất bắt người chở đi. Đây là thứ vũ khí rất lợi hại, gây thương vong, áp đảo tinh thần, lúc đầu phát huy được tác dụng, nhưng sau lợi dụng nhược điểm dễ bị bắn trúng, nên lực lượng du kích đã bắn rơi được nhiều chiếc, phá được chiến thuật này. Kết hợp, chúng cho máy bay quần đảo, phát loa ra rả kêu gọi chiêu hồi, tác động tâm lý chiến làm nao núng tinh thần. Trong tình hình chiến tranh ác liệt, nhiều đồng chí cán bộ bảo vệ hy sinh, bị thương như đồng chí Năm Hồng, quê xã Tân Trụ, Cần Đước, hy sinh vì pháo chụp tại căn cứ Hữu Đạo; đồng chí Bảy Lâm bị thương bứt một tay do nổ lựu đạn gài, đồng chí Năm Sao bị pháo vỡ đầu gối, cắt một phần chân phải. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Dù phải chịu đựng gian khổ hy sinh trong thời kỳ địch bình định, đánh phá ác liệt, căn cứ cũng đã đảm đương được nhiệm vụ chỉ đạo thông suốt kịp thời phong trào trong nội thành, đưa các cán bộ nòng cốt, các cán bộ trong phong trào công khai ra học tập, làm việc, tổ chức được nhiều lớp học bồi dưỡng, học nghị quyết cho cán bộ, cơ sở cách mạng mới phát triển, đưa được cán bộ bị lộ về điều lắng, đưa được đồng chí Phan Chánh Tâm, Lê Mỹ Lệ, chị Mười Tân vượt ngục thành công trở về vào năm 1970. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tại xã Phước Thạnh huyện Châu Thành, Bến Tre, Ban Quân sự theo sự chỉ đạo của đồng chí Năm Tranh, trưởng ban đã chuyển về xây dựng căn cứ ở ấp 1 và ấp 2, phát triển qua xã Song Phước bên kia sông Ba Lai. Đồng chí Mười Minh phụ trách. Cánh Thanh niên liên phường Đoàn đóng ở ấp 4, ấp cuối xã. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Bến Tre là trọng điểm của trọng điểm bình định cấp tốc, bình định đặc biệt. B52 và bom pháo tàn phá nặng nề địa hình rừng dừa hai bên lộ 6 của các xã Trường Đa, Phú Túc, Hữu Định, Phước Thạnh, Song Phước. Xã Phước Thạnh từ ấp 1 đến ấp 3 gần như không còn dân. Ấp 4 chỉ có một xóm nhỏ ở bến đò sát kinh An Hóa. Địch càn quét liên tục thọc sâu vào giữa ruột, đóng quân nhiều ngày, chủ yếu là triệt hạ các lực lượng cách mạng, đóng đồn bót, chiếm lại vùng giải phóng. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Ban Quân sự lúc này có các đồng chí Huỳnh Văn Minh (Ba Dừa), Hai Thắng, Ba Đạo, Sáu Đạt, Chí Thành, Năm Hoàng, Thành Công, Trần Danh (chú Hai) …</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Khoảng đầu năm 1969, bọn Mỹ đi càn, phát hiện hầm bí mật có đồng chí Lê Thanh Hoàng (Hai Quốc), đồng chí Vũ Oai, cơ sở binh vận là thiếu úy dù. Đồng chí Hai Quốc dùng súng ngắn K54 chống trả quyết liệt, diệt được 2 tên. Hai đồng chí đã hy sinh oanh liệt tại xã Song Phước. Tại Phước Thạnh, một lần địch càn vào cứ, phát hiện hầm bí mật. Không ai chịu đầu hàng, chúng quăng lựu đạn xuống hầm, đồng chí Ba Đạo hy sinh, đồng chí Lê Tấn Quốc bất tỉnh, mù hai mắt bị bắt đem đi. Cánh quân sự cũng trong năm 1969, đồng chí Út Minh hy sinh tại Song Phước ngay trong ngày đồng chí vừa tuyên hôn. Nữ giao liên Bảy Quyết, nữ chiến sĩ Cúc và đồng chí Năm Hoàng cũng hy sinh tại Phước Thạnh. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Cánh Thanh niên Liên phường Đoàn đóng ở vùng Miễu Trường Gà ấp 4, tại nhà các gia đình cách mạng như chị Tư Chơi, chú thím Hai Hải, chị Sáu Mành, dì Hai, dì tư Nhung. Căn cứ có các đồng chí Đỗ Tiến Lực (Chín Lực), Đào Văn Thành (Tám Sơn), Dương Thị Trước (Bảy Huyền), những người đầu tiên về đây xây cứ. Đồng chí Bảy Huyền bị pháo bắn hy sinh ngay từ đầu. Sau này tăng cường thêm các đồng chí Nguyễn Kiến Quốc (Năm Hùng), Hồ Văn Thông (Ba Luân), Nguyễn Vân Vũ (Chín Trực), Lê Doãn Sĩ (Tư Thanh). Trước Tết 1970, có các đồng chí phụ trách trong Ban Chấp hành Đoàn ủy Liên phường về làm việc và ăn tết như đồng chí Trương Mỹ Lệ (Tư Liêm), Đỗ Ngọc Trinh (Bảy Hà), Lê Thanh Hải (Hai Nhựt). Giao liên có các đồng chí Nguyễn Thị Hiệp (Ba Trọng), Chín Thu, Chín Hải, bé Nhân, bé Quyết, bé Hòa. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tháng 5/1970, sau Tết, đồng chí Tư Liêm, Bảy Hà vào nội thành công tác. Đồng chí Bảy Hà bị bắt tại Mỹ Thuận do chiêu hồi nhìn mặt. Đồng chí Tư Liêm bị bệnh, phải điều trị mất mấy tháng mới bình phục.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Ngày 22/3/1970, trong một chuyến công tác đưa một cán bộ giao liên và bé Hòa đi ra cửa khẩu Vàm Cái Trăng, bị địch phục kích ở ấp 2. Đồng chí Tám Sơn đi đầu bị địch bắn giữa ngực hy sinh, chúng tiếp tục bắn và đâm nát thân thể đồng chí. Giao liên bị bắt, bé Hòa 17 tuổi bị chúng hiếp cho đến chết và quăng mất xác, không tìm được (theo người dân sau này kể lại). Địch phục kích giữ xác đồng chí Tám Sơn. Các đồng chí Chín Lực, Ba Luân, Hai Nhựt, Chín Trực, Tư Thanh, Bảy Nam phối hợp với cánh quân sự đồng chí Mười Minh và cánh giao liên tỉnh đồng chí Lê Minh hạ quyết tâm lấy xác đồng chí Tám Sơn. . Cuộc lấy xác thật dũng cảm và mưu trí, cuối cùng đã đưa được xác đồng chí Tám Sơn về, trong tầm pháo địch bắn truy đuổi. Mãi đến chiều hôm sau, địch rút sau một trận càn vào xã, mới tổ chức chôn cất đồng chí được. Đồng chí Tám Sơn tên thật là Đào Văn Thành, em ruột đồng chí Đào Văn Đức (Bảy Lâm), hy sinh lúc 23 tuổi, vừa được kết nạp Đảng vài tháng (sau này đồng chí Bảy Lâm cũng hy sinh tại quê nhà ở Tân Phú Trung, Củ Chi năm 1974). </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Giao liên bị bắt đã đầu hàng và phản bội. Ngoài việc đánh phá cơ sở cách mạng bên trong, nhiều người bị bắt; cô ta còn chỉ cho giặc căn cứ Thành Đoàn và hệ thống giao liên ở Cồn Bình Thạnh, dẫn địch về đánh căn cứ Phước Thạnh ở Bến Tre. Tại căn cứ Bến Tre, địch chia làm 2 mũi đánh thành gọng kềm, kẹp căn cứ liên phường Đoàn vào giữa. Trong trận tao ngộ với địch, bé Nhân bị trúng đạn hy sinh, đồng chí Chín Lực bị thương ở cánh tay núp vào một công sự, địch sục sạo tìm kiếm nhiều lần, đồng chí đã bình tĩnh, mưu trí và tìm cách thoát khỏi sự truy sát của địch trong gang tấc. Các đồng chí khác cũng thoát khỏi vòng vây của địch. Trong một trận khác, đồng chí Ba Luân hy sinh trong lúc đi gài trái để ngăn giặc càn, không may trái nổ. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Căn cứ Phước Thạnh đã tồn tại trong bom đạn và sự càn quét rất ác liệt của Mỹ ngụy, chịu tổn thất, hy sinh khá lớn, tại đây ta đã hy sinh 5 đồng chí, nhưng vẫn kiên cường bám trụ, thậm chí chỉ còn lại một người vẫn bám trụ cho đến khi có lệnh rút đi. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Sau khi giao liên ở Bến Tre đầu hàng phản bội, tháng 6/1970 địch tập trung đánh phá căn cứ Thành Đoàn ở Cồn Bình Thạnh. Sau nhiều ngày bao vây các cửa sông Cái Lớn, Cái Bé, địch bắt 3 ghe tam bản giao liên gồm Ba Cường, Ba Huyền Phong, Ba Bảy Trứ, dì Bảy Như, Ba Thắm, Ba Tiên. Chỉ có ghe chú Hai Long chạy thoát. Trong vụ này, đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa (Chín Ngân) bị bắt. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Người phụ trách giao liên đầu hàng, chỉ ra hệ thống giao liên. Địch đã biết rất rõ về tổ chức căn cứ của Thành Đoàn ở Cồn Bình Thạnh và cả đường dây liên lạc giữa Thành Đoàn và Thành ủy. Chúng tập trung đánh điểm, huy động tàu chiến có bọn Tổng Nha, Công an, Cảnh sát Sài Gòn, cho bộ binh đổ bộ và máy bay trực thăng đánh vào các điểm của căn cứ Thành Đoàn. Chúng đánh cả ban ngày lẫn ban đêm. Tuy nhiên, do ta đề phòng cảnh giác, phối hợp cùng địa phương chống càn, nên không bị tổn thất. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Trước tình hình đồng bằng sông Cửu Long địch bình định đánh phá ác liệt, lực lượng căn cứ bị hy sinh tổn thất và bị động liên tục không còn đảm bảo nhiệm vụ phục vụ cho phong trào. Thành ủy chủ trương chuyển toàn bộ các căn cứ về bên kia biên giới Campuchia. Theo chỉ đạo của Thành ủy, tháng 9/1970, đồng chí Tư Liêm được cử đi tiền trạm mở mũi để chuyển hướng căn cứ về sông Sở Thượng, giáp biên giới Campuchia. Lực lượng cùng đi có các đồng chí Ngô Lộc Sơn (Mười Hòa) phụ trách an ninh, đồng chí Sáu Hoàng, công tác quân sự, đồng chí Trần Hưng Đoàn (Năm Bằng) và Hoàng Phủ Ngọc Phan (Năm Sơn) tuyên huấn, đồng chí Năm Sao xây dựng căn cứ cùng một số đồng chí bảo vệ. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Các đồng chí Phan Chánh Tâm, Lê Mỹ Lệ, Phạm Chánh Trực đã vượt ngục trở về. Thành Đoàn có sự phân công sắp xếp lại. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Trong lúc hội nghị thì địch càn vào khu vực căn cứ. Sau trận càn, thường vụ quyết định chuyển bộ máy văn phòng về sông Sở Thượng. Đồng thời, cũng chỉ đạo cho các căn cứ quân sự, liên phường Đoàn ở xã Phước Thạnh, Bến Tre, căn cứ học sinh ở xã Mỹ Long, Dưỡng Điềm, Nhị Quý, huyện Cai Lậy, Mỹ Tho, chuyển toàn bộ về sông Sở Thượng, biên giới Campuchia. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Lúc này, Thường vụ chỉ còn có đồng chí Trang Văn Học (Năm Tranh) ở lại Cồn Bình Thạnh phụ trách căn cứ và phụ trách chỉ đạo Ban Quân sự. Cùng ở lại còn có các đồng chí Nguyễn Thị Nam (Chín Trung) - văn phòng, đồng chí Tám Vân - y tế, chị nuôi, các đồng chí bảo vệ gồm Mười Công, Chín Nhịn, Ba Dũng, Tư Quán. Giao liên có vợ đồng chí Sáu Hải, đồng chí Ba Minh, xây dựng gia đình đồng chí Tư Quán ở Cồn Trọi làm điểm nhắn tin, liên lạc. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Theo chỉ đạo của Thành ủy và Thành Đoàn, sau khi các đồng chí cuối cùng của các căn cứ Mỹ Tho, Bến Tre về hết sông Sở Thượng thì các cán bộ chiến sĩ ở Cồn Bình Thạnh cũng sẽ rút về đó luôn. Đường về sông Sở Thượng của các căn cứ trên hết sức cam go, có thể bị tổn thất lớn vì Mỹ ngụy đánh hơi biết hướng chuyển cứ của Thành ủy và các cánh. Chúng tập trung hàn các chốt, điểm hiểm yếu mà các đoàn nhất thiết phải vượt qua như vượt sông Cửu Long, vượt quốc lộ 4, vượt đồng bưng giáp biên giới… Gian nan nhất là đoàn của căn cứ Bến Tre, phải mất trên 70 ngày đêm mới về đến Sở Thượng. Đoàn căn cứ Cồn Bình Thạnh cũng hết sức gay go. Điều hạnh phúc, sung sướng nhất là các đoàn về đến nơi an toàn, mặc dù gặp không biết bao nhiêu lần nguy hiểm tưởng chừng không bảo vệ nổi. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Trong khi các đồng chí còn chờ các đoàn Bến Tre, Mỹ Tho chưa rút hết, ngày 14/12/1970, địch tập kích vào văn phòng, chỗ đồng chí Năm Tranh làm việc tại căn cứ Cồn Bình Thạnh, bằng pháo và trực thăng bắn hỏa tiển ngay hầm trú ẩn của đồng chí. Đêm ấy, đồng chí Sáu Hòa, bộ phận quân sự về làm việc với đồng chí Năm Tranh và về ngay trong đêm. Khoảng 6 giờ sáng ngày 15/12/1970, máy bay địch quần đảo bắn trái điểm tại văn phòng và bỏ bom. Đồng chí Năm Tranh hy sinh. Sau khi chôn cất và làm lễ truy điệu, toàn bộ các đồng chí còn lại được lệnh lần lượt rút về sông Sở Thượng, chỉ để lại đồng chí Tư Quán là đầu mối cuối cùng liên lạc với căn cứ Mỹ Tho, Bến Tre và Cồn Cò ở Sở Thượng. Công việc của căn cứ Cồn Bình Thạnh xong, chưa kịp rút đồng chí Tư Quán đi thì địch càn. Đồng chí Tư Quán phối hợp cùng địa phương chiến đấu, chẳng may bị cướp cò súng, đồng chí hy sinh. Từ đây căn cứ Cồn Bình Thạnh chấm dứt nhiệm vụ cho đến ngày giải phóng. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Chỉ 2 năm 1969 - 1970, có thể nói đó là thời kỳ mà các căn cứ của Thành Đoàn đã trụ bám trên địa bàn đồng bằng sông Cửu Long, là một trận tuyến, một chiến trường hết sức gay go quyết liệt, chịu bao hy sinh tổn thất và đã vượt qua mọi thử thách, hoàn thành xuất sắc vai trò hậu phương đối với phong trào đô thị đang dâng cao.<br />
</span></span></div> </html>