<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">II. Hệ thống căn cứ Thành Đoàn trong giai đoạn “Đánh cho Mỹ cút” 1971 - 1973:</span></span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Trong chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, địch tiến hành các đợt bình định cấp tốc, bình định đặc biệt, bình định bổ túc, chiếm lại phần lớn vùng giải phóng với hệ thống đồn bót bủa giăng dầy đặc và thọc sâu ở khắp nơi, cùng với sự hình thành hàng ngàn ấp Tân Sinh, ấp Đời Mới, lùa dân vào vùng chúng kiểm soát làm nguồn nhân lực chủ yếu cho việc tăng quân, nhằm cô lập và triệt hạ các lực lượng cách mạng ở nông thôn, đẩy quân chủ lực giải phóng ra khỏi “lãnh thổ”. Thừa thế, ngày 18/3/1970, Mỹ tổ chức lật đổ chính phủ trung lập Sihanouk, lập chính quyền tay sai Cheng Heng-Lonnol Sirikmatak, tạo thế liên kết phản cách mạng thân Mỹ Việt Nam, Lào và Campuchia, trong âm mưu mở rộng chiến tranh xâm lược Campuchia, Lào nhằm tiếp tục truy diệt quân chủ lực giải phóng Việt Nam, ngăn chặn tất cả mọi con đường chi viện từ phía Bắc và từ cảng Sihanoukville. Mỹ tưởng rằng sẽ tiêu diệt được cách mạng của cả ba nước Đông Dương, nhưng thực tế diễn ra hoàn toàn trái ngược lại ý đồ của Mỹ. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Cuộc xâm lược tiến sâu vào lãnh thổ Campuchia ngày 30/4/1970 của 100.000 quân Mỹ - ngụy, cướp bóc tàn sát nhân dân, đốt phá phum sóc, chùa chiền đã làm bật dậy làn sóng căm phẩn của các tầng lớp nhân dân, Mặt trận thống nhất dân tộc và quân đội cách mạng Campuchia đã nhanh chóng thành lập, được nhân dân ủng hộ, đã liên kết cùng quân giải phóng Việt Nam chiến đấu tiêu diệt nhiều đơn vị chủ lực Mỹ Ngụy, kềm chân và làm sa lầy chúng tại đây, giải phóng được một số vùng rộng lớn. Các lực lượng cách mạng ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia xác định “Toàn Đông Dương là một chiến trường thống nhất” chống Mỹ ngụy, cam kết cùng nhau chiến đấu đánh đuổi kẻ thù chung là quân xâm lược Mỹ và tay sai. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Việc đưa một bộ phận quan trọng quân chủ lực sang Campuchia tháng 4/1970, tiếp theo tiến hành cuộc hành quân Lam Sơn 1971 vào lãnh thổ Lào và một số cuộc hành quân lớn khác ở Tây Nguyên đã làm giảm sức ép quân sự trên các tỉnh đồng bằng Nam Bộ và làm mất lưng dựa cho công cuộc bình định nông thôn, là thời cơ cho các lực lượng cách mạng tại chỗ ở nông thôn gượng dậy và phát triển mới, lấy lại thế tiến công, làm thay đổi tương quan lực lượng. Đây là một sai lầm chiến lược của Mỹ không thể cứu vãn. Tiếp theo, chiến dịch xuân hè (mùa hè đỏ lửa) năm 1972 của quân giải phóng, tiếp tục kéo quân chủ lực Mỹ Ngụy ra Quảng Trị, tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng và kềm chân chúng. Mặt khác, kết hợp cao trào đấu tranh chính trị ở Sài Gòn và các đô thị miền Nam mang nội dung chống xâm lược Mỹ, đã đảo chính quyền Thiệu Kỳ tay sai, với mức độ bạo lực cao, chiếm Tòa Đại sứ Lonnol, đốt xe Mỹ, chiến dịch tấn công chính trị của học sinh sinh viên “Hát cho đồng bào tôi nghe” đánh trả các lực lượng đàn áp bằng các loại phương tiện tự tạo… và phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ lên cao. Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh không đạt yêu cầu mong muốn của Mỹ. Ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn bị cô lập, suy sụp nghiêm trọng. Trận “Điện Biên Phủ trên không” của quân dân miền Bắc đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của Mỹ vào Hà Nội là đòn quyết định cuối cùng đánh quỵ ý chí trực tiếp xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ ký hiệp định Paris tháng 1/1973, công nhận chủ quyền độc lập thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, ngưng ném bom miền Bắc, rút hết toàn bộ quân Mỹ và đồng minh ra khỏi Việt Nam…</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Vùng giải phóng và các lực lượng cách mạng đã nhanh chóng phát triển mở rộng, thậm chí hơn cả thời kỳ trước Mậu Thân, xét về tương quan lực lượng. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Tất cả tình hình trên có ảnh hưởng quyết định đến việc bố trí lại và xây dựng căn cứ địa cách mạng của Thành ủy Sài Gòn nói chung và Thành Đoàn nói riêng. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Đầu năm 1971 đến 1972:</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
- Về sông Sở Thượng, sông Hậu, biên giới Campuchia</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Những tháng đầu năm 1971, toàn bộ các cánh của Thành Đoàn đóng trên địa bàn đồng bằng sông Cửu Long đã rút hết về vùng sông Sở Thượng thuộc tỉnh Prey Veng. Bấy giờ, vùng giải phóng trên đất bạn đã được mở rộng thênh thang, căn cứ Sở Thượng lúc này tương đối yên bình, lương thực thực phẩm sung túc. Các cơ quan đóng trong các gia đình Việt Kiều và các phum sóc dọc theo bờ sông Sở Thượng vùng Gò Mã Đá và Cồn Cò. Việc đi lại chủ yếu bằng xuồng máy. Bàn đạp mở ra các ngã Hồng Ngự, hoặc sang Vĩnh Lợi Trinh qua Thường Lạc, Thường Phước về Châu Đốc. Lực lượng bảo vệ giao liên được xây dựng thêm trong bà con Việt kiều như Tư Minh, bé Sang, Tư Thẩm, Sáu Hương, Tư Kiên, Sáng… trong đội bảo vệ, Ánh, y tá. Chị Hai Mạnh, chị Sáu Phú, bé Mai, bé Ngọc, bé Hiếu, má Năm Xuân… là giao liên. Bàn đạp do đồng chí Đỗ Hữu Ứng (Sáu Tĩnh), cán bộ phong trào về điều lắng, phụ trách. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Căn cứ Sở Thượng cũng có nhiều điểm bất lợi, địa hình trống trải, khó che dấu lực lượng, là nơi buôn bán tấp nập, gián điệp dễ trà trộn, đường dây chỉ đạo vào thành phố quá xa không kịp đáp ứng yêu cầu của phong trào và phải qua nhiều chặn chốt kiểm soát của địch. Trong thời gian này ta có đưa một số cán bộ về làm việc và học tập. Nhưng chỉ vài tháng sau giữa năm 1971, địch đánh hơi, căn cứ bị lộ, thường xuyên bị đánh phá bằng bom pháo, trực thăng quần đảo bắn dọc hai bờ sông bất kể dân thường đang sinh sống làm ăn đông đúc. Xóm làng tan hoang, nhiều người dân bị chết, bị thương. Đồng chí Lê Doãn Sĩ (Tư Thanh, Mười Chín) bị nổ trái bom bi hy sinh, đồng chí Lê Hồng Kỳ bị thương nặng. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Tháng 7/1971, theo chỉ đạo của Thành ủy, Thành Đoàn dời cứ vào sâu bên trong, sang bờ tây sông Bassac xây cứ mới ở Phum Chô xã Tim Flơn, huyện Kpông Kông, tỉnh Cần Đan (Kandal). Tại đây, Thành Đoàn đã đưa nhiều nòng cốt công khai của phong trào học sinh sinh viên mở lớp bồi dưỡng. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Tháng 12/1971, theo chỉ đạo của Thành ủy, căn cứ Thành Đoàn lại dời lên phía bắc tỉnh Soài Riêng (Svayrieng), đóng ở vùng Têra-Plêông, Đồng Cân, Chô, Tà Nốt tỉnh Kampong Trapec. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Thành Đoàn đưa một số cốt cán bám trở lại Sài Gòn truyền đạt chỉ đạo và hỗ trợ phong trào đấu tranh chống bầu cử độc diễn của Nguyễn Văn Thiệu gồm có các đồng chí Triệu Công Tinh Trung, Hoàng Đôn Nhật Tân, Hà Văn Hùng (Tám Ngữ), Nguyễn Kiến Quốc (Năm Hùng), Nguyễn Văn Ngàn (Năm Mới)…</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Tháng 12/1971 - 3 /1973: </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
- Xã Hòa Mỹ, xã Hòa An, Kinh Cùng (Phụng Hiệp - Cần Thơ)</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Đồng thời cũng vào cuối năm 1971, Thành ủy quyết định đưa hai đoàn ủy học sinh và sinh viên chuyển về địa bàn miền Nam xây cứ để chỉ đạo phong trào kịp thời. Đồng chí Tư Liêm được cử đi tiền trạm về Phụng Hiệp Cần Thơ, quê hương của đồng chí Lê Minh Châu (Ba Cảnh). Lúc bấy giờ vùng giải phóng ở đây được mở rộng, được các đồng chí địa phương, đồng chí Nguyễn Hoàng Vũ (Mười Vũ, Năm Mới) phụ trách Quân báo Tỉnh Đội Cần Thơ nhiệt tình giúp đỡ. Đoàn ủy Học sinh Sinh viên về đây được nghi trang là một đơn vị quân báo của tỉnh đội, đóng ở hai xã Hòa Mỹ, thuộc huyện Phụng Hiệp tỉnh Phong Dinh, xã Hòa An, Kinh Cùng thuộc tỉnh Chương Thiện, theo địa giới hành chính ngụy lúc bấy giờ. Đây là vùng sông nước, ghe xuồng tấp nập trên các kinh đào, gạo trắng nước trong, nhưng lại là vùng rất nhiều muỗi, đỉa, vắt nổi tiếng đã hình thành câu thiệu “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh như bánh canh”. Đoàn ủy học sinh đóng trên kinh Xáng Lá Hiếu, kinh Xẻo Môn và kinh Đập Đá, kinh Nhà Nước. Đoàn ủy sinh viên đóng dọc kinh Xáng Bộ tiếp cận với căn cứ quân báo tỉnh. Ở đây căn cứ được gia đình chú Nguyễn Văn Gương (Tám Gương), anh Trần Ngọc Huê, chú Bùi Công Luận (Ba Luận) giúp đỡ, che chở tận tình. Đoàn ủy học sinh có các gia đình Nguyễn Văn Ngọc, bác Nguyễn Văn Phẩm (Ba Mười Lượng), chú Nguyễn Thành Tây và Nguyễn Văn Quận (Hai Quận). </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Bàn đạp căn cứ ra nhiều ngã rất thuận lợi bằng xuồng máy cơ động, như chợ thị trấn Kinh Cùng, hoặc ra phía Hòa Mỹ, Phụng Hiệp. Ta có đặt bàn đạp ở Kinh Nhà nước, trạm nút ở nhà chị Hồ Thị Hợi, Đặng Thị Bảy (má Bảy), Bùi Thị Đức (má Đức). Tại Kinh Cùng (thị trấn) có nhà bác Trần Văn Sương… Tại Cái Tắc có nhà Lê Kim Chi (chị Hai), anh Nguyễn Văn Đệ… và các trạm Đầu Sấu, trạm cầu Bắc Cần Thơ, trạm Bảy Ngàn, trạm Vĩnh Long…</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Căn cứ nằm ở hai tỉnh khác nhau, nên thuận lợi, địch càn bên này thì chạy sang bên kia. Tuy gần địch nhưng phía sau là vùng giải phóng. Đoàn ủy học sinh có đồng chí Tư Liêm phụ trách, và các đồng chí Lê Thanh Hải, Phan Hồng Quân, Đỗ Tiến Lực, Hà Văn Hùng, Lâm Văn Tiếp, Nguyễn Vân Vũ, Trương Minh Nhựt, Huỳnh Kim Quang, bảo vệ cứ và cán bộ điều lắng có các đồng chí Bảy Thép, Sáu Nhã, Ba Trương, Tám Hoàng, Năm Thắng, Mười Luận… tất thảy có hơn 30 cán bộ và chiến sĩ. Đoàn ủy Sinh viên do đồng chí Dương Văn Đầy (Bảy Không) phụ trách có các đồng chí Trần Thị Ngọc Hảo (Tư Tín), Hai Nam, Hai Thủy, Trương Anh Dũng, Trần Thị Ngọc Dung, Năm Sao, Trương Quốc Khánh, Huỳnh Quan Thư (Tư Vinh)… phụ trách giao liên có đồng chí Bảy Nhuận. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Căn cứ Cần Thơ liên tục mở lớp ngắn ngày cho cán bộ đầu mối phụ trách các trường hơn 100 lượt người. Tuy gian khổ vì môi trường đỉa, vắt, muỗi, địch càn quét liên tục, nhưng đây là môi trường rèn luyện tốt, được trang bị nhận thức toàn diện, cán bộ trưởng thành vững vàng. Đây còn là nơi điều lắng, học quân sự đảm đương việc bảo vệ căn cứ. Có lần địch bắn pháo làm đồng chí Trần Văn Lý (Bảy Thanh) hy sinh, và hai đồng chí khác bị thương. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Có nhiều lần giao liên dẫn khách đụng giặc càn, nhưng nhờ đồng bào che chở bảo vệ nên vẫn đi trót lọt. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Từ giữa năm 1972, tình hình căn cứ Cần Thơ trở nên ác liệt. Địch càn quét hàng ngày, dọn bãi đổ quân bằng bom B52. Địa hình lại mỏng, công sự không vững chắc. Trước tình hình đó Thành ủy chỉ đạo rút toàn bộ căn cứ Đoàn ủy học sinh và sinh viên về lại Campuchia. Tháng 11/1972, cánh Thanh niên liên phường cử đồng chí Mười Tân xuống đón đồng chí Nguyễn Văn Vũ (Chín Trực) đi đường công khai về Campuchia, cả hai bị bắt tại cửa khẩu biên giới nên đường công khai từ đó bị bế tắc. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Đoàn đi đường du kích của Đoàn ủy sinh viên do đồng chí Dương Văn Đầy phụ trách khởi hành từ 25/10/1972 đến 14/12/1972 mới về đến Campuchia. Đồng chí Năm Xuân (Mai Chí Thọ), Thường trực Thành ủy đến thăm hỏi, biết đoàn đi rất gian nan và nhiều lần đụng giặc, qua sông rất nguy hiểm, nhất là qua kinh Vĩnh Tế mà các đồng chí ta mệnh danh là “Kinh Vĩnh Biệt”, nên cử bác sĩ cận vệ - đồng chí Hồ Văn Tăng (Mười Lù) xuống đón đoàn thứ hai là Đoàn ủy học sinh. Đoàn khởi hành từ tháng 3/1973 đến tháng 5/1973 về đến Củ Chi an toàn. Một điều rất kỳ diệu là cả hai đoàn đều đến nơi an toàn trong nhiều tình huống đụng giặc, giặc hàn trên kênh, trên các trục lộ phải băng qua, những cánh đồng bưng bị trực thăng soi… tưởng chừng cái chết đã cận kề, nên khi gặp lại nhau vẫn còn nguyên vẹn, vui mừng khôn xiết. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Mùa khô năm 1972, ta mở chiến dịch Nguyễn Huệ giải phóng nhiều vùng rộng lớn các tỉnh miền Đông, nhổ sạch các căn cứ địch ở Thiện Ngôn, Kà Tum, Bổ Túc, Lộc Ninh, Bù Đốp… Vùng địch tạm chiếm trước đây như Bến Cát, Củ Chi, Trảng Bàng, kết hợp với lực lượng vũ trang và binh vận tại chỗ, nhân dân vùng lên pha các ấp chiến lược bung về làng cũ làm ăn. Vùng giải phóng đã được mở rộng. Trước khí thế tấn công và nổi dậy đồng loạt của quân dân ta, chính quyền Sài Gòn ban hành lệnh thiết quân luật, đóng cửa các trường học, dẹp các tổ chức công khai, khủng bố trắng các phong trào. Thành ủy chủ trương “cán bộ phải rút vào bí mật, chuyển chỗ ở, người về xóm được an toàn thì về, người nào bị lộ với địch thì phải cương quyết đưa vào chiến khu học tập bồi dưỡng, chuẩn bị nhân sự cho giai đoạn mới…”</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, Thành Đoàn rút hàng loạt cơ sở phong trào công khai về cứ Tim-phơn (Soài Riêng). Tháng 12/1972, Thành ủy và Thành Đoàn tổ chức lớp bồi dưỡng cho các cán bộ này tại căn cứ nói trên gồm các sinh viên Hồ Tâm, Phạm Xuân Hồng (Khoa Học), Nghiêm Văn Thịnh (Khoa Học), Tôn Thất Thành, Trần Luyến (Năm Luận), Nguyễn Xuân Lập,… Một số nhạc sĩ sinh viên như Nguyễn Văn Sanh, Tôn Thất Lập, Trương Quốc Khánh, Trần Long Ẩn, Lê Duy Hạnh (Lê Thành Yến). Đồng chí Mai Chí Thọ, Thường trực Thành ủy đến giảng bài. Đến giảng và nói chuyện lớp này còn có nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Lư Nhất Vũ, biên đạo múa Thái Ly, nhà thơ Hoài Vũ. Phụ trách lớp có các đồng chí Đỗ Hữu Bút, Ba Chuyên, Lê Quang Lộc (Sáu Quý), Trần Hưng Đoàn (Năm Bằng). Đang học thì Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/01/1973, khóa học tạm ngưng, tức tốc chuyển quân về miền Nam, tại Lò Gò - Xóm Giữa, huyện Tân Biên (Tây Ninh) tiếp tục đến hết khóa. Từ đây, căn cứ của Thành Đoàn đã chấm dứt thời kỳ đóng trên đất bạn Campuchia. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
</span><em><strong><span style="font-size: small;">Sau Hiệp định Paris năm 1973</span></strong></em></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Tháng 4/1973 – 1/1974:</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
- Lò Gò - Xóm Giữa - Thiện Ngôn (Tây Ninh)</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
- Củ Chi</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
- Bến Cát (Bình Dương)</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Sau lớp học, đến tháng 4/1973, Thành Đoàn chuyển quân từ Lò Gò - Xóm Giữa về lại quê hương T4, đóng trên địa bàn truyền thống dọc hai bờ sông Sài Gòn Củ Chi - Bến Cát, với một đoàn cán bộ và chiến sĩ hơn 80 người do đồng chí Mười Hòa (Ngô Lộc Sơn) làm trưởng đoàn, cùng với đoàn hậu cần 16 chiếc xe đạp thồ do đồng chí Đỗ Hữu Ứng phụ trách. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Cùng lúc đó, “đoàn quân chiến thắng khá hùng hậu” của Thành Đoàn từ ngục tù Mỹ Ngụy, qua trao trả theo hiệp định Paris, cũng đã trở về gồm các đồng chí như Lê Hồng Tư, Trương Tấn Biên, Hồ Văn Ngoan, Đỗ Hoàng Hải, Nguyễn Kiên Trung, Đỗ Ngọc Trinh, Nguyễn Thị Nghĩa, Võ Ngọc An, Trần Văn Khánh, Nguyễn Thị Cúc, Phan Lệ Hạnh, Ngô Thị Cẩm Tiên, Lê Tú Cẩm, Mười Khanh, Nguyễn Chơn Trung, Nguyễn Văn Phúc, Hà Duy Hưng, Phan Ngọc Diệu, Triệu Công Tinh Trung, Sầm Thanh Liêm, Trần Văn Tạo… Không khí đoàn tụ trong chiến thắng tràn đầy hạnh phúc, trong tình yêu thương đồng chí đồng đội với biết bao tâm sự chia sẻ cho nhau những ngọt bùi cay đắng trong gian khổ hy sinh trên những trận tuyến khác nhau sống mái với quân thù, bao trùm cả căn cứ. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Thành Đoàn sắp xếp lại tổ chức, phân ra các cánh gọi là cánh B như sau:</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
- B1: Văn phòng Thường trực đóng tại Gót Chàng (An Nhơn Tây - Củ Chi) gần cầu Rạch Sơn. Đồng chí Sáu Khuy làm Chánh Văn phòng</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
- B2: Ban Tuyên huấn và Trường Đoàn Lý Tự Trọng đóng ở xã An Tây, Bến Cát, sau chuyển lên Thanh An. Đồng chí Sáu Tiếp phụ trách Ban Tuyên huấn, đồng chí Lê Hiếu Đằng (Út Mười Một) và đồng chí Trần Hưng Đoàn (Năm Bằng) phụ trách trường Đoàn. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
- B3: Ban Quân sự đóng tại xã An Nhơn Tây (Gót Chàng)</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
- B4: Tổ chức Thành Đoàn đóng tại Giồng Sỏi xã An Tây - Bến Cát do đồng chí Trần Văn Long (Năm Hiền) phụ trách. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
- B9: Thanh niên công nhân đóng ở xã Nhuận Đức, Củ Chi. Đồng chí Đặng Hồng Nhựt (trên tăng cường về) và đồng chí Lê Thanh Hải (Hai Nhựt) phụ trách</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
- B10: cánh học sinh đóng ở Cây Điệp xã Nhuận Đức, sau trận càn chuyển qua xã An Tây, Giồng Sỏi, do đồng chí Trương Mỹ Lệ (Tư Liêm) phụ trách.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
- B11: cánh Sinh viên đóng ở xã An Điền, gần ngã ba Thùng Thơ, Bến Cát, do đồng chí Dương Văn Đầy(Bảy Không) phụ trách. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Phía Củ Chi, bàn đạp ra các ngã Mỹ Phước, Phú Hòa, Cầu Định, Phú Hòa Đông, cửa khẩu ấp Chiến lược Phước Vĩnh An, Láng Đĩa xã Trung Lập Hạ, Trung Hòa, Trung Lập Thượng, ấp chiến lược Bàu Tre. Phía huyện Bến Cát có cửa khẩu Cầu Ông Cộ, xã Phú An, ngã ba Chú Lường qua ấp chiến lược xã An Điền. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Vừa ký xong hiệp định Paris, lẽ ra không còn tiếng súng, nhưng Mỹ Thiệu đã chà đạp, liên tục tổ chức các trận càn chiếm đất, giành dân. Các căn cứ ở Củ Chi, Bến Cát vẫn bị đánh phá ác liệt. Căn cứ B10 của Đoàn ủy học sinh tại căn cứ Cây Điệp xã Nhuận Đức bị một tiểu đoàn của Sư 25 bộ binh bao vây, nhưng bị lực lượng bảo vệ căn cứ mưu trí, dũng cảm khi chúng đến gần quăng lựu đạn giết và làm bị thương một số tên. Chúng tưởng bị lọt vô khu vực có gài trái nên không dám tiến tới lùng sục. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Ở căn cứ sinh viên An Điền, Bến Cát, đồng chí Nguyễn Bá Tí (Tư Vui) trên đường đi công tác bị địch phục kích hy sinh tại ngã ba Thùng Thơ thuộc xã An Điền. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Tại trường Đoàn, đồng chí Trần Thị Báu và Đoàn Thị Thu Hà (nữ sinh Gia Long) hy sinh lúc tắm hố bom. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Tháng 12/1973, vùng giải phóng phía Tây Nam Sài Gòn đã mở rộng. Thành Đoàn cử một bộ phận cánh Học sinh và cánh Thanh niên công nhân gồm 8 người: Hoàng Đôn Nhật Tân, Lâm Văn Tiếp, chị Tám Thanh, Nguyễn Minh Lân, Tư Trung, Tư Đời, Út Đậm, Thạnh mở mũi đi xây cứ tại xã Mỹ Long, huyện Kiến Văn (nay là Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), dự phòng cho sau này.<br />
<br />
</span></span></div> </html>