<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
<strong>PHẦN NĂM - Hệ thống căn cứ Thành Đoàn trong giai đoạn “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam 1974-1975</strong></span></span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
<br />
<em><strong>Tháng 1/ 1974 đến cuối năm 1974: Về Long Khánh</strong></em><br />
<br />
Bước vào năm 1974, tình hình chính trị quân sự, tương quan lực lượng đã nghiêng hẳn về phía cách mạng. Ngụy quân Ngụy quyền đang trên đà ngày một suy yếu, phân hóa, cô lập cao độ. Chấp hành sự chỉ đạo của Thành ủy, vào cuối tháng 01/1974, chuẩn bị cho hướng chiến lược giải phóng Sài Gòn sau này, toàn bộ lực lượng Thành Đoàn được tổ chức phân ra 2 cánh: cánh A và cánh B. Cánh A chuyển về Long Khánh - Bà Rịa để chuẩn bị vào hướng Đông Bắc Sài Gòn. Cánh A do đồng chí Phạm Chánh Trực và đồng chí Trương Mỹ Lệ phụ trách. Còn cánh B trụ lại Củ Chi, sẽ vào hướng Hóc Môn - Gia Định. Cánh B do đồng chí Trần Văn Nguyên, đồng chí Võ Văn Cương, đồng chí Đoàn Văn Khuy phụ trách. Đoàn đi Long Khánh đợt đầu gồm các đồng chí Huỳnh Văn Minh (Ba Dừa) phụ trách, đồng chí Phan Công Trinh (Năm Thế), đồng chí Ngô Văn Ích (Tư Long), đồng chí Sáu Phương (bảo vệ), đồng chí Bảy Thuận. Được sự giúp đỡ của các đồng chí Thị ủy Long Khánh, căn cứ Thành Đoàn đã được xây dựng đầu tiên ở Suối Rết xã Bảo Vinh. <br />
<br />
Khoảng cuối tháng 6/1974 một đoàn thứ hai, chủ yếu là cánh sinh viên và quân sự gồm các đồng chí Dương Văn Đầy, Trần Văn Khánh, Trần Thị Ngọc Hảo, Nguyễn Đình Mai, Ba Thức, Đỗ Hữu Ứng cùng một số đồng chí khác đến Long Khánh đóng ở nhiều cụm tại suối Bà Lâu, vùng Thọ Vực, cách Bảo Long 10km, do đồng chí Dương Văn Đầy phụ trách; cụm đóng sát rẫy (bí đỏ, bắp) sát rừng do đồng chí Trần Thị Ngọc Hảo phụ trách, cụm đóng tại suối Rết do đồng chí Phan Công Trinh phụ trách. Cánh quân sự đóng ở Bình Lộc giáp Bảo Vinh và một cụm do đồng chí Đỗ Thiết Hùng phụ trách. <br />
<br />
Đến tháng 10/1974, Văn phòng, cánh Thanh niên công nhân, cánh Học sinh do đồng chí Tư Nhơn làm trưởng đoàn, đồng chí Đỗ Tiến Lực phó đoàn chuyển đến Xuân Lộc (Long Khánh) xây cứ. Cho đến cuối năm 1974 thì các cánh của Thành Đoàn đã chuyển hết về Long Khánh, trừ cánh Thanh niên nông thôn và trường Đoàn Lý Tự Trọng còn bám lại đất Củ Chi, Bến Cát. <br />
<br />
Ở căn cứ Long Khánh, bom pháo không ác liệt như Củ Chi, Bến Cát. Dân ban ngày về làm rẫy, chiều trở lại ấp chiến lược hoặc vùng tạm chiếm. Do đó bàn đạp giao liên đưa đón khách ra vào cũng có phần thuận lợi. Ta cũng xây dựng được người tại chỗ làm giao liên. Mỗi cụm, mỗi bộ phận đều xây dựng được bàn đạp giao liên riêng. Do đó, các cánh đã tranh thủ mở được nhiều lớp học bồi dưỡng cho cán bộ, cơ sở bên trong nội thành, chủ yếu là lớp ngắn hạn. Căn cứ không ở trong nhà dân, nhưng có rừng lớn nên các đồng chí đốn cây rừng về cất nhà. Nhà lợp lá trung quân, một loại lá có rất nhiều ở vùng này, có đặc điểm đốt không cháy, mái lá mỏng, lá khô màu đỏ trông đẹp mắt và mát mẻ. Đời sống tương đối tốt, có đủ loại rau rừng, rau rẫy, cây trái, thịt rừng do đặt bẫy và đi săn. Tuy nhiên, đây là vùng bệnh sốt rét hoành hành, kể cả rét ác tính, rất nhiều đồng chí bị bệnh nặng…, mặc dù các đồng chí cũng chọn điểm cách ly với rừng để đóng căn cứ. Căn cứ này địch chưa phát hiện, nhưng cũng có ba lần chúng càn vào, trong đó có hai lần tương đối lớn và không kéo dài, chỉ có một lần chúng càn khoản 1 tuần lễ ở khu vực căn cứ của Thành ủy, bị lực lượng bảo vệ đánh thiệt hại năng, bên ta có một đồng chí hy sinh. <br />
<em><strong><br />
Chuẩn bị vào chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam trước mùa mưa 1975.</strong></em><br />
<br />
Cuối năm 1974 đến tháng 3/1975: Từ Long Khánh chuyển về Tam Hiệp (Châu Thành - Mỹ Tho) để chuẩn bị vào hướng Tây Nam Sài Gòn, vào chiến dịch Hồ Chí Minh<br />
<br />
Giữa năm 1974, xuất hiện nhiều yếu tố thuận lợicó ý nghĩa chiến lược. Trung ương dự kiến thời cơ chiến lược giải phóng miền Nam sắp xảy ra, tung đòn trinh sát chiến lược giải phóng Phước Long vào cuối năm 1974, thăm dò khả năng quay lại Việt Nam của Mỹ và khả năng tái chiếm của ngụy. Sau đó lực lượng ta đánh chiếm Buôn Mê Thuột giải phóng Tây Nguyên, mở màn cho việc thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị giải phóng miền Nam trong thời gian sớm nhất. Sau đó chiến dịch giải phóng Trị Thiên - Huế, địch buộc phải “co cụm chiến lược” cố thủ Đà Nẵng và giữ từ bắc Bình Định trở vào. Ngày 18/3/1975, Bộ chính trị họp nhận định tình hình và hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trước mùa mưa 1975. <br />
<br />
Ở Nam bộ, từ sau chiến dịch giải phóng Phước Long và Tây Nguyên, thực hiện chủ trương của Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền, ta đã làm thông suốt hành lang Tây Ninh xuống miền Trung và miền Tây Nam Bộ, nhổ một số đồn bót phá các ấp chiến lược ở các vùng tiếp cận xung quanh Sài Gòn như Củ Chi, Bến Cát, Bình Chánh, Thủ Đức, tạo ra nhiều lõm giải phóng trong tháng 3 và đầu tháng 4. Vùng giải phóng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng được mở rộng. Ngụy quân Ngụy quyền vô cùng hoang mang rệu rã, suy sụp ý chí chống lại cách mạng. <br />
<br />
Tất cả các cơ quan, các ngành các cấp đều được lệnh khẩn trương chuẩn bị lực lượng mọi mặt, sẵn sàng cho đại cuộc giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam khi thời cơ đến. Bộ phận căn cứ Thành Đoàn đóng ở xã Mỹ Long, Cao Lãnh, Đồng Tháp được lệnh chuyển về xã Tam Hiệp, huyện Cai Lậy, Mỹ Tho nhập cùng cánh Tây Nam của Thành ủy do đồng chí Nguyễn Văn Thuyền (Ba Tôn) Thường vụ Thành ủy phụ trách, đóng trên bờ Kinh Năng. Căn cứ này lúc bấy giờ do đồng chí Nguyễn Thị Châu, Phó Bí thư Thành Đoàn và đồng chí Hoàng Đôn Nhật Tân phụ trách. Sau, các đồng chí có mở mũi thêm ở Chợ Gạo nhưng không phát huy được tác dụng nên rút về. <br />
<br />
Tại căn cứ Long Khánh, các đồng chí điều lắng được lần lượt bố trí theo đường công khai vào nội thành Sài Gòn, chuẩn bị lực lượng cho 5 khu vực khởi nghĩa bên trong nội thành, gồm các đồng chí Trương Mỹ Lệ, Trần Thị Ngọc Hảo, Hứa Thị Tuyết Hoa, Trần Thị Mỹ Thành, Phan Công Trinh, Nguyễn Thị Nghĩa. <br />
<br />
Sau Tết, khoảng giữa tháng 2 năm 1975, một số bộ phận Thành Đoàn được lệnh chuyển quân về áp sát Sài Gòn. Đồng chí Ngô Văn Ích, Nguyễn Đình Mai (Ba Nguyên) đi mở mũi ở Túc Trưng, Định Quán. Đồng chí Lê Thanh Hải (Hai Nhựt) và một số đồng chí cũng được lệnh chuyển đi. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Vào cuối tháng 3/1975, hầu hết các đồng chí của các bộ phận còn lại ở Long Khánh tiếp tục lên đường, do đồng chí Trương Tấn Biên làm Trưởng đoàn, đồng chí Đỗ Tiến Lực làm Phó đoàn. Lúc này, Đà Nẵng đã được giải phóng. Ai nấy đều phấn khởi háo hức muốn nhanh chóng tiến về Sài Gòn để chiến đấu trong trận cuối cùng. Đoàn đã tháp tùng cùng cánh Đông Bắc của Thành ủy tất cả độ 200 người hành quân bằng xe cơ giới do Liên Xô viện trợ tiến về Củ Chi - Bến Cát. Tuy nhiên, lúc này, địch đang ra sức cố bảo vệ Sài Gòn, sào huyệt sống còn cuối cùng, nên chúng bố phòng dày đặc. Đoàn xe nối đuôi nhau chạy trong vùng giải phóng thênh thang, nhưng đến Đồng Xoài thì không đi thẳng về Sông Bé để đến Bến Cát Củ Chi mà đi về Bình Long. Thành ủy đã chủ trương chuyển hướng tiến quân vào Sài Gòn bằng ngã Tây Nam, nơi địch bố phòng mỏng hơn. Dọc đường, các đồng chí ta chứng kiến được chiếc phản lực do phi công phản chiến Nguyễn Thành Trung, sau khi bỏ bom ở Dinh Độc Lập, đã bay về vùng giải phóng, bung dù đáp xuống địa phận Bình Long. Đoàn đã vòng qua đất bạn Campuchia để đến Long An. Từ đây sẽ vượt sông Vàm Cỏ tiến vào Sài Gòn. <br />
<br />
Chuẩn bị vào chiến dịch Hồ Chí Minh, toàn bộ lực lượng bên ngoài của Thành Đoàn hội quân trên căn cứ xã Tam Hiệp, đã cùng với các lực lượng khác và Bộ Chỉ huy tiền phương của thành ủy, tiến vào Sài Gòn. <br />
<br />
Như vậy, căn cứ Tam Hiệp là căn cứ đứng chân (chỉ trong 2 tháng) để tập kết tiến quân vào và cũng là căn cứ cuối cùng của Thành Đoàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. <br />
</span></span></div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
*<br />
</span></span></div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
* *<br />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
<br />
Nhìn lại quá trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, kể từ khi Thành Đoàn - theo chủ trương của Khu ủy - xây dựng căn cứ đầu tiên vào năm 1960 cho đến ngày tiến quân trong chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam là một chặng đường liên tục kéo dài 15 năm. Đó là cuộc chiến đấu giành giựt một mất một còn, giữa một bên dùng các loại phương tiện chiến tranh càn quét khốc liệt, quyết tiêu diệt và một bên quyết bám trụ bằng ý chí, mưu trí và sức người để làm nhiệm vụ hậu phương, phục vụ phong trào đấu tranh của tuổi trẻ trong thành phố. Nơi đây, cái chết, thương tật và tù đày cùng với nhiều cuộc chiến đấu sống mái với quân thù, có thể xảy đến bất cứ lúc nào, cùng với biết bao gian khổ và căng thẳng vẫn cứ diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Cho nên chấp nhận sống và công tác tại vùng căn cứ cũng là hành động anh hùng. Tất cả những ai nằm xuống nơi đây dù trong trường hợp nào cũng đều là hy sinh anh hùng. Và bất luận căn cứ nào của Thành Đoàn diễn ra trong lịch sử đều thấm đẫm khí phách anh hùng và mưu trí sáng tạo vượt qua khó khăn thử thách của tuổi trẻ Sài Gòn. Trong quá trình 15 năm ấy, cho dù địch đánh phá ác liệt, chưa lúc nào cán bộ chiến sĩ Thành Đoàn chịu rút lui bỏ trống trận địa này. <br />
<br />
Lịch sử xây dựng hệ thống căn cứ Thành Đoàn trong những năm chống Mỹ (từ 1960 - 1975) trải qua 12 tỉnh thành, xây dựng hàng trăm căn cứ bàn đạp giao liên. Trải qua bao gian khổ, nhiều đồng chí hiến dâng cả tuổi xuân cho cách mạng, bị tù đày, hy sinh… đến nay trên 250 liệt sĩ phần lớn đã tìm được hài cốt để quy tập về nghĩa trang, nhiều đồng chí còn mang nặng nhiều vết thương, đã viết lên những trang sử hào hùng để lại cho thế hệ trẻ thành phố hôm nay. <br />
<br />
Lịch sử xây dựng các căn cứ Thành Đoàn, là lịch sử của cuộc trường chinh gian khổ, lao động quên mình, chiến đấu hy sinh oanh liệt<br />
<br />
Công tác dân vận xuất sắc, được Đảng, chính quyền, nhân dân tin yêu đùm bọc và bảo vệ, đi dân nhớ, ở dân thương. Mưu trí dũng cảm giữ vững mạch máu giao thông, phục vụ chỉ đạo xuyên suốt an toàn trên khắp các địa bàn trong những điều kiện muôn vàn khó khăn. <br />
Căn cứ Thành Đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và vai trò lịch sử của mình trong suốt 15 năm kháng chiến chống Mỹ. <br />
<br />
Căn cứ Thành Đoàn là chiến tích của Thanh niên thành phố anh hùng, đơn vị anh hùng. <br />
<br />
Căn cứ Thành Đoàn trở thành vùng đất thiêng để tuổi trẻ thành phố hướng về học tập và tự hào mãi mãi!</span></span></div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><strong><br />
BAN CHỦ NHIỆM CÂU LẠC BỘ TRUYỀN THỐNG THÀNH ĐOÀN</strong><br />
<br />
<br />
</span></span></div> </html>