<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Căn cứ đầu tiên: ấp Bàu Kính, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi (1960)</span></span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"> <br />
Trên tinh thần Nghị quyết 15 chuyển hướng tiến công địch theo đường lối đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang, thực hiện chủ trương chiến lược của Khu ủy phải khẩn trương xây dựng căn cứ địa làm hậu phương cho phong trào cách mạng đô thị, tháng 8 năm 1960, Liên chi Học sinh - Sinh viên liên hệ cấp ủy địa phương để thành lập căn cứ đầu tiên của mình. Căn cứ được đặt tại vùng đất vừa được giải phóng của huyện Củ Chi thuộc địa bàn đặc khu Sài Gòn - Gia Định mới được thành lập, vị trí tương đối gần thành phố, thuận tiện cho công tác chỉ đạo, điều lắng, mở lớp… phục vụ nội thành. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Đó là căn cứ nằm trong khu rừng chồi có chiều ngang và dài từ 200-300m, sau lưng tiếp giáp với rừng cao su Sở Ớt, trước mặt gắn liền với xáng Bưng của ấp Bàu Kính xã Nhuận Đức, trung tâm có địa đạo dài trên 80m được đào hồi chín năm đã cho sửa sang lại, miệng công khai ở giữa rừng, miệng bí mật ở cuối đầu kia trở lên ngay bìa rừng cao su, rất tiện cho việc bảo vệ lực lượng và bí mật rút đi khi địch càn vào. Bàn đạp liên lạc với nội thành ở nơi đây được mở ra nhiều ngỏ, dọc các trục lộ của xã Phú Hòa Đông, chợ Bàu Cơ, thuận lợi cho công tác chỉ đạo đưa đón khách ra vào làm việc, học tập. Cho nên tuy nhỏ, nhưng vị thế căn cứ khá vững, phục vụ đắc lực cho phong trào nội thành. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Tại căn cứ mới xây dựng này, đồng chí Nguyễn Thái Sơn (Bảy Bình, Phó Bí thư Khu ủy họp các đồng chí liên chi công bố quyết định thành lập Ban cán sự Học sinh - Sinh viên, là cấp ủy tương đương quận, huyện ủy, chỉ định đồng chí Trần Quang Cơ (Tám Lượng) làm Bí thư, đồng chí Hồ Hảo Hớn (Ba Lực) là Phó Bí thư, các ủy viên là những đồng chí còn lại trong liên chi. Trong dịp này, đồng chí Nguyễn Ngọc Thưởng được Ban cán sự phân công Chánh Văn phòng, đồng chí Nguyễn Văn Lê làm Phó Chánh Văn phòng. Khu ủy cũng điều động đồng chí Nguyễn Thị Minh (Ba Tiến) cán bộ bàn đạp giao liên giỏi của Khu ủy về phụ trách bàn đạp giao liên cánh Học sinh - Sinh viên. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Công việc của Ban cán sự thời gian này tại căn cứ rất khẩn trương, dồn dập, vừa chỉ đạo phong trào nội thành liên tục đấu tranh, tấn công kẻ thù, vừa điều hành bộ máy văn phòng mới hình thành gồm giao liên, du kích, văn thư, in ấn, y tế, cơm nước, bảo vệ… vừa mở lớp huấn luyện cán bộ Đoàn. Lớp thứ nhất tại căn cứ đầu tiên này có trên 10 học viên được tiến hành trong tình hình “đồng khởi” dâng trào khắp miền Nam. Sau lớp học cán bộ Đoàn trở về nội thành với quyết tâm mới, phương pháp công tác và khí thế mới. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Lớp thứ hai được tổ chức sau Tết Nguyên đán năm 1961, được mấy hôm thì được tin địch càn quét. Ban cán sự chỉ đạo toàn căn cứ chuẩn bị đồ đạc, võng ni lông, tài liệu… gọn nhẹ để chui địa đạo. Bọn giặc càn vào cứ nhanh quá. Các đồng chí rút xuống địa đạo còn lộ lưng người sau cùng. Địch phát hiện ném lựu đạn xuống ngay miệng hầm, nhưng các đồng chí đã kịp rút vào khỏi khúc quanh nên không ai bị thương. Chúng trụ quân lại, bao vây và xin lệnh cho công binh đánh sập địa đạo. Nhờ người của ta cài sẵn bên trong nên điện xin lệnh chậm trình đến Bộ Chỉ huy ở Sài Gòn. Mãi đến sáng ngày sau, chúng mới nhận được lệnh đánh địa đạo. Đêm đó, Ban cán sự đã mạnh dạn chỉ đạo cho bảo vệ trồi lên ở nắp bí mật, mở đường âm thầm rút toàn bộ lớp học thoát khỏi vòng vây chỉ cách địch hơn chục mét, tìm về địa điểm mới. Nếu Ban cán sự không sáng suốt, dũng cảm cho “mở đường máu” rút đi, thì chắc chắn sáng hôm sau, lực lượng ta sẽ bị tổn thất nặng vì địch tập trung đặt chất nổ phá tung địa đạo. <br />
<br />
Vậy là căn cứ đầu tiên của Học sinh - Sinh viên ở Xóm Bưng đã kết thúc nhiệm vụ. Nhưng sau mấy tháng ròng rã ngày đêm nỗ lực công tác tại đây, cánh học sinh sinh viên đã hoàn thành khá tốt các nhiệm vụ chỉ đạo phong trào nội thanh, chớp thời cơ đảo chánh Diệm ngày 11/11/1960, đẩy mạnh đấu tranh, phát triển nhanh lực lượng, xây dựng lực lượng bộ máy căn cứ hoạt động tốt tham gia chào mừng ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ngày 20/12/2960 và bảo vệ an toàn lực lượng khi địch đánh phá. Căn cứ đầu tiên được thành lập kịp thời đã đưa cán bộ về điều lắng, học tập, ngăn chặn sự bể bạc dây chuyền đang diễn ra từ trước, giúp phong trào đô thị chuyển mình tiến công địch, mở ra khả năng mới, khả năng làm cơ sở, hậu phương, bảo đảm cho phong trào đô thị tiến lên một cách căn cơ vững chắc, không còn lâm vào thế hiểm nghèo như trước đây. Có thể nói căn cứ đầu tiên này là mô hình để ta tiếp tục phát huy mở rộng xây dựng nhiều căn cứ và ngày càng tốt hơn, phục vụ đắc lực hơn cho phong trào đô thị ngày một phát triển. </span></span></div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><strong><br />
NGUYỄN VĂN KẾT</strong><br />
<br />
</span></span></div> </html>