<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Căn cứ Hội đồng Sầm, xã Bình Hòa Bắc – Đức Huệ, Long An </span></span></strong><br />
</span></div>
<div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">(8/1961 – đầu năm 1962)</span></span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Sau trận càn lớn ở Đức Lập, Mỹ Hạnh ngày 20/8/1961, riêng nhà in Trần Văn Ơn có đồng chí Ba Trung hy sinh, đồng chí Chín Đại (Nguyễn Hữu Nghĩa) bị thương, các đồng chí nhà in sau khi cùng Văn phòng Ban cán sự tổ chức truy điệu, mai táng đồng chí Tám Lượng, đồng chí Ba Trung, đồng chí Trinh (vợ đồng chí Ba Lam) được đồng chí Ba Châu thay mặt Ban cán sự chỉ đạo đi xây dựng căn cứ in ấn mới tại Hội đồng Sầm xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Căn cứ này nằm giữa đường đi từ bàn đạp ấp Tân Quy, ven sông Vàm Cỏ Đông xã Tân Phú vào căn cứ “Đại Tây Dương”. Nếu đi từ bàn đạp Tân Phú lúc 9 giờ sáng đến 13 hoặc 14 giờ tới Hội đồng Sầm và phải đến 18 hoặc 19 giờ mới tới căn cứ Đại Tây Dương bên bờ Kinh Ba Keng. Về đây các đồng chí được địa phương bố trí ở nhà má Năm Huệ. Do yêu cầu công tác tuyên truyền lúc này dồn dập phục vụ cho phong trào lên mạnh ở nội thành, nhà in được tăng cường đồng chí Bảy Phát (Trần Văn Tư) và đồng chí Chín Bông. Nếu lúc trước nhà in chỉ có 1 khuôn in, nay tăng lên 3 khuôn. Nhà in lúc này ngoài việc in tài liệu huấn luyện cán bộ Đoàn, còn in tin tức, tài liệu và báo Cờ Giải phóng - tiếng nói Khu Sài Gòn - Gia Định. Các đồng chí Chín Đại, Năm Liêm, Bảy Phát, Chín Bông ai cũng biết đánh máy vào giấy sáp, biết in bằng quai guốc, biết chép tin đọc chậm của Đài Hà Nội. Chỉ có họa sĩ là Ban cán sự chưa đáp ứng cho nhu cầu của nhà in nên đồng chí Bảy Phát tuy mới về bộ phận in ấn để viết bài đã cố gắng kiêm luôn “thợ vẽ”. Có lần đồng chí mày mò vẽ ảnh Gagarin lên giấy sáp in màu, nhân có bài báo viết về phi hành gia Liên Xô “Gagarin” lần đầu tiên trên thế giới bay vào vũ trụ. Khi báo in xong, đồng chí Chín Đại phụ trách nhà in nhận xét vui “ảnh này là anh của Gagarin vì già hơn Gagarin”.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Toàn bộ máy móc phương tiện in ấn của nhà in Trần Văn Ơn lúc này chỉ vỏn vẹn có 1 máy đánh chữ, 1 radio và mấy khuôn in bằng gỗ gọn nhẹ, nhưng bộ phận hậu cần gồm đi vào nội thành mua giấy, mực in ronéo, in xong phải phát hành trở ra nội thành, phải nghi trang khéo léo qua mặt các trạm kiểm soát. Công việc khá nặng nề, phức tạp, phải có sáng kiến và kinh nghiệm này do đồng chí Năm Nguyện phụ trách đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Vùng Hội đồng Sầm đồng bào sống trong các vuông tre, xóm này qua xóm khác phải vượt qua từng cánh đồng nhỏ. Do địa hình vùng căn cứ nên cán bộ xã và du kích không đào hầm bí mật, không chui về, khi địch càn quét, nếu lọt vào ổ phục kích của bộ đội chủ lực tỉnh, có sự phối hợp của võ trang huyện, chúng bị tiêu diệt ngay, còn các cuộc càn quét lấy lệ của địch, du kích xã né để bảo tồn lực lượng. Khi có chủ trương diệt đồn giặc mở rộng vùng giải phóng thì du kích xã, lực lượng võ trang huyện phối hợp cùng chủ lực tỉnh diệt địch. Tình hình căn cứ Hội đồng Sầm như vậy nhưng đồng chí Ba Vạn (Phan Chánh Tâm) vẫn liên hệ với địa phương hỗ trợ về mặt an ninh để mở liên tiếp 2 lớp cạnh nhà má Năm Huệ để huấn luyện cán bộ học sinh sinh viên ngắn ngày, mỗi lớp độ 5 - 7 học viên.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Khi tất cả các đồng chí nhà in về cứ Đại Tây Dương tập huấn chính trị thì địch nhảy dù xuống Hội đồng Sầm, đồng chí Ba Nhiệm - Trưởng cánh võ trang Học sinh - Sinh viên đang tập huấn quân sự tại đây đã cùng lực lượng võ trang huyện né tránh địch bảo toàn lực lượng. Khi cánh in ấn trở lại Hội đồng Sầm đào máy đánh chữ, khuôn in, giấy mực còn nguyên vẹn, sinh mạng tài sản của đồng bào ở đây cũng không bị thiệt hại.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Cuối năm 1961, khi địch bắt đầu sử dụng chiến thuật trực thăng vận đánh vào căn cứ Vườn Thơm và một số vùng lân cận, Khu ủy đã kịp thời chỉ đạo các cánh đô thị trong đó có Học sinh - Sinh viên và nhà in phải nhanh chóng rút về các căn cứ có rừng, địa đạo ở Củ Chi, Tây Ninh để bảo toàn lực lượng. Bộ phận huấn học về khu rừng lớn xã Lộc Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh, các đồng chí in ấn về ấp Phú Hòa, xã Phú Mỹ Hưng, giáp ranh Lộc Thuận, đóng trong nhà anh Hai Nghè, chị Tư Tua cảnh khu rừng chồi có địa đạo khá an toàn.</span></span></div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
</span></span><strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">HAI NHÂN</span></span></strong></div> </html>