<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"><strong><span style="font-family: Arial;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><span style="font-size: small;">Hành trình xây dựng căn cứ Đoàn ủy học sinh (1963 - 1973)</span></span></span></strong></div>
<div style="text-align: justify;"><strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
</span></span></strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Sau khi chế độ độc tài gia đình trị Diệm - Nhu bị lật đổ, phong trào và lực lượng cách mạng các giới ở đô thị có bước phát triển nhảy vọt, nhất là trong sinh viên học sinh. Để chủ động có một căn cứ mới làm nơi huấn luyện dài ngày cho cán bộ các trường ở nội thành và cũng để phân tán bớt các cơ quan của Khu ủy, lúc này đã đóng dày đặc suốt Nam Bắc Bến Cát; đường ra vô nội thành bị lộ, địch bắt đầu chú ý, đánh phá. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
</span><strong><span style="font-size: small;">Về quê hương Đất Đỏ</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Nhạy bén trước tình hình Ban cán sự Học sinh quan hệ và được sự giúp đỡ của tỉnh ủy Biên Hòa - Bà Rịa; phân công cán bộ giao liên có kinh nghiệm xây dựng căn cứ, mở về hướng đường 15 (Quốc lộ 50) Sài Gòn - Vũng Tàu, vùng rừng núi Thị Vải - Núi Dinh. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Địa hình địa vật nơi đây rất thích hợp cho việc xây dựng một cơ ngơi lâu dài. Với khu rừng nguyên sinh bạt ngàn, núi non trùng điệp có nhiều hang động, suối nước trong mát quanh năm, vùng giải phóng rộng lớn. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Việc đi lại rất thuận lợi, giống như du khách đi nghỉ mát Vũng Tàu hay như phật tử hành hương về các chùa nổi tiếng vùng này như Đại Tòng Lâm, Chùa Tổ, Chùa Hang Mai - Ngọc Sơn Dinh. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Hoặc xa hơn một chút về hướng Long Hải qua Long Điền - vùng đất đỏ rẽ sang tỉnh lộ 2 về các xã giải phóng Hòa Long, Long Phước, Bình Ba, Xà Bang, đi bằng xe lam hay xe ngựa là đến nhà cơ sở… chờ chiều xuống theo đường du kích về căn cứ trên đỉnh núi Dinh. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Những ngày đầu tiên với sự khéo léo và dũng cảm các chị: Ba Tiến, dì Sáu Hòa, chị Mười Hồng, chị Năm Phượng, Út Thu… xây dựng nhiều cơ sở đứng chân ở vùng đất mới. Anh Tư Giang, anh Sáu Đông, chị Sáu Nguyệt, chị Năm Phường, Thị ủy Bà Rịa đã tận tình giúp đỡ cho xây dựng căn cứ bên cạnh và đồng chí ở vùng ngoài án ngữ cho cánh đô thị. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Căn cứ đầu tiên được chọn là núi Thị Vải, bàn đạp là nhà ở gần chùa Đại Tòng Lâm, chùa Cầu Ván (Hội Bài). Nhưng ở đây có điều bất tiện, hướng đường vào núi chỉ có con đường đất “độc đạo”… lại quá gần đồn bảo an Ngụy ở Phú Mỹ, bọn chúng thường bung ra, lùng sục chung quanh. Ban cán sự học sinh chỉ mở 2 lớp ngắn hạn, đóng vài tháng rồi dời về hướng Hắc Dịch, Xà Bang - huyện Châu Đức. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Lớp học đầu tiên được tổ chức gồm 12 học viên, nghiên cứu tài liệu sơ cấp chính trị, giảng viên có các đồng chí Hồ Hảo Hớn, Hai Nhân, Ba Châu, Chín Hải… nhà ở học viên được làm đơn sơ với mái che bằng nilông, giường nằm là tre bổ “sịa” (đập dập) được lót cao như nhà sàn, vừa là chỗ ngủ vừa là chỗ học. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Lớp học được 1 tuần thì đoàn cán bộ 10 đồng chí do Đặng Công Tâm (Sáu Học), Châu Long, Hai Phước, Chín Sáng, Út Nhứt từ Củ Chi theo đường dây du kích vượt lộ 1 (Quốc lộ 22), qua Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, vượt Soài Rập, Lòng Tàu, qua lộ 15 về căn cứ Hắc Dịch: cuộc hành trình suốt 1 tháng trời trải qua nhiều gian nan các đồng chí về đến nơi an toàn, khỏe mạnh. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Cuộc hội ngộ giữa rừng miền Đông xúc động không tả hết. Căn cứ từ nay có thêm nhiều đồng chí dày dạn chiến trường, nhiều kinh nghiệm. Xây dựng căn cứ tổ chức chỗ ăn chỗ ở, bảo vệ, đi lại tiếp phẩm tươm tất. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Những ngày tháng 12/1964 rừng khu A nhộn nhịp hẳn lên, nhiều đơn vị bộ đội chủ lực miền Q761, Q762… (tiền thân của Sư 9) về đóng quân gần căn cứ, để chuẩn bị cho chiến dịch Bình Giã, lớp học có dịp giao lưu với bộ đội. Lần đầu tiên được tận mắt thấy lực lượng “đằng mình” đông đảo, với nhiều loại vũ khí mới, các anh bộ đội ai cũng trẻ trung. Các anh cán bộ “mùa thu” kể chuyện miền Bắc, chuyện Trung Quốc, Liên Xô…, kể chuyện Bác Hồ Các anh em học sinh sinh viên rất phấn khởi. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Địch như đánh hơi có bộ đội chủ lực ta về ở địa bàn, chúng mở nhiều cuộc hành quân thăm dò dọc tỉnh lộ 2, Xà Bang, Bình Ba, có bữa chúng bắn pháo, bỏ bom gần căn cứ, lớp học phải sơ tán. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Tháng 12/1965, trận đánh Bình Giã nổ ra; từ đỉnh núi Dinh nhìn thấy từng đàn trực thăng từ Sài gòn, Biên Hòa bay ra và cũng thấy chúng mang về nhiều xác máy bay, pháo bị ta bắn hạ. Ban cán sự dời căn cứ lên núi Dinh, ngọn núi có độ cao trên 400m, cảnh quan nơi đây rất ngoạn mục. Giữa núi non hùng vĩ với cây cao bóng cả, suối nước trong, tuôn từ đỉnh xuống, khi ẩn khi hiện làm nên nhiều thác nước nhỏ như tranh vẽ, khó nơi nào có được. Đường từ chân núi lên có nhiều ngôi cổ tự, trang nghiêm như: chùa Mẫu, chùa Tổ, chùa Hang Mai. Tiếng chuông chùa ngày ngày vọng lên, giữa núi rừng như xua đi tiếng bom đạn của chiến trường. Vào ngày lễ, tết, hòa vào dòng người hành hương trong những thiện nam tín nữ có nhiều cán bộ thành phố về chiến khu hoặc từ chiến khu xuống núi trở ra thành phố. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Về đây có lợi, đường ra vào được mở ra nhiều hướng, đường 15 tỉnh lộ 2. Núi non trùng điệp với hang động rộng rãi, chỗ trú ẩn vững chãi chở che. Khi có bom pháo, đỉnh núi thường xuyên có mây phủ. Từ đây nhìn ra hướng Bà Rịa, Vũng Tàu thấy rõ thành phố biển với những con tàu neo đậu xa xa. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Trên khoảng đất trống bằng phẳng, không gian rộng rãi, Ban cán sự tổ chức liên tiếp nhiều lớp huấn luyện cho các đối tượng đảng viên của các chi bộ liên trường, cán bộ Tổng đoàn Học sinh. Quy mô mỗi lớp từ 30 - 50 học viên, được bổ sung về các cánh, như Thanh niên Công nhân lao động, sinh viên, các phân khu và liên quận…</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Ngoài việc học tập, ngày nghỉ cơ quan, tổ chức "lao động xã hội chủ nghĩa": nhóm thì đi cắt tranh, hái lá trung quân, lợp thêm nhà mới và nhóm thì bẻ măng, đào củ chụp hoặc bắt cua, câu cá ở các dòng suối nhỏ, trên núi để cải thiện bữa ăn. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Đội bảo vệ thông thạo địa hình, địa vật, xuống hố tương vào các rẫy mì, rẫy bắp, săn thú rừng như: nai, mễn, cheo, heo rừng, khỉ, voọc phong phú ít khi phải về không và anh em được thưởng thức đặc sản của núi rừng. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Gạo thóc, khô, mắm là những mặt hàng chiến lược, cần phải dự trữ dồi dào, nên việc đi tải rất chu đáo, đường xa, qua sông, qua lộ, đột nhập các ấp chiến lược, nhiều khi tao ngộ với địch, hạt gạo mang về đến cơ quan có nhuộm máu của đồng đội. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Cứ mươi ngày, hoặc nửa tháng, cơ quan… đi tải gạo. Xuống dốc Cổ Cò, qua cầu dây, ở thượng nguồn sông Dinh về Hòa Long, Long Phước (tỉnh lộ 2). Hoặc vượt đường 15, qua vùng Bà Trao (Long Sơn), vô Aáp chiến lược mua hàng. Chiều hành quân, mờ sáng hôm sau phải về đến nơi, gian khổ nhưng là niềm vui lớn vì được chia sẻ với các đồng chí hậu cứ, nên học viên luôn xung phong vượt số lượng yêu cầu. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Cơ quan còn tổ chức tăng gia sản xuất, phân công mươi đồng chí: Hai Bình, Hai Phước, Ba Hiệp, Tám Quang, chị Mười Hồng, chị Sáu Nguyệt… về xã Phước Thái. Cách núi Dinh nửa ngày đường phá cỏ dại cây rừng, trồng hơn 4ha bắp, bí, khoai mì. Ở đây còn học được các đồng chí bộ đội cách phát rừng làm rẫy, bẫy cò ke để bắt cheo, chồn, gà rừng; làm sa, đặt lộp, cắm câu, bắt cá, theo các con suối. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Tháng 9/1965 để tăng cường cho cánh quân sự, Ban cán sự điều một số đồng chí lên đường về Củ Chi: đồng chí Đàm Thanh Quang (Ba Gia), Nguyễn VĂN Sính (Hai Bình), Châu Long (Bảy Hiền), Hai Phước, Chín Sáng, Út Nhứt, Đỗ Văn Lộc (Sáu Sát). Rời núi Dinh một ngày, đoàn đến trạm giao liên Nguyễn Trãi (Phước Thái) trong những ngày chờ chuyển đi. Trạm giao liên Nguyễn Trãi bị máy bay phát hiện và ném bom. Đồng chí Đỗ Văn Lộc (Sáu Sát) - học sinh trường Tân Thạnh (Tân Định) - hy sinh - đồng đội đành mai táng đồng chí tại đây. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
</span><strong><span style="font-size: small;">Căn cứ Long Thành </span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Cùng thời gian này, Ban cán sự học sinh cũng phân công một số đồng chí: anh Sáu Đông (Phan Văn Mùa), Ba Hiệp và 3 cán bộ học sinh điều lắng, Ba điều, Bảy Lâm, Hai Sơn qua lộ 15 về hướng Long Thành - Nhơn Trạch đến bến phà Cát Lái, Thành Tuy Hạ (Thủ Đức). Đây là vùng đất đồi, rừng chồi, cây thấp dây gùi, dây gấm mọc chằng chịt, chỉ cách đồn bót địch vài km, sinh hoạt phải khéo léo giữ gìn bí mật từ lối đi đến chỗ ăn ở đều phải ngụy trang kỹ không để lại dấu vết.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"> <br />
Vào mùa khô khu rừng thiếu nước phải tìm vũng bùn heo rừng nằm chắt lọc từng lon về lóng phèn để nấu ăn, tắm giặt chờ tới tối đến, xuống xóm tranh thủ làm việc, kết hợp giặt giũ tắm giặt, tải từng bọc nước ngọt về dự trữ để ăn uống, mua nhu yếu phẩm về cứ đủ ăn cho vài ngày sau. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Vất vả nhất là đào hầm ngủ, hầm bí mật, giếng nước đào sâu hàng chục mét mới có nước rỉ ra từng giọt nhỏ càng xuống sâu bị sức ép mũi bị chảy máu cam, ù tai, khó thở, mươi phút phải thay người khác, đôi bàn tay bị phồng tóe máu. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Căn cứ này đồng chí Hồ Hảo Hớn, Lê Mỹ Lệ vào làm việc đôi lần sau đó bị biệt kích Mỹ đột kích, chúng bắn bị thương và bắt đi 2 đồng chí. Sau đó phải bỏ căn cứ lõm này về lại núi Dinh. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Tháng 10 năm 1965, Ban cán sự học sinh phân công đồng chí Nguyễn Thành Đô (Tư Giang), Đỗ Văn Hoàng (Hai Hòa) về cánh Thanh niên công nhân lao động và đồng chí Nguyễn Chơn Trung (Sáu Quang), Trương Văn Hòn (Ba Hớn), Phan Anh Điền về Thường trực Văn phòng Khu Đoàn làm cán bộ, nghiên cứu giã từ núi Dinh, 5 đồng chí theo đường dây qua các trạm giao liên Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Trị An, Đất Cuốc, vượt lộ 13 về lại Bến Cát - Củ Chi. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Căn cứ núi Dinh có thời gian dài rất ổn định, an toàn suốt 3 năm chưa bị địch càn đánh phá lần nào, do đó đã đào tạo cán bộ. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Đầu mùa khô 1966, Mỹ và chư hầu Úc đổ quân vào Vũng Tàu - Bà Rịa - núi Đất (Long Khánh) thay thế quân Ngụy, mở đầu chiến lược Chiến tranh Cục bộ. Chúng tiến hành cuộc càn quét, đánh phá vào chiến khu quy mô lớn. Núi Dinh là mục tiêu chính chúng muốn triệt hạ. Căn cứ Ban cán sự học sinh nằm gọn trong tầm hỏa lực của địch, việc đi lại giữa nội thành và vùng căn cứ trở nên khó khăn. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Trước tình hình đó, Ban cán sự quyết định cho sơ tán, tạm lắng bảo tồn lực lượng. Các đồng chí có điều kiện đi đường công khai ra liên tỉnh lộ 2 hoặc Quốc lộ 15 về thành phố, các đồng chí bảo vệ và cán bộ ở hậu cứ phối hợp với đơn vị bạn Thị đội Bà Rịa bám trụ chiến đấu chống càn. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Sáng sớm ngày 10/10/1966, xung quanh chân núi địch đổ quân bộ binh và xe tăng vây chặt các cửa ngõ ra vào, pháo các cỡ bắn cấp tập. Dội bom rung chuyển núi rừng. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Từ trên đỉnh núi máy bay trực thăng dùng thang dây đổ bộ từng toán biệt kích, dùng cưa máy hạ cây dọn bãi đổ quân kết hợp dưới đánh lên trên đánh xuống, các ngôi chùa đều bị trúng đạn trực thăng, rocket, bốc cháy, tăng ni, phật tử, nhiều người bị thương bị chết. <br />
Trong lúc tạm ngưng tiếng súng đoàn người từ các chùa trên núi và dân làm rẫy gồng gánh lũ lượt xuống núi tản cư, tổ chức quyết định cho đồng chí Nguyễn Sơn Hà (Mười Cường), cạo đầu, mặc áo nâu, cải trang làm tu sĩ, hòa cùng dòng người tản cư ra khỏi vòng vây của địch. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Đồng chí Phan Văn Mùa (Sáu Đông), chỉ huy đội bảo vệ chống càn, ngày 10/10/1966, địch đánh vào căn cứ, 3 đồng chí, Hai Tùng, Hai Hùng, Hai Sơn - những người con ưu tú của Sài Gòn - Gia Định đã có mặt từ ngày đầu xây dựng căn cứ dựa vào từng hốc đá, từng gốc cây, chiến đấu. Trận đánh không cân sức, 3 đồng chí bị thương và bị chúng giết. Tránh tổn thất lớn, đồng chí Sáu Đông cùng Thị đội Bà Rịa (cánh đồng chí Hai Võ) đưa 20 đồng chí vượt vòng vây hành quân qua Đồng Nai, Sông Bé, chiến khu D về lại Củ Chi. Đường dài, đơn vị có nhiều đồng chí bị bệnh phải gửi lại trạm quân y, đồng chí Nguyễn Ngọc Thành (Ba Hiệp) xung phong thay cho đồng chí nữ ở lại nuôi bệnh đã bị sốt rét ác tính, thiếu thuốc, hy sinh tại quân y - người con của Tây Đô trên đường hành quân đã nằm lại Đất Cuốc - Chiến khu D Chánh Lưu. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
</span><strong><span style="font-size: small;">Về lại Củ Chi - Bến Cát (Bình Dương), Trảng Bàng (Tây Ninh) </span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Hơn một tháng đoàn về tới Thanh Tuyền (Bến Cát) phân tán về tạm trú các căn cứ cũ Phú An, hoặc An Tịnh (Trảng Bàng). </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Mặc dù phải di chuyển liên tục, phân tác lực lượng nhiều nơi, Ban cán sự học sinh vẫn giữ vững liên lạc với nhau, chỉ đạo kịp thời phong trào ở thành phố. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Mỹ ngụy bắt đầu cuộc phản công chiến lược mùa khô lần 2 (ngày 08/01/1967) - chúng mở cuộc càn lớn (Cédar Falls) chúng đánh vào Nam Bắc Củ Chi và Nam Bắc Bến Cát, tập trung nhiều đơn vị thiện chiến, mật độ bom pháo chưa từng có, xe tăng xe ủi đất, máy bay B52 nhằm hủy diệt vùng giải phóng hai bên bờ sông Sài Gòn. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Nhân dân và lực lượng vũ trang dựa vào hệ thống địa đạo, đánh trả cuộc hành quân suốt 18 ngày đêm…</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Các căn cứ Ban cán sự Khu Đoàn và các cơ quan trực thuộc đều bị địch đánh vào. Mặc dù đã sơ tán mỏng nhưng cũng không tránh khỏi tổn thất, đồng chí Tư Thắng - bảo vệ đồng chí Hồ Hảo Hớn đạp mìn hy sinh và sau đó 2 đồng chí Thanh Hồ và Ba Bình cùng vượt sông Sài Gòn với cơ quan Khu Đoàn bị phục kích tại rạch Nàng Âm hy sinh cùng 7 đồng chí khác. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Phía Bắc Bến Cát (Thanh Tuyền), căn cứ học sinh cũng bị Mỹ đánh vào, chúng dùng chó Berger phát hiện hầm bí mật khui hầm bắt đi 2 đồng chí (Tư Phước và Ba Huy). </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Sau trận càn “Lột vỏ trái đất” (Cedar Falls tháng 01/1967), Ban cán sự và cán bộ cánh học sinh vào hết nội thành. Vùng B còn lại một bộ phận nhỏ, về đóng tại các ấp xã An Tịnh (huyện Trảng Bàng) - một xã phân nửa giải phóng nằm trên quốc lộ 1 sát thị trấn Trảng Bàng. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Xã An Tịnh có phong trào du kích chiến đấu mạnh, xã chiến đấu dựa vào những lũy tre kiên cố. Nhân dân có truyền thống cách mạng, đây là vùng giải phóng từ ngày đồng khởi. Các gia đình ông Hồ Văn Kịch, Hồ Văn Cư là cơ sở bàn đạp giao liên, chí cốt cho đào hầm bí mật ngay trong vườn nhà để che giấu cán bộ, cơ sở. Căn cứ này thuận lợi việc để sinh hoạt ngắn ngày.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"> <br />
</span></span></div>
<div><strong>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Về Mỹ Tho (Tiền Giang) </span></span></div>
</strong></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Giữa năm 1967, cùng với chủ trương di dời căn cứ về đồng bằng sông Cửu Long, Ban cán sự học sinh phân công đồng chí Phan Văn Mùa (Sáu Đông), Hồ Văn Thông (Năm Hổ), Hai Trung cùng đơn vị về Mỹ Tho xây cứ mới. Căn cứ Hội Cư (huyện Cái Bè - Tiền Giang). Căn cứ này do chú Bảy Trứ, cán bộ 9 năm, có nhiều quan hệ với địa phương Cái Bè giới thiệu với cánh học sinh. Các gia đình bác Năm Vĩnh, bác Tám Dũng, bác Năm Trường… là cơ sở bàn đạp, rất rành đường đi nước bước vùng sông nước Cai Lậy, Cái Bè. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Các đồng chí Ngô Thị Cẩm Tiên, Sáu Hồng, Bé Hồng, Hai Liên… cơ sở giao liên và các bàn đạp ra hướng Bà Tồn, cầu Thông Lưu, Cổ Cò (Mỹ Đức Tây). </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Đồng bằng, sông rạch chằng chịt, vườn tược cây trái đủ loại trù phú là một trong nhiều vựa lúa của miền Nam. Về đây phải sớm thích nghi với sinh hoạt vùng nông thôn như: phải biết bơi xuồng, lái đuôi tôm, đi cầu khỉ, biết bơi biết lặn và đặc biệt phải biết “chém vè” khi bị địch càn. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Từ miền Đông vừa hành quân về đến, các đồng chí Sáu Đông, Năm Hồ, xắn tay vào xây dựng hầm ngủ, hầm bí mật bảo đảm cho hơn 50 đồng chí vào làm việc có chỗ ăn ở, tránh khi bị động. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Giữa năm 1967, Ban cán sự mở lớp huấn luyện cho cán bộ nòng cốt các trường và liên trường với hơn 20 đồng chí học viên và phần lớn các đồng chí Ban cán sự có mặt như đồng chí Lê Mỹ Lệ (Năm Trang), Lê Văn Ninh (Ba Thoại), Nguyễn Văn Chí (Bảy Điền), Nguyễn Chơn Trung (Sáu Quang, Tư Lý)…</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Lớp học nửa chừng bị địch càn vào, đánh phá liên tiếp 3 ngày vào đúng căn cứ. Bảo vệ các đồng chí Ba Thoại - Phó Bí thư, Sáu Trúc bị ngạt dưới hầm bí mật hy sinh và đồng chí Tám Lễ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và hy sinh tại chiến hào. Lớp học kết thúc trong khói bom. Nhằm bảo vệ đường Quốc lộ 4 - con đường huyết mạch về miền Tây và Mỹ xây dựng căn cứ liên hợp quân sự Đồng Tâm (Mỹ Tho). Sư Đoàn 7 - Sư Đoàn 21 của Ngụy mở nhiều trận càn quét vào các xã Nam Bắc, Quốc lộ 4 đánh sâu vào Đồng Tháp Mười. Với các chiến dịch “Cửu Long 1, 2, 3”, “Đợt sóng thần 1, 2”. Ban cán sự cánh học sinh một lần nữa vượt sông Tiền Giang về Phước Thạnh, đoàn tụ cùng các cánh của Khu Đoàn ở các xã huyện Châu Thành bên bờ sông Ba Lai - Bến Tre với rừng dừa mượt mà. Từ đây, cánh Học sinh và các cánh khác được phiên chế vào 3 lực lượng của Thành Đoàn để đi vào chiến dịch Mậu Thân lịch sử. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Trong các đơn vị của Khu Đoàn, cánh Học sinh có một lịch sử xây dựng căn cứ bàn đạp giao liên khá hùng tráng với những cuộc trường chinh từ miền Đông xuống đồng bằng, nhiều gian khổ hy sinh, trải qua nhiều chiến lược chiến tranh của Mỹ Ngụy, đảm bảo tốt nhất cho phong trào cách mạng ở nội thành luôn ở thế tiến công, góp phần đào tạo, cung cấp nhiều cán bộ ưu tú cho ban, ngành Thành Đoàn và Thành ủy. <br />
<br />
</span></span></div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
</span><strong><span style="font-size: small;">PHAN ANH ĐIỀN</span></strong></span></div> </html>