<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Hành trình tạ ơn qua 13</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Hành trình tạ ơn qua 13.000 km</font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" id="table1">
<tr>
<td>
<img border="0" src="hanh%20trinh%20ta%20on.bmp" width="166" height="224"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Hai cha
con Hoàng Kha trên hành trình tìm gặp ân nhân</font></i></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2">Một người thanh niên 18 tuổi ngồi trong thùng xe nhỏ
gắn vào phía sau chiếc xe máy. Anh được cột vào ghế để khỏi bị ngã. Trong tư thế
này, người thanh niên đó đã đi qua 13.000km ở Trung Quốc trong ba năm qua để nói
lời cảm ơn những ân nhân của mình.</font><p class="pBody">
<font face="Arial" size="2">Anh là Hoàng Kha, bị mắc bệnh Duchenne Muscular
Dystrophy (loạn dưỡng cơ khiến người bệnh bị liệt dần từ chân lên, cuối cùng
chết vì tim ngừng đập). Người cầm lái là ông Hoàng Tiểu Dũng, cha của Hoàng Kha.
</font></p>
<p class="pInterTitle"><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">"Khi tôi
còn sống, nhất định tôi phải cảm ơn!"</font></b></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Hoàng Kha sinh ngày 30-10-1988 tại
tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Năm 7 tuổi, Kha được chẩn đoán mắc bệnh Duchenne
Muscular Dystrophy (DMD). Bác sĩ nói đây là bệnh nan y, sẽ ngày càng nặng lên
theo số tuổi, cuối cùng tim sẽ ngừng đập vì mất cơ năng vận động. Người bị mắc
bệnh này thường không sống quá 18 tuổi. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Một đài truyền hình biết chuyện này
đã đưa tin về Hoàng Kha. Ngay sau khi bản tin kết thúc, điện thoại nhà Kha bắt
đầu reo lên không ngừng. Những khán giả trong nước cũng như Hoa kiều ở nước
ngoài gọi đến để hỏi địa chỉ nhà Kha và khích lệ em. Chỉ trong vài tháng tiếp
theo, các mạnh thường quân đã gửi đến nhà Kha 500 khoản tiền với tổng số hơn
80.000 nhân dân tệ (10.000 USD). </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Năm 2003, Hoàng Kha, lúc ấy 15
tuổi, được cha đưa đến quảng trường Thiên An Môn để thực hiện nguyện vọng xem
nghi thức kéo cờ. Rồi Kha đề xuất tâm nguyện cuối cùng với cha là đi gặp những
nhà hảo tâm đã âm thầm gửi tiền giúp mình để nói một tiếng cảm ơn. Kể từ lúc đó,
hai cha con đã mất khoảng hai tháng mỗi năm rong ruổi trên chiếc xe máy tái chế
đi tìm ân nhân.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Cuộc sống của Kha ngày càng thu hẹp
dần. Bệnh tật cướp đi khả năng đứng và ngồi của Kha. Thật ra Kha không phải ngồi
mà chỉ có thể nằm co mình trên phần xe đẩy được gắn thêm vào chiếc xe máy. Tư
thế khó khăn của anh khiến nhiều người vô cùng xúc động và thương xót.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Chiều 29-7 năm nay, Hoàng Kha đến
một khu chung cư ở thành phố An Sơn, tỉnh Liêu Ninh. Kha cầm bó hoa bằng đôi tay
yếu ớt của mình và tặng bà Tôn Tố Cần, người từng gửi tiền giúp Kha. Hoàng Kha
nói: "Bà ạ, cảm ơn bà đã quan tâm và khích lệ cháu sáu năm trước. Lòng hảo tâm
của bà đã giúp cháu và cha cháu vượt qua tuyệt vọng. Hôm nay cháu và cha cháu
đến đây để nói cảm ơn trước mặt bà". Câu nói chưa dứt mà cả ân nhân lẫn người
cảm ơn đều đã nước mắt lưng tròng.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">"Họ đã giúp đỡ tôi nhưng tôi chưa
biết họ là ai, cũng chưa cảm ơn họ. Có người hỏi vì sao tôi lại mệt mỏi kiên trì
như thế, làm cha tôi cũng phải mệt mỏi theo. Tôi không thể giải thích rõ được
nhưng trong lòng tôi có xúc cảm rất mạnh, rất biết ơn mọi người. Tôi phải trả
ơn!"- Hoàng Kha nói.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Chuyến đi của hai cha con Hoàng
Tiểu Dũng và Hoàng Kha thật là khó khăn. Mỗi ngày chiếc xe chỉ có thể đi được
quãng đường 100km. Hoàng Kha ngồi trong thùng xe nhỏ cũng không thoải mái, cứ
1-2 giờ họ phải dừng lại nghỉ một chút. Nhưng họ không bao giờ muốn ngừng lại.
Suốt ba năm nay họ đã đến được mấy chục thành phố, đi được quãng đường dài hơn
13.000km và đã nói lời tri ân với 30 ân nhân.</font></p>
<p class="pInterTitle"><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">"Tôi bất
hạnh, thật ra cũng rất may mắn!"</font></b></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Hoàng Kha kể lúc nhỏ anh thường bị
ngã. Ban đầu anh có thể đi học và cầm bút viết chữ, nhưng rồi từ từ anh không
thể đi, không thể ngồi, cũng không thể đọc sách và viết chữ được nữa. Năm Kha
lên một tuổi, cha mẹ anh đã ly dị. Bệnh tật của Kha lại làm gia đình ngày thêm
khó khăn. Để trị bệnh cho Kha, cha anh buộc phải bán đi quán ăn và nhà ở của
mình. Ông từng có lần bỏ nhà đi vì cảm thấy tuyệt vọng và bất lực không thể lo
cho đứa con bé bỏng của mình.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Hoàng Kha cho biết: "Khi cha tôi bỏ
nhà đi, tôi rất tuyệt vọng. Nhưng bây giờ tôi phải nói là mình rất may mắn. Mặc
dù tôi bị bệnh tật nhưng cha rất yêu thương tôi, lại có nhiều người quan tâm,
giúp đỡ tôi. Cuộc sống của tôi như vậy cũng chẳng có gì là đáng tiếc".</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Chuyến đi tiếp theo của Hoàng Kha
sẽ đến tỉnh Cát Lâm và Hắc Long Giang. Chỉ còn 600km nữa anh và cha sẽ kết thúc
hành trình cảm ơn của mình. Hoàng Kha cho biết với những người không thể đến gặp
mặt trực tiếp thì anh sẽ cảm ơn họ trong lòng. Anh cũng mong muốn sau này khi
qua đời sẽ hiến giác mạc của mình cho người cần thay giác mạc.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo Tuổi Trẻ</i></b></font></p>
</body>
</html>