<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Trong thời gian qua</title>
</head>
<body>
<p><b><font face="Arial" size="2" color="#FF0000">SINH HOẠT TƯ TƯỞNG</font></b></p>
<p><b><font face="Arial" size="2">Trong thời gian qua, nhằm đẩy mạnh công tác
giáo dục, đặc biệt là giáo dục điển hình trong thanh thiếu nhi, Ban Thường vụ
Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh đã phát động cuộc vận động bình chọn "Công dân
trẻ thành phố Hồ Chí Minh" với mục đích phát hiện, giới thiệu, tuyên dương
những thanh thiếu nhi có phẩm chất đạo đức tốt, nghị lực, ý chí vươn lên mạnh
mẽ, xuất sắc, xứng đáng là tấm gương, góp phần giáo dục, định hướng lối sống đẹp
trong thanh thiếu nhi thành phố. Với mong muốn góp phần nâng cao hiệu quả công
tác giáo dục lý tưởng cho thanh niên, Thông tin trong Đoàn xin trân trọng giới
thiệu bài viết "Suy nghĩ về cách nâng cao hiệu quả giáo dục lý tưởng cách mạng
cho thanh niên hiện nay" của Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng đăng trên Sổ tay Xây dựng
Đảng tháng 7/2006:</font></b></p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2" color="#0000FF"><b>Suy nghĩ về
cách nâng cao hiệu quả giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên hiện nay</b></font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Cụm từ <i>"lý tưởng cách mạng"</i> là cụm từ mà
các thế hệ sau thừa kế nội dung từ những bậc cha anh đi tìm đường giải phóng dân
tộc khỏi ách áp bức của thực dân Pháp từ những năm 30 của thế kỷ trước nhằm xây
dựng chế độ xã hội khác tốt đẹp hơn - chế độ dân chủ nhân dân và xa hơn là chế
độ xã hội chủ nghĩa. Giữa đêm đen nô lệ ở Việt Nam bấy giờ, <i>"lý tưởng cách
mạng"</i> thuở ấy đã giác ngộ cho lớp thanh niên yêu nước, khiến cho <i>"từ ấy
trong tôi bừng nắng hạ, mặt trời chân lý chói qua tim"</i> như nhà thơ Tố Hữu
từng khắc họa. Ngày nay chúng ta vẫn thường dùng cụm từ <i>"lý tưởng cách mạng"</i>
khi bàn về vấn đề giáo dục tư tưởng cho thanh niên. Danh từ <i>"lý tưởng"</i> -
như Tự điển Tiếng Việt giải thích - có nghĩa là <i>"một mục đích cao nhất đẹp
nhất mà con người phấn đấu để đạt tới"</i>. Trong khi đó từ <i>"cách mạng"</i>(1)
ở đây là một tính từ xác định tính cách mạng của lý tưởng, nghĩa là thay đổi
thật lớn lao, tận gốc. Khi ta nói lý tưởng cách mạng của chúng ta là <i>"độc lập
dân tộc và chủ nghĩa xã hội"</i> thì từ <i>"cách mạng"</i> ở đây được hiểu là <i>
"cách mạng xã hội"</i>. Dùng mãi thành quen, nhiều người trong chúng ta cứ nói
đến lý tưởng cách mạng là nghĩ ngay và chỉ nghĩ đến cách mạng xã hội. Vấn đề
được đặt ra trong bài này là <i>"có nên bó hẹp nội dung giáo dục lý tưởng thanh
niên trong phạm vi lý tưởng cách mạng xã hội hay không và làm sao nâng cao hiệu
quả giáo dục lý tưởng cho thanh niên hiện nay"</i>. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2"><i><b>Có ba cơ sở để xem xét vấn đề trên:</b></i>
</font></p>
<p><font face="Arial" size="2"><b>1- </b>Lý tưởng sống của con người hoặc nhóm
người có hoàn cảnh khác nhau, lợi ích khác nhau, trình độ nhận thức khác nhau,
sở thích khác nhau là không giống nhau về mục tiêu, về lĩnh vực của đời sống, về
nội dung và về cách thức thực hiện. Đã là con người thì ai cũng mơ ước một
điều gì đó, đạt mục tiêu nào đó và dùng từ lý tưởng để chỉ mục đích sống cao
nhất của mình. Có người đeo đuổi sự giàu có về vật chất, xem đó là lý tưởng hưng
lại có người - như Mẹ Theresa - lấy việc được quên mình vì người nghèo là lý
tưởng; các nghệ sỹ xem việc tôn vinh cái đẹp cho loài người thưởng thức là lý
tưởng, các nhà khoa học thì xem việc phát minh sáng chế khoa học - công nghệ
phục vụ cho cuộc sống làm lý tưởng, các thầy thuốc như Pasteur, Yersin lấy việc
chữa bệnh cứu người là lý tưởng... Xét riêng lý tưởng cách mạng xã hội, chúng ta
cũng tìm thấy sự khác nhau ở các nhà tư tưởng, các nhân vật lỗi lạc ở các thời
đại khác nhau, chế độ xã hội khác nhau. Dù cùng có nét tương đồng là tư tưởng
muốn giải phóng con người nhưng nội dung và phương thức của Jesus, của Phật
Thích Ca, của Spartacus - người lãnh tụ của nô lệ La Mã, của Jean Jacques
Rousseau - nhà tư tưởng Cách mạng Tư sản Pháp, của Campanella - nhà tư tưởng của
chủ nghĩa xã hội không tưởng và Các Mác - nhà tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản -
là khác nhau, nhất là về con đường thực hiện ý tưởng. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2"><b>2- </b>Lý tưởng cách mạng nói riêng hay lý
tưởng sống nói chung là một phạm trù còn trừu tượng nên cần được cụ thể hóa. Từ
chỗ nói đúng những nội dung chính trị hoặc đạo đức trong phạm trù này đến chỗ
hiểu đúng rồi làm đúng là một khoảng cách, nhất là đối với những ai sống cơ hội,
giả tạo. Do vậy khi giáo dục thanh niên, phải cụ thể hóa lý tưởng sống thành
những nội dung cụ thể hơn, những nội dung có thể dùng làm "mẫu số chung" để
trong cuộc sống hằng ngày, mỗi người có thể căn cứ vào đó mà tự đánh giá mình và
tự đánh giá người khác; cụ thể hóa thành những nội dung rất bình thường như lối
sống có tình nghĩa, tinh thần cầu tiến, ý thức chấp hành pháp luật, v.v... Có
người cho rằng nói đến vấn đề cao cả là lý tưởng thanh niên mà đưa ra toàn
những vấn đề nhỏ nhặt như vậy thì tầm thường hóa lý tưởng mất rồi. Thực ra,
những nội dung rất bình thường trên chính là nền tảng tinh thần để hình thành
trước hết nhân cách - phẩm chất con người và sau đó mới là tư cách công dân và
sau cùng là tư cách đoàn viên, đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Có thành được
con người theo đúng nghĩa của nó mới thành được người công dân tốt. Lý tưởng
sống tốt đẹp nói chung hay lý tưởng cách mạng nói riêng không thể được dựng trên
một nền tảng yếu ớt, sụt lún, hư hỏng về nhân cách. Sự hư hỏng về nhân cách
không chỉ tạo ra những loại người như Năm Cam mà thôi, nó còn tạo ra cả những
cán bộ bị thoái hoá biến chất ở nhiều cấp độ thuộc nhiều ngành mà gần đây công
luận thường nhắc tới. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2"><b>3-</b> Những nhân tố tác động mạnh đến lý
tưởng sống của thanh niên: </font></p>
<p><font face="Arial" size="2"><b>Trước tiên</b> là thực tiễn cuộc sống chứ
không phải là lời thuyết giáo hoặc viễn cảnh được vẽ nên, là gương chính diện và
phản diện ngoài đời và trong gia đình qua tiếp xúc trực tiếp hoặc biết gián tiếp
qua phương tiện thông tin đại chúng, qua người khác. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2"><b>Thứ hai</b> là nhà trường. Ngày nay khi công
tác phổ cập giáo dục đang lên đến 9 năm rồi 12 năm thì giai đoạn hình thành nhân
cách của đại đa số thanh niên trùng với giai đoạn đi học. Trường học không nên
tự đóng khung mình trong việc cung cấp các tri thức về các môn học cho học sinh
mà trước hết phải là nơi đào tạo con người, riêng trường tiểu học phải là nơi
dạy nhập môn về đạo làm người. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2"><b>Thứ ba</b> là các tổ chức đoàn thể. </font>
</p>
<p><i><b><font face="Arial" size="2">Do vậy, công tác giáo dục lý tưởng cho
thanh niên sẽ tăng thêm hiệu quả nếu: </font></b></i></p>
<p><font face="Arial" size="2"><b>1)</b> Giáo dục lý tưởng qua thực tiễn, bằng
thực tiễn. Nói đi đôi với làm, bằng con người cụ thể, hành động cụ thể. Cần ghi
nhớ một nguyên tắc: <b>gương xấu gây suy giảm lòng tin mạnh hơn gương tốt giúp
củng cố lòng tin</b>. Mức gây suy giảm này tăng theo cấp số nhân cùng với cấp
bậc người có chức, có quyền nêu gương xấu. Như vậy không phải chỉ là những người
công tác thanh niên chuyên nghiệp mới làm công tác giáo dục thanh niên mà là
toàn bộ hệ thống chính trị, toàn bộ xã hội phải được huy động vào việc này, hoặc
trực tiếp hoặc gián tiếp. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2"><b>2)</b> Đề ra yêu cầu thấp nhằm tác động được
vào số đông rồi nâng cao dần với nhiều hình thức đa dạng phù hợp với từng nhóm
lợi ích thanh niên khác nhau. Giáo dục lý tưởng sống trước rồi mới tiến tới giáo
dục lý tưởng cách mạng. Lý tưởng mà quá cao xa, quá trừu tượng thì dù cao đẹp
vẫn chỉ tác động đến một nhóm nhỏ "tinh hoa" mà ít sức thu hút đối với số đông.
Càng có nhiều phong trào hành động với các yêu cầu cao thấp khác nhau trong thực
tiễn thì càng lôi cuốn được nhiều thanh niên hoạt động tự rèn luyện và do vậy
phạm vi tác động giáo dục càng rộng lớn. Càng tuyên truyền được gương tốt trên
các lĩnh vực khác nhau của đời thường thì sẽ càng có nhiều hình mẫu khác nhau
cho thanh niên noi theo trên cơ sở lựa chọn những hình mẫu thích hợp với mình.
Cần sử dụng những người có ảnh hưởng nhất định trong một tầng lớp cụ thể nào đó
để lôi cuốn, giác ngộ chính tầng lớp đó. Trước tiên, cần trang bị cho thanh niên
đạo làm người, đó là sống chân thật, tình nghĩa, sống bằng lao động chân chính,
biết tôn trọng người và biết tự trọng. Việc giáo dục chính trị, giáo dục lý luận
hiện nay có xu hướng xem những nội dung trên là nhỏ nhặt. Thực ra, đó chính là
kiến thức cơ bản vừa là phẩm chất cơ bản; có những thứ đó mới có đủ cơ sở để
hiểu chủ nghĩa Mác. Bác Hồ đã từng nói: <b>"Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là sống
với nhau có tình có nghĩa, thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa
thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được?"</b>. Trong những sai lầm về
giáo dục con người thì việc coi thường giáo dục những điều nhỏ bé, tối thiểu như
trên chính là sai lầm cơ bản. Có được những phẩm chất cơ bản làm người bình
thường rồi thì mới hình thành những phẩm chất cao xa hơn như sự yêu công bằng,
ghét áp bức bất công, trung với nước, hiếu với dân, dám xả thân vì lý tưởng độc
lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội... Coi trọng những nội dung cơ bản nhằm xây dựng
cái nền đạo đức trước rồi mới mở rộng đến những vấn đề lý tưởng cao xa, điều này
phải trở thành nguyên tắc cơ bản của người làm công tác giáo dục. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2"><b>3)</b> Bốn nội dung cơ bản làm "mẫu số chung"
để rèn luyện mình và đánh giá người là: </font></p>
<p><i><font face="Arial" size="2">- Sống lương thiện, tình nghĩa, hướng thượng,
thân thiện với môi trường. </font></i></p>
<p><i><font face="Arial" size="2">- Không ngừng học hỏi để trau dồi nhân cách,
trí tuệ, kỹ năng làm việc.</font></i></p>
<p><i><font face="Arial" size="2">- Tự giác tuân thủ pháp luật và đủ dũng khí để
đấu tranh chống những hiện tượng vi phạm pháp luật (2). </font></i></p>
<p><i><font face="Arial" size="2">- Hết mình vì lợi ích chính đáng của bản thân,
của gia đình, của nơi mình đang làm việc, của cộng đồng (làm giàu chính đáng,
biết hưởng thụ một cách văn minh thành quả của nền văn minh nhân loại...) </font>
</i></p>
<p><font face="Arial" size="2"><b>4)</b> Trang bị phương pháp tư tưởng cho thanh
niên để những người trẻ tuổi không lý tưởng hóa cuộc sống thường ngày, không lý
tưởng hóa thần tượng của mình và tự biết chọn cái tốt để làm theo, cái xấu để
tránh xa. Cần làm cho thanh niên có cái nhìn biện chứng về sự vật - trong một
người tốt cũng có mặt chưa tốt, thậm chí là xấu; ngược lại trong người xấu không
phải không còn điểm nào tốt. Lấy cả cái sai mà phân tích khi giáo dục cái đúng.
</font></p>
<p><font face="Arial" size="2"><b>5)</b> Nâng cao nghiệp vụ cho người làm công
tác thanh niên, dù là người trực tiếp như người làm công tác Đoàn - Hội, hay
gián tiếp như vận động viên, nghệ sĩ, nhà kinh doanh... </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Tóm lại muốn nâng cao hiệu quả công tác giáo dục
lý tưởng cho thanh niên, phải chăm lo giáo dục đạo làm người trước rồi mới giáo
dục đạo làm chiến sĩ cách mạng. Phải giáo dục qua thực tiễn, bằng thực tiễn và
đi từ yêu cầu thấp lên cao bằng nhiều hình thức đa dạng phù hợp với từng loại
đối tượng khác nhau. </font></p>
<p align="right"><b><font face="Arial" size="2">TS. HỒ THIỆU HÙNG </font></b>
</p>
<p><i><font face="Arial" size="2">(1) Cách mạng: một sự thay đổi căn bản, dữ dội
trong một lĩnh vực nào đó như trong khoa học - kỹ thuật, trong tư duy, trong xã
hội. Nói đến lý tưởng cách mạng mà ta được thừa kế từ các bậc tiền bối thì cách
mạng ở đây là nói về lĩnh vực xã hội - sự lật đổ một chế độ lạc hậu, lỗi thời để
thay bằng một chế độ mới, ưu việt hơn. Như vậy khái niệm lý tưởng lý tưởng cách
mạng xã hội là hẹp hơn khái niệm lý tưởng. </font></i></p>
<p><i><font face="Arial" size="2">(2) Đây chính là bảo vệ chế độ. Cần làm cho
thấy là trong thời bình, yêu cầu về lòng dũng cảm cũng hết sức lớn lao (không
phải cứ xông pha trước mũi tên hòn đạn mới đòi hỏi lòng dũng cảm).</font></i></p>
</body>
</html>