<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>GÓC TRUYỀN THỐNG Hòa mình vào n</title>
</head>
<body>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>GÓC TRUYỀN THỐNG<br>
</b><br>
<font color="#008000"><b>Hòa mình vào những năm tháng đấu tranh hào hùng của đất
nước, hàng vạn học sinh, sinh viên miền Nam xuống đường tranh đấu đòi quyền tự
do cho dân tộc. Biết bao tấm gương thanh niên anh dũng đã hy sinh, có nhiều
người từng vào tù ra khám không biết bao nhiêu lần nhưng ngọn lửa đấu tranh hừng
hực của trái tim yêu nước vẫn rực cháy. Và một trong những gương mặt tiêu biểu
trong phong trào học sinh, sinh viên đấu tranh công khai ở miền Nam lúc bấy giờ
đó là anh Huỳnh Tấn Mẫm - một người con của đất Sài Gòn - Gia Định.</b></font></font></p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2" color="#0000FF"><b>Bác sĩ Huỳnh
Tấn Mẫm<br>
Nhớ về quá khứ nhưng luôn hướng đến tương lai</b></font></p>
<p align="center">
<img border="0" src="nho%20ve%20qua%20khu%20nhung%20luon%20huong%20den%20tuong%20lai.bmp" width="323" height="208"></p>
<p><font face="Arial" size="2" color="#008000"><b>Tuổi trẻ tranh đấu</b></font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, bất cứ
người thanh niên nào có ý thức trách nhiệm đối với vận mệnh quốc gia đều sẵn
sàng đứng dậy đấu tranh giành hòa bình độc lập cho dân tộc mình. Tiếp nối truyền
thống thế hệ cha anh đi trước, phong trào học sinh, sinh viên đấu tranh công
khai nổ ra hầu hết ở khắp miền Nam. Chàng học trò Huỳnh Tấn Mẫm cũng góp sức
mình trong những phong trào tranh đấu công khai đó. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Sinh ra trong một gia đình đông con, cha mất sớm,
anh Huỳnh Tấn Mẫm ra sức học tập với mong muốn tích lũy tri thức cho bản thân và
góp sức mình cho dân tộc. Từ khi còn nhỏ, anh đã tham gia hoạt động ngay tại xã
Tân Sơn Nhì (nay thuộc phường 15, quận Tân Bình) với vai trò liên lạc cho cán bộ
cách mạng. Năm 1956, anh đậu vào trường Petruský (Trường Chuyên Lê Hồng Phong
ngày nay) với kết quả xuất sắc. Là một học trò ngoan ngoãn, chăm chỉ, học giỏi
trong mắt thầy cô và mọi người, anh được báo Tiếng Chuông tặng huy chương và
bằng "Đạo đức học đường", được nhà trường tặng bằng khen "Kỉ luật học đường".
Nhưng tất cả những tấm bằng khen đó là cái vỏ bọc khôn khéo che mắt chính quyền
Sài Gòn để anh tự do hoạt động. Không bị chú ý nhiều nên việc bí mật rải truyền
đơn trong trường học cộng với sự thông minh nhanh nhẹn, anh luôn hoàn thành
nhiệm vụ mà tổ chức giao phó. Anh tâm sự: "Bọn địch theo dõi và kiểm soát gắt
gao, nhiều lần ập vào trường để khám xét bắt thủ phạm. Nhưng tôi vẫn bình tĩnh
kiểm soát tình hình vì tôi biết sẽ chẳng bao giờ chúng nghĩ tới người học trò
nhỏ nhắn, chăm ngoan nổi tiếng trong trường". </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Tuổi trẻ của anh là những tháng ngày hoạt động
sôi nổi. Năm 1960, anh tham gia vào Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng Sài Gòn
- Gia Định. Sau quá trình phấn đấu, năm 1965, anh trở thành đoàn viên thanh niên
Nhân dân cách mạng. Một năm sau, anh trở thành Đảng viên Dự bị Nhân dân Cách
mạng Hồ Chí Minh. Kể lại việc được vinh dự kết nạp vào Đảng, anh Mẫm vẫn không
hết xúc động: "Sau cuộc biểu tình tại Nhà hát thành phố, Anh Chính Kế gọi tôi ra
ngoại ô vào nhà người chị tôi. Lôi từ trong túi sách 1 tập giấy rồi từ từ lấy 1
tờ giấy màu đỏ, sau đó lật thêm mấy tờ nữa lấy ra hình búa liềm, tiếp tục lật
thêm vài tờ nữa thì ngôi sao vàng năm cánh hiện ra. Anh Chính Kế ghép tất cả
những thứ ấy lại, tôi chưa kịp hiểu ra thì anh đọc quyết định: đồng chí Huỳnh
Tấn Mẫm từ đây đã trở thành Đảng viên Đảng Nhân dân cách mạng Hồ Chí Minh". Dù
hoạt động cách mạng trong lòng địch anh vẫn không quên nhiệm vụ chính là học
tập. Vào trường Đại học Y khoa Sài Gòn nhiều năm anh liên tiếp đạt học bổng.
</font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Thời kỳ năm 1969-1972 là giai đoạn hoạt động sôi
nổi nhất của học sinh sinh viên miền Nam. Phong trào này đã quy tụ được đông đảo
quần chúng tham gia. Rất nhiều tổ chức đoàn thể đã tham gia vào phong trào tiến
bộ của học sinh, sinh viên đấu tranh cho hòa bình như Phật giáo, lực lượng công
đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động... cùng với đại diện của hơn 70.000 sinh viên
học sinh, các tầng lớp khác đã phối hợp chặt chẽ với nhau thành một mặt trận
xuống đường tranh đấu. Những tờ báo tiến bộ như "Tin Sáng", "Điện Tín", "Dân chủ
mới" cũng ra sức ủng hộ ta. Những cuộc biểu tình của sinh viên, học sinh phối
hợp với các tổ chức đoàn thể đã sáng tạo nhiều hình thức đấu tranh khác nhau phù
hợp với tình hình thực tế như: biểu tình, mitting tuyệt thực... xuất hiện khắp
nơi khiến Đại sứ Mỹ phải tuyên bố: "Sinh viên nguy hiểm hơn Việt Cộng, vì Việt
Cộng đánh bí mật còn sinh viên đánh công khai". Phong trào học sinh, sinh viên
đã thu được nhiều thắng lợi trên các mặt trận: đòi dân chủ, đòi quyền được nói
tiếng nói của mình trên đài phát thanh, đòi trả tự do cho những người của ta bị
bắt. Sức mạnh ghê gớm của phong trào học sinh, sinh viên đã buộc chính
quyền phải trả tự do cho những người Cộng sản. Trong những ngày sục sôi khí thế
ấy, sinh viên học sinh các đô thị Miền Nam có mặt ở khắp mọi nơi sẵn sàng tranh
đấu bằng cách biểu tình, ném bom xăng vào các mục tiêu của chính quyền Sài Gòn.
Dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đoàn, tổ chức Đảng, phong trào học sinh, sinh viên
đấu tranh công khai ở các đường phố miền Nam đã giành được nhiều thắng lợi.
Trong quá trình cùng học sinh, sinh viên thành phố xuống đường tranh đấu, anh
Huỳnh Tấn Mẫm đã thể hiện được vai trò của mình, là một trong những cá nhân hoạt
động sôi nổi trong phong trào học sinh, sinh viên thời bấy giờ. Trong quá trình
hoạt động, anh đã bị bắt giam 11 lần, trong đó có 4 lần lâu nhất làm ảnh hưởng
đến quá trình học tập và hoạt động của anh. Mỗi lần bị bắt giam là mỗi lần bị
tra tấn dã man, nhưng với nghị lực phi thường và ý chí kiên cường của người
chiến sĩ cách mạng anh đã vượt qua tất cả: <i>"Bản thân đã xác định được con
đường đã chọn thì phải kiên trì chịu đựng và hết sức khôn khéo tránh né những
thủ đoạn của địch. Bản thân tôi nhiều khi đã phải đối đầu với sự gian xảo của
chúng: có lần chúng đã đề nghị tôi đả đảo Hồ Chí Minh. Nhưng tôi đã tỉnh táo trả
lời: đài BBC nói Hồ Chí Minh là một vĩ nhân, vậy đả đảo Hồ Chí Minh không phải
là đả đảo vĩ nhân sao?" </i></font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Đã gần 40 năm trôi qua, ngọn lửa cách mạng vẫn
cháy bùng trong trái tim tràn đầy nhiệt huyết cách mạng. Tốt nghiệp Đại học Y
khoa Sài Gòn, là đại biểu Quốc hội khóa VI, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc
thành phố, tham gia lớp học Chủ nghĩa Cộng sản khoa học ở Liên Xô và trở thành
Tiến sĩ triết học. Yêu thích các tác phẩm của Mác-Lênin trong đó anh đã nghiên
cứu rất kỹ tác phẩm "Làm gì?" của Lênin và bị ảnh hưởng bởi câu nói "Bất cứ sự
vận động nào, tờ báo vẫn là một tổ chức thắng lợi trên mọi mặt trận". Trở về
công tác tại Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, anh quyết định cùng với nhà báo
Công Khế cho ra đời tờ báo "Thanh Niên" năm 1986. Năm 1990, anh chuyển công tác
về Thành ủy và giữ nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hồ Chí Minh.
</font></p>
<p><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">Sống với hiện tại</font></b></p>
<p><font face="Arial" size="2">Phòng khám của bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm nằm ở số nhà
156 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 10, quận 3 rất đông khách. Với bề ngoài
giản dị cùng những cử chỉ thân thiện, tận tâm của người lương y, có ai nghĩ rằng
người bác sĩ này đã có 1 thời quá khứ hào hùng. Anh đến với nghề y là niềm yêu
thích. Yêu vì có thể giúp người dân nghèo chữa bệnh, cống hiến tài năng cho đất
nước. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">40 tuổi Đảng, qua cái tuổi nghỉ hưu nhưng anh
Huỳnh Tấn Mẫm vẫn sôi sục <i>"sức trẻ"</i>, vẫn mong muốn được cống hiến, đóng
góp sức mình cho Tổ quốc. <i>"Nếu ai đó nghĩ tôi về hưu để an hưởng tuổi già thì
đã nhầm, đối với tôi một ngày còn khỏe mạnh là một ngày để cống hiến. Nếu thời
chiến tranh góp sức trẻ vào quá trình giành độc lập tự do cho dân tộc, thì thời
bình tôi góp tài năng và trí tuệ để xây dựng một đất nước Việt Nam giàu đẹp" </i>
- anh tâm sự. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Là một con người có quá khứ hào hùng trong thời
kỳ tuổi trẻ, anh còn là một tấm gương sáng, một hình ảnh đẹp của người Cộng sản
Việt Nam. Một Đảng viên với tinh thần không ngừng vươn lên, khát vọng được hòa
mình vào dòng chảy hội nhập và phát triển của đất nước. Là một người đi
trước, anh dành lời khuyên chân tình cho thế hệ trẻ: <i>"Lạc hậu là một cái nhục
của đất nước, phải vươn lên trong học tập, tiến bộ theo kịp quốc tế. Một đất
nước không có văn minh thì không thể vững mạnh. Tuổi trẻ thành phố phải luôn
phấn đấu, phấn đấu hết mình để làm nền móng vững chắc đưa con thuyền Việt Nam ra
khơi đương đầu với thử thách". </i></font></p>
<p align="right"><b><font face="Arial" size="2">T.H - MINH NHỊ - MẠNH HOÀI
</font></b></p>
</body>
</html>