<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"><strong><span style="font-size: small;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><span style="font-family: Arial;">Về thăm núi Cậu</span></span></span></strong></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 80 cây số theo tuyến quốc lộ 13 và theo đường 744, du khách sẽ dễ dàng tìm đến núi Cậu nằm bên lòng hồ Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) là một di tích, danh thắng cấp tỉnh được công nhận vào năm 2007. Cũng bởi sự kết hợp độc đáo về màu sắc tự nhiên của Sông – Nước- Núi – Đồi mà nơi đây đã được ví như một bức bình phong hùng vĩ của rừng núi thiên nhiên. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><img width="448" height="366" alt="" src="01%20-%20Copy.jpg" /></span></span></div>
<div style="text-align: center;"><em><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Đông đảo du khách viếng thăm chùa Thái Sơn Núi Cậu</span></span></em></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Núi Cậu là một quần thể gồm 21 ngọn núi lớn, nhỏ có dạng hình chữ U với diện tích hơn 1.600 hecta. Ngọn núi cao nhất là núi Cửa Ông rồi tới núi Ông, núi Tha La và thấp nhất là núi Chúa. Bốn ngọn núi này gắn liền với nhau tạo thành một dãy núi nhấp nhô như hình dáng của 2 chiếc yên ngựa kéo dài theo hướng Đông Bắc – Tây Nam. Cũng bởi hình dáng ấy mà người dân địa phương còn gọi Núi Cậu với 2 cái tên là yên ngựa 1 và yên ngựa 2. Men theo con đường sát lòng hồ Dầu Tiếng, giữa những hàng cây cao su sà xuống bên đường tươi mát, ngôi chùa Thái Sơn hiện ra là một ngôi chùa cổ kính theo lối kiến trúc cổ lầu phương Đông. Ngôi chùa được xây dựng vào năm 1988 bởi hòa thượng Thích Đạt Phẩm còn gọi là Thầy Sáu. Ngôi chùa có tổng diện tích trên 5 hecta gồm các hạng mục như cổng Tam Quan, ngôi Đại Tháp cao 36m có 9 tầng, tượng Quan Thế Âm cao 12m, chánh điện và điện ngọc. Cũng bởi ngôi chùa mang vẻ đẹp giản đơn hòa quyện cùng màu sắc hoang sơ của rừng núi và gắn liền với bao câu chuyện huyền thoại nên nơi đây đã được người dân ca ngợi là chốn bình yên của miền sơn cước và là nơi chứa đựng màu sắc của văn hóa tâm linh.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><img width="448" height="430" src="02%20-%20Copy.jpg" alt="" /></span></span></div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Núi Cậu nhìn từ trên cao xuống</span></span></div>
<div style="text-align: center;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Phía sau chánh điện chùa Thái Sơn có hơn 1 nghìn bậc tam cấp bằng đá được cắt gọt cầu kỳ để dẫn khách đến viếng ngôi miếu Cậu. Theo tương truyền, xưa kia “Cậu Bảy” là một trong những vị tướng giỏi nhất của ngài tả quân Lê Văn Duyệt, từng tham gia nhiều trận đánh, sau về ở ẩn trên núi này. Vì thế nhân dân trong vùng đã lập miếu thờ và gọi tên ngọn núi là núi Cậu. Đường lên núi Cậu quanh co, hiểm trở. Hai bên đường là cả một cánh rừng rậm rạp với nhiều loại gỗ quý. Càng lên cao, không khí lại thay đổi một chút, mát mẻ, thanh tịnh, yên bình. Bước tới đỉnh, thấp thoáng sau khu vuờn đào đầy quả chín mọng là hình ảnh của một am miếu nhỏ 2 tầng cùng bức tượng “Cậu Bảy” mặc áo nhà võ, thủ tấn, đi quyền trông oai phong lẫm liệt. Cũng bởi niềm tin vào sự linh thiêng của bức tượng được người dân địa phương truyền tai nhau mà du khách nơi xa ngày càng tìm về nơi đây để được viếng thăm núi Cậu. “Chùa Thái Sơn dưỡng nuôi đời đạo. Dinh núi Cậu hồi phục nhân tâm”. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Bác Nguyễn Xê, 57 tuổi, nhà ở Bình Dương tâm sự: “Nơi đây đã ghi dấu trong tôi rất nhiều kỷ niệm bởi ngày xưa nơi này không có chùa chiền mà là căn cứ kháng chiến của anh em chúng tôi. Mỗi lần về đây, ngoài việc thắp vài nén hương cầu mong cho con cháu, gia đình an cư lạc nghiệp thì tôi như được tìm về chính mình. Lòng thấy thanh thản, nhẹ nhõm hơn.”</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Từ trên đỉnh núi, cẩn thận dõi tầm mắt phía xa, nơi giữa mặt hồ Dầu Tiếng mênh mông là một màu trời mây nước xanh biếc. Vốn là một công trình thủy nông lớn nhất nước ta và Đông Nam Á nhưng hồ Dầu Tiếng lại có một sức hấp dẫn bởi vẻ đẹp tự nhiên của nó với ai đã từng đặt chân đến đây. Đứng trên đỉnh cao, được hóng những đợt gió mát từ lòng hồ thổi vào khiến bao người có cảm giác như được nhấc bổng giữa khoảng trung. Thấp thoáng xa xa là hình ảnh của các đảo nhỏ nằm ở lòng hồ như đảo Trảng, đảo Đồng Bò. Các đảo được tô điểm thêm bởi tấm áo màu xanh của cây rừng, màu đỏ của những loài hoa dại. Tất cả đã tạo nên một kiệt tác nghệ thuật tuyệt đẹp mà ở đó có sự hài hòa kỳ lạ giữa thiên nhiên và một khung cảnh gần gũi của chim trời cá nước. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Nếu ai đã từng một lần về Bình Dương thì đừng quên dừng chân ghé lại núi Cậu – hồ Dầu Tiếng đầy thơ mộng và quyến rũ này.<br />
</span></span></div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><strong>NGỌC TRẦN<br />
</strong><br />
</span></span></div> </html>