<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Trần Kim Tuyền</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Trần Kim Tuyền: “Nghề của tôi là trên hè phố”</font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" id="table6">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img class="lImage" onclick="return showImage(this.src)" height="150" hspace="0" src="http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=147944" width="200" border="1" Hyperlink></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Lần đầu
tiên trong đời mình, Vui (một đứa trẻ sống ở lề đường từ nhỏ) học cách
viết tên mình</font></i></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2">Hồi đó, khi phỏng vấn xin việc, người ta hỏi chị:
“Cô có làm được công việc của một người mẹ hay không?”- “Dạ được!”; “Cô có thể
làm việc với thời gian 24/24g ngoài đường phố không?”- “Được!”. </font>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Và thế là chị làm, làm bảy tám năm
nay trong khi bạn bè đã là thạc sĩ, tiến sĩ... và chị, “bằng cấp” lớn nhất mà
chị có được là đưa những đứa trẻ bụi đời về lại ngôi nhà thân yêu... Chị là Trần
Kim Tuyền, giáo dục viên ở mái ấm Tre Xanh (TP.HCM).</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2"><strong>1.</strong> Mỗi lần gặp chị
là có một sự kiện gì đó. Có khi đang ngồi cà phê trên đường Calmette (Q.1) bất
đồ gặp chị dẫn một cậu bé đi xăm xăm vào một công trường bảo lãnh với ông thầu
cho cậu làm việc. Cậu bé là một đứa trẻ đã rời mái ấm từ lâu, “nhưng nó từ Đắc
Lắc vô, mình bỏ nó thì lề đường nuốt nó. Nó làm bậy mình có an lòng được
không?”. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Chị hỏi mà không cần câu trả lời
nào. Lần khác, gọi điện lúc 9 giờ đêm, chị nói một hồi thì ngưng bảo phải chạy
đi rước thằng Lai làm ở khách sạn Omni, hết ca mà nó không dám về vì có một nhóm
bụi đời khác hăm “thanh toán nợ nần”. Em ấy là một trường hợp mà chị đã đổ không
biết bao nhiêu công sức để giữ em rời khỏi ám ảnh lề đường.</font></p>
<table style="border-collapse: separate" borderColor="#ecf2fe" height="100" cellSpacing="5" borderColorDark="#456ae1" cellPadding="4" width="200" align="right" borderColorLight="#4792d9" border="0" id="table7">
<tr>
<td vAlign="center" bgColor="#cfe6f9">
<p class="pBody"><font color="#030303" face="Arial" size="2">Hàng trăm
“ca” trẻ đã qua tay chị. Có em đã về nhà yên ổn chỉ sau một lần, có em
hai ba lần, có em chị bỏ tiền túi lặn lội tìm nhà, tới nơi cha mẹ lại
không muốn nhận con... Chị phải dẫn em về mà chính chị có khi hồ nghi
cuộc đời tại sao trớ trêu như vậy. Nhưng rồi chị cũng có những niềm vui
nho nhỏ: thằng Dương, thằng Danh, thằng Trinh..., những đứa trẻ bụi đời
xưa kia, giờ đã trở thành những con người đàng hoàng tử tế, có chỗ làm
trong một khách sạn sang trọng, có tiền để dành rồi quay về rủ “má
Tuyền” giúp cho mở một dịch vụ làm suất ăn công nghiệp để tụi nhỏ trong
mái ấm có việc làm. Tin vui mới nhất đối với những thân phận bụi đời,
hè phố: má Tuyền đã dọn hẳn về mái ấm Tre Xanh. Chị đã dành hẳn cuộc đời
mình cho trẻ đường phố để đưa chúng trở về với mái ấm gia đình...</font></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2">Ba má ly dị, em bỏ ra đường. Một ông già ăn xin bắt
dẫn đường, chị và ông ta mấy lần “giành giật”, cuối cùng cũng tìm ra mẹ em ở tận
Sóc Trăng nhưng... “cũng chẳng ích gì”. Chị cho nó đi học, nó bảo nhức đầu, học
không được. Chị bảo lãnh cho nó làm gác cửa ở Omni, hằng đêm đưa rước như con
mọn... </font>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Hình như lúc nào chung quanh chị
cũng diễn ra những câu chuyện với tình tiết đầy ắp và luôn liên quan tới trẻ
con. Tết, mái ấm đóng cửa vài ngày, đứa nào trả được về nhà thì trả, những đứa
không nhà không cửa thì chị... ôm. Ôm ra chợ Thái Bình ngồi bán dưa hấu. Tới hết
ngày 30, tính ra các khoản rồi chia cho bọn nhỏ, có năm lời một ít, có năm lỗ
vốn nhưng năm nào cũng làm, “làm để kéo thêm thời gian bọn trẻ không phải ra
đường...”.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Hồi năm rồi chị đưa về nhà một cậu
bé mà thoạt nhìn ba chị thấy… chịu được, nhưng ngày thứ hai, thứ ba, ông lắc đầu
bảo mang đi đâu thì mang vì không chịu đựng nổi sự phá phách của nó. Chị qua tới
quận 4 tìm nhà chị thằng bé nhưng người ta không muốn thấy nó nữa. “Không lẽ
mình cũng bỏ?”. Vậy là “ôm”... Thời gian của chị từ đầu năm tới cuối năm, mở mắt
ra chỉ thấy toàn trẻ bụi đời...</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2"><strong>2.</strong>Thằng Vũ Bảo
Long trắng trẻo, ngoan ngoãn “vác” cái tuổi 15 của nó đến mái ấm với một lý lịch
buồn hiu: quê ở Hải Phòng, học hết lớp 5, cha mẹ hay đánh nên bỏ nhà đi, sống
lang thang ở chợ Cầu Muối… Long hay ngồi thỏ thẻ tâm sự với cô Tuyền. Vài tháng
trôi qua, cô Tuyền thấy còn một điều gì lẩn khuất phía sau nó. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Và một hôm cô Tuyền cố tình cho
Long biết có một giáo dục viên được cử đi Hải Phòng tìm nhà nó. Long đâm bối
rối. Chiều, Long nói nhỏ: “Cô đi mua cho con cái quần!”. Đây là số tiền 60.000đ
Long dành dụm sau mấy tháng đánh giày. Có chiếc quần mới, hôm sau Long xin cô
Tuyền ít tiền để “đi thăm bạn”. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Long đi cả ngày, buổi tối về mặt
buồn rượi. Tối đó, cô Tuyền kêu Long vô phòng, mới hỏi “bữa nay con đi đâu, làm
gì?” thì dường như bao nhiêu căng thẳng trong người Long vụt vỡ ra thành nước
mắt. Long kể hết: “Em về thăm nhà ở... Hóc Môn (TP.HCM). Thế nhưng em chỉ dám
tới quán đầu hẻm rồi gọi điện thoại về nhà hỏi thăm cha mẹ mấy câu là bỏ chạy
ngay”. </font></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" id="table8">
<tr>
<td>
<img border="0" src="nghe%20cua%20toi%20la%20tren%20he%20pho.bmp" width="200" height="130"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Dũng
(tức Huỳnh Văn Thắng) trong những ngày lưu lạc tại mái ấm Tre Xanh với
"má Tuyền"</font></i></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2">Đã có một chuyện “bi kịch”: nhà chuyển từ Hải Phòng
vô Sài Gòn, cha mẹ Long là giáo viên. Cha Long bị ám ảnh điểm số đến nỗi ra
“luật”: phải có điểm 10 mới cho tiền đi học. Suốt một năm trời Long không có một
xu vì chỉ được điểm 7, 8, trong khi chị Long luôn được điểm 10. Càng ngày càng
bị ức chế rồi một hôm Long bỏ đi chơi, cha bắt về trói lại đánh cho một trận.
</font>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Mở được dây trói, thế là Long trốn
đi bụi đời, đánh giày, lượm bọc và sống lang thang trên đường... Long thổ lộ hết
nỗi lòng thì đã ba bốn giờ sáng. Cuối cùng cô Tuyền phải cam đoan với Long là
“chừng nào con chưa muốn về thì cô chưa bắt con về”. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Hôm sau, Tuyền gọi điện về nhà
Long. Cha mẹ Long mừng phát khóc nhưng phải làm theo điều kiện của Tuyền: chỉ
đến thăm con mà không đề cập chuyện đưa Long về nhà. Họ cứ đến thăm mỗi tuần,
mang quà bánh cho tất cả các trẻ trong mái ấm. Một tháng sau thì Long về nhà…</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2"><strong>3.</strong> Năm 1981, 20
tuổi, chị rời quê ở Mang Thít, Vĩnh Long lên Sài Gòn làm đủ thứ nghề từ dệt,
may, tới bán thuốc tây ở chợ thuốc, rồi làm tạp vụ cho các công ty để có tiền
học đại học ngành phụ nữ học. Sau khi thực tập, một người bạn rủ xin vào CLB Cầu
Muối. Những ngày đầu tiên ra công viên 23-9 chị thấy rờn rợn người. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Một thằng bé bụi đời được chị đưa
về mái ấm đã lấy xe đi bán, chị phát hiện, nó cầm cục đá xanh chờ hàng tiếng
đồng hồ ngoài mái ấm để “đập bể đầu bả”. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Bà Chín, bà Năm trong xóm cản Tuyền
đừng ra ngoài, nhưng Tuyền vẫn bước ra đứng đối diện với nó, nó bỏ rơi cục đá
xuống không nói gì. Sau nhiều lần thì chị nắm được một qui luật: tiến một bước
thì đứa trẻ bụi đời lì lợm nhất cũng sẽ lùi một bước… </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">“Khi chọn công việc này, tôi đã là
con người xã hội, hè phố là nơi làm việc của tôi. Nếu tôi nghĩ tới mình một tí,
tức là tôi đang ăn cắp thời gian của tụi trẻ. Tụi nó thiệt thòi nhiều lắm khi bị
hất ra lề đường. Tôi không muốn bất cứ một đứa trẻ nào nấn ná ngoài đường hay
trong mái ấm lâu quá. Chúng phải được về nhà, phải thoát khỏi những thói hư tật
xấu ngoài đường càng sớm càng tốt”. Lâu lắm rồi tôi mới nghe một lời tâm sự kỳ
lạ đến thế.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo Tuổi Trẻ</i></b></font></p>
</body>
</html>