Một lần dừng lại Suối Tiên
Bất kì một du khách nào đặt chân đến Bình Thuận hỏi thăm địa điểm Suối Tiên thì sẽ được người dân nơi đây mô tả như một vùng đất của sự giao thoa ánh sáng với những dải đất nhiều màu sắc lạ mắt trải dài theo những con suối đầy cây cỏ xanh tươi.
Nhắc đến Suối Tiên, du khách sẽ nghĩ ngay tới một địa điểm du lịch nổi tiếng tọa lạc tại khu vực quận 9, TP.HCM chứ ai nào nghĩ tới nơi được mệnh danh là “Tiên cảnh giữa sa mạc” thuộc Hòn Rơm, tỉnh Bình Thuận.
Đôi dòng Suối Tiên
Men theo tuyến đường về phường Hàm Tiến, Mũi Né cách trung tâm thành phố Phan Thiết khoảng 10 km, chúng tôi tìm đến Suối Tiên trong một ngày nắng đẹp cuối tuần. Nghe người dân vùng này bảo “muốn biết vì sao Suối Tiên lại được mệnh danh là tiên cảnh giữa sa mạc thì phải tìm đến cầu Rạng, xuống cầu lội bộ 2km dưới lòng suối thì mới chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của Suối Tiên.”
Quả là có đến Suối Tiên thì mới tận hưởng được vẻ đẹp tự nhiên và hoang sơ của nó. Một vẻ đẹp kiến tạo từ sự kết hợp giữa nước và cát cùng sắc màu của mây trời, hoa lá. Một người bạn trong số chúng tôi bảo rằng, nơi đây đã chiếm giữ rất nhiều tâm hồn của các thi sĩ. Bài thơ Bồng lai tiên cảnh của nữ thi sĩ Thái Thanh Nguyên là một trong số rất nhiều bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của Suối Tiên “Ngỡ ngàng đá bạc chênh vênh, thì thầm dòng nước nhẹ tênh lưng đồi, rụt rè hỏi chú chim non, nàng tiên đâu? Chỉ toàn người thế gian, hỏi trong veo sợi nắng vàng, có mang nguyên thủy xuống làm ngàn sau…” .
Cùng khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã
Mang một vẻ đẹp tự nhiên và hoang dã nhưng ít ai biết được nguồn gốc của Suối Tiên bắt đầu từ đâu. Tôi may mắn được trò chuyện cùng cô Nguyễn Thị Sen (52 tuổi, phường Hàm Tiến, Mũi Né), người trong vùng gọi cô với tên thân mật - Cô Tư. Vốn là người gắn bó với nghề bán hàng nước hơn chục năm ở khu vực Suối Tiên nên khi được tiếp xúc với cô, chúng tôi như được tiếp thu thêm nhiều câu chuyện thú vị. Ngày xưa, khu vực Suối Tiên chỉ là một khe nước nhỏ và nằm khuất sau những đồi cát cháy nắng với tên gọi là Suối Tre. Sau khi người dân phát hiện từ trong những đồi cát mênh mông chạy dài hàng chục cây số là từng dòng nước ngọt chảy ra và tạo nên một dòng suối dài trong vắt thì nguồn nước ngọt hiếm hoi cho cả vùng đã được phát hiện. Người dân cho rằng đó là hiện tượng thần kỳ và dòng nước ngọt là của trời cho giữa sa mạc cát nên tên gọi Suối Tiên cũng bắt đầu từ đó.
Nét đẹp kiến tạo của nước và cát
Dù trời mát hay nắng đang đổ lửa giữa trưa, Suối Tiên vẫn dập dìu người đến khám phá và chiêm ngưỡng. Men theo dòng suối trong vắt, chúng tôi xách giày dép đi chân trần trong làn nước mát mang màu đỏ cam của cát. Nơi sâu lắm, nước cũng chỉ tới đầu gối. Đi khoảng 200 – 300 mét, một thế giới kỳ ảo mang vẻ hoang sơ tự nhiên hiện ra. Những cột cát cao khi xưa là đồi cát bị nước xói mòn tạo nên những hình thù kỳ quái như những khối thạch nhũ trong hang động đá vôi. Hai bên bờ suối nước đã kiến tạo cát thành những chiếc cột hoa mỹ, những bức phù điêu khổng lồ trải dài như một bức trường thành và luôn biến đổi. Từ trên cao nhìn xuống vào lúc chiều tối, khu vực này giống như một vùng lâu đài thành vách bị lãng quên. Giữa những đỉnh nhọn có những khe, hẻm nhỏ để người ưa thám hiểm leo trèo. Một phát hiện đặc biệt trước khi chúng tôi rời chốn này là Suối Tiên không có một dấu ấn nào của con người để lại ngoài những dấu chân in đậm 2 bên bờ suối theo thời gian.
Rời khỏi chốn tiên cảnh giữa sa mạc, ai trong chúng tôi cũng lưu luyến với vẻ đẹp hoang sơ của nó. Hy vọng rằng, những tiềm năng của Suối Tiên sẽ được khai thác và trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn cho những ai đặt chân đến Bình Thuận.
NGỌC TRẦN