<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Chuyện bây giờ mới kể</span></span></strong></span></div>
<div style="text-align: right;"><em><strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Huỳnh Công Ba (Trường ĐH Sư phạm TPHCM)</span></span></strong></em></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
</span></span><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Mỗi lần ra đường nhìn thấy nhiều thanh niên mặc áo chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh, tôi lại nhớ những ngày bắt đầu manh nha cho công việc này với tên gọi “công tác hè” của Đoàn trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.<br />
<br />
Cách đây đúng 20 năm, Đoàn trường Đại học Sư phạm TPHCM có tiểu ban Thực hành Chính trị Xã hội. Tiểu ban này có nhiệm vụ vận động đoàn viên- sinh viên (ĐV- SV) tham gia các hoạt động ngoài xã hội, đến vùng sâu, vùng xa giúp đỡ bà con, tổ chức xóa mù chữ, sinh hoạt thiếu nhi…được ĐV- SV hưởng ứng. Hè về, tiểu ban lo đi tìm các địa điểm tổ chức đưa ĐV- SV tỏa đi các vùng quê với những việc làm thể hiện sự nhiệt tình, tâm huyết tuổi trẻ.<br />
<br />
Những năm 1986, 1987, tiểu ban đưa ĐV- SV tham gia chăm chăm sóc và trồng cây cao su tại nông trường cao su Tân Lập huyện Đồng Phú và nông trường cao su Bà Đã huyện Tân Uyên. Lúc đi, ai cũng hăm hở nhưng khi vào thực tế, gặp không ít khó khăn. ĐV- SV cho rằng những việc ấy quá nặng nhọc đối với sinh viên các trường Sư phạm. Tuy nhiên, đó chỉ là suy nghĩ của các cậu ấm cô chiêu mà thôi! Qua hai năm, phong trào thu hút rất nhiều ĐV- SV. Có không ít bạn đã trưởng thành sau những đợt lao động ngoại khóa này. Đến nay, ai cũng vào tuổi trung niên nhưng vẫn nhớ lại những ngày tham gia hoạt động tại tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương và Bình Phước). Họ ngồi kể say sưa câu chuyện, tưởng như vừa xảy ra hôm qua.<br />
<br />
Đến năm 1990, khi anh Nguyễn Phú Bình là Bí thư và tôi là là Phó Bí thư trường ĐHSP TP.HCM, chúng tôi quyết tâm khôi phục lại Chương trình Thực hành Chính trị Xã hội để ĐV-SV tham gia trong dịp hè với tên gọi “công tác hè” và chọn địa bàn huyện Củ Chi làm thí điểm với những việc “nhẹ” như xóa mùa chữ, sinh hoạt thiếu nhi, ôn tập hè, giúp đỡ các gia đình chính sách. <br />
<br />
Năm ấy, chúng tôi vận động ĐV- SV tham gia với số lượng khiêm tốn (khoảng 35 ĐV, SV), có kế hoạch cụ thể, thận trọng và làm thí điểm. Chúng tôi được Huyện Đoàn, phòng Giáo dục và chính quyền huyện Củ Chi giúp đỡ, đưa về xã Tân Thông Hội, Tân An Hội và thị trấn Củ Chi.<br />
<br />
Lần đầu tiên về ngoại thành làm công tác hè, ĐV- SV còn bỡ ngỡ và gặp không ít khó khăn vì phong trào chưa rầm rộ như bây giờ. ĐV- SV ăn, ở tập trung và co cụm. Nơi ở là Ủy ban Nhân dân, trường học….nên gặp trở ngại khi vận động bà con đưa con em ra lớp cũng như tham gia các hoạt động khác. Các bạn vô cùng khó khăn trong sinh hoạt cá nhân; ban ngày đi vận động, ban đêm ra lớp, tối đến ngủ chung trong căn phòng là nơi làm việc của Hội Cựu chiến binh. Có nơi, ĐV- SV bị thanh niên địa phương chọc ghẹo, cản trở công việc nên đến từng điểm sinh hoạt phải đi theo nhóm. Có bạn chịu không nổi đành phải chia tay với công tác.<br />
<br />
Ngược lại, những ngày đầu ấy, chính quyền địa phương và Huyện Đoàn Củ Chi đã giúp đỡ ĐV- SV rất nhiều. Công tác xóa mù chữ được phòng Giáo dục đánh giá tốt và tạo điều kiện. Họ đã cung cấp danh sách để ĐV- SV điều tra trình độ văn hóa, sách giáo khoa, giáo viên phổ cập, kinh phí; chính quyền địa phương và Huyện Đoàn hỗ trợ kinh phí…Dù ít ỏi nhưng đã tạo cho ĐV- SV niềm tin khi làm nhiệm vụ và qua công tác thực hành chính trị xã hội, ĐV- SV trưởng thành trong giao tiếp, sinh hoạt; nghiệp vụ sư phạm và bản lĩnh được nâng lên rõ rệt.<br />
<br />
Đến năm 1991, chúng tôi tiếp tục đưa ĐV- SV về 3 xã trên và 2 xã mới là Phước Hiệp và Phước Thạnh với số lượng gấp đôi. Công việc vẫn làm như năm trước. Rồi những mùa hè năm sau (1992, 1993, 1994), ĐV- SV có mặt khắp 21 xã, thị trấn huyện Củ Chi. Ngoài ra, ĐV- SV còn về 4 xã: Long Trường, Long Phước, Phú Hữu và Thạnh Mỹ Lợi thuộc vùng bưng 6 xã huyện Thủ Đức (nay là quận 2); xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh (một xã sát biên giới Campuchia) để giúp đỡ bà con từ việc xóa mù chữ, phổ cập tiểu học, sinh hoạt thiếu nhi, ôn tập hè, sưu tầm địa chỉ đỏ, đến chăm sóc các gia đình thương binh, chính sách, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng. <br />
<br />
Những năm sau này, chúng tôi chọn các ĐV- SV và cán bộ Đoàn đã tham gia năm trước làm trưởng nhóm để liên hệ công tác, phụ trách xã, bám địa bàn và chuẩn bị kĩ lưỡng để khi đưa ĐV- SV về công tác được dễ dàng hơn. Nơi ở của ĐV- SV cũng bắt đầu bám vào dân và được nhân dân đùm bọc, quan tâm từ chỗ nghỉ ngơi đến từng bữa ăn. Chúng tôi không bao giờ quên những cán bộ và bà con ở Củ Chi, vùng bưng 6 xã, xã Hòa Hiệp đã quan tâm, giúp đỡ ĐV- SV mỗi khi các bạn về xã và ấp của mình. Chúng tôi không thể nào quên anh Út Đức (Nguyên Phó Chủ tịch huyện Củ Chi) đã tận tình giúp đỡ và nuôi nấng ĐV- SV tại nhà trong suốt thời gian tham gia công tác. Má Bảy Tốc (mẹ Việt Nam anh hùng) ở xã Phước Hiệp không những giúp đỡ ĐV- SV mà còn tạo điều kiện để ĐV- SV hoàn thành nhiệm vụ. Má thường đi đầu vận động bà con cùng tham gia phong trào, vận động thanh niên xã giúp đỡ sinh viên khiến ĐV- SV rất khâm phục. Mỗi lần chúng tôi ghé thăm ĐV- SV ở xã Phước Hiệp, má tự tay làm cơm trưa, bắt chúng tôi ăn xong mới được đi thăm địa điểm khác. Chú Bảy Minh ở ấp Bến Mương xã An Nhơn Tây tình nguyện nhận ĐV- SV về ở tại nhà mình trong những ngày đầu và chăm sóc như con cháu. Bác Bảy Mong ở xã Bình Mỹ đùm bọc ĐV- SV mà không cần một điều kiện nào. Thầy giáo Khiêm ở xã Phước Thạnh rất nghèo vẫn dành một góc nhà để ĐV- SV ở và cùng các bạn vận động bà con ra lớp hằng đêm. Anh Vui- Bí thư xã Đoàn Phạm Văn Cội tạo điều kiện để ĐV- SV tổ chức các hoạt động vui chơi, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đạt kết quả tốt, gắn kết sinh viên và thanh niên địa phương…Còn rất nhiều rất nhiều cán bộ, bà con nhân dân đã giúp đỡ sinh viên trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày làm công tác hè tại những nơi mà các bạn đã đến.<br />
<br />
Lâu ngày gặp lại những “chiến sĩ” này, các bạn cho biết vẫn thường xuyên về thăm bà con tại nơi mà họ đã được nuôi nấng năm xưa vào dịp giỗ chạp, Tết. Họ vẫn được xem như những người con thân thương trong gia đình. Các bạn thông tin về những ngươi còn, mất khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.<br />
<br />
Những ngày đầu đưa ĐV- SV đi làm công tác hè không rầm rộ như bây giờ. Chọn một góc sân trường làm lễ ra quân, băng rôn cổ động được treo trên thành xe buýt, ĐV- SV tham gia không đồng phục nhưng họ có chung một ý chí và niềm tin cùng với tấm lòng tự nguyện. Kinh phí để làm công tác hè không nhiều, chúng tôi ôm thùng đi lạc quyên khắp nơi, cùng nhau ra chợ An Đông, các trung tâm ngoại ngữ của trường Đại học Sư phạm. Nguồn kinh phí này được sử dụng làm học bổng, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo, giúp đỡ gia đình chính sách. Tiền ăn của ĐV- SV chủ yếu là tiền túi của họ và sự hỗ trợ rất ít từ phía nhà trường, cùng với rau, quả của bà con. Nhìn bữa ăn toàn rau do các bạn tự cải thiện ai cũng xót xa. Mỗi lần trường và Đoàn Thanh niên đi thăm, các bạn rất vui vì được hỗ trợ và động viên để có sức bám trụ trong những ngày tới.<br />
<br />
Trong những chuyến đi, còn có các nhà báo, phóng viên trẻ cùng lặn lội với chúng tôi đến những nơi khó khăn để viết bài, ghi lại những hình ảnh cũng như việc làm thiết thực của ĐV- SV. Có lần, chúng tôi đến thăm một điểm dạy ở ấp Bầu Điều xã Phước Thạnh. Xe đang chạy trên kênh Đông thì bị lầy và chết máy. Chúng tôi cùng anh Vĩnh Thắng (Báo Thanh Niên), anh Hà Thạch Hãn (Báo Tuổi Trẻ) đã hì hục đẩy xe mãi đến 23h đêm mới ra khỏi kênh Đông. Dù đói và mệt nhưng chúng tôi rất vui và gắn bó với nhau. Có lẽ kỉ niệm này không làm sao quên được! Hè đến là ới nhau cùng đi để viết bài và tìm ra nét mới trong mỗi đợt công tác. Các phóng viên khác như anh Lê Quang, anh Phạm Hoài Nam (Báo SGGP) cũng có mặt trên từng cây số khi chúng tôi đưa quân tham gia công tác hè.<br />
<br />
Hôm nay, nhắc lại chuyện của nhiều năm về trước, những ai đã từng cùng với chúng tôi tham gia, hãy nhớ lại kỉ niệm ngày xưa và có quyền tự hào về những ngày khai sơ ấy đến nay đã trở thành chiến dịch rộng khắp của tất cả thanh niên trong cả nước mỗi độ hè về. Đây cũng là dịp để nhắc nhở những chiến sĩ tình nguyện Chiến dịch Mùa hè xanh: công tác này là việc làm tự nguyện của thanh niên. Hãy phấn đấu làm những việc bằng khả năng của mình để giúp đỡ bà con địa phương nơi mình đến, cùng thực hiện phương châm hành động “Ở dân thương, đi dân nhớ, làm cho dân tin”. Mỗi thanh niên hãy nhớ lời khuyên của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: “Mỗi thanh niên hãy sống những ngày đẹp nhất, hãy bắt tay vào những việc bình thường, hằng ngày nhưng có ích cho đời”.<br />
<br />
<br />
</span></span></div> </html>