<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"><em><span style="font-family: Arial;"><strong><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><span style="font-size: small;">Nhật ký chiến dịch “Ánh sáng văn hóa”</span></span></strong></span></em></div>
<div style="text-align: justify;"><em><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
8h30 ngày 13/7/1994, chúng tôi đến Thị trấn An Lạc, khu phố 1 nằm không sâu lắm trong một hẻm lớn dẫn sang ngôi trường Mầm non, nơi đóng quân của các bạn sinh viên, học sinh xóa mù chữ. Chưa đến nơi đã thấy mấy chiếc nón trắng đứng ngồi lố nhố bên đường, hỏi ra mới vỡ lẽ các bạn được bố trí ở đây, nhưng từ 7h đến 11h30 hằng ngày các bạn phải ra ngoài đường đứng chờ, nhường chỗ cho các em mầm non học. Đã gần hai tuần nay sống cảnh “vô gia cư” như vậy nhưng điều đó không làm các bạn nản lòng. Điều quan trọng nhất ở đây là việc vận động bà con ra lớp rất khó khăn, gần hết hai tuần nhưng sáu giáo viên chỉ mới có hai học viên theo học. Khó quá, lãnh đạo địa phương đề nghị rút quân về. Thế nhưng qua hôm sau, có việc ghé ngang, chúng tôi vẫn thấy các bạn còn trụ lại nơi đây. Dĩ nhiên trong chuyện này cũng có một phần lỗi từ phía các bạn. Họ chưa rũ bỏ được lớp áo tiểu thư đài cát của nội thành, chưa hòa nhập vào dân để thuyết phục bà con ra học, có chăng đó cũng chỉ là một vài lần lội sình vận động chứ chưa hiểu hết rằng “mưa lâu thấm đất” như những chỗ khác đã làm.</span></span></em></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: center;"><img width="448" height="303" alt="" src="000028.JPG" /></div>
<div style="text-align: center;"><em><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Thanh niên tham gia đi tình nguyện tại các vùng nông thôn</span></span></em></div>
<div style="text-align: justify;"><em><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Ngày… Đến thăm một lớp phổ cập- xóa mù chữ tại điểm dạy số 1, ấp 4, xã Bình Trị lúc 9h25’. Với những nét vui tươi nhưng nghiêm nghị, “cô” Hương đã đưa học viên toàn lớp vào một nề nếp sinh hoạt ổn định, tuy tuổi tác chênh lệch rất nhiều giữa cô giáo với học viên. Một mình đứng lớp đã gần hai tuần nay, “cô” Hương vừa kèm cho những em dưới 16 tuổi (gần 20 em), với 7 học viên đúng đối tượng (16- 35 tuổi) là một điều không phải ai cũng làm được, chúng tôi hiểu chắc chắn một điều rằng sự hỗ trợ của địa phương ở đây rất tốt, đã giúp cho các sinh viên Đại học Sư phạm đứng vững trên đôi chân và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình một cách xuất sắc.</span></span></em></div>
<div style="text-align: justify;"><em><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Ngày… Đến xã Vĩnh Lộc B, tiếp chúng tôi là anh Hồ Văn Được, phó Chủ tịch xã, anh nói: “Toàn xã bốn mươi mấy đứa đóng rải rác khắp nơi nhưng có đứa nào không biết mặt tôi đâu”. Có lẽ sự tận tình và phong cách làm việc nhanh gọn của anh trong sắp xếp nơi ăn chốn ở, giúp đỡ cơ sở vật chất cũng như cắt cử người đưa từng sinh viên đến điểm dạy đã làm cho các bạn ở đây rất tin yêu. Một vài ngày không thấy bóng dáng anh trên địa bàn, thế nào lần gặp sau anh cũng nhận được vài câu õng ẹo: “Chú bỏ tụi con”.</span></span></em></div>
<div style="text-align: justify;"><em><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Đến 13h30 chúng tôi tiếp tục về Bình Lợi. Cảnh đò ngang, kênh rạch với rất nhiều cầu khỉ đã cho tôi cảm giác yên bình của một làng quê. Nhưng ai cũng có thể hiểu được mức gian nan ở đây: tay cặp sách, tay xách giày, các “chiến sĩ” lúc đêm về lặn lội đến từng nhà dân, từng điểm dạy thực hiện nhiệm vụ đem “ánh sáng văn hóa” đến cho những người đã qua đi tuổi trường, tuổi lớp. Ghé thăm ba bạn ấp 3 (Thu Hồng, Ngọc Thắm, Ngọc Bích), tôi hỏi: “Té cầu khỉ có đau không”, các bạn trả lời bằng một nụ cười bẽn lẽn... “Chắc là tại cái cầu thôi!”.</span></span></em></div>
<div style="text-align: justify;"><em><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Còn tại ấp 2, xã Phạm Văn Hai, nơi ở của bốn bạn Nhàn, Trinh, Loan, Phúc thì hết giờ hành chính, tưởng Ủy ban xã vắng người nhưng đâu ngờ các anh, các chị công an vẫn cứ ở đó hoặc đọc báo hoặc nói chuyện phiếm để xem các “cô” có cần gì thì… giúp đỡ. Trên bàn trong phòng, bên cạnh nồi niêu xoong chảo là quá trời trái cây, nào nhãn, nào mãng cầu, nào chuối…Nhìn căn phòng đẹp đẽ, tươi mát đầy tiếng cười này, chúng tôi hoàn toàn quên đi nỗi vất vả của một ngày ngược xuôi chiến dịch.<br />
<br />
</span></span></em></div>
<div style="text-align: right;"><strong><em><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"> TĂNG HỮU PHONG</span></span></em></strong><em><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Trích từ sách Vang mãi bài ca Thanh niên tình nguyện<br />
<br />
</span></span></em></div> </html>