<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Hoạt động tình nguyện – Cho tôi trưởng thành</span></span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Kỷ niệm 20 năm chiến dịch tình nguyện hè cũng là dịp giúp tôi gợi nhớ thời gian tham gia các hoạt động tình nguyện đã qua, là những hoạt động sôi nổi và nhiệt huyết thời tuổi trẻ, sẽ là hành trang trên con đường phía trước… </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><img height="448" width="328" src="Anh%20Tuan.jpg" alt="" /></span></span></div>
<div style="text-align: center;"><em><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Anh Vũ Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường Đoàn Lý Tự Trọng</span></span></em></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">…<br />
Ngày tôi “chân ướt chân ráo” về Thành Đoàn vào tháng 3 năm 2001, cũng là lúc nhận nhiệm vụ làm Chỉ huy trưởng hoạt động tình nguyện khắc phục lũ lụt tại đồng bằng sông Cửu Long. Vốn là một cán bộ Đoàn - giảng viên đại học “thư sinh”, tôi chính thức nhận nhiệm vụ trong nhiều lo lắng. “Chân cứng đá mềm”, có đi thì mới trưởng thành, hoạt động đầu tiên khi làm chuyên trách Đoàn gắn liền với hoạt động tình nguyện với quy mô lớn so với những hoạt động mình tổ chức hay tham gia trước đó. Mặt trận tham gia lúc đó là huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, đoàn tình nguyện có khoảng 20 bạn thanh niên thuộc Quận Đoàn 3, Quận Đoàn 6 và Quận Đoàn Phú Nhuận. Công việc chính của đoàn là tham gia dựng lại nhà giúp dân. Thành phần của đoàn lúc đó cũng đa dạng với các bạn thanh niên nhiều ngành nghề khác nhau trên địa bàn cùng tham gia theo nội dung đã định trước. Chuyến đi cũng kết thúc tốt đẹp với những thành quả cụ thể. Với riêng tôi, sau chuyến đi ấy, bản thân thấy hiểu hơn về tinh thần tình nguyện của thanh niên, sự gắn bó của người dân địa phương và cũng có thêm những mối quan hệ thân tình với Tỉnh đoàn An Giang, huyện Đoàn Thoại Sơn và các bạn Quận Đoàn trong chuyến đi ấy. Nhiều người bạn dù sau này công tác ở những vị trí khác nhau nhưng mình vẫn thường gặp lại hay liên lạc bằng một tình cảm đặc biệt.<br />
…<br />
Kỷ niệm 10 năm hoạt động tình nguyện 2003, tôi và Từ Hồng Long nhận nhiệm vụ Chỉ huy Mặt trận Mùa hè xanh tại tỉnh Bến Tre – quê hương Đồng Khởi xứ dừa. Năm đó có 3600 sinh viên tham gia tại 160 xã – phường của tỉnh Bến Tre. Có thể nói, mặt trận Bến Tre là mặt trận thuận lợi nhất trong các mặt trận Mùa hè xanh thời điểm bấy giờ với một truyền thống gắn bó và phối hợp hiệu quả, địa lý thuận lợi. Một tháng Mùa hè xanh, “quân” áo xanh tình nguyện cứ “tự nhiên” đổ quân qua phà Rạch Miễu miễn phí! Một tháng “ăn nằm” tham gia chiến dịch, đóng quân tại trụ sở Tỉnh đoàn Bến Tre (chưa xây to đẹp như bây giờ), có biết bao nhiêu tình và kỷ niệm đẹp. Từ những chuyến đi thị sát hoạt động của chiến sĩ tại các huyện, xã, đến các hoạt động thường nhật của Ban chỉ huy chiến dịch, lúc nào chúng tôi cũng nhận được tình cảm chân thành của lãnh đạo và người dân địa phương, của anh em cán bộ Đoàn các cấp của tỉnh. Vẫn còn mãi đó trong tôi hình ảnh thân thương, gần gũi của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, của thị xã Bến Tre và đặc biệt là các anh chị em tỉnh Đoàn “sống” và công tác chung như anh em một nhà. Đã chục năm trôi qua nhưng chúng tôi vẫn liên lạc và thăm hỏi nhau thường xuyên, vẫn thường có những hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong công tác thanh niên, có khi chỉ đơn giản là cái tình anh em với quê hương xứ dừa. <br />
…<br />
Năm 2004, lúc này đang làm Trưởng ban Quốc tế Thành Đoàn, tôi nhận một nhiệm vụ quan trọng từ Thường trực Thành Đoàn là chủ động mở hoạt động tình nguyện sang một mặt trận mới: nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào anh em. Một hoạt động chưa có tiền lệ trong phong trào tình nguyện cả nước nên tất cả phải bắt đầu với nhiều nỗ lực. Đầu tiên là hoạt động tiền trạm sang Lào để “ráp nối”. Lần đó, tôi và Lâm Đình Thắng cùng chú Phan Huy Thuần, một cựu chiến binh dày dặn kinh nghiệm, một người rất tâm huyết, gắn bó với nước bạn Lào. Mấy chú cháu đi tiền trạm theo ngã: đi xe lửa ra Quảng Trị, rồi theo cửa khẩu Lao Bảo đi xe sang nước bạn Lào, rồi đi ngược lên thủ đô Viêng Chăn, ráp cùng đồng chí Tất Thành Cang, Phó bí thư thường trực Thành Đoàn… Lần đó, chúng tôi cũng được sự ủng hộ và đón tiếp đầy tình nghĩa của các bạn Lào, từ lãnh đạo địa phương, tỉnh thành Đoàn và đặc biệt là được tiếp kiến với Đô trưởng thủ đô Viêng Chăn và ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục – đào tạo kiêm Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Lào – Việt. Sau đó, đoàn đi ngược về phía Nam đến tỉnh Chăm – pa – sắc để tiếp tục ráp nối. Sau chuyến tiền trạm, hàng loạt công việc được đặt ra cho chuyến đi chính thức. Từ tuyển chọn đội hình, đến chuẩn bị hậu cần cho đoàn, đến việc phải đi vận động hàng hóa, quà tặng hỗ trợ cho các địa phương. Đoàn làm lễ xuất quân tại tượng đài Bác Hồ, đồng chí Nguyễn Văn Đua – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố trao cờ xuất quân và đoàn lên đường. Đoàn có 28 thành viên gồm sinh viên, bác sĩ, giảng viên lâm nghiệp, kỹ sư tin học, du học sinh Lào tại thành phố và một lực lượng “hùng hậu” phóng viên. Tham gia đoàn lần đó có nhà báo Võ Ba (Thanh Niên), Kim Anh (Tuổi Trẻ), Phước Bình (SGGP), Xuân Thanh (KQĐ). Tất cả hàng hóa, hành lý đưa lên một chuyến xe 45 chỗ biển số Lào, có hai tài xế, trong đó có một anh người Lào. Hành trình của chuyến đi lần ấy có lẽ là kỷ niệm và ấn tượng nhất trong đời tôi. Khi xe đi dọc theo chiều dài đất nước từ thành phố mang tên Bác ra Quảng Trị, rồi theo cửa khẩu Lao Bảo, chúng tôi sang đất bạn, đi ngược xuống phương Nam về tỉnh Chăm – Pa – Sắc, rồi sau khi hết hoạt động, chúng tôi lại sắp xếp đi lên thủ đô Viêng Chăn (cách nhau hơn 600 km), khi kết thúc chiến dịch chúng tôi lại từ Viêng Chăn theo cửa khẩu Lao Bảo về lại thành phố theo lộ trình cũ. Ngồi trên xe đi dọc chiều dài nước bạn với cảnh rừng cây bạt ngàn cũng cho ta nhiều cảm xúc. Hoạt động của đoàn lần đi này là tặng phòng máy tính, phổ cập tin học cho thanh niên, tham gia sửa nhà giúp dân, hướng dẫn trồng và chăm sóc cây cao su, tặng thuốc và khám bệnh cho dân. Với nước bạn Lào, hoạt động tình nguyện của thanh niên thành phố đem đến sự ngạc nhiên pha lẫn vui mừng, phấn khởi. Dù khác nhau ngôn ngữ nhưng gần như chúng tôi chỉ sử dụng tiếng Việt với nhiều cán bộ của bạn làm phiên dịch. Hoạt động không chỉ ở trong phố mà còn lan tỏa đến các vùng sâu vùng xa trong các bản làng khó khăn của nước bạn. Để đi đến được, có khi đoàn phải đi mất nửa ngày đường, len lỏi qua những cánh rừng lớn… Tất cả điều đó tiếp thêm sức mạnh cho tuổi trẻ, càng thấy được giá trị to lớn của sức trẻ thành phố đem đến hỗ trợ cho nước bạn. Ngoài các hoạt động giúp dân, hoạt động giao lưu giữa đoàn với các bạn cán bộ Đoàn, thanh niên của nước bạn cũng được tổ chức trong tình hữu nghị đặc biệt. Đêm chia tay kết thúc chiến dịch, đoàn tổ chức một đêm hội văn hóa, giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc, bằng “cây nhà lá vườn” nhưng đầy màu sắc và ấn tượng. Trong chuyến đi đó, đoàn cũng có nhiều hoạt động với Hội người Việt Nam ở Lào của hai địa phương, tổ chức giao hữu bóng đá với các bạn thanh niên người Lào gốc Việt… Để nói về chuyến đi ngày ấy, có lẽ nhiều điều quý giá của chuyến đi đầu tiên mà những chuyến đi sau này chưa hẳn đã có. Một chuyến đi mở ra nội dung mới cho hoạt động tình nguyện khi tham gia tổ chức hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nước bạn anh em. <br />
…<br />
Từ năm 2005 về sau, do công tác ở Ban Thiếu nhi – trường học, tôi chủ yếu được phân công phụ trách hoạt động hè cho thiếu nhi tại thành phố và phụ trách hoạt động của học sinh trung học phổ thông. Năm 2007 là năm mà sau nhiều năm bị gián đoạn (từ năm 1999), chiến dịch Hoa Phượng đỏ dành riêng cho học sinh trung học phổ thông được khôi phục. Từ đó, màu áo đỏ hoa phượng trở thành một màu chủ đạo nữa của các chiến dịch tình nguyện vào mùa hè. Hoa Phượng đỏ thường được tổ chức đầu tiên trong các đợt ra quân từ tháng 6 đầu hè, chiến dịch đã phát huy được “sức mạnh” của lớp đoàn viên học sinh trung học phổ thông nhiều nhiệt huyết, năng động, trẻ trung của lứa tuổi teen. Hoạt động Hoa Phượng đỏ không chỉ là sự cống hiến mà còn là môi trường cho các em rèn luyện, là sân chơi để các em có những ngày hè thật sự bổ ích, thiết thực và trưởng thành. <br />
…<br />
Nói về chiến dịch tình nguyện ngày hôm nay, sau 20 năm được dày công xây dựng của nhiều thế hệ cán bộ Đoàn đã có một diện mạo mới của lớp trẻ thanh niên, sinh viên, học sinh thành phố. Tôi vẫn nhớ có những người anh như Nguyễn Phú Bình, Huỳnh Công Ba của cái nôi từ Đại học Sư phạm, rồi được gầy dựng thành phong trào tình nguyện cấp thành, sau nhân rộng cho cả nước của những người anh lớn như Nguyễn Văn Đua, Nguyễn Thành Phong, Võ Văn Thưởng… Và chiến dịch tình nguyện hè đa dạng màu sắc hôm nay còn phải kể đến công sức trực tiếp của nhiều người anh, người chị trực tiếp tham gia chiến dịch từ vạch kế hoạch, đến tác chiến và cả hậu cần cùng nhiều “thủ lĩnh” khác của cơ sở trực tiếp đem sinh viên đi và điều hành. Kể cũng hiếm có một phong trào nào mà được Ban Thường vụ Thành Đoàn tổ chức hội thảo khoa học để các nhà khoa học, các nhà giáo dục, các thế hệ cán bộ Đoàn cũng ngồi lại nhận diện, đánh giá, khái quát và đưa ra các sáng kiến cho giai đoạn mới. Với tôi, chiến dịch gắn bó “suốt” một thời tuổi trẻ tham gia công tác thanh niên. 20 năm của các chiến dịch tình nguyện, đơn giản một điều, tôi muốn cảm ơn chiến dịch tình nguyện đã cho tôi trưởng thành!</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"> </span></span></div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
<strong> VŨ ANH TUẤN</strong><br />
</span></span></div> </html>