<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Cúc Phương</title>
</head>
<body>
<span id="PageContent_News_NewsDetail">
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Cúc Phương: Đến
sống với rừng </font></b></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Từ Hà Nội qua Hà Nam, đến Ninh
Bình gần 100 km theo quốc lộ 1A mới. Khi đến huyện Nho Quan - với phong cảnh hữu
tình có dãy Tam Điệp chập chùng sừng sững hiện ra trước mắt, thì Cúc Phương đã
rất gần... </font></b></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">Những cánh
rừng đom đóm </font></b></p>
<div style="float: left; width: 216px; height: 46px">
<table border="0" width="100%" id="table1">
<tr>
<td><img border="0" src="Cuc%20Phuong.JPG" width="205" height="205"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><i>
<span id="PageContent_News_NewsDetail1">
<font face="Arial" size="2" color="#808080">Cây chò ngàn tuổi ở rừng
</font></span></i></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><i>
<span id="PageContent_News_NewsDetail1">
<font face="Arial" size="2" color="#808080">Cúc Phương.</font></span></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đến Cúc Phương vào buổi chiều.
Trời mây thấp sì sũng làm cho hàng phượng vĩ cổ thụ dẫn hai bên lối vào rừng đẹp
lạ lùng nhưng cũng dự báo một cơn mưa rừng sắp đến. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chúng tôi chọn một phòng “khách
sạn cuối rừng”, thực ra là những gian phòng nhỏ dành cho khách muốn có cảm giác
qua đêm với “rừng rú”. Có hai mức giá: 70 ngàn (phòng gỗ, có chăn nệm, vệ sinh
chung) và phòng dạng bungalow giá 200 ngàn đồng. Nhưng Xuân Thuỷ, tiếp tân ở đây
cho biết, “nhà hàng” (thực ra là một căn tin nhỏ) ở cuối rừng lại không có nhiều
món ăn vì con đường vận chuyển xuyên rừng khá xa - 20 km. Thực đơn “trong ấy”
cũng chỉ có: thịt lợn, mì tôm, bánh mì... </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sự nghèo nàn của thực đơn thách
thức chúng tôi, những kẻ muốn khám phá “thịt rừng chui” thử làm một chuyến mạo
hiểm nho nhỏ: lái xe ngược rừng ra khu dân cư bên ngoài. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chiều về. Rừng tăm tối. Những đám
học sinh cắm trại đang tranh thủ đèo nhau về. Chúng tôi làm quen với một vài
thành viên trong nhóm sinh viên sinh vật học của Đại học California cũng sẽ ở
lại qua đêm khảo sát rừng mưa nhiệt đới. Họ thuê những căn phòng 70 ngàn đồng ở
tạm bợ theo kiểu balô và dành tiền thuê hướng dẫn viên tại chỗ khảo sát rừng
đêm. Cô J. Wright cho biết, nhóm đã đi từ TP.HCM đến các vườn quốc gia Cát Tiên,
Cát Bà, Bạch Mã... và quyết định dừng chân ở đây để làm những bản ghi chép về
động, thực vật. </font></p>
<div style="float: left; width: 218px; height: 46px">
<table border="0" width="100%" id="table2">
<tr>
<td>
<img border="0" src="Cuc%20Phuong2.JPG" width="205" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">
<span id="PageContent_News_NewsDetail3">Đồng bào Mường</span></font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Buổi tối. Gió rít hun hút. Những
ngả rừng vang bản giao hưởng côn trùng. Chúng tôi lái xe máy xé rừng ra ngoài để
kiếm bữa... thịt rừng. Quán nằm ở khu dân cư, cách rừng chừng 500m, có đủ món:
cơm lam, thịt hươu, nai, hoẵng, gà đồi... Món hoẵng xào lá giang (còn gọi là
nồn) hấp dẫn chúng tôi đến nỗi khi màn đêm bủa vây chặt mọi ngả rừng, chúng tôi
mới nhớ để trở về bungalow của mình với con đường xuyên rừng trong trạng thái
rợn tóc gáy. Rừng vắng và hoang lạnh. Hai bên đường là những thảm lá xào xạc
tiếng côn trùng và gió. Rừng tối đen nhưng có những đoạn lại sáng lên nhấp nháy
bởi đom đóm rừng, lung linh man dại. Suốt chặng đường 20 km, miếng thịt hoẵng
xào lá nồn lén lút mà ấn tượng của dân địa phương tiêu tan đâu mất. Rừng dựng
lên trong chúng tôi một nỗi sợ vô hình. </font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2"><font color="#008000">Khám phá
rừng mưa</font> </font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đêm trong rừng Cúc Phương vắng
lặng và sâu như một cơn mơ nối qua nhiều giấc ngủ. Gió rừng, tiếng côn trùng,
tiếng vượn hú từ trên những lũng núi, tiếng sóc bên ngoài cửa sổ... cái cảm giác
rờn rợn là cảm nhận thường xuyên, thường trực. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Buổi sáng, cơn mưa bao trùm hết
lũng núi. Nhưng chúng tôi vẫn muốn khám phá rừng trong ngày mưa. Thế là đội áo
mưa đi tìm cây chò ngàn tuổi. Trên con đường 3km xuyên qua nhiều bụi rậm, chúng
tôi bắt gặp những bảng thông tin về rừng: bạn có thể đang bị một chú báo gấm
theo dõi nhưng bạn không biết, hãy coi chừng hổ mang chúa, bạn đừng ướm chân của
mình lên những dấu chân động vật hoang bên bờ suối, vì chúng sẽ theo bạn đấy,
hay những thông tin về voọc, gấu của rừng Cúc Phương làm cho chúng tôi cứ có cảm
giác mình đang lạc vào một cuộc khám phá đầy mạo hiểm. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Thực ra thì con đường 3km đến cây
chò ngàn tuổi chỉ có thể gặp chim, sóc và những chú vắt nhân tiện trời mưa thì
ra tìm... chân người. Thế đấy! </font></p>
<div style="float: left; width: 218px; height: 46px">
<table border="0" width="100%" id="table3">
<tr>
<td>
<img border="0" src="Cuc%20Phuong3.JPG" width="205" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td><span id="PageContent_News_NewsDetail5">
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">
Động Người Xưa.</font></i></span></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Con đường lên Động Người Xưa,
hang Con Moong khá cheo leo dù đã được bắc thang. Đây là hang động được phát
hiện từ năm 1966. Nơi đây từng cất giữ nhiều công cụ đá, xương người hoá thạch,
mộ cổ có niên đại cách nay 7.000 đến 12.000 năm. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngày mưa, chẳng kịp chuẩn bị đèn
đuốc, chúng tôi lần đường leo lên hang động bằng ánh chớp mobile. Hang động có
cửa thông lên trời. Từ cửa hang trên đỉnh núi có thể leo ra một con vực lớn khá
nguy hiểm. Một nhóm thanh niên địa phương cùng chúng tôi chụp hình kỷ niệm và
khám phá những ngõ ngách “nổi gai ốc” của động xưa này. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cúc Phương, trong những ngày nắng
cuối tuần, là nơi tập trung khá đông du khách phía Bắc. Hệ động vật phong phú
với 89 loài thú, 307 loài chim, 110 loài bò sát, 56 loài cá và gần 2.000 loài
côn trùng... khiến Cúc Phương trở thành nơi khám phá và nghiên cứu của các nhà
khoa học. Riêng họ chim, còn có nhiều loài quý hiếm như: gõ kiến đầu đỏ, phượng
hoàng đất, đuôi cụt bụng vằn... </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tình cờ, trên các ngả rừng, nếu
bạn gặp những bia đúc thì đừng vội sợ. Đó là những bia ghi công người Mường bản
địa đã giữ rừng, sống chung với rừng trong quá khứ. Hiện tại, còn một bản Mường
sinh sống trong rừng sâu Cúc Phương, trong tương lai, những “tài nguyên” nhân
văn này sẽ đóng góp cho du lịch Cúc Phương nếu biết tận dụng và khai thác một
cách chuyên nghiệp. Gần đây, nhiều công ty du lịch phía Nam và nước ngoài như
Saigontourist, Benthanhtourist, World wide Adventure... đều đã có logo gắn với
Cúc Phương trên hành trình tour dã ngoại. Đây là một điểm đến có sức hấp dẫn
lớn, đầy tiềm năng. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đến rừng mưa Cúc Phương vào ngày
mưa gió, thiên nhiên càng gợi cảm giác bí ẩn và hoang dã. Dù đây cũng chỉ là một
chuyến trekking “cưỡi xe máy xem... rừng” của khách phương Nam. Nhưng riêng tôi
lại cảm nghiệm câu slogan ai đó đã khắc lên bảng trước cửa rừng, đại ý: Đến với
Cúc Phương, bạn không để lại gì ngoài những dấu chân, không cảm nhận được gì
ngoài những miền thời gian sâu thẳm... </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo Sài Gòn Tiếp Thị</i></b></font></p>
</span>
</body>
</html>