<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Hội ngộ “20 năm – Hành trình tình nguyện”</span></span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><strong><span style="font-size: small;"><br />
Tối ngày 16/8/2013, Thành Đoàn tổ chức chương trình hội ngộ, gặp gỡ, giao lưu “20 năm – Hành trình tình nguyện” tại hội trường Nhà Văn hóa Thanh niên. Đây là cơ hội để gặp gỡ, tri ân những tấm lòng đã gửi trọn cho các chiến dịch tình nguyện nhân kỷ niệm 20 năm các Chiến dịch tình nguyện hè (1994 – 2013).</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
</span><strong><span style="font-size: small;"> 20 năm cùng nhìn lại</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Kể từ sau chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè năm 1994, nhìn lại chặng đường 20 năm, tình nguyện hè đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành: “Đi để chia sẻ - Đi để cống hiến – Đi để khẳng định – Đi để trường thành” đã có biết bao con người gắn bó, cùng nhau tạo nên những chiến dịch hè đầy ý nghĩa. Từ Tiếp sức mùa thi, Mùa hè xanh cho đến Kỳ nghỉ hồng, Hành quân xanh, Hoa phượng đỏ là kết quả của những nỗ lực không ngừng ấy. Là anh Huỳnh Công Ba, anh Nguyễn Phú Bình, là chú Tư Đặng, má Bảy, là anh Nguyễn Quốc Kỳ, anh Lê Xuân Sinh,…Tất cả đã làm nên những câu chuyện nghĩa tình, những dấu ấn còn mãi với thời gian.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Đến với chương trình, mọi người được sống lại những ngày đầu của chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè, nghe những câu chuyện đi xóa mù chữ trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn; nghe những kỷ niệm không thể nào quên của những người làm nên chiến dịch. Xuất phát từ ý tưởng của Đoàn trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè – tiền thân của Mùa hè xanh, khởi đầu của các chiến dịch tình nguyện hè Thành phố đã ra đời và không ngừng phát triển, gắn bó với tuổi trẻ Thành phố. Anh Huỳnh Công Ba- Trưởng phòng Công tác Sinh viên Trường ĐH Sư phạm và anh Tăng Hữu Phong - Nguyên Phó Bí thư Thành Đoàn, nguyên cán bộ phụ trách Mặt trận trong Chiến dịch Ánh sáng Văn hóa hè từ 1994 cũng chia sẻ những kỷ niệm, những khó khăn trong những ngày đầu của chiến dịch, từ lần đi thăm các chiến sĩ xóa mù chữ tại xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi của anh Ba cho đến bài thơ “Giữa mùa mưa chiến dịch” cùng những ngày đầu làm bản tin hè của anh Phong hay chặng đường sáng tác các giai điệu Mùa hè xanh của nhạc sĩ Vũ Hoàng.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Nhắc đến xóa mù chữ thì không thể không nhắc đến anh Nguyễn Quốc Kỳ - dũng sĩ xóa mù chữ ưu tú nhất của chiến dịch năm 1995. Nhắc lại những ngày đầu khó khăn, vất vả nhưng tràn ngập niềm vui và hạnh phúc, anh không kiềm chế được xúc động: “Hưởng ứng lời kêu gọi của Thành Đoàn rồi cứ thế lên đường. Nhóm chúng tôi là trường Đại học Luật chỉ có 3 người được phân công về Trung Lập Thượng, Củ Chi. Khu vực này lúc trước chỉ là vùng ven, đường đất, nhà cửa thưa thớt, không có đèn đường, phải sử dụng đèn pin, về lại đúng vào mùa mưa nên buổi tối đường sình lầy lắm”.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
</span><strong><span style="font-size: small;">Nghĩa tình tình nguyện</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Nhưng câu chuyện tình nguyện luôn thấm đẫm nghĩa tình, chuyện thầy trò, chuyện bạn bè, chuyện đôi lứa và cả tình cảm giữa những người nuôi quân và chiến sĩ. Tình nguyện đã gắn kết họ với nhau, những tấm lòng của những người cha, người má nuôi quân luôn là những câu chuyện cảm động. Đó là câu chuyện của chú Tư Đặng và anh Lê Xuân Sinh, là câu chuyện của má Bảy với các chị Trần Việt Nga, Trần Phương Thủy, của vợ chồng bác Chín Đô với anh Nguyễn Quốc Kỳ,…Chương trình hội ngộ, gặp gỡ, giao lưu “20 năm – Hành trình tình nguyện” chính là cầu nối để họ gặp lại nhau sau gần 20 mươi năm, là dịp để tri ân những đóng góp, khắc sâu nghĩa tình của những người đã cùng nhau làm nên những mùa chiến dịch.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Cuộc hội ngộ giữa chú Tư Đặng và anh Lê Xuân Sinh đã gây xúc động cho cả hội trường. Ánh mắt chú Tư xa xăm khi anh Sinh nhắc lại những tháng ngày đầu tiên đầy khó khăn, thiếu thốn ở xã đảo Thạnh An lúc “Ánh sáng văn hóa hè” mới về địa phương năm 1996, bật mí của anh về những con chữ đầu tiên anh dạy cho cô Lệ - vợ chú. Những chia sẻ chân chất ấy làm bao kí ức hiện về, là len lỏi đâu đó những cảm xúc khó tả về tình đất, tình người. Chú Tư quả quyết: “Nhà khó khăn nhưng dù có mượn tiền thì tôi vẫn nuôi quân”. Còn gương mặt phúc hậu của má Bảy Lê Thị Chiến đã sáng lên khi chia sẻ về 17 năm nuôi quân ở Củ Chi “đất thép thành đồng: “Từng là một người tham gia cách mạng khi mới 13 tuổi, thấy các bạn trẻ có tinh thần tình nguyện cống hiến, má rất thương, rất quý vì đâu đó cũng là hình ảnh của chính má năm xưa”.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Chiến dịch tình nguyện đã lan tỏa đến nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng cao. Già làng Đinh Yek (làng Ktu, xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) chia sẻ: “Địa phương còn nhiều khó khăn, là vùng sâu vùng xa nên khi sinh viên đến thật sự là thử thách nên tôi quyết định nhận các em. Việc làm của các bạn vừa lợi cho dân, vừa giúp xã hội thêm tiến bộ. Tôi rất mong muốn sinh viên thành phố về càng ngày càng nhiều”.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Những câu chuyện hội ngộ ấy đã đem lại cảm xúc không thể nào quên. Anh Xuân Sinh chia sẻ: “Nhiều lần mắt ngân ngấn nước, phải kiềm nén nhiều lắm, thật sự hôm nay rất xúc động, gặp lại anh Tư, có cảm giác như mình được gặp lại người thân trong gia đình sau bao ngày xa cách”. Má Bảy cũng không giấu được niềm vui: “Thực sự má rất xúc động, đặc biệt má đã được gặp lại Thủy – người con thân thiết với gia đình, được chứng kiến những cuộc hội ngộ nghĩa tình khác nữa”.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
<strong>LÊ THÚY – LÊ THOA</strong><br />
<br />
<br />
<br />
<br />
</span></span></div> </html>