<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Đốm sáng mong manh</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Đốm sáng mong manh </font></b></p>
<table style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" id="table5">
<tr>
<td>
<img border="0" src="dom%20sang%20mong%20manh.bmp" width="150" height="200"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p class="tLegend" align="center"><i>
<font face="Arial" size="2" color="#808080">Vẽ tranh - niềm đam mê và
cũng là lúc Kim Anh mơ ước mắt mình sẽ mãi lung linh sắc màu</font></i></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2">Người ta gọi cô bé út là đốm sáng dù mong manh bởi
bảy anh chị của cô đều sống trong cảnh mù lòa. Đốm sáng ấy còn là niềm an ủi và
hi vọng về con đường học hành mà bảy anh chị đều gửi vào đấy vì chẳng ai còn có
thể học được...</font><p class="pBody"><font face="Arial" size="2"><strong>1.</strong>
Chẳng ai nghĩ về ngày xưa ấy, khi anh du kích Huỳnh Văn Giao kết hôn với cô giao
liên Phạm Thị Nguyệt lại bắt đầu cho một chuỗi ngày dài nặng trĩu sau này. Giữa
cảnh đạn bom, cậu con trai đầu lòng ra đời giữa rừng trong nỗi vui sướng ngập
tràn của đôi vợ chồng trẻ. Họ để con lại, tiếp tục lên đường với nhiệm vụ và cả
trái tim khi con chưa dứt sữa. Rồi lần lượt những người con ra đời. Nhà nghèo
nhưng lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười trẻ thơ...</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Nhưng đến một ngày tai họa lần lượt
trút xuống gia đình. Những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn vậy mà chỉ sau một đêm
thức dậy đôi mắt cứ mờ dần, mờ dần rồi tối hẳn. Ban đầu cả nhà cứ nghĩ do đi làm
rừng cao su, chắc bụi nhiều quá nên mờ mắt. Người anh cả đang làm bảo vệ cho
nông trường cao su bị buộc thôi việc vì “có thấy gì đâu mà làm”. Cậu em thứ tư
phải nghỉ chăn trâu mướn do để lạc mất trâu. Ngày nào cũng dụi mắt mà có sáng
hơn đâu, người anh cả được đưa vào bệnh viện. </font></p>
<table style="border-collapse: separate" borderColor="#ecf2fe" height="100" cellSpacing="5" borderColorDark="#456ae1" cellPadding="4" width="200" align="right" borderColorLight="#4792d9" border="0" id="table6">
<tr>
<td vAlign="center" bgColor="#cfe6f9">
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">200 suất học bổng “Vươn
lên” (mỗi suất 1 triệu đồng và quà tặng) sẽ được trao cho học sinh là
con các gia đình nạn nhân chất độc da cam của bảy tỉnh, thành khu vực
miền Đông Nam bộ: Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây
Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu (mỗi tỉnh 25 suất) và TP.HCM (50 suất). </font>
</p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Nằm trong chương trình “Vì
ngày mai phát triển” lần 195, học bổng do Hội Chữ thập đỏ VN phối hợp
với báo Tuổi Trẻ tổ chức từ nguồn tài trợ của bạn đọc và sẽ trao tại
TP.HCM ngày 30-8-2006.</font></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2">Bảy đứa con nối tiếp nhau vào viện cho đến ngày
trong nhà chẳng còn gì để bán mà vẫn không tìm ra nguyên nhân. Có đoàn bác sĩ
nước ngoài về tận huyện khám và cho một kết luận sững sờ: không thể chữa được vì
di chứng của chất độc da cam tiềm ẩn trong máu. Trừ cô bé út chưa thấy có dấu
hiệu nào - niềm hi vọng duy nhất còn lại trong nhà.</font><p class="pBody">
<font face="Arial" size="2"><strong>2.</strong> Ba đứa con sau cùng còn đi học,
tới lớp 5 thì lần lượt phải nghỉ. Duy nhất cô bé út đến trường như gánh cả phần
học của bảy anh chị không may của mình. Vậy mà học hết học kỳ I năm lớp 6, cô bé
đành đoạn rời xa mái trường vì nhà chẳng chạy nổi vài chục ngàn cho con đóng học
phí. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Cô bé lại theo những đứa trẻ trong
xóm vào lô cao su mót lại chút mủ thừa sau khi người ta đã trút cạn chén hay
lượm vài miếng mủ đất rơi vãi dưới gốc cây để đêm về trong giấc mơ thấy mình lại
được cắp sách đến trường.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Gia đình được xem xét cấp tiền theo
chế độ dành cho các nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam. Người mẹ được Hội Chữ
thập đỏ cho vay tiền mở quầy hàng bán vài thứ lặt vặt trong xóm. Cô bé lại được
đến trường trong nỗi vui mừng thơ trẻ, nhưng trong lớp cô bé lại như chị hai vì
hơn đám bạn đến bốn tuổi. “Lúc đi học lại thấy cũng hơi ngượng ngùng nhưng nghĩ
mình đi học thay cho cả nhà. Với lại không học sau này sẽ ra sao”, cô bé tâm sự.
</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2"><strong>3.</strong> Cô bé mê vẽ.
Trong thế giới sắc màu, mọi thứ đều hiện lên khá lạ mắt. Cảnh làng quê thanh
bình; cảnh lớp học với cô giáo hiền và những học trò ngộ nghĩnh; và có một cô bé
ngồi tròn to đôi mắt với những ước mơ... Cánh tay trái đã mở ra cho cô bé cả một
thế giới của màu sắc và lớn dần mỗi ngày trong ước mơ được trở thành một họa sĩ
hay một nhà thiết kế thời trang. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Nói vậy chứ khi đọc ké mấy tờ báo
tuổi học trò mượn của bạn, thấy có cuộc thi thiết kế trang phục mê tít nhưng đâu
dám nói với ai vì tiền đâu mua màu, mua giấy trong khi để thi phải đầu tư nhiều
quá. Vậy thôi, không mơ mộng thi thố gì nữa. Nhưng tài sản vẽ của cô út trong
nhà ấy cũng kha khá các giải thưởng từ cấp trường cho tới cấp tỉnh, cứ thi là có
giải.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Cô bé út trong ngôi nhà đại đoàn
kết mà vay mượn mãi cùng với sự trợ lực của Trường ĐHDL Bình Dương cả gia đình
mới có chỗ ra vào tại ấp Tân Hòa, xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) ấy
tên là Huỳnh Thị Kim Anh. Năm học này cô bé vào lớp 7 Trường THCS Long Hòa khi
đã qua tuổi 16. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Gọi cô bé là đốm sáng mong manh bởi
các anh chị của cô hầu hết đều không thấy gì ở tuổi 15, 16 ấy. Liệu số phận có
cho cô bé thành ngoại lệ so với các anh chị khi chính Kim Anh thì thầm tiễn
khách ra cửa: “Biết mình còn được sáng mắt đến ngày nào đâu anh”... </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo Tuổi Trẻ</i></b></font></p>
</body>
</html>