<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Nàng Bạch Tuyết không ngủ</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
<span class="Detail-Title">Nàng Bạch Tuyết không ngủ</span></font></b></p>
<div style="float: left; width: 169px; height: 24px">
<table border="0" width="100%" id="table2">
<tr>
<td>
<img border="0" src="nang%20Bach%20Tuyet%20k%20ngu.bmp" width="170" height="150"></td>
</tr>
</table>
</div>
<span class="Detail-Lead" id="eLead" style="margin-top: 20px">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Bộ đồ đồng phục màu cam của Mai
Thị Bạch Tuyết (sinh viên khoa Địa lí Môi trường, đại học KHXH&NV) xuất hiện
giữa giảng đường vô tình khiến cô trở thành tâm điểm chú ý của bạn bè ngay ngày
đầu nhập học. </font></p>
</span><span class="Detail-Body">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">“Chào các bạn!”. “Nàng” Bạch
Tuyết ra mắt cả lớp bằng nụ cười thật hiền: “Mình hiện là công nhân quét rác tại
công ti Công trình công cộng Q.1”. 17 năm theo nghề quét rác, cô sinh viên ấy
chưa bao giờ che giấu thân phận của mình... </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><i>* Chị không ngại khi nói cho
bạn bè biết nghề quét rác của mình sao? </i></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Có gì mà ngại! Quét rác là nghề
lương thiện, góp phần làm đẹp thành phố mà. Từ năm lớp 3, khi chị phải đi theo
ba mẹ phụ quét rác, tranh thủ nhặt thêm ve chai kiếm tiền trang trải việc học.
Nhưng sự thiếu thốn vẫn bủa vây, chị phải nghỉ học để nhà bớt nợ nần. Bốn năm
sau, để dành được ít tiền bán ve chai, chị quay về trường học lại lớp 3 khi đã
bước sang tuổi 12. Lúc này, ba chị mất, tất cả anh chị em trong nhà đều đã nghỉ
học (người học cao nhất cũng chỉ mới đến lớp 5). Cả nhà đặt hết hi vọng vào chị,
nhưng đến năm lớp 9 chị lại đành nghỉ học vì mẹ chị phải nghỉ làm do mất sức,
nguồn thu nhập chính của cả nhà bị cắt đứt. Chị buộc phải thế vào vị trí của mẹ
- chính thức trở thành công nhân quét rác năm 19 tuổi. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">19 tuổi, trong khi bạn bè trang
lứa đang ngồi ở giảng đường đại học, hay chí ít cũng đang theo học một ngành
nghề nào đó để chuẩn bị cho hành trang vào đời, thì “nàng” Bạch Tuyết lại phải
quần quật với cuộc mưu sinh. Thu nhập từ nghề quét rác chỉ đủ để chị mua gạo và
lo thuốc thang cho người chị thứ sáu bị bệnh suyễn kinh niên, người chị thứ năm
đang trong cơn thập tử nhất sinh vì bệnh lao phổi. Mặc dù vậy, năm 22 tuổi, chị
vẫn cố gắng đi học trở lại (lớp 10 bổ túc văn hóa). Tốt nghiệp cấp 3, chị thi
đậu vào khoa Sử, đại học KHXH&NV. Nhưng chỉ học được 6 tháng thì chị phải nghỉ
để có thời gian chăm sóc cho mẹ. Năm 2001, chị được đề bạt vào vị trí tổ phó
chuyên môn Tổ Vệ sinh 6, thu nhập theo đó cũng tăng lên chút đỉnh, bữa cơm gia
đình có thêm chút thịt, cá. Cách đây 2 năm, chị trở lại trường sau khi thi đậu
vào khoa Địa lí Môi trường, đại học KHXH&NV. Đó chính là bước ngoặt lớn trong
cuộc đời chị. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Và từ 17 năm nay, hình ảnh cô
công nhân thường tranh thủ giờ nghỉ trưa hoặc sau giờ tan ca ngồi bệt xuống đất,
dưới tán cây ven đường say sưa học bài đã trở nên quen thuộc trong mắt người dân
khu vực chợ Cầu Muối, nơi “nàng” Bạch Tuyết làm công việc quét rác của mình.
Những người hàng xóm cũng không còn lấy làm lạ khi ánh đèn điện nhà chị thường
mở sáng vào lúc 3, 4 giờ sáng. Chợp mắt từ 2 - 3 tiếng mỗi ngày, giấc ngủ chỉ
đến với chị khi công việc và bài vở đã hoàn tất. Thiếu ngủ, đôi mắt chị thâm
quầng, gương mặt trông già hơn hẳn so với tuổi 36 của chị. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><i>* Bận rộn như thế, chị còn
gánh thêm công việc của bí thư Đoàn công ti chi cho vất vả?</i> </font></p>
<table cellPadding="2" width="1" align="right" border="0" id="table1">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img hspace="4" src="http://www.muctim.com.vn/article/media/2006/8-25/6739//bt2.jpg" border="</td">
</font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" color="#808080" size="2">Mai Thị
Bạch Tuyết - Gương mặt do Quận 1 đề cử tham gia cuộc vận động bình chọn
“Công dân trẻ TP.HCM”</font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Chị nhận thấy Đoàn là môi
trường rèn luyện rất tốt của thanh niên. Nhờ tham gia các hoạt động bổ ích do
Đoàn cơ sở phát động: đi làm công tác xã hội nhằm chia sẻ khó khăn với những
mảnh đời bất hạnh; tham gia những cuộc thi, sân chơi tập thể để có điều kiện học
hỏi và mở rộng mối quan hệ... Chị thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Hơn 12
năm làm Bí thư Đoàn cơ sở, chị vui nhất là khi vận động được 100% thanh niên
công nhân của công ti tham gia học lớp phổ cập xóa mù chữ. Bằng cách dạy kèm cho
những bạn công nhân có sức học yếu, tổ chức học nhóm, tạo điều kiện cho các bạn
công nhân cùng nhau giải những bài tập khó để nâng cao kiến thức... Chị mừng đến
rơi nước mắt khi 100% công nhân của công ti đều lần lượt tốt nghiệp cấp 3, và 6
bạn trong số đó đã thi đậu đại học. Lúc đầu, nhiều bạn cũng nản, định bỏ cuộc vì
vừa học vừa làm cực quá. Nhưng thấy chị làm được, các bạn sợ thua “bà già” nên
cũng ráng “đua” theo chị. Hì hì! Cuộc chạy đua để nâng cao kiến thức xem ra cũng
lí thú lắm! </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">36 tuổi, chị vẫn vò võ đi về một
mình. Không phải chị không muốn xây dựng tổ ấm cho riêng mình mà bởi vì gánh
nặng gia đình vẫn còn oằn lưng, và vì việc học của chị vẫn chưa đi đến đích như
chị hằng mong ước. Hạnh phúc của “nàng” Bạch Tuyết chỉ đơn giản là được trở về
nhà chăm sóc mẹ sau một ngày làm việc và học tập vất vả</font></p>
</span>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><span class="Detail-Title"><b><i>
Theo Mực Tím</i></b></span></font></p>
</body>
</html>