<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Du lịch Huế</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
<span class="news_tittle2" id="lbHeadline">Du lịch Huế</span></font></b></p>
<p class="newsindex" align="justify">
<font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Việt Nam và Huế có quá nhiều
ưu thế thiên nhiên, lịch sử và nghệ thuật để khai thác cho ngành du lịch. Ưu thế
du lịch của mỗi vùng đất thường có vị thế địa lý thiên nhiên và khung cảnh văn
hóa không giống nhau. Có khi sở trường của miền đất nầy lại là sở đoản của miền
kia và ngược lại. Sự khai thác và cạnh tranh về ngành du lịch cần có sự phát
triển cân đối và lợi ích quân bình giữa 3 nhu cầu: Làm đẹp cho đất nước, phát
huy văn hóa, làm giàu cho cơ quan khai thác du lịch và toàn xã hội. </strong>
</font></p>
<p class="newsindex" align="justify"><span id="lbBody">
<font size="2" face="Arial">Khách du lịch cũng như người cỡi ngựa xem hoa. Hình
ảnh và màu sắc của đối cảnh từng lớp hiện ra trước mắt người xem có khi trơn
tuột và mất hút sau cái nhìn thoáng qua lần đầu. Một số ít hình ảnh và cảnh vật
lưu lại trong cảm nhận của khách một cách bất ngờ và bất chợt. Mức độ thu hút
của cảnh vật bên ngoài vừa là công trình của thiên nhiên, vừa là tác phẩm của
con người. Bởi vậy, ngành quảng cáo của Mỹ hiện nay được đánh giá là một kỹ nghệ
khai thác thị hiếu siêu đẳng khi làm chủ được kỹ thuật nắm bắt sự chú ý của
người xem. Níu cho được người xem dừng lại ở một trong hàng triệu hình ảnh quảng
cáo đi qua vun vút trước mắt không phải chuyện may rủi, tình cờ.</font></p>
<font size="2" face="Arial">
<table align="center" border="0" id="table4">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font size="2"> <img border="0" src="du%20lich%20Hue.bmp" width="186" height="231"></font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify">Kỹ thuật quảng cáo ngày nay là một sự phối hợp chặt chẽ giữa
các ngành kỹ thuật, mỹ thuật, ngữ học, tâm lý, âm nhạc và nghiên cứu thị trường.
Sự chú ý là một quá trình sàng lọc giữa ý thức (conciousness), vô thức
(subconciousness) và siêu thức (superconciousness) để giữ những gì cần lưu lại.
Kết quả sàng lọc đó là độ bền của sự lưu lại hình ảnh và cảm nhận. Trong cả khối
lượng hình ảnh và âm thanh đi qua không dấu vết, còn một vài nét lưu lại trong
ký ức của khách mà người ta gọi là “ám ảnh” là “mê”. Những công ty quảng cáo Mỹ
đang sử dụng những kỹ thuật tinh vi nhất để “gây mê” như thế. Nếu không, thì
chẳng có ai dại gì để trả hàng triệu đô la qua mấy chục giây quảng cáo xuất hiện
trong chương trình quảng cáo Superbowl của các công ty truyền hình sừng sỏ nhất
trên hành tinh này. </p>
<p align="justify">Ngành du lịch là bạn đồng hành của ngành quảng cáo tại các
nước phương Tây.</p>
<p align="justify">Châu Âu thường được ví von như một nhân sĩ về già. Ăn vận
bảnh bao, nói năng chải chuốt và gia tài là quá khứ vàng son. Trong lúc đó, Mỹ
được ví với một thanh niên vạm vỡ, ham làm, ham chơi, nhưng cũng có gia tài hiện
tại khấm khá và tương lai nhiều hứa hẹn. Ngành du lịch có vẻ như phản ánh đậm
nét quan điểm so sánh đó. Ngành du lịch của Ý, Đức, Pháp, Anh... đều khai thác
tối đa những giá trị văn hóa và lịch sử trên đất nước họ. Du khách đến Mỹ để xem
nước Mỹ ăn làm và sinh hoạt ra sao nhiều hơn là đến để tìm những giá trị lịch sử
và văn hóa.</p>
<p align="justify">Một ngòi bút thường viết về du lịch “bao chuyến” (Tours) của
Mỹ gần đây là Dave Burns đã lên tiếng mạnh dạn quảng cáo rằng: “ <em>Hãy du lịch
Châu Âu để thưởng thức những kho tàng văn hóa tuyệt vời của quá khứ. Du lịch Bắc
Mỹ để được hưởng nhịp sống dồn dập của hiện tại và du lịch Nam Mỹ để được an
nghỉ trong mầu xanh biển rừng bất tận mà mơ ước ngày mai...”</em> . Chương trình
Tourism Commentary (Bình Luận Du Lịch), cũng ở Mỹ, bèn lên tiếng la làng cho
rằng, đấy là lời quảng cáo “dở nhất thế kỷ” vì chẳng làm cho xứ sở du lịch nào
hài lòng khi bị cho rằng đất nước họ chỉ có toàn là quá khứ, hiện tại hay tương
lai. </p>
<p align="justify">Thế mạnh của ngành du lịch không thể tách rời đặc tính nhân
văn và địa lý của đối tượng du lịch.</p>
<p align="justify">Trên lĩnh vực du lịch thuần túy, cá tính đặc thù “Huế đi mà
nhớ chứ không phải ở để mà thương...” là một điểm son du lịch của Huế. Chính sức
hút “đi để mà nhớ” là sức mạnh tiềm tàng níu kéo du khách của Huế. Huế có những
nét độc đáo và hấp dẫn du khách như màu xanh của sông núi, sự trầm lặng tự
nhiên, nét hiền hòa của nếp sống, sự thâm trầm của các di tích lịch sử và sự níu
kéo “huyền nhiệm... đi để mà thương!”</p>
<p align="justify">Dường như tất cả dáng vẻ riêng tây: ấm, hiền, dịu và đầy mơ
ước (mơ mộng?) của Huế đã hòa quyện thành một đường nét riêng mà ta có thể chỉ
gọi được là “nét mềm” của Huế. Nét mềm ấy lại được phết lên mầu xanh Huế. Xanh
Huế khác với mầu xanh biền biệt bạt ngàn của biển trời và cây cao bóng mát Châu
Mỹ La tinh. Xanh Huế là mầu độc sáng rất nên thơ của sáng xanh, trưa tím, chiều
vàng.</p>
<p align="justify">Giới thiệu du lịch Huế phải nhấn mạnh vào gia tài phi vật thể
của Huế. Bởi vì, nếu nói về quy mô cùng độ lớn của cung điện và lăng tẩm, Huế
quá nhỏ nhoi so với Trung Quốc và các nước Âu Châu. Hoàng thành và Đại Nội Huế
làm sao so sánh được với công trình và độ lớn của điện Buckingham ở Luân Đôn,
cung điện Versaille ở Paris, Tòa thánh Vatican ở Ý. Nhưng ưu thế du lịch của Huế
là sự độc đáo về khung cảnh thiên nhiên trầm mặc, thanh nhã, nhỏ nhắn nhưng giàu
tính lịch sử và tính nghệ thuật, thi ca. </p>
<p align="justify">Những địa điểm nghỉ mát nổi tiếng ở Việt Nam có Sa-Pa, Tam
Đảo, Đà Lạt, Bạch Mã... Nhưng sự hấp dẫn và níu kéo về mặt du lịch và tính lịch
sử của Bạch Mã vẫn có nét phong phú và độc đáo riêng. Không nơi nào có một địa
điểm vừa hợp với tâm hồn chu du, phiêu lãng của khách du lịch mà cũng vừa hợp
với cảm giác cận kề, trầm mặc với thiên nhiên như cảnh mây núi lưng trời bằng
khi đứng ở Vọng Hải Đài trên đỉnh Bạch Mã.</p>
<table align="center" border="0" id="table5">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font size="2"> </font><img border="0" src="du%20lich%20Hue2.bmp" width="138" height="207"></td>
</tr>
</table>
<p align="justify">Tâm lý du khách ngày nay không còn đi tìm vẻ đẹp thuần bề mặt
và chiều rộng mà có khuynh hướng đi vào sự độc đáo và chiều sâu. Môi trường
truyền thông quá nhanh chóng và hiện đại trong thế kỷ nầy đã tranh nhau khai
thác mọi ngõ ngách của hình ảnh. Những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và
kỳ quan trên thế giới xuất hiện thường xuyên và được giới thiệu đủ mọi khía cạnh
trên báo chí và màn ảnh. Sự xuất hiện phổ biến đến độ làm cho phần đông khách du
lịch trên toàn thế giới mất đi sự ngạc nhiên kỳ thú khi đặt chân đến một thực
cảnh nổi tiếng vì trước đó họ đã nhìn thấy quá nhiều lần qua môi trường thông
tin đại chúng. </p>
<p align="justify">Bởi vậy, khai thác thế mạnh du lịch của Huế không phải là xây
dựng cho nhiều khách sạn năm sao, bảy sao hay khai thác những phương tiện kỹ
thuật mới nhất. Phương tiện vật chất không phải là sở trường của điều kiện văn
hóa và kinh tế cụ thể của Huế. Thử đi một vòng Châu Âu và Bắc Mỹ, nơi có nhiều
khách sạn sang trọng và những phương tiện kỹ thuật phục vụ tân kỳ nhất của thế
giới. Sự cuốn hút du khách mạnh và cao nhất là những đền đài kỷ niệm có tính
lịch sử lâu đời và những phế tích của các triều đại.</p>
<p align="justify">Đến Châu Âu bắt đầu từ Rôma, chiếc nôi điêu khắc của
Michelangelo, thiên tài tạo hình sáng giá nhất của nhân loại, du khách bị chinh
phục ngay bởi những lầu đài hoang phế của triều đại La Mã ngày xưa. Nhiều nơi,
tuy chỉ còn sót lại một vài cột trụ hay chỉ là một bức tường đổ nát như phế tích
Iguvium... chẳng hạn, nhưng lại có một hấp lực vô hình của dòng lịch sử.</p>
<p align="justify">Viếng Rôma, những người đã từng viếng Huế sẽ có sự so sánh
quá rõ ràng về “cảm tính lịch sử” khi đứng trước những dấu tích lịch sử vang
bóng một thời. Ở Huế, những lăng tẩm và cung điện triều Nguyễn được phục chế,
tôn tạo lại bằng sự khéo tay của người thợ. Nhưng ở Châu Âu, nhất là ở Ý thì sự
phục chế và tôn tạo những phế tích lịch sử bằng sự khéo léo và cảm quan của
những nhà kiến trúc đầy bản lĩnh nghệ thuật. Cụ thể như khi vào khu đấu trường
La Mã Colosseum, toàn bộ khung cảnh vừa hoang phế, với những đường nét tạo hình
lạ lùng xưa cũ của lịch sử 2000 năm trước hiện ra một cách kỳ vĩ với sự thăm
viếng hơn 2 triệu rưỡi du khách hàng năm. Đặc biệt là màu sắc loang lỗ “y như
thật” làm cho du khách cảm thấy vừa phấn khích vì được đứng giữa khung cảnh lịch
sử; đồng thời, cũng vừa có cảm giác rờn rợn như đang vẳng nghe tiếng thét của tử
tù và voi hổ đang quần thảo đâu đây. Sự phục chế và tái thiết các di tích lịch
sử, đền đài và lăng tẩm ở Huế và nhiều địa điểm lịch sử trong nước với đường nét
mô phỏng và màu sắc thiếu sự đầu tư nghiên cứu cẩn trọng làm lộ ra cái vẻ mới mẻ
và chế tác thiếu tự nhiên. Do đó, cũng thiếu đi sự lôi cuốn nghệ thuật lẫn kỹ
thuật. </p>
<p align="justify">Một thí dụ hay một sự so sánh nho nhỏ khác về kỹ thuật du
lịch trên sông biển. Tại thành Venice, du khách đổ xô đi du lịch bằng thuyền
xuyên qua những kinh rạch trong lòng phố và ra xa ngoài các vịnh. Kiểu thuyền
địa phương Gondola giống như nghe mành hay đò ngang ở Huế được ưa thích nhất.
Gondola vừa nhỏ nhắn, vừa trang nhã, vừa cơ động. Nhìn Gondola nhẹ nhàng, thanh
nhã ở Venice; rồi nhìn lại “thuyền rồng” dềnh dàng, trang hoàng rồng phụng lòe
lọet trên sông Hương xanh biếc mới thấy được tài năng khai thác kỹ nghệ và kỹ
thuật du lịch ở xứ người, khác xứ ta như thế nào. </p>
<p align="justify">Việt Nam và Huế có quá nhiều ưu thế thiên nhiên, lịch sử và
nghệ thuật để khai thác cho ngành du lịch. Ưu thế du lịch của mỗi vùng đất
thường có vị thế địa lý thiên nhiên và khung cảnh văn hóa không giống nhau. Có
khi sở trường của miền đất nầy lại là sở đoản của miền kia và ngược lại. Sự khai
thác và cạnh tranh về ngành du lịch cần có sự phát triển cân đối và lợi ích quân
bình giữa 3 nhu cầu: Làm đẹp cho đất nước, phát huy văn hóa, làm giàu cho cơ
quan khai thác du lịch và toàn xã hội. <br>
Trong thời đại mới, đời sống cá nhân, xã hội và đất nước có một khái niệm mới
nằm trong khung cảnh toàn cầu. Mỗi người có thể có cơ hội tiếp xúc qua phương
tiện truyền thông đại chúng, qua gặp gỡ, qua du lịch với mọi sắc dân khác tiếng
nói, khác màu da, khác văn hóa... bất cứ lúc nào trong đời sống. Đấy là khái
niệm căn bản nhất về du lịch. Vì vậy, kỹ nghệ du lịch là kỹ nghệ mua bán, theo
cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, với khách toàn cầu.</p>
<p align="justify">Sự thành công hay thất bại của ngành du lịch không có sự
quyết định của yếu tố may rủi. Nghệ thuật xương sống của ngành du lịch là nghệ
thuật xây dựng, tổ chức và quảng cáo để nắm vững được nhu cầu của khách và khả
năng cung ứng của phía chủ nhà. Kỹ năng khai thác du lịch phải thông qua học tập
và huấn luyện. Trong vòng 5 năm trở lại, có khá nhiều nhóm đại điện ngành du
lịch Việt Nam đi ra nước ngoài để tham quan. Trong một tương lai gần, cần chuyển
đổi phần lớn sự “tham quan” ngắm cảnh, thăm dân cho biết sự tình đó thành những
đợt nghiên cứu, tham khảo và huấn luyện để mang kinh nghiệm thục tiễn và quý báu
của xứ người về làm phong phú cho ngành du lịch nước nhà.</p>
<p align="justify">Theo các thông tin chuyên môn trong các tài liệu du lịch thì
Việt Nam là một vùng đất đầy hứa hẹn cho kỹ nghệ du lịch trong tình hình thế
giới đầy biến động và cạnh tranh hiện nay.</p>
<p align="justify">Mong rằng, kỹ nghệ du lịch Việt Nam, Huế và những vùng đất
giàu tính lịch sử của quê hương sẽ được thế giới biết đến và thường xuyên thăm
viếng. Việt Nam sẽ không còn bị nhắc đến như một địa danh đầy xót xa của chiến
tranh mà phải được nói đến như là một tên gọi tươi mát của danh lam thắng cảnh
du lịch.</p>
<p align="right"><b><i>Theo Tạp chí Tia Sáng</i></b></p>
</font></span>
</body>
</html>