Tại buổi tọa đàm “Khát vọng tri thức” do Thành Đoàn TP. HCM tổ chức tại Nhà Văn hóa Thanh niên, các khách mời đã có những chia sẻ thiết thực về học tập suốt đời, qua đó giúp các bạn trẻ nắm được chặng đường tiếp cận và nâng cao tri thức.
Buổi chia sẻ với nhiều kiến thức hữu ích.
Làm sao để học tập suốt đời?
Học tập suốt đời là một quãng thời gian dài để chúng ta học và trưởng thành, kể cả khi thành công hay nghỉ hưu chúng ta điều phải học để trau dồi thêm kiến thức. Thầy Ngô Minh Oanh - Viện Nghiên cứu giáo dục trường Đại học Sư Phạm Tp. HCM định nghĩa việc học tập suốt đời, tức là chúng ta đang hoàn thiện bồi bổ kiến thức cho bản thân và có nhiều giai đoạn khác nhau. Dù học theo trường lớp hay tự học thì chúng ta cũng đang bổ sung cho nghề nghiệp, đạo đức và kỹ năng để hoàn thiện mình hơn.
Việc học tập suốt đời là vấn đề của mỗi cá nhân, là mục tiêu của sự phấn đấu, làm sao để mỗi cá nhân phải đạt được kiến thức, kỹ năng và hòa nhập vào xã hội, công việc mà chúng ta lựa chọn. Thạc sĩ Lưu Nguyễn Nam Hải – Phó trưởng khoa Kỹ thuật Công trình, Trường Đại học Tôn Đức Thắng nói rằng việc học tập suốt đời là quá trình chuyển từ vị trí thụ động sang chủ động, sáng tạo trong học tập. Quãng thời gian mà chúng ta học tập suốt đời là kết quả đầu tư tốt nhất cho việc phát triển cá nhân và nghề nghiệp trong tương lai. Chúng ta phải biết sử dụng những công cụ để giúp ích cho việc học tập như: Internet, sách, thư viện….và biến chúng thành kiến thức của ta. Đặc biệt là Internet, Thạc sĩ Lê Văn Cảnh – Phó Trưởng bộ môn Xây dựng, Trường Đại học Quốc tế - ĐHQG TP.HCM cho rằng Internet là một công cụ hữu ích rất tốt cho việc học tập. Lượng thông tin mà nó mang lại khá lớn giúp cho việc tập suốt đời có thể trở nên dễ dàng hơn tuy nhiên nó lại có những mặt tiêu cực, có thể chi phối chúng ta vì thế chúng ta phải biến nó thành công cụ hữu ích phục vụ cho việc học.
Giai đoạn của việc học tập suốt đời
Có ba giai đoạn trong quá trình học tập suốt đời đó là : Tiếp cận kiến thức, tiếp cận công việc và nỗ lực khẳng định vị trí của mình. Ở mỗi giai đoạn có một đặc điểm khác nhau, giai đoạn tiếp cận kiến thức là quá trình chúng ta học tập qua 12 năm và ba đến bốn năm đại học, cao đẳng. Đây là khoản thời gian ngắn để chúng ta tiếp cận lượng kiến thức cho bản thân trong nghề nghiệp tương lai, thường thì chúng ta ít vướng bận và tỏ ra vô tư nhất. Tuy nhiên ở giai đoạn này chúng ta lại thiếu kinh nghiệm học tập như chọn sai nghề, chuyện học tập ở đại học yêu cầu chúng ta phải nỗ lực nghiên cứu được các quan điểm của thầy cô để tìm ra chân lý. Chúng ta tiếp cận tri thức dựa vào người hướng dẫn, có tính định hướng và có giáo trình sẵn để học. Chính vì thế, mà trong giai đoạn này sinh viên chúng ta phải tranh thủ tối đa, học càng nhiều càng tốt bởi đó là giai đoạn quyết định cho cuộc đời của bạn. Thạc sĩ Lê Văn Cảnh chia sẻ: “Người chủ động trong học tập là người biết khai thác tri thức biến tri thức thành kết quả của mình, đặc biệt cách giúp bạn tiếp cận tri thức tốt nhất đó là thư viện, Internet và việc làm nhóm sẽ giúp bạn nhớ lâu hơn, kiến thức đó sẽ trở thành của bạn”.
Đông đảo bạn trẻ đến tham gia chương trình.
Bạn Lê Thị Thu Huyền-Sinh viên trường Đại học Luật nghĩ rằng: “Việc học tập để có điểm chỉ là chuyện bình thường, động lực để học tập là đến trường, dù điểm cao hay thấp thì chúng ta cũng phải cố gắng học tập, ghi nhớ lượng kiến thức, làm sao khi ra trường chúng ta có một nền tảng tốt”. Những môn học đại cương, cơ sở điều rất cần thiết cho những môn chuyên ngành, là kiến thức để chúng ta thực hành thành thạo trong ngành của mình hay nói cách khác là “Giỏi chuyên ngành tức là giỏi đại cương, cơ sở”.
Gia đoạn thứ hai là chuyện tiếp cận công việc của chúng ta sau khi ra trường, làm sao để khi ra trường chúng ta có được công việc phù hợp. Thầy Lưu Nguyễn Nam Hải cho rằng: “Nếu bạn muốn xin được việc vào một công ty hay một cơ quan nào đó thì bạn cần phải tiếp cận được với công ty, cơ quan đó, xem nó cần gì ở bạn và vị trí ra sao”. Làm sao để thích nghi với công việc, học được cái gì và làm như thế nào, bạn phải tập thói quen với nề nếp làm việc, tuân thủ các quy định của công ty, cơ quan. Từ chuyên môn đến kỹ năng bạn cần phải làm tốt thông qua nội quy, yêu cầu, đồng nghiệp, văn hóa…..
Giai đoạn kéo dài nhất chính là việc chúng ta khẳng định vị trí của mình trong xã hội. Phải biết cố gắng phát triển sự nghiệp mình trong công ty, cơ quan đó, làm theo nguyên tắc “Họ cần gì mình cho họ cái đó”. Làm sao để tạo được mối quan hệ tốt, hiệu quả công việc nâng cao và có được niềm tin với họ. Những kết quả chúng ta đạt được đó có ảnh hưởng gì tới sự phát triển của công ty, cơ quan.. từ đó chúng ta sẽ trở thành người tin cậy với họ, có như vậy chúng ta mới khẳng định được vị trí của mình.
Theo PGS.TS Phan An–Giám đốc Trung tâm Dân tộc và Tôn giáo, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, thì “Người làm khoa học không có chuyện nghỉ hưu”. Chính vì vậy chúng ta phải phấn đấu học tập và làm cho vốn kiến thức trở nên giàu có đồng thời cũng phải học tập thành thạo các kỹ năng bao gồm giao tiếp, làm việc…để là tấm gương sáng về tinh thần học tập suốt đời.
VŨ LUYỆN