<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: left;"><em><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Bài dự thi cuộc thi viết về hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ</span></span></strong></em></div>
<div style="text-align: center;"> </div>
<div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Biết ơn chị Đặng Thùy Trâm</span></span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Trong kháng chiến luôn có những con người kiên cường bất khuất dù đã ra đi nhưng vẫn còn đó bao niềm thương nhớ cho người ở lại. Có một người con gái với môt lí tưởng sống cao cả của một người anh hùng trong thời chống Mỹ khó khăn vô vàn và một khát vọng yêu thương mãnh liệt. Tôi khâm phục người con gái ấy. Chị là Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><img width="279" height="448" alt="" src="hinh%204.jpg" /></span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Sinh năm 1942 trong một gia đình có truyền thống tri thức y dược, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Hà Nội năm 1966, chị xung phong vào công tác ở chiến trường B. Một năm sau chị vào Quảng Ngãi phụ trách bệnh viện huyện Đức Phổ chủ yếu điều trị các thương bệnh binh. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy, lòng chị cháy rực ngọn lửa căm thù giặc Mỹ đến tận cùng: “Ôi! Chiến tranh! Sao mà đáng căm thù đến vậy và đáng căm thù vô cùng là bọn quỷ hiếu chiến”. Càng trân trọng hơn nữa khi trái tim chị vẫn hướng về một ngày mai độc lập, tự do trong những dòng nhật ký chị viết nghe như tiếng chị mừng rỡ reo vang: “Tiếng súng chiến thắng đang nổ giòn khắp chiến trường Nam Bắc. Thắng lợi đã đến gần chuáng ta rồi…”.<br />
<br />
Tuy chỉ biết chị vỏn vẹn qua những dòng ngắn ngủi trong “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” nhưng dường như hào khí quyết chiến quyết thắng của nhân dân Việt Nam ta trong thời chống Mỹ mưa bom bão đạn ấy chị đã đem đến đâu đây trong cuộc sống hiện tại của tôi. Ngày xung kích chị là sinh viên, cũng trẻ và đầy hoài bão như thanh niên chúng tôi bây giờ. Chị đi mang theo mình tuổi thanh xuân của một đời người con gái, chôn dấu trng tim “nỗi đau riêng, giấu kín” (nhà văn Nguyên Ngọc), một lòng hướng vế miền Nam ruột thịt và can đảm đương đầu với bao hiểm nguy dù có phải hi sinh tính mạng.<br />
<br />
Thương chị, quí mến chị và khâm phục chị không chỉ dừng lại ở đó mà còn bởi sự tận tình chăm sóc và đồng cảm sâu sắc với những bệnh nhân điều trị ở bệnh xá. Chị như “đau chung nỗi đau” của họ (Vương Trí Nhàn) và gần như tự trách mình khi không đủ điều kiện chữa trị cho một bệnh nhân: “Với những người như anh mà tôi không cứu chữa được thì đó sẽ là nỗi đau xót khó mà phai đi trong cuộc đời phục vụ của một người thầy thuốc”. Có lẽ vì đáng mến đến vậy mà mọi người trong bệnh xá, kể cả những người lớn tuổi hơn chị, đều gọi chị bằng cái tên rất đỗi thân thương: “Chị Hai”.<br />
<br />
Vâng, “chị Hai” đã phải trải qua những khó khăn của riêng chị, nỗi đau chung mất nước và nỗi đau riêng về một tình yêu không lời đáp. Nhưng kiên cường là bản tính của người con gái ấy, chị khẳng định: “Đời phải trải qua giông tố nhưng chớ cúi đầu trước giông tố”. Phương châm này của chị giờ đã trở thành kim chỉ nam với tất cả những bạn trẻ đang trên đường dựng xây đất nước như chúng tôi. Chị giúp lớp lớp thanh niên nhận ra, như trong nhật kí chị viết, rằng: Cái quí nhất của con người là cuộc sống đời người ta chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài sống phí, cho khỏi phải hổ thẹn vì những năm tháng sống hoài sống phí, để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: “Cả đời ta cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao cả nhất trên đời: Sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người” (N. A. Ostrotsky). Chị Hai ơi! Xin cho phép được gọi chị bằng cái tên ấy để tôi có thể bộc lộ phần nào nỗi lòng mình dành cho chị. Chị đã sống và chết một cách anh dũng trên trên mảnh đất xa lạ mà chị xem như ngôi nhà thứ hai của mình. Chính chị là tấm gương sáng vực chúng tôi dậy sau vấp ngã và dẫn đường chúng tôi đến với Đảng trong khao khát đứng vào hàng ngũ của Đảng như chị ngày nào. Chúng tôi nguyện sẽ hiến dâng mình cho Tổ quốc, sẽ không “sống mòn” trong cuộc “đời thừa” vô nghĩa (Nam Cao) để nối bước anh hùng của chị.<br />
<br />
Đặng Thùy Trâm có một tâm hồn văn thơ dồi dào. Dù là một bác sĩ nhưng trong chị vẫn là những vần thơ tươi đẹp: Có nơi đâu trên dải đất này<br />
Như miền Nam đắng cay chung thủy<br />
Như miền Nam gan góc dạn dày.<br />
Tố Hữu khi viết những dòng này ắt có chung cảm nghĩ với chị: “Có nơi đâu như mảnh đất này mà mỗi người dân đều là một chiến sĩ diệt Mỹ, tuy thấm máu ké thù và mỗi gia đình đều mang nặng khăn tang mà vẫn kiên cường chiến đấu với niềm lạc quan kì lạ”. Chị là một người con gái Hà Nội, xung phong vào Nam để rồi cuối cùng mang “món nợ lòng” sâu nặng với miền đất thân thương này.<br />
<br />
Chiến tranh tất nhiên có mất mát, có hi sinh. Dọc những trang viết của chị dấy lên nỗi buồn đau dành cho những con người Cộng sản đã anh dũng hi sinh. Chị “đau xót biết chừng nào!” và tự hỏi chính mình “Không lẽ quyển sổ nhỏ này cứ ghi tiếp mãi những trang đầy máu hay sao” rồi lại tự nhủ phải “ghi cho đầy đủ” “bản cáo trạng giặc” tanh mùi lũ cướp nước, phải cho chúng biết tinh thần bất khuất: “Người Cộng sản rất yêu cuộc sống nhưng khi cần vẫn có thể nhẹ nhàng mà chết được”.<br />
<br />
Ngày Bác mất, ngày 3 tháng 9 năm 1969, chị đau đớn viết những dòng thương tiếc nhưng nghi ngút lửa hận: “Nhớ Bác, nước mắt đọng lại thành căm thù trút vào đầu giặc Mỹ”; tương đồng với hình ảnh hai chị em Chiến và Việt mà Nguyễn Thi đã khắc họa ở “Những đứa con trong gia đình” lúc khiêng bàn thờ má sang gửi nhà chú Năm để đi tòng quân: sức nặng của bàn thờ má chẳng là gì so với “mối thù thằng Mỹ đang đè nặng trên vai”. Vị lãnh tụ vĩ đại ra đi, nhưng ngọn lửa căm thù giặc chưa vội tắt mà bùng lên dữ dội, hối thúc cuộc chiến đến hồi cam go quyết liệt.<br />
<br />
Những ngày giữa năm 1970, khi giặc trên đầu dội xuống biết bao bom đạn hòng càn quét quân và dân ta, lòng chị bỗng sống dậy khao khát về cùng gia đình. Ba năm xa nhà của người con gái xung kích nói sao cho hết nỗi nhớ quê hương nhưng rốt cùng cũng chỉ biết lấy nụ cười lấp đầy khoảng lặng trong tim, mặc dù “có đôi lúc những giọt nước mắt thấm mặn yêu thương chảy tràn trên đôi mắt”. Chị hiểu lời của Lenin: “Người Cách mạng là người có trái tim giàu tình cảm nhất”. Nhưng hỡi ôi trong người con gái ấy là “tinh thần thép”, mọi trí lực chị đều gửi gắm hết cho Đảng, cho Cách mạng nào có sá chi bản thân mình: Tiếng súng trên chiến trường vang dậy, hãy lắng nghe tiếng súng ấy và làm như khấu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.<br />
<br />
Đau buồn thay, viên đạn cay nghiệt của quân thù đã cướp đi mạng sống của chị. Trong một trận càn của địch, để giúp các anh thương binh ở bệnh xá kịp thời trốn chạy khi chúng đang đến rất gần, chị đã “một mình chiến đấu với 120 lính Mỹ” chỉ với khẩu CKC trong tay (theo Frederic Whitehurst-người lính Mỹ đã gìn giữ cuốn nhật ký hơn ba mươi năm) và “ở bất cứ đâu trên thế giới-Frederic nhấn mạnh-điều đó được gọi là Anh hùng”. Trên xác người con gái ngoan cường mà những tên lính Mỹ kia đang tâm giết hại có cuốn nhật kí của chị, mà vô tình hay hữu ý định mệnh buộc Frederic cứu nó khỏi tàn tro như những giấy tờ tuyệt mật khác và thúc đẩy người cựu lính tìm đến với gia đình khổ chủ. Phải chăng vì thế mà ở bìa mỗi quyển “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” được xuất bản ở Việt Nam đều in dòng chữ “Những trang viết có số phận kì lạ của một nữ liệt sĩ 27 tuổi”. Có một điều chắc chắn rằng chị đã anh dũng hi sinh như bao người anh hùng dân tộc khác. Tôi hình dung chị trong những giây phút cuối cùng của cuộc sống với khẩu CKC trong tay cương quyết nã súng vào địch là “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỉ” (Lê Anh Xuân).<br />
<br />
“Xương máu đổ xuống xây đài tự do”. Vâng, nhờ có những con người biết vì nghĩa lớn như Đặng Thùy Trâm mà thế hệ chúng tôi được vững bước ngày hôm nay. Tháng Hai năm 2006, Chủ tịch nước truy tặng Đặng Thùy Trâm danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Chị xứng đáng được truy tặng danh hiệu này bởi chị vẫn luôn tự hào: “Sống trong gia đình Cách mạng có gì đáng vinh dự hơn đâu”.<br />
<br />
Trên mộ chị giờ đây hẳn vẫn ấm áp khói hương, xin gửi về chị những niềm thương nhớ của chúng tôi, những con người “trẻ tuổi và trẻ lòng” đang trên đường tiến bước. Nhớ về chị, tôi nhớ về lý tưởng cao đẹp của người con gái anh hùng: “Hãy giữ vững tinh thần người Cộng sản, tinh thần trong suốt như pha lê, cứng rắn như kim cương và chói lọi muôn nghìn hào quang của lòng tin tưởng”. Cùng với chàng văn sĩ trẻ tuổi Nguyễn Văn Thạc đã hi sinh trong “Mãi mãi tuổi hai mươi”, Đặng Thùy Trâm đóng một hình tượng đẹp đẽ soi đường cho lớp lớp thanh niên Việt Nam đến với Đảng.</span></span></div>
<div style="text-align: right;"> </div>
<div style="text-align: right;"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">ĐÀO TRẦN BẢO NGỌC</span></span></strong><em><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> </span></span></strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">(Vũng Tàu)</span></span></em><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span></span></div> </html>