<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: left;"><em><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Bài dự thi cuộc thi viết về hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ:</span></span></strong></em></div>
<div style="text-align: center;"> </div>
<div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ</span></span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Cống hiến tuổi xuân cho đất nước, chiến tranh qua đi, các anh trở về với những vết thương trên cơ thể, cứ trở trời lại đau nhức. Tuổi cao nhưng bản chất của người lính cụ Hồ không cho phép các anh thờ ơ với những cảnh đời cần giúp đỡ nhất là với đồng đội của mình. Qua cuộc thi viết “Hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ”, tôi xin phép được viết về Cựu chiến binh Vũ Chí Bền đã được đăng trên bản tin quận 1 tháng 12 năm 2013 và xin được phép được là “anh” trong bài viết này vì với tôi anh vẫn còn rất trẻ vẫn còn tráng cường và mãi là tấm gương để chúng tôi, thế hệ sau này noi theo nhiều đức tính quí báu.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Từ quận 1, Thành Phố Hồ Chí Minh, cựu chiến binh Vũ Chí Bền tuổi đời ngoài 60 có hơn 20 năm cất công đến các nghĩa trang miền Đông Nam Bộ đi tìm thông tin mộ liệt sĩ, làm cầu nối đưa được hàng trăm hài cốt liệt sĩ trở về vòng tay gia đình ruột thịt thân yêu trong niềm mong mỏi, xúc động và tình cảm thiêng liêng.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Giữa nghĩa trang mênh mông có hàng chục ngàn bia mộ, một cảm xúc thật đặc biệt trước hình ảnh người cựu chiến binh tóc điểm bạc trong quân phục bộ đội, ba lô trên vai, một mình đến từng ngôi mộ liệt sĩ để chụp hình và ghi chép thông tin dưới nắng trời oi bức những ngày thứ 7, chủ nhật. Sự nhẫn nại của anh Bền không chỉ dừng ở đó, anh còn tiếp tục báo tin nơi nằm lại của liệt sĩ đến cho gia đình, gửi ảnh chụp thông tin liệt sĩ trên bia mộ về Hội Cựu chiến binh cấp tỉnh, hoặc gửi đến Đài Tiếng nói Việt Nam và báo Quân đội nhân dân phát thông tin về các mộ liệt sĩ. Những thông tin này giúp cho cả người Việt ở nước ngoài tìm hài cốt liệt sĩ. Chỉ riêng năm 2013, anh giúp 276 gia đình tìm được mộ liệt sĩ.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Khi được hỏi động lực nào để anh tự nguyện làm công việc đòi hỏi nhiều tâm sức như vậy? Anh Bền vui vẻ kể lại những lần về quê, về phép thăm gia đình và đồng đội đã hy sinh, xúc động trước cảnh người thân và nhất là bố mẹ các anh than khóc: “Nó hy sinh rồi nhưng bây giờ nó đang nằm ở đâu? Con công tác ở trong đó, con đi tìm nó giúp cho bố cho mẹ”. Cầm tờ giấy báo tử của liệt sĩ có khi chỉ ghi vỏn vẹn: “Đơn vị đã mai táng tại nghĩa trang gần mặt trận”. Nhớ lại ước muốn của người lính ra đi diệt thù ngày đó là được trở về với những người thân yêu nơi gia đình khi cách mạng thắng lợi, hòa bình lập lại. Trăn trở về đồng đội hy sinh bây giờ quy tụ về nghĩa trang nào đã thôi thúc anh tìm mộ đồng chí cùng đơn vị Sư đoàn 5 - Trung đoàn 1, rồi anh mở rộng đi tìm hài cốt các liệt sĩ cùng quê Hải Hưng (nay thuộc tỉnh Hải Dương và Hưng Yên), tìm mộ liệt sĩ các tỉnh khác do thân nhân gửi tìm dựa theo giấy báo tử. Việc làm này tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc của bản thân, nhưng anh xem đó là việc cần làm vì tình đồng đội sắc son, vì gia đình của các anh đang trông ngóng, góp phần cùng Đảng và Nhà nước quan tâm và giúp đỡ gia đình người có công. Khắc ghi công các anh hùng liệt sĩ - những người con xả thân vì sự trường tồn đất nước, đi theo tiếng gọi non sông trong đoàn quân oai hùng bảo vệ Tổ quốc, làm nên lịch sử hào hùng của dân tộc.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Anh Bền cho biết: “Khó khăn nhất là làm sao để thông tin mộ liệt sĩ đến gia đình và đưa hài cốt về nhà”. Việc tìm mộ có khi kéo dài cả năm, có khi giấy tờ báo tử không trùng khớp thông tin trên mộ liệt sĩ, hoặc có danh sách nhiều hài cốt liệt sĩ cùng đơn vị nhưng chưa xác định tên cho từng hài cốt thì thân nhân phải thử xét nghiệm ADN, hoặc gia đình liệt sĩ hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đi lại. Lúc đó anh Bền lại nhiệt tình giúp sức cho các gia đình, anh đến nghĩa trang xác nhận giấy tờ liệt sĩ, liên hệ lấy mẫu thử ADN, mua tặng vé tàu xe, hỗ trợ chi phí ăn ở và đi lại. Được biết, ngôi nhà của anh còn là nơi trú lại của nhiều người thân và hài cốt liệt sĩ trước khi được đưa về quê hương. Trước hành động đáng quý đó, nhiều tình cảm tri ân gửi đến Cựu chiến Binh Vũ Chí Bền: “Cám ơn tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp của ông và mong tiếp tục nhận được nhiều hơn thông tin về các liệt sĩ để tạo điều kiện cho các gia đình thân nhân liệt sĩ vào thăm viếng hoặc có điều kiện đưa các liệt sĩ về an nghỉ tại quê hương” - theo Thư cảm ơn của Hội Cự chiến binh tỉnh Hải Dương. Nói về những người tiếp tục công việc này sau mình, anh cởi mở: “Mình mong muốn có thể thành lập tổ tìm kiếm đồng đội sẽ giúp tìm hết số mộ anh em cùng đơn vị”.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Khi gặp anh để thực hiện bài viết này cũng là dịp kỷ niệm 69 năm ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12), anh được mời tham dự chương trình “Nghĩa tình đồng đội” tại Hà Nội và nhận Bằng khen Trung ương Hội CCB, nhưng anh không thể đến dự vì đang chờ đón tiếp các gia đình liệt sĩ chuẩn bị vào Thành Phố Hồ Chí Minh cùng đi với anh đến nghĩa trang Tây Ninh tìm mộ 7 liệt sĩ trong một đơn vị. Anh chia sẻ: “Tìm mộ liệt sĩ để gia đình các anh vơi đi mất mát, đó lại là niềm vui của mình, nhất là mỗi lần đưa được hài cốt về quê”. Hành động bằng trái tim, cựu chiến binh Vũ Chí Bền còn góp hàng chục triệu đồng xây tặng nhà tình nghĩa cho đồng đội hoàn cảnh khó khăn, tặng học bổng cho học sinh, góp đá xây Trường Sa, giúp đỡ người nghèo. Những việc làm ý nghĩa của người lính năm nào như ánh sáng thắp lên niềm tin xây dựng cuộc sống tốt đẹp, đậm tính nhân văn, động viên mọi người sống có ích xứng đáng với những cống hiến của cha anh.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><strong><br />
</strong></div>
<div style="text-align: right;"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">TRẦN NGỌC LONG TOÀN</span></span></strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> <em>(Quận 1)</em><br />
<br />
</span></span></div> </html>