<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: left;"><strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Bài dự thi cuộc thi viết về hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ:</span></span></strong></div>
<div style="text-align: center;"> </div>
<div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Đại tướng tài ba Võ Nguyên Giáp</span></span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
“Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”. Câu nói khẳng định tinh thần trách nhiệm suốt đời gắn bó với nhân dân, đất nước của vị Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng đã có công lớn trong lịch sử của dân tộc. Người có ảnh hưởng và vai trò rất lớn đến quá trình hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đại tướng sinh ngày 25/8/1911 tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước, được sự giáo dục nghiêm khắc từ gia đình. Chính vì vậy, gia đình là nguồn nuôi dưỡng ý chí cho sự nghiệp cách mạng sau này của ông. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm khi chỉ 14 tuổi. Ông tham gia vào các mặt trận chính trị, quân sự, văn hóa…Ông đã tạo được sự tín nhiệm từ mọi người. Đặc biệt, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã uỷ nhiệm cho ông đứng ra tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay. Ông được giao nhiệm vụ trực tiếp lãnh đạo và chỉ huy. Đồng chí được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ II, cử vào Ban Chấp hành Trung ương và là Uỷ viên Thường vụ ban Chấp hành Trung ương, tham gia Uỷ Ban Khởi nghĩa toàn quốc, Uỷ ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ngày 20/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 110/SL, phong đồng chí làm Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam trong Chính phủ Lâm thời. Trong vai trò của mình, ông trực tiếp lãnh đạo và làm nên nhiều chiến thắng vẻ vang trong chiến dịch Việt Bắc, Biên giới, Điện Biên phủ,…Những chiến thắng ấy góp phần làm nên lịch sử chiến thắng hào hùng của dân tộc Việt Nam.Ông thật sự là vị tướng tài ba của dân tộc Việt Nam.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Ông có vai trò và ảnh hưởng rất lớn đến Quân đội Nhân Dân Việt Nam. Trước hết, vai trò của ông là thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ban đầu tổ chức còn sơ khai chỉ có 34 chiến sĩ và những dụng cụ chiến đấu thô sơ. Nhưng với sự dẫn dắt của ông thì tổ chức ngày càng trưởng thành hơn, trở thành lực lượng mạnh mẽ trong cuộc trường chinh 10 ngàn ngày và đánh bại 10 đại tướng quân đội viễn chinh nhà nghề của hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ. Vai trò của ông còn là đưa ra những chiến thuật cụ thể phù hợp với từng trận đánh. Ông đã tổng hợp độc đáo các học thuyết quân sự mácxít kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, vận dụng khôn khéo vào những điều kiện của một quốc gia có “đất đai tương đối hẹp”. Dù không được đào tạo bài bản qua trường lớp nhưng những chiến thuật của ông xuất phát từ thực tế chiến trường nhằm giải quyết những tình huống ngoài dự kiến và lật đổ thế cờ. Ông luôn chú trọng nghệ thuật lấy ít địch nhiều, lấy yếu chế mạnh, lấy thô sơ thắng hiện đại,…Trong kháng chiến chống Pháp, chính ông là người đã buộc thực dân Pháp phải thất bại trong chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” khi đánh vào Hà Nội cuối năm 1946 và Việt Bắc Thu - Đông 1947. Trong Chiến dịch Biên giới 1950 với mưu kế “đánh điểm, diệt viện” ông chia nhỏ lực lượng quân Pháp sau đó thực hành trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ toàn thắng với phương châm “đánh chắc, tiến chắc”.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông là một trong những người đã góp phần quan trọng đưa cách mạng miền Nam chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Trên cương vị Tổng Tư lệnh, ông đã cùng Bộ Thống soái tối cao đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn. Dấu ấn của ông đặc biệt rõ nét trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, trong các chiến dịch Xuân - Hè năm 1972, trong “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972 và đặc biệt trong đại thắng mùa Xuân 1975 với Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch tiến công Huế, Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Với trận Điện Biên Phủ năm 1954, nhân thấy giải pháp “đánh nhanh thắng nhanh”không phù hợp với lực lượng quân ta Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kiên trì thuyết phục Đảng ủy mặt trận và cố vấn Trung Quốc thay đổi cách đánh từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc”. Với quyết định sáng suốt và tinh thần sẵn sàng chịu trách nhiệm, Đại tướng đã làm nên chiến thắng quyết định Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954, kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống Pháp. Trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975, Đại tướng Tổng Tư lệnh ra lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. “Quyết chiến và toàn thắng”. Mệnh lệnh nổi tiếng ấy như một lời hịch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, khi đọc lên, mệnh lệnh đó âm vang trong tâm hồn như một lời hịch của non sông đất nước. Và rồi, sau 23 ngày nhận được chỉ đạo “thần tốc, táo bạo”, 11 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975, cờ Giải phóng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập, đất nước hoàn toàn giải phóng.Vai trò của ông là xây dựng lực lượng độc đáo, sáng tạo và toàn diện. Ông đặc biệt quan tâm nghiên cứu xây dựng và phát triển lực lượng thích ứng với tình thế từng thời kỳ chiến tranh. Đó là việc tổ chức hậu cần đảm bảo thông tin liên lạc và giao thông vận tải chỉ với những phương tiện thô sơ như xe đạp thồ, gồng gánh,…thế mà đánh bại nền hậu cần khổng lồ của Mĩ. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã dựa vào nhân dân để tổ chức, xây dựng quân đội và chỉ huy quân đội đánh giặc. Đại tướng luôn chăm lo xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam thực sự là quân đội cách mạng, quân đội nhân dân - từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó mật thiết với nhân dân. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Sự ảnh hưởng của ông là không nhỏ đối với Quân Đội Nhân dân Việt Nam. Ngay từ giai đoạn hình thành ông đã dạy cho các chiến sỹ về những điều cần làm và những điều cần tránh về mối quan hệ quân- dân-cá-nước để từ đó hình thành phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ. Chính tư tưởng xây dựng quân đội nhân dân nên trong suốt quá trình chiến đấu và xây dựng, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, luôn được nhân dân nuôi dưỡng, che chở, biết dựa vào dân, phát huy sức mạnh của dân để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao…Ông đã giác ngộ đông đảo quần chúng nhân dân trở thành chiến sỹ Quân giải phóng. Những câu nói của ông đã góp phần thôi thúc tinh thần quyết tiến lên chiến đấu của các chiến sỹ như: “Chúng tôi trả lời là từ “lo sợ” không có trong tư duy quân sự của chúng tôi, bởi vì với chúng tôi, không có gì quý hơn độc lập tự do, chúng tôi quyết đánh Mỹ và chúng tôi luôn tin tưởng là sẽ thắng”. Để giáo dục cho quân đội, ông đã viết tác phẩm lý luận về đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, nêu cao tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh”. Ông là vị cha già là người anh cả đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam đã để lại nhiều bài học quý báu và những chiến công lịch sử chói lọi cho thế hệ chiến sỹ noi theo. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, văn võ song toàn. Ông là một người yêu nước từ thuở học trò, đến một người cộng sản chân chính - chân chính đến tận cuối đời; đã từ một giáo sư sử học không qua một trường lớp quân sự, trưởng thành từ thực tiễn chiến trường để trở thành danh tướng, “một tư lệnh của các tư lệnh, một chính ủy của các chính ủy” - như cách định nghĩa của Thượng tướng Trần Văn Trà. Đức độ, tài năng của ông đã đem lại cho ông niềm tin yêu trọn vẹn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; lòng mến mộ của bạn bè quốc tế và cả sự khâm phục của những người ngày xưa còn là đối thủ của ông. Ông là vị tướng quán triệt sâu sắc tư tưởng và phương pháp luận Hồ Chí Minh, là người cầm quân tiếp thu và thể hiện đầy đủ tư cách một người tướng gồm sáu đức tính Trí - Tín - Dũng - Nhân - Liêm - Trung mà Bác Hồ đã dạy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tiếp thu và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh và kế thừa những truyền thống tinh hoa của dân tộc, trí tuệ dân tộc. Ông có đóng góp to lớn vào kho tàng lý luận quân sự Việt Nam. Võ Nguyên Giáp là một vị tướng chỉ huy có tài thao lược, trí tuệ quân sự, mưu kế chiến lược, lý luận quân sự sáng tạo được lãnh tụ Hồ Chí Minh giáo dục, rèn luyện và được cuộc chiến tranh cách mạng hun đúc. Ông là một vị tướng của nhân dân, vị tướng của quân đội cách mạng. Đối với các thế hệ khoác áo lính trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, ông bao giờ cũng là vị Tổng tư lệnh tối cao nhất mực, người “Anh Cả” kính mến. Ảnh hưởng và uy tín của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chẳng những đã từng sâu sắc, mạnh mẽ trong hơn 30 năm kháng chiến, mà vẫn tiếp tục sâu sắc và mạnh mẽ ngay cả vào thời điểm hiện nay, hơn 20 năm sau khi ông lần lượt thôi giữ các trọng trách trong Đảng, Nhà nước và Quân đội.Tên tuổi nhà quân sự tài ba Võ Nguyên Giáp đã được khắc ghi trong cuốn Danh nhân Văn hoá thế giới. Ông là một nhân vật đã đi vào huyền thoại, một trong những con người tiêu biểu nhất cho dân tộc Việt Nam hôm nay và mai sau.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Thế hệ trẻ ngày nay cần học tập, rèn luyện theo tấm gương sáng ngời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để góp sức đưa công cuộc xây dựng đất nước lên một tầm cao mới. Đó là giá trị về đạo đức, về phẩm chất, về tài năng, về sự cống hiến, đặc biệt là về ý thức trách nhiệm của một người chiến sĩ tuyệt đối trung thành với lý tưởng, một lòng vì nước, vì dân. Chúng ta cần phải tự hào về vị Đại tướng tài giỏi của dân tộc. Bản thân mỗi người cần phải sống có ích đóng góp công sức của mình nhằm dựng xây quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Dù vị Đại tướng đã ra đi nhưng trong lòng mỗi con người Việt Nam vẫn còn sống mãi hình tượng người anh hùng của lịch sử dân tộc. Vai trò và ảnh hưởng của ông đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn tồn tại mãi mãi.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: right;"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">HUỲNH VĂN ĐẶNG </span></span></strong><em><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">(ĐH Công nghệ thông tin)</span></span></em><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span></span></div> </html>