<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><strong>Bài dự thi cuộc thi viết về hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ:</strong></span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Màu áo đẹp nhất là màu áo lính xanh</span></span></strong></span></div>
<div style="text-align: left;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Thần tượng trong tôi từ bé tới giờ là anh bộ đội Cụ Hồ, ước mơ trong tôi từ bé tới giờ, cũng là anh bộ đội Cụ Hồ.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Đó là niềm tự hào không chỉ của riêng tôi mà là của tất cả mọi thành viên trong gia đình. Ông bà tôi là bộ đội tập kết, bác tôi là liệt sĩ, bố mẹ là bộ đội, ông bà ngoại có bao nhiêu con rể là bấy nhiêu người đều là bộ đội hết. Ấy thế nên mọi người hay nói vui với tôi, là con bé này lấy chồng bộ đội theo truyền thống của gia đình luôn đi nhé.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Từ bé tôi đã yêu bộ đội rồi. Tình yêu ấy, có lẽ xuất phát từ gia đình có cả bố và mẹ đều làm bộ đội. Những năm tháng ấu thơ của tôi được nuôi lớn bằng những trận đánh hào hùng của dân tộc, bằng những vất vả gian khổ trong cuộc đời binh nghiệp của bố. Những câu chuyện bố kể không chỉ truyền cho tôi kiến thức mà còn truyền cho tôi tình yêu, tình yêu đối với những người lính Cụ Hồ. Tôi quen lắm những ngày bố đi công tác xa nhà triền miên, quen lắm những ngày bão mẹ con thấp thỏm ở nhà đợi mong bố về...Thương đứa em trai mấy năm rồi sinh nhật vắng bố, thương cả những lần nhà có "biến" mẹ con phải dựa vào nhau. Cứ vậy, từng ngày, từng ngày, tình yêu ấy lớn dần lên. Để rồi một ngày, tôi thấy tim mình rung động khi bắt gặp màu áo lính, để nói vui là tôi hay "tra tấn" bạn bè mình bằng cách suốt ngày nghêu ngao nhạc cách mạng, để chương trình gì có bộ đội là tôi tham gia chẳng đắn đo.<br />
<br />
Lúc tôi học tiểu học, trong tập hồ sơ giấy tờ mẹ chuẩn bị cho tôi mang theo người mỗi khi tới trường, luôn có một tấm ảnh đen trắng. Đó là tấm ảnh mang tên “Nụ cười chiến thắng”, mẹ cắt ra từ một tờ báo cho tôi, được dán băng keo bọc xung quanh cẩn thận để hạn chế hư hỏng. Tôi mang theo tấm ảnh đó mỗi ngày đi học, tựa như đó là nguồn sức mạnh để vượt qua khó khăn. Lần đầu tiên nhìn thấy tấm ảnh đó, tôi đã ấn tượng mãi. Những nụ cười rạng ngời lạc quan giữa ngay chiến trường ác liệt. Điều đó đã khiến tôi xúc động và cảm phục biết bao. Tôi nhớ nhất là dòng thông tin trong bài báo, dòng tin ấy kể rằng chỉ ít phút sau khi tấm ảnh đó được chụp, có một vài nụ cười trong đó đã hi sinh. Quảng Trị mùa hè năm 1972 – đó là một sự kiện mà khi nhắc đến không ít người sẽ cảm thấy đau từng khúc ruột. Tấm ảnh đó được chụp vào những tháng ngày đỏ lửa như thế. Từ lần đầu tiên nhìn thấy bức ảnh, từng ngày trôi qua, tôi đều đi tìm câu trả lời rằng sức mạnh từ đâu để khiến những người chiến sĩ ấy lạc quan và kiên cường đến thế? Những nụ cười nhỏ bé mà đầy uy lực ấy có phải chính là một phần lí do mà cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc đi đến thắng lợi hay không?</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Miền Trung quê tôi bão nhiều. Mỗi mùa bão tôi lại thấy màu áo xanh thấp thoáng bên đê bên đập, màu áo xanh lội bì bõm trong nước cõng người già bế trẻ em, màu áo xanh cùng người dân thu dọn sau bão, và cả những màu áo xanh nằm lại mãi nơi cỏ cây những mùa bão ấy. Màu áo ấy đã thành nơi để người dân gửi trọn niềm tin yêu. Màu áo xanh thời bình là màu áo xanh đi qua mưa lũ, mang bao hi vọng và hồi sinh về cho mảnh đất quê hương. Những điều giản dị mà thân thương ấy, luôn là động lực, là sức mạnh để tôi vững bước trên đường dài.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Chính bởi tất cả những điều đã đi cùng với tuổi thơ ấy, mà hôm nay, hành trang tôi mang theo khi đi học xa nhà là từng dòng văn trong cuốn nhật kí của chị Trâm anh Thạc; là tình cảm dành cho vị Đại tướng của nhân dân như người ông trong gia đình; là tình yêu biên cương hải đảo chảy rần rật trong huyết mạch; là ý thức về lãnh thổ, về chủ quyền quốc gia, và lòng tự hào dân tộc luôn sục sôi trong tế bào.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tôi chưa từng tận mắt chứng kiến hay tiếp xúc nhiều với cuộc sống của những người lính. Nhưng qua những bài báo, phóng sự, những dòng tâm tư của các anh, cũng khiến tôi đủ xúc động để rơi nước mắt rồi. Người lính - họ là những người hi sinh nhiều nhất, và những hi sinh đó cứ thầm lặng mãi thôi. Đất nước này, mang ơn các anh nhiều lắm. Thế hệ cha ông năm xưa đem lại cho tôi tình yêu vào bộ đội Cụ Hồ, và những người lính hôm nay đã gìn giữ cho tôi tình yêu ấy. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tình yêu người lính trong tôi là một tình yêu đã thành lí tưởng, nó bất khả xâm phạm, kiên định và vĩnh cửu. Với tôi, người lính như những người anh hùng mang vẻ ngoài giản dị và lặng lẽ. Người lính - chưa bao giờ tôi thấy điều gì đẹp hơn thế. Xin trích dẫn hai câu thơ mà một lần tình cờ tôi bắt gặp được ở đâu đó, gói gọn bao tình cảm tôi dành cho người lính bộ đội Cụ Hồ. "Sao sáng nhất là ngôi sao trên mũ Màu áo đẹp nhất là màu áo lính xanh"./.<br />
</span></span></div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><strong><br />
TRẦN THỊ DIỆU HIỀN </strong><em>(ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM)</em><br />
<br />
<br />
</span></span></div> </html>