<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Ông Châu Minh Tỷ</title>
</head>
<body>
<p class="pSuperTitle" align="left"><font face="Arial" size="2"><b>Ông Châu Minh
Tỷ, Giám đốc Sở nội vụ TP.HCM: </b></font></p>
<p class="pTitle" align="center"><font color="#0000FF" face="Arial" size="2"><b>
Mạnh dạn giao việc cho lớp trẻ</b></font></p>
<table style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" id="table9">
<tr>
<td>
<img border="0" src="manh%20dan%20giao%20viec%20cho%20lop%20tre.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2">Trong kháng chiến, anh em cán bộ chúng ta chỉ học
được cấp I, cấp II nhưng họ vẫn làm rất tốt nhiệm vụ được giao. Còn lớp trẻ bây
giờ được học đến đại học, trên đại học, bằng cấp này bằng cấp kia có đầy đủ chưa
kể công cụ hỗ trợ như sách, báo, tài liệu, vi tính, Internet... </font>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Cán bộ trẻ bây giờ có lợi thế gấp
chục lần so với lớp trước. Cho nên cứ mạnh dạn giao việc chính quyền cho họ mà
không phải bâng khuâng nhiều về vấn đề năng lực, trình độ.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Một anh cán bộ có trình độ, có kiến
thức, có năng lực thì đương nhiên sẽ giải quyết công việc cho dân dễ dàng và
nhanh chóng hơn lớp cán bộ già.</font></p>
<table style="border-collapse: separate" borderColor="#ecf2fe" cellSpacing="5" borderColorDark="#456ae1" cellPadding="4" width="200" align="right" borderColorLight="#4792d9" border="0" id="table10">
<tr>
<td vAlign="center" bgColor="#cfe6f9">
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">“Người dân trả lương cho
anh với mong muốn anh làm việc cho dân chứ không phải để bị anh hành,
hoạnh họe hay làm khó”</font></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2"><i><b>* Tuy nhiên, có nhiều quận hiện nay không có
chủ tịch phường nào dưới 30 tuổi. Theo ông, đâu là nguyên nhân?</b></i></font><p class="pBody">
<font face="Arial" size="2">- Có thể do chúng ta chưa quyết liệt bàn giao, nhưng
nguyên nhân chính, theo tôi là do cơ chế, chính sách chưa hấp dẫn để thu hút
người trẻ tốt nghiệp đại học về phường làm việc, khiến nguồn nhân lực ở cơ sở
rất nghèo nàn. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Nhưng gần đây, khi TP có cơ chế
khoán kinh phí, khoán biên chế, đồng thời có chính sách phụ cấp cho người có
trình độ đại học về phường làm việc thì nhiều sinh viên sau khi ra trường đã
đăng ký về phường. Tại quận Gò Vấp, nhu cầu cán bộ cho các phường mới vừa tách
là 140 người. Sau khi quận thông báo tuyển dụng công khai đã có hơn 400 người
tốt nghiệp đại học đến nhận hồ sơ dự tuyển. Với đối tượng này thì mình hoàn toàn
yên tâm về trình độ. Khi tuyển vào rồi thì không phải mất tiền, mất công đào
tạo, chỉ lo tập trung cho việc giáo dục tư tưởng, đạo đức.</font></p>
<p class="pQuestion"><font face="Arial" size="2"><i><b>* Nếu chỉ dựa vào trình
độ năng lực không thôi thì e rằng chưa đủ đối với một cán bộ gần dân như cán bộ
phường?</b></i></font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">- Tất nhiên, điều quan trọng mà ai
cũng cần, cũng muốn đối với một cán bộ công chức là ý thức phục vụ dân, vì đồng
lương, cuộc sống của anh là do người dân lo. Người dân trả lương cho anh với
mong muốn anh làm việc cho dân chứ không phải để bị anh hành, hoạch họe hay làm
khó. </font></p>
<p class="pQuestion"><font face="Arial" size="2"><b><i>* Nhưng thực tế người dân
vẫn còn bị làm khó nhiều quá?</i></b></font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">- Điều đó là có thật, tuy nhiên
người dân bị làm khó do nhiều nguyên nhân. Có thể do cán bộ thiếu cái tâm, nhưng
cũng có thể do qui định của chúng ta chưa cụ thể, chưa rõ ràng.</font></p>
<p class="pInterTitle"><font face="Arial" size="2"><b>Ông Lê Hiếu Đằng, phó chủ
tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM: Cán bộ trẻ cần được giám sát liên tục</b></font></p>
<table style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" id="table11">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img class="lImage" onclick="return showImage(this.src)" height="200" hspace="0" src="http://tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=153403" width="150" border="1" Hyperlink></font></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2">Điều tôi quan tâm và đòi hỏi ở những cán bộ trẻ này
là cái tâm công chức. Cái tâm đó phải được cụ thể hóa bằng những việc như ý thức
về trách nhiệm của người đầy tớ, có tinh thần trọng dân, phục vụ người dân. Rất
nhiều cán bộ trẻ bị chê về văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp, coi thường người
dân. </font>
<p class="pQuestion"><font face="Arial" size="2"><i><b>* Theo ông, so với lớp
người đi trước, cán bộ trẻ ngày nay còn thiếu điều gì?</b></i></font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">- Rèn luyện. Nhiều người không được
trui rèn, không được thử thách mà cứ từ hoạt động Đoàn, Hội ở cơ sở rồi vào
Đảng, sau đó cố gắng làm cho tròn bổn phận, không dám làm mích lòng ai để rồi vô
lãnh đạo chính quyền... Vì dễ dãi như vậy nên nhiều người vào Đảng với động cơ
không trong sáng, họ vào Đảng vì mục đích cá nhân, là điều kiện để tiến thân.
Gặp những cán bộ như vậy thì người dân sẽ không được hưởng lợi gì.</font></p>
<p class="pQuestion"><font face="Arial" size="2"><i><b>* Nếu “chữ tâm” chưa
tròn, thử thách chưa qua, ý thức phục vụ chưa cao, theo ông, đâu là giải pháp để
hoàn thiện đội ngũ cán bộ trẻ ngày nay?</b></i></font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">- Chúng ta phải có ý thức đào tạo
một đội ngũ cán bộ hành chính chuyên nghiệp, có nghề rồi cho thử thách trong một
thời gian trước khi bố trí công việc. Sau đó, việc rất cần là sự kiểm tra, giám
sát. Công tác kiểm tra phải liên tục để cán bộ biết rằng họ luôn bị giám sát.
Lâu nay, theo quan sát của tôi, vai trò của cấp ủy phường xã còn mờ nhạt, nhất
là trong công tác kiểm tra. </font></p>
<p class="pQuestion"><font face="Arial" size="2"><i><b>* Được biết, vừa qua Ủy
ban MTTQ TP có tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt ở phường xã,
theo ông, việc làm này có tác dụng gì?</b></i></font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">- Tỉ lệ phiếu tín nhiệm là mức độ
uy tín của cán bộ. Ví dụ anh chủ tịch A có tỉ lệ tín nhiệm là 70% thì buộc anh
phải suy nghĩ và tự hỏi mình tại sao chỉ có 70% mà không được 80% hay 100%, từ
đó anh ta phải suy nghĩ và tự hoàn thiện mình nếu không năm sau tỉ lệ phiếu sẽ
thấp hơn, uy tín sẽ giảm và mất đi.</font></p>
<p class="pInterTitle"><font face="Arial" size="2"><b>Bí thư Quận ủy quận 1 Lê
Bá Cần: Đừng mơ lên chức nếu không phục vụ dân cho tốt</b></font></p>
<table style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" id="table12">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img class="lImage" onclick="return showImage(this.src)" height="200" hspace="0" src="http://tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=153404" width="150" border="1" Hyperlink></font></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2">Quận 1 mạnh dạn đề bạt, bố trí những người trẻ vào
các vị trí chủ chốt, vì đây là qui luật khách quan. Mình lớn tuổi, già rồi thì
đến lúc phải lùi về phía sau, để lớp trẻ kế thừa gánh vác công việc. Nhưng thật
tình, nói trẻ là so với thời buổi bây giờ, chứ so với cán bộ ta sau ngày giải
phóng thì không trẻ đâu. </font>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Mục đích của chúng tôi khi “gieo”
cán bộ trẻ về cơ sở là để tìm “cây con tốt”, nhằm tạo nguồn cán bộ lãnh đạo sau
này. Trong mười cán bộ trẻ, tôi mong có vài ba người có sức bật tốt với phẩm
chất đạo đức, ý thức quần chúng cao... là quí lắm rồi, không thể đòi hỏi 100%
được. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Tại sao lại chọn phường là nơi để
“gieo”? Vì không ở đâu tốt hơn ở phường, gần và sát dân nhất, được nhân dân giám
sát. Ở đó còn có các chú các anh cựu chiến binh, hưu trí, đảng viên... góp ý phê
bình nên không dám ẩu. Phường là “lò rèn” rất tốt trong các “lò rèn” cán bộ trẻ.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Nếu hỏi các cán bộ trẻ sẽ làm được
gì cho dân thì xin trả lời rằng qua quan sát, tôi thấy họ có những biểu hiện rất
tích cực, đáng kể nhất là thái độ phục vụ và ý thức lo cho dân. Họ tỏ ra là
những người chịu làm, xốc vác. Thường khi người dân có công việc cần, nếu trong
tầm tay thì họ giải quyết ngay chứ không chần chừ. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Tuy nhiên, họ còn nhiều “bệnh”,
nhiều nhược điểm lắm. Những thứ “bệnh” hết sức nguy hiểm là chạy theo thành
tích, làm ít báo cáo nhiều hoặc thiếu trung thực. Có việc đáng ra phải báo cáo
thì có em sợ ảnh hưởng đến thành tích, cứ giấu nhẹm đi. Cũng do trẻ nên các em
còn thiếu bản lĩnh, chưa dám quyết đoán. Với những cán bộ trẻ không có tính
trung thực và thái độ cầu tiến, chúng tôi sẽ phải cắt ngay, không để lâu. Chúng
tôi đã xử lý hai cán bộ trẻ như vậy rồi.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Khi chọn lựa thì chúng tôi đã “xem
giò xem cẳng” kỹ. Trước khi vào cương vị chủ chốt, hầu hết họ được sinh hoạt rất
kỹ về chữ tâm. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Nếu có suy nghĩ về phường để rồi
lên chức là tai hại. Phường là nơi để anh thể hiện, để quần chúng nhân dân đánh
giá, nếu anh không chứng tỏ được mình thì đừng mơ đến điều đó. n</font></p>
<p class="pInterTitle"><font face="Arial" size="2"><b>Thạc sĩ Vũ Thế Truyền,
trưởng khoa khoa học trường Cán bộ TP.HCM: Tập trung nâng cao uy tín cán bộ cơ
sở</b></font></p>
<table style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" id="table13">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img class="lImage" onclick="return showImage(this.src)" height="200" hspace="0" src="http://tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=153405" width="150" border="1" Hyperlink></font></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2">Năm 2005, Trường Cán bộ TP.HCM đã nghiên cứu đề tài
“Uy tín của người lãnh đạo, quản lý ở cơ sở”. Do chỉ triển khai khảo sát, nghiên
cứu trên phạm vi một quận nên tôi không dám kết luận cho tổng quát. Tuy nhiên,
trong giới hạn quận đó, có thể thấy rằng uy tín của cán bộ quản lý cấp phường
không được đánh giá cao. Trong đó đạo đức và lối sống là hai yếu tố chính thường
gây “điểm thấp” cho họ.</font><p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Khi
khảo sát, chỉ số “lo cho dân” của cán bộ phường bị đánh giá thấp nhất trong các
chỉ số mục tiêu. Đây là vấn đề cần nghiêm túc nhìn nhận. Cái mà người dân cảm
nhận được ngay là cán bộ cơ sở thiếu quan tâm hoặc không lo cho dân, ngược lại
có biểu hiện vun vén cho cá nhân mình. Người dân nói trước đây cán bộ thường lo
trước cái lo thiên hạ, vui sau khi thiên hạ vui, còn ngày nay thì ngược lại, lý
tưởng sống khác xưa rất nhiều. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Ngày trước người ta vào Đảng là để
chịu gông cùm, tù đày, tra tấn; ngày nay nhiều người vào Đảng để được sung
sướng, nên người dân thường nghi ngờ động cơ vào Đảng. Một khi lối sống không
được đánh giá cao, người ta dễ dàng suy ra đạo đức anh như thế nào. Rồi người
dân không phục cán bộ cơ sở khi thấy biểu hiện “một người làm quan cả họ được
nhờ”. Có trường hợp bản thân cán bộ là rất tốt nhưng bà con họ hàng ỷ thế cậy
quyền.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Tôi thấy có mấy vấn đề cần quan
tâm. Thứ nhất là làm sao giáo dục cho được các cán bộ trẻ ở phường xã để họ dị
ứng với cái xấu, cảm thấy xấu hổ, nhục nhã khi làm điều không tốt, khi bị người
dân chê trách. Có thực tế là trong nền giáo dục của chúng ta nói chung còn thiếu
môn học làm người, còn trong dạy cán bộ chưa có môn riêng về đạo đức công chức,
đạo đức trong công vụ. Thứ hai, theo tôi, không nên bố trí cán bộ lãnh đạo ở nơi
anh ta sinh trưởng, lớn lên và cư ngụ. Nếu không làm như vậy, tôi đoan chắc dù
anh ta là người công tâm đến mấy cũng khó mà trong sáng được. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Và để việc phục vụ người dân được
liên tục, theo tôi, cần thiết phải thay đổi ngay thói quen bổ nhiệm trước đào
tạo sau, thay vào đó là đào tạo xong rồi hãy bổ nhiệm, nếu cứ làm theo kiểu cũ
thì không tạo ra ý thức, động lực cho cán bộ. Rất mong những người làm công tác
nhân sự quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo, giáo dục cán bộ, để làm sao cán bộ
trẻ biết rằng uy tín của họ luôn bị săm soi, trong đó chỉ số “lo cho dân” là chỉ
số tối trọng.</font></p>
<table style="border-collapse: separate" borderColor="#ecf2fe" cellSpacing="5" borderColorDark="#456ae1" cellPadding="4" width="80%" align="center" borderColorLight="#4792d9" border="0" id="table14">
<tr>
<td vAlign="center" bgColor="#cfe6f9">
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Bí thư Quận ủy Q.1 (TP.HCM)
Lê Bá Cần cho biết toàn quận có 10 phường, nhưng số cán bộ chủ chốt như
bí thư, chủ tịch phường thuộc diện trẻ cũng có hơn 10 người, nếu cộng cả
phó bí thư, phó chủ tịch thì con số đó gần 30. Có thể nói Q.1 là một
trong những địa phương đi đầu trong việc mạnh dạn giao việc cho cán bộ
trẻ. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Trong khi đó, theo ông Phạm
Công Nghĩa, chủ tịch UBND quận Phú Nhuận, cả quận có bảy chủ tịch phường
dưới 35 tuổi, trong đó có hai người dưới 30. Ông Nghĩa đánh giá những
cán bộ trẻ như vậy rất nhiệt tình, sôi nổi, nhất là chịu lặn lội xuống
cơ sở, khu phố để gặp gỡ người dân. Trong năm 2005, dư luận TP.HCM đã
từng xôn xao khi biết tin phó chủ tịch UBND Q.3 Hà Phước Thắng mới có 29
tuổi, là phó chủ tịch quận trẻ nhất TP.HCM. </font></td>
</tr>
</table>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo Tuổi Trẻ </i></b></font>
<b><i><font face="Arial" size="2">cuối tuần</font></i></b></p>
</body>
</html>