<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Các môn học xã hội - Phương pháp</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" color="#0000FF" size="2">Các môn học xã
hội - Phương pháp hay sẽ mang lại hiệu quả</font></b></p>
<p><b><font face="Arial" color="#808080" size="2">Thực trạng giáo dục của nước
ta hiện nay đang có nhiều bất cập, trong đó có việc học tập các môn học xã hội
trong nhà trường. Sinh viên, học sinh hầu như chỉ chăm chút vào các môn học tự
nhiên mà "lãng quên" hoặc lơ là với các môn học xã hội. Vậy làm thế nào để học
tốt các môn xã hội trong nhà trường? Nhân dịp đầu năm học mới, Thông tin trong
Đoàn xin chia sẻ "bí quyết" học tập cùng các bạn:</font></b></p>
<p><font face="Arial" size="2">Nền giáo dục đất nước ta đang có những bước cải
tiến, nỗ lực phát triển để phù hợp với sự phát triển chung của thế giới. Những
công trình khoa học, những huy chương, thứ hạng cao của sinh viên, học sinh Việt
Nam trên đấu trường quốc tế đã minh chứng sự tiến bộ ấy. Nhưng bên cạnh đó, vẫn
còn không ít các "tác phẩm" là "những bài văn lạ", những câu văn gây sốc, những
kiến thức lộn xộn, chắp nối để cho ra đời những bài thi "không thể tưởng tượng
được". Đó cũng là bằng chứng rất rõ cho nhận định: tình trạng mơ hồ kiến thức
các môn xã hội trong học sinh, sinh viên Việt Nam là đáng lo ngại. Trong nhà
trường, các môn học xã hội bị lơ là, xem nhẹ vì chúng "khó nuốt", việc dạy của
giáo viên bộ môn gây nhàm chán. Vậy, làm cách nào để học tốt các môn xã hội
trong nhà trường? </font></p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="cac%20mon%20xa%20hoi.gif"></font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Ở cấp Trung học cơ sở (THCS), hầu hết các môn học
đều được học sinh quan tâm và phân bổ thời gian học tập hợp lý. Bạn Nguyễn Quỳnh
- học sinh trường THCS Lê Văn Tám kể: "Mỗi ngày Quỳnh đều dành thời gian học các
môn xã hội như Văn, Sử, Địa. Các môn này phần lớn đã được sách giáo khoa cung
cấp đầy đủ kiến thức, còn mang tính đại cương hình thành nên cái nhìn tổng quát
cho học sinh. Vì vậy, nếu chịu khó xem bài vở trước và sau khi đi học thì chắc
chắn sẽ dễ dàng tiếp thu bài giảng trên lớp hơn". </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Đối với cấp Trung học phổ thông (THPT), học sinh
có khuynh hướng học chuyên những môn cho khối thi đại học. Ở một số trường phổ
thông phân ban A, B, C, các môn học xã hội thường chỉ được các bạn theo Ban C
đầu tư, những Ban khác hầu như các bạn chỉ học để thi tốt nghiệp hay đủ điểm
vượt qua. Điều đó dẫn đến tình trạng học lệch ở học sinh THPT, trong khi đó,
những kiến thức xã hội cần thiết lại tập trung rất nhiều ở cấp lớp này. Khi đã
hổng kiến thức, học sinh khó tránh khỏi sự lúng túng khi trình bày kiến thức
những môn học xã hội, dẫn đến sai lệch nội dung hoặc "lấy đầu này chắp đuôi nọ".
Tuy nhiên, "sẽ không quá khó nếu bạn có phương pháp học phù hợp" - đó là khẳng
định của bạn Nguyễn Hương Trang - học sinh Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa.
Hương Trang cho biết: "Sau này mình sẽ thi vào Trường Đại học Ngoại Thương nên
chủ yếu học các môn Toán, Anh văn và Văn. Mặc dù vậy, điểm các môn xã hội của
Trang cũng không tệ đâu nhé (từ điểm 8 trở lên). Đó là nhờ thời khoá biểu học
tập hợp lý của mình. Hằng ngày mình học từ 2 đến 3 giờ đồng hồ, một nửa để giải
quyết các môn xã hội vì các môn này đòi hỏi khá nhiều thời gian. Mình không hoàn
toàn học từng chữ trong sách vở mà dành thời gian để tìm hiểu các kiến thức đó.
Mặt khác không nên chỉ nghe thầy cô đọc rồi chép trên lớp mà nên ghi lại lời
thầy cô theo ý của mình để dễ tiếp thu bài hơn." </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Nếu như ở bậc THCS, THPT, các môn xã hội là Văn,
Sử, Địa, Giáo dục Công dân... thì lên bậc Đại học, Cao đẳng, các môn xã hội
nhiều và "hóc búa" hơn như: Triết học, Xã hội học, Lịch sử văn minh
thế giới, Lịch sử Đảng, Tiếng Việt thực hành, Cơ sở ngôn ngữ... Những môn này
khi được nhắc đến, hầu như sinh viên nào cũng lắc đầu, chặc lưỡi. Một thực tế
rằng, ở giảng đường vào giờ học các môn xã hội: thời gian chậm chạp trôi qua,
không khí nặng nề, giảng đường lác đác, gương mặt uể oải của sinh viên bên dưới
và giáo viên độc thoại bên trên. Khi được hỏi, hầu như bạn nào cũng thẳng thừng
cho biết: "Chỉ mong qua khỏi, không bị thi lại là may". Trong những năm đầu học
chương trình đại cương, ai cũng phải chăm chỉ "cày" để có số điểm tạm chấp nhận,
để các năm sau tập trung cho các môn chuyên ngành. Tuy nhiên đó không phải là
phương pháp hay. Bạn Ánh Nguyệt - sinh viên Khoa Báo chí, trường Đại học Khoa
học xã hội và Nhân văn cho biết: "Có nhiều môn xã hội giáo viên dạy rất hay,
kiến thức phong phú và chuyên sâu nhưng chưa đủ để truyền đạt niềm niềm say mê
cho sinh viên. Bên cạnh đó, các trình học còn hạn chế nên chưa đủ thời gian để
sinh viên cảm thụ. Vì thế kiến thức các môn này dễ bị lướt qua để kịp chương
trình. Điều cần thiết khi tiếp thu các môn xã hội trong trường Đại học là bản
thân sinh viên phải có cách cảm nhận riêng và phương pháp phù hợp với thời gian
và điều kiện của mỗi người. Theo mình, các môn xã hội dù khó nuốt nhưng nếu biết
vận dụng kiến thức giảng đường với những thông tin góp nhặt được từ cuộc sống
qua các phương tiện truyền thông báo chí thì sẽ dễ dàng hiểu vấn đề hơn." </font>
</p>
<p><font face="Arial" size="2">Bạn Ngô Thị Hoa Mai - sinh viên năm 4, khoa Sử
trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thì cho biết: "Với những sinh viên
theo chuyên ngành xã hội như mình thì những nền tảng kiến thức đã được xây dựng
khá vững chắc từ những năm học ở cấp dưới. Đó là tiền đề cho việc mở rộng và
nâng cao kiến thức ở những cấp học cao hơn". </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Bạn Thanh Tuyên - sinh viên trường Đại học Kinh
tế Thành phố Hồ Chí Minh hào hứng kể: "Môn xã hội với sinh viên chuyên tự nhiên
được xem là chất dễ gây dị ứng. Một phương pháp mà mình và các bạn cùng phòng
hay làm để xử lý các môn Triết học, Tư tưởng... là vạch ý, vẽ sơ đồ và giải bằng
chính lời văn của mình chứ không phải bê nguyên si bài giảng của thầy cô vào bộ
nhớ rồi "trả lại" trong các kỳ thi. Tất nhiên không thể tránh khỏi tình trạng
dân tự nhiên đi cầu cứu giáo viên hoặc dân xã hội khi gặp vấn đề hóc búa”.
</font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Đôi khi chúng ta cần biết vận dụng lợi thế của
các môn xã hội là tranh luận. Những tiết học sẽ rất ngắn và hiệu quả nếu có sự
đối thoại giữa các học sinh, sinh viên, giáo viên. Hiểu điều đó nên không ít bạn
"chưa rõ mà vẫn cãi" để lớp học trở nên sôi nổi và nhẹ nhàng hơn. Khi cả lớp
cùng tham gia trình bày ý kiến từ đó rút ra kết luận thì nghĩa là bài học đã
được tiếp thu một cách dễ dàng và nhanh chóng. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Theo cô Quỳnh Giang - Phó Khoa Báo chí Trường Cao
đẳng Phát thanh - Truyền hình 2 cho biết: "Điều quan trọng để sinh viên hứng thú
với các giờ xã hội là giáo viên với phương pháp truyền đạt của mình, khơi gợi
trong sinh viên, học sinh niềm say mê, hứng thú với bài học. Bên cạnh những giờ
lên lớp giảng dạy, giáo viên nên để các em có cơ hội nêu lên ý kiến độc lập của
mình và tôn trọng ý kiến đó. Trong một số giờ học giáo viên chỉ nêu ra vấn đề và
nhường lại bục giảng cho các em thể hiện kiến thức và cách trình bày nội dung
chủ đề. Như vậy kiến thức đi vào học sinh rất nhẹ nhàng và tinh thần học tập
thoải mái sẽ nhân lên niềm say mê với các môn xã hội của học sinh, sinh viên".
</font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Nếu nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ thì nỗi
"ngao ngán" các môn xã hội của học sinh, sinh viên xuất phát từ nhiều nguyên
nhân nhưng nguyên nhân chính là từ phương pháp học các môn xã hội còn khá rập
khuôn, dựa vào văn mẫu quá nhiều. Nếu mỗi học sinh, sinh viên có cách nhìn nhận
đúng và phương pháp học tập phù hợp thì các môn học xã hội sẽ rất thú vị, qua đó
các bạn sẽ thấy: chân trời kiến thức thật là bao la và những gì chúng ta học
được quả thật là nhỏ bé. Chúc các bạn sẽ học tập thật tốt các môn học xã hội
trong nhà trường và đạt kết quả cao trong năm học 2006 - 2007 này nhé! </font>
</p>
<p align="right"><b><font face="Arial" size="2">MINH NGUYỆT</font></b></p>
</body>
</html>