<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=utf-8">
<title></title>
<div style="text-align: center;"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Các địa điểm di tích lịch sử: </span></span></strong><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng</span></span><br />
</strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Liên hiệp xí nghiệp Ba Son ngày nay là một xưởng sửa chữa và đóng tàu lớn, địa chỉ tại số 2 đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một di tích lịch sử mang nhiều ý nghĩa. Là dấu tích cổ còn lại của một công trường thủ công lớn, một ngành công nghiệp quan trọng ra đời sớm nhất của Sài Gòn xưa. Là cái nôi của phong trào đấu tranh của các tầng lớp công nhân Sài Gòn. Xưởng cơ khí mang số 323 đường số 12 trong khuôn viên xí nghiệp là nơi người thợ máy Tôn Đức Thắng (sau này là Chủ tịch nước Việt Nam - từ 1969 đến 30/08/1980) đã từng làm việc và hoạt động cách mạng trong những năm 1915 - 1928.<br />
<br />
Năm 1774, Nguyễn Ánh chiếm lại Sài Gòn. Song song với việc xây thành Bát Quái (thành Qui - 1790), Nguyễn Ánh đã cho lập xưởng Chu Sư (xưởng Thủy) - Trịnh Hoài Đức trong "Gia Định thành thông chí" đã viết: "Xưởng Chu Sư - ở cách phía Đông thành độ một dặm dọc theo bờ sông Tân Bình quanh theo sông Bình Trị, nhà làm gác để hải đạo thuyền cùng là dụng cụ thủy - chiến xưởng dài đến 3 dặm". Trên bản đồ tỉnh Gia Định năm 1815 của Trần Văn Học ghi rõ: "xưởng Thủy nằm phía Đông thành Bát Quái". Đến những năm đầu thế kỷ 19 xưởng đã mở rộng thành một công trường thủ công lớn: "Nơi sản xuất, sửa chữa mọi loại chiến thuyền, nơi đặt lò đúc các hạng súng lớn nhỏ bằng đồng hay bằng gang, nơi tập trung hàng ngàn công nhân với nhiều ngành chuyên môn khác nhau".<br />
<br />
Năm 1861 Pháp hạ Đại Đồn Chí Hòa, chiếm lĩnh Sài Gòn. Ngày 28/4/1863 chính phủ Pháp đã ký nghị định chính thức thành lập Thủy xưởng (Arsenal) Ba Son, đặt trực thuộc Bộ Hải quân Pháp. Trong "Sài Gòn năm xưa" tác giả Vương Hồng Sến viết: "Theo quyển "Promenades dans SaiGon", bà Hilda Arnold ghi: buổi đầu người Pháp đã xuất ra trên 7.000.000 quan thời ấy để lấp đất và xây các ụ tàu "bassin de radoub" này, để có thể sửa chữa các thứ tàu chiến, tàu buôn tại đây khỏi đem về tận Pháp quốc. Thời ấy, cuộc chuyển vận đều do đường thủy nên cái "bassin de radoub" giúp họ nắm vận mạng xứ này trong tay".<br />
<br />
Vì tầm quan trọng đó, năm 1884 chính phủ Pháp cho xây dựng thêm một ụ tàu lớn nữa để làm căn cứ sửa chữa tàu cho các hạm đội quân Pháp ở vùng Viễn Đông. Sau khi hiệp định Genève được ký kết, quân đội Pháp rút khỏi Đông Dương, ngày 12/9/1956 Pháp chuyển giao Ba Son lại cho hải quân chính quyền Sài Gòn. Dưới chế độ Sài Gòn cũ, Thủy xưởng Ba Son được đổi tên là Hải quân công xưởng, đặt trực thuộc Bộ Quốc phòng. Sau tháng 4/1975, Hải quân công xưởng được chính quyền Cách mạng tiếp quản và được đổi tên thành Liên hiệp xí nghiệp Ba Son, trực thuộc Bộ Quốc phòng cho đến ngày nay.<br />
<br />
Theo sơ đồ tổ chức của Ba Son trước kia, gồm có một phòng thí nghiệm, hai khu, sáu ty và chín xưởng, trong đó có xưởng cơ khí là xưởng ra đời sớm nhất. Dưới thời Pháp, xưởng cơ khí gồm có hai trại tiện và nguội nằm trên diện tích 3.350m2, làm nhiệm vụ sửa chữa, chế tác các cơ phận cho các chiến hạm và quân nhu. Khi Ba Son được giao lại cho hải quân Sài Gòn thì xưởng đặt tên mới là "Ban cơ khí". Năm 1957 đổi tên là "Ty cơ khí", đến năm 1958 lại đặt tên là "Xưởng cơ khí". Danh xưng này được duy trì cho đến ngày nay.<br />
<br />
Xưởng cơ khí ngày nay được thu gọn lại trên một diện tích 1.949m2, nằm trên khu nhà cũ của trại tiện. Nhà được xây theo hình chữ nhật, dài 59,8m, rộng 32,6m. Bên trong có 4 hàng gồm 26 cây cột đúc bê tông cốt thép, chống đỡ một sườn sắt, nâng một giàn rui bằng gỗ trên lợp ngói móc. Tường xây bằng gạch, hai bên tường giữa các khoảng cách hàng cột có 52 ô cửa bằng song sắt. Cửa ra vào được làm bằng sắt đẩy về hai phía.<br />
<br />
Thủy xưởng Ba Son là một xưởng lớn nhất Sài Gòn, là một trong những nơi tập trung số lượng công nhân đông nhất ở Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ. Nhằm đào tạo thợ cơ điện người bản xứ cung cấp cho các hãng, xưởng của người Pháp mở tại Sài Gòn, ngày 20/2/1906 chính phủ Pháp ký quyết định thành lập trường cơ khí Á châu tại Sài Gòn (Eécole des mécaniciens Asiatiques de SaiGon - tức trường Kỹ thuật Cao Thắng ngày nay). Xưởng sửa chữa tàu biển Ba Son là xưởng được sử dụng học sinh của trường thực hành tại xưởng và tuyển trực tiếp học sinh học xong tại trường.<br />
<br />
Trường cơ khí Á châu Sài Gòn và xưởng cơ khí của Thủy xưởng Ba Son thời kỳ đó đã gắn liền với những hoạt động cách mạng đầu tiên của nhà cách mạng Tôn Đức Thắng. Học xong bậc tiểu học ở quê nhà: làng An Hòa, xã Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang), người thanh niên Tôn Đức Thắng quyết định lên Sài Gòn tìm việc làm và định hướng cuộc đời mình vào tầng lớp thợ thuyền. Bác Tôn đã thi vào trường Cơ khí Á châu khóa học 1915 - 1917. Hiện nay tại Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh còn lưu giữ một cuốn sổ gốc ghi danh học sinh theo học các khóa ở trường này từ năm 1906 đến năm 1966. <br />
<br />
Ở trang 8 của cuốn sổ, niên khóa 1915 - 1917 còn ghi rõ hàng chữ: Tôn Đức Thắng, 20 tuổi, sinh ở làng An Hòa, Long Xuyên, điểm trung bình các môn 16,4. Thời gian theo học ở trường cũng chính là thời gian bác tập làm thợ tại xưởng cơ khí Thủy xưởng Ba Son. Học chưa xong khóa học, bác Tôn và một số học sinh trường Cơ khí Á châu bị bắt lính đưa sang Pháp. Đến Pháp bác làm việc ở quân cảng Toulon, rồi làm thợ máy trên chiến hạm France. Năm 1919, bác Tôn tham gia cuộc phản chiến của các thủy thủ trong hạm đội phản đối chính phủ Pháp giúp quân Bạch vệ chống lại chính quyền Xô viết.<br />
<br />
Tháng 8/1920 bác từ Pháp trở về Sài Gòn làm công nhân cho hãng KROFF và CIE. Chịu ảnh hưởng của cuộc Cách mạng tháng 10 Nga và học được nhiều kinh nghiệm đấu tranh của công nhân Pháp, bác Tôn đã vận động thành lập Công hội đỏ đầu tiên tại thành phố. Công hội bí mật phát triển trong công nhân xưởng Ba Son, hãng Faci, nhà đèn Chợ Quán... Từ năm 1920 đến 1925 số hội viên đã lên đến 300 người do bác Tôn làm hội trưởng. Đây là tổ chức Công hội đầu tiên của Việt Nam có mục đích tương trợ và đấu tranh bênh vực quyền lợi của công nhân, chống đế quốc tư bản. <br />
<br />
Dưới sự lãnh đạo của Công hội đỏ, phong trào đấu tranh của công nhân thành phố trong thời kỳ này bùng nổ mạnh mẽ. Tiêu biểu là cuộc bãi công đòi tăng lương, đòi nghỉ nửa ngày vào ngày lãnh lương của công nhân Thủy xưởng Ba Son nổ ra ngày 4/8/1925 kéo dài đến ngày 12/8/1925. Cuộc bãi công thắng lợi, nhưng để ủng hộ phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động Trung Quốc bằng cách "kìm chân" chiến hạm J. Mi-Sơ-Lê theo lệnh chính phủ Pháp cần sửa chữa gấp để đưa sang Trung Quốc đàn áp phong trào cách mạng. Cuộc bãi công của công nhân Ba Son tiếp tục bằng hình thức lãn công, kéo dài việc sửa chữa chiến hạm đến 4 tháng. Như vậy ở cuộc đấu tranh này ngoài việc đòi quyền lợi kinh tế và cải thiện điều kiện làm việc, còn mang tính chất chính trị, đặc biệt là khởi động ý thức đoàn kết quốc tế của giai cấp công nhân Việt Nam.<br />
<br />
Cuộc bãi công của công nhân Ba Son dưới sự lãnh đạo của tổ chức Công hội đỏ đã mở đầu cho giai đoạn đấu tranh mới của giai cấp công nhân Việt Nam. Giai đoạn đấu tranh có tổ chức, có lãnh đạo và được sự ủng hộ của toàn thể công nhân và nhân dân lao động. Phong trào đấu tranh đã đi từ tự phát sang trình độ tự giác là cơ sở tốt để tiếp nhận chủ nghĩa Mác - Lênin.<br />
<br />
Ngày 19/11/1975 trên cương vị Chủ tịch nước, bác Tôn đã về thăm lại xưởng Ba Son và ghi lại trong sổ lưu niệm của nhà máy "Sau nửa thế kỷ xa cách, hôm nay có dịp về thăm xưởng Ba Son, nơi trước đây làm thợ và hoạt động cách mạng, tôi rất sung sướng và cảm thấy như mình trẻ lại...". Ngày 12/8/1993 Bộ Văn hóa đã ra quyết định số 1034 QĐ/BT công nhận Ba Son là di tích lịch sử. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><em>Nguồn: lichsuvietnam.vn</em><br />
</span></span></div>
</meta>
</div> </html>