<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>GÓC TRUYỀN THỐNG</title>
</head>
<body>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>GÓC TRUYỀN THỐNG</b></font></p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2" color="#0000FF"><b>Nguyễn Ngọc
Phương - Người lãnh đạo kiên cường của phong trào thanh niên - sinh viên Sài Gòn</b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Năm 1950 lúc mới 13 tuổi, khi
đang trên đường phố nhìn thấy các cuộc biểu tình chống Pháp của nhân dân và sinh
viên học sinh Sài Gòn, nhất là thấy cảnh anh Trần Văn Ơn gục ngã trước mũi súng
của giặc Pháp, từ đó anh Phương quyết định đi theo cách mạng. Anh đi bán báo
dành dụm tiền và trốn nhà ra đi (vì sợ xin phép thì nhà không cho đi). </font>
</p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Được sự hướng dẫn và dìu dắt của
tổ chức, anh đã đi về các tỉnh miền Nam hoạt động, được đi học thêm trường Trung
học Thiếu sinh Bạc Liêu từ tháng 7/1952 đến tháng 5/1954. Sau khi hiệp định
Giơnevơ được ký kết, anh cùng các bạn cùng học được phân công tác đến thị trấn
Cà Mau và cùng chuẩn bị để đi tập kết ra Bắc, nhưng sau đó thì được lệnh ở lại
miền Nam hoạt động. </font></p>
<div style="float: right; width: 177px; height: 230px">
<table border="0" width="100%" id="table1">
<tr>
<td bgcolor="#D3ECF8" align="justify"><font face="Arial" size="2">
Anh Nguyễn Ngọc Phương, bí danh là Ba Triết. Anh sinh ngày 08/2/1937
tại Phú Lâm, Sài Gòn. Anh Nguyễn Ngọc Phương là sinh viên Đại học
Văn Khoa. Năm 1965, anh tham gia Đoàn Ủy sinh viên Sài Gòn, trực
tiếp lãnh đạo phong trào sinh viên và thanh niên - sinh viên Sài
Gòn. Ngày 05/3/1970, anh bị địch bắt và tra tấn hết sức dã man nhưng
anh không hề khai báo điều gì. Ngày 05/1/1973, anh hy sinh trong tù
tại bệnh viện Sài Gòn.</font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Anh trở về Sài Gòn hoạt động
trong các phong trào đấu tranh chính trị công khai như: bình dân học vụ, văn hóa
văn nghệ dân tộc, đòi hòa bình, đòi thi hành hiệp định Giơnevơ thống nhất đất
nước... Địa bàn hoạt động của anh lúc bấy giờ là khu vực chợ Thái Bình hẻm 20
đường Trần Hưng Đạo, có lúc lại ra các vùng ven đô như Bình Thới, Cầu Tre, Phú
Lâm... </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đến năm 1958, anh bị chính quyền
Ngô Đình Diệm bắt, bị đầy ải qua nhiều nhà tù như Tổng Nha, Gia Định, Chí Hòa,
Phú Lợi, Hàm Tân... và bị tra tấn hết sức dã man.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Năm 1963, sau khi Ngô Đình Diệm
sụp đổ, nhờ gia đình lo chạy anh được thả tự do và tiếp tục học xong bậc trung
học và ghi tên vào Đại học Văn Khoa để tạo thế hợp pháp hoạt động trong thành
phố. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Năm 1965, anh được phân công về
công tác tại Thành Đoàn - Gia Định trực tiếp lãnh đạo phong trào sinh viên và
Tổng Hội Sinh viên. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngày 05/3/1970, trong một chuyến
đi công tác cùng chị Quế Hương (là vợ chưa cưới của anh) anh bị địch bắt. Địch
đưa cả hai người vào Ty Cảnh sát Quận 1. Trong lần bị tù này, địch bắt tất cả là
21 đồng chí của Thành Đoàn, trong đó có sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm, Dương Văn Đầy,
Đỗ Hữu Bút, Lê Thành Yến, Trương Hồng Liên, Cao Thị Quế Hương, Võ Thị Tố Nga, Hồ
Nghĩa, Nguyễn Tấn Tài, Nguyễn Thanh Công... </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Vào tù địch tra tấn anh hết sức
dã man và tàn bạo. Anh Phương cùng bạn bè kiên cường giữ vững khí tiết không để
cho liên quan đến các tổ chức của phong trào sinh viên học sinh. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tháng 12/1972, Nguyễn Văn Vệ chúa
ngục nhà tù Côn Đảo về Chí Hòa làm Quản đốc đã mở cuộc đàn áp tàn bạo tù chính
trị. Anh Phương cùng anh em tiến hành cuộc đấu tranh tuyệt thực 14 ngày, chống
Nguyễn Văn Vệ và đòi dân sinh dân chủ. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sau cuộc tuyệt thực này anh
Phương bị kiệt sức ngã bệnh nặng đến hôn mê. Anh em tù đấu tranh đòi đưa anh đi
bệnh viện. Địch cố tình trì hoãn cả tuần sau mới đưa anh ra nhà thương Sài Gòn ở
đường Lê Lợi. Tại đây anh đã hy sinh vào lúc 9 giờ ngày 25/1/1973. Lúc ấy anh
chỉ tròn 37 tuổi. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Anh Nguyễn Ngọc Phương ra đi
trước lúc bình minh của cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Hai mươi ngày
sau, Hiệp định Paris được ký kết, tù chính trị được trao trả và hai năm sau miền
Nam được giải phóng, đất nước được hoàn toàn hòa bình, thống nhất, ước mơ của
anh cùng bao người con yêu nước đã thành hiện thực.</font></p>
<p align="right"><i><b><font face="Arial" size="2">Trích “Những Anh Hùng Trẻ
Tuổi”</font></b></i></p>
</body>
</html>