<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Giữa vòng xoáy đồng tiền</title>
</head>
<body>
<p class="subtitle"><b><font face="Arial" size="2">Giữa vòng xoáy đồng tiền</font></b></p>
<p class="title" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Băng hoại nhân cách, tha hóa con người</font></b></p>
<span class="subcontent">
<div align="right">
<table style="background-color: #ffffff" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="170" align="right" border="0" id="table30">
<tr>
<td>
<img border="0" src="bang%20hoai%20nhan%20cach.bmp" width="170" height="160"></td>
</tr>
</table>
</div>
<p><font face="Arial" size="2">Nền kinh tế thị trường đang tác động sâu sắc đến
mọi mặt của cuộc sống. Bên cạnh những hiệu quả tích cực, nó cũng phơi ra những
mặt trái tiêu cực. Xã hội đang phải đương đầu và trả giá cho những hậu quả khi
mà đồng tiền được coi là thước đo: Đạo đức xuống cấp, phân tầng giàu-nghèo, tham
ô, hối lộ... </font></p>
</span>
<p><font face="Arial" size="2">Công cuộc chỉnh đốn, thanh lọc và làm trong sạch
đội ngũ cán bộ đã dẫn đến một thực tế đau lòng: Không ít vị “công bộc của dân”
đã gục ngã trước sự cám dỗ của đồng tiền, bị trượt nhanh trong sự tha hóa.
</font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Đã đến lúc toàn xã hội cần nghiêm túc nhìn thẳng
vào thực trạng nhức nhối đang diễn ra và đang từng ngày, từng giờ đe dọa chính
chúng ta. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Những viên thuốc bọc
đường </strong></font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Chưa bao giờ sức cám dỗ của đồng tiền trong đời
sống xã hội lại mạnh như hiện nay. Ngay một đứa trẻ lên 5 đã ý thức được và phân
chia rạch ròi ranh giới giàu nghèo. Chị bạn đồng nghiệp tôi có con vào lớp 1 kể
rằng: Vì muốn con vào được trường tốt, lớp chọn, chị đã nhờ cô giáo dạy kèm.
Nhưng mới học được mấy hôm, con chị bảo: “Nghỉ thôi cô ơi!, học nhiều chẳng ích
gì. Cho con đi chơi đi, nếu cần, má con bỏ phong bì”. Giọng trẻ thơ hồn nhiên
thế mà cô giáo không khỏi thở dài, lắc đầu chua chát. Chị bạn tôi, khi nghe lại
đầu đuôi câu chuyện cũng không thể trách con, chỉ giật mình lo lắng cho môi
trường xung quanh cháu đã bị chính những người lớn, người có trách nhiệm làm
hoen ố. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Kinh tế phát triển, đời sống vật chất được cải
thiện rõ rệt từng ngày. Nhưng chúng ta không thể thoát khỏi áp lực công việc.
Những giá trị tinh thần, chuẩn mực đạo đức đang bị thách thức ghê gớm. Khi nhà
nhà, người người lao vào cuộc chạy đua làm giàu (không ít người bất chấp thủ
đoạn), lòng tham trong mỗi con người được dịp trỗi dậy, trong khi lòng tự trọng
và tính trung thực không được rèn giũa, trở nên mai một dần. Những thông tin như
“quan ăn đất”, “quan ăn sắt thép”, ở tỉnh A hay TP B... xuất hiện ngày càng
nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Chưa bao giờ nạn lợi dụng chức vụ và quyền hạn để
trục lợi cá nhân lại nở rộ như hiện nay. Từ anh công chức như ông Ng. V. Ch-
chánh văn phòng trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại tỉnh G. L - đòi các nhân
viên hợp đồng mỗi người phải chi trên dưới 17 triệu đồng để làm thủ tục vào biên
chế. Hay chỉ là đội phó thu thuế của phường H. Gi (Hoàn Kiếm –Hà Nội) cũng có
thể ẵm trót lọt 3 tỉ đồng tiền thuế thu từ các hộ kinh doanh trong phường. Cho
đến những vụ trọng án, như vụ án Nguyễn Đức Chi, vụ PMU 18... đồng tiền đã hạ
gục một lượng không nhỏ cán bộ. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Sự trượt dốc đạo đức
</strong></font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Nhìn vào nền giáo dục hiện nay, nhiều cụ lớn tuổi
chép miệng bảo rằng “thời tôi làm gì có cái... chuyện ấy”. Tình nghĩa thầy trò
cao quý và thâm sâu. Có câu chuyện ví rằng, nếu hoạn nạn xảy ra, học trò phải
cõng cha một bên vai và thầy một bên vai. Cuộc sống của người thầy thanh bạch
với nhiệm vụ cao cả là trồng người, tình thầy trò trong sáng. Cả xã hội tôn vinh
và nể trọng! </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Thời nay, muốn con được vào trường tốt, khác
tuyến thì điều đầu tiên là “tiền đâu?” Liệu sự kính trọng, niềm tin của học trò
đối với thầy giáo có còn không khi tất cả đều “tiền trao cháo múc” sòng phẳng?
</font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Không chỉ phổ biến tình trạng mua bán, chạy
trường, mà ngay những “bác thằng bần” vẫn đứng vào hàng ngũ giáo viên. Như thầy
giáo T. ở Trường THCS Quang Trung (Vũng Tàu) bị bắt vào ngày 7-9 vì đã gây ra
hàng loạt vụ trộm CPU vi tính chỉ vì thua cờ bạc. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Và mới đây, dư luận thật sự bàng hoàng khi đường
dây mua dâm trẻ vị thành niên là học sinh bị Công an tỉnh Cao Bằng triệt phá.
Trong 10 người bị khởi tố thì đa phần là cán bộ công chức Nhà nước. Đáng lên án
là ngay cả một số người thực thi pháp luật cũng dùng tiền, phá nát cuộc đời của
những cháu bé chỉ trạc tuổi con, tuổi cháu mình. Không biết lương tâm và nhận
thức của ông H., 54 tuổi - chuyên viên của Sở GD-ĐT tỉnh Cao Bằng, ở đâu khi
quẳng ra 7 triệu đồng để mua trinh và thực hiện hành vi thú tính với một cô bé
chỉ 14 tuổi, học sinh trường THCS, mặc cho cháu bé khóc lóc van xin. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Những tội ác không còn nhân tính của những người
có ăn có học chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng. Nhưng điều còn đọng
lại và buộc chúng ta phải day dứt, nghĩ suy chính là nguy cơ mặt trái của đồng
tiền đang làm băng hoại nền tảng đạo đức xã hội. </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo NLDO</i></b></font></p>
</body>
</html>