<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Đường đến trường không có bóng c</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Đường đến trường không có bóng cha</font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" id="table6">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img class="lImage" onclick="return showImage(this.src)" height="150" hspace="0" src="http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=155820" width="200" border="1" Hyperlink></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Bà và
mẹ chuẩn bị gạo cho Nguyễn Thị Thanh Vi vào trường</font></i></td>
</tr>
</table>
<p class="pHead"><font face="Arial" size="2">Những tân SV xứ Quảng trong câu
chuyện dưới đây đều không có cha nên con đường đến trường của họ vốn đã chông
chênh giờ lại càng bấp bênh hơn. </font></p>
<p class="pHead"><font face="Arial" size="2">Khoác áo SV mới vài ngày nhưng họ
đã mong đến ngày ra trường...</font></p>
<p class="pInterTitle"><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">Cầu mong
“chân cứng đá mềm”</font></b></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Cơn mưa ầm ào đổ xuống căn nhà tạm
của mẹ con chị Phạm Thị Định (thôn 6, xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, Quảng Nam)
liên tục ba ngày cuối tuần làm hỏng mất kế hoạch dọn cỏ mấy sào đất chuẩn bị lên
luống trồng bông. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Ngày mai, khi hai con gái vào lại
trường, một mình chị phải nai lưng với đám đất rộng thênh. Đã ba năm nay, từ khi
em Nguyễn Thị Ngọc Diễm theo học Trường cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng và tiếp đến
năm nay là em Nguyễn Thị Thanh Vi đỗ Trường cao đẳng Sư phạm Quảng Nam, gánh
nặng oằn trên vai người mẹ. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Hai con gái học xong vượt hàng trăm
cây số về giúp mẹ. Người cha - trụ cột của gia đình, đã mất cách đây chín năm vì
bệnh xơ gan, để lại một đống nợ nần tiền thuốc thang, lao động chính bây giờ là
chị Định.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Không chỉ lo cho ba con đi học (cậu
con út Nguyễn Văn Trọng Lâm hiện học lớp 12 Trường THPT Hoàng Diệu, Điện Bàn),
chị Định còn chăm mẹ già năm nay đã 71 tuổi. Bà cụ già, đau yếu luôn, ngày ngày
nằm trên chiếc chõng tre lần chuỗi hạt niệm Phật cầu cho chị Định sức khỏe để
nuôi các cháu... </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Vi bảo: “Em chỉ mong học thật nhanh
để còn tìm cách giúp mẹ, trong nhà bây giờ chẳng còn gì cả, mẹ nằm xuống thì
không biết sống ra sao...”.</font></p>
<table style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="left" border="0" id="table7">
<tr>
<td>
<img border="0" src="duong%20den%20truong%20khong%20co%20bong%20cha.bmp" width="150" height="200"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p class="tLegend" align="center"><i>
<font face="Arial" size="2" color="#808080">Trần Thị Dung không lúc nào
ngớt nỗi lo một ngày nào đó sẽ không còn tiếp tục được đến trường</font></i></td>
</tr>
</table>
<b><font face="Arial" size="2" color="#008000">Vòng xe cơ cực của mẹ</font></b><p class="pBody">
<font face="Arial" size="2">4g sáng, chị Rau thức dậy đạp xe hơn 4km xuống chợ
Hội An mua ít cá bán lại. Đều đặn hàng chục năm nay như thế, với đồng lãi ít ỏi
chỉ đủ đong gạo từng ngày, chị Rau nuôi hai con Trần Thị Dung và Trần Trung Hiếu
ăn học nên người. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Ngày giấy báo đỗ hai trường (CĐSP
Quảng Nam và ĐH Nông lâm Huế), Dung đang lo đi tìm chỗ bán tạp hóa ở Hội An vì
nghĩ mình đi thi cho vui chứ không có tiền để theo học. Nhưng mẹ và bạn bè cùng
lớp đến động viên nhiều quá, Dung chọn vào Trường CĐSP Quảng Nam vì ngành sư
phạm không phải nộp học phí.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Không ai biết được những tháng ngày
tiếp theo của cô SV nghèo Trần Thị Dung sẽ ra sao dù mức chi tiêu cho cuộc sống
SV trong một tháng chỉ 250.000 đồng.</font></p>
<p class="pInterTitle"><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">“Góp sức
tàn cho cháu...”</font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" id="table8">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img class="lImage" onclick="return showImage(this.src)" height="200" hspace="0" src="http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=155822" width="150" border="1" Hyperlink></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Minh
Hoành giúp ngoại quay sợi </font></i></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2">Nhà chỉ còn lại hai ông bà già đã gần 80 tuổi. Ông
luẩn quẩn quanh vườn tìm cỏ úa. Bà mắt mũi kèm nhèm vẫn miệt mài hết quay sợi
rồi xe chỉ. Thằng cháu ngoại của ông bà ra nhập học được một tuần. “Hai công
già” mỗi ngày xe chỉ nhận từ làng dệt Mã Châu (Duy Xuyên, Quảng Nam) giỏi lắm
kiếm được mươi đồng. </font>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">“Gom góp bằng sức tàn của hai người
già sao đủ nuôi cháu đây?” - ông bà Trần Thủ, ngoại của em Trần Minh Hoành (khoa
xây dựng ĐHBK Đà Nẵng), chạnh lòng ứa nước mắt tâm sự. Bà ngoại của Hoành kể:
“Cha mẹ Hoành bỏ đi từ lúc Hoành hai tháng tuổi”. Phải đợi đến trưa, Minh Hoành
mới về tới nhà, ngồi thở dốc vì đạp xe gần 40km từ Đà Nẵng về. Hoành nói: “Mới
đầu năm chưa học nhiều nên em tranh thủ về xe chỉ, quay sợi giúp ông bà ngoại
kiếm tiền trả nợ”.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Nhiều lúc Hoành muốn bỏ học giữa
chừng vì sợ ông bà ngoại vất vả. Từ nhỏ, Hoành chỉ có ý định học xong lớp 9 rồi
nghỉ đi làm nuôi ông bà ngoại đã ngoài 70 tuổi. Thành tích thủ khoa trong kỳ thi
tốt nghiệp THCS đã thúc đẩy Hoành quyết tâm học tập hơn. Ông ngoại của Hoành
nói: “Chúng tôi vất vả mấy cũng chịu, chỉ sợ sức tàn không thể lo cho cháu được
trọn vẹn”.</font></p>
<p class="pBody" align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo Tuổi Trẻ</i></b></font></p>
</body>
</html>