<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: justify;"><em><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Nhật ký chiến sĩ</span></span></em></div>
<div style="text-align: center;"><em><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><strong><br />
</strong><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong>Nhập môn “làm quen”</strong></span></span></span></em></div>
<div style="text-align: justify;"><em><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><strong><br />
</strong><br />
Trải qua ba ngày làm quen với mặt trận Lý Sơn, không chỉ riêng tôi mà những người đồng đội rất bỡ ngỡ trước môi trường, văn hóa và con người nơi đây. Cảm giác thú vị xen lẫn với ngỡ ngàng, đủ để nhận ra dù còn nhiều thiệt thòi so với đất liền nhưng con người Lý Sơn đã làm nên nhiều điều tuyệt vời về văn hóa, truyền thống.<br />
<br />
<strong>“Nhập môn”<br />
</strong><br />
Chúng tôi đến với Lý Sơn bằng tất cả niềm hăng say, sự khát khao làm nên những điều có ích trong chuyến đi mùa hè xanh này. 30 chiến sĩ đã được các anh chị trong ban chỉ huy thông báo kỹ lưỡng về những gì sẽ phải trải qua: nào là mỗi điểm hoạt động cách nơi ở tầm 3 đến 5 km, thời tiết vô cùng nắng nóng, điện chỉ có từ 5 giờ chiều đến 11 giờ tối,… Đến khi được trải nghiệm thật sự, chúng tôi mới thấm thía. Nhiều điều hiển nhiên ở Sài Gòn nhưng nó lại rất quý giá đối với nơi đây.<br />
<br />
Lý Sơn đón chúng tôi bằng những giọt mồ hôi vươn đầy trên má, sức nóng khủng khiếp khiến cho quạt cầm tay, quạt chạy bằng bình ắc – quy phải làm việc hết công suất mới giúp mọi người thoải mái phần nào. Sau khi tập kết tại nhà của anh Thành – Bí thư đoàn huyện Lý Sơn, chúng tôi chia tay nhau về nhà người dân theo điểm ở đã được phân công. Tất cả vội vội vàng vàng đi rửa mặt, thay quần áo, rồi bắt đầu làm quen với người dân địa phương, trong đó đối tượng được “tia” đầu tiên là trẻ em.<br />
<br />
Mới đầu chưa quen, chúng tôi cố cười cười nói nói nhưng khuôn mặt và hành động của bọn nhỏ không giấu được sự ngỡ ngàng, lạ lẫm. Sau vài bài hát, làm quen bằng cái bánh, cục kẹo, “lính tráng” mùa hè xanh đi đâu là tụi nhỏ đi theo đến đó. Khoảng 30 phút sau, tụi nhỏ trở thành “hướng dẫn viên” dắt chúng tôi đi chào hỏi mọi người một cách dễ dàng hơn.</span></span></em></div>
<div style="text-align: justify;"><em><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Hầu hết những người dân ở xã An Hải – nơi chúng tôi đóng quân đều đi làm rẫy, trồng tỏi, hành và đi đánh cá. Vì thế, những người còn lại ở nhà chủ yếu là người già, phụ nữ.<br />
<br />
“Dạ, con chào cô! Tụi con là sinh viên ở Sài Gòn. Tụi con về đây để làm những chương trình tình nguyện như tổ chức sân chơi, lớp ôn tập hè cho các em, sửa chữa điện, tổ chức khám và cấp phát thuốc, vẽ trang trí trường mầm non… Nếu được cô vận động các em và mọi người trong gia đình tham gia với tụi con cho vui nha cô. Đây là lần đầu tiên tụi con tới đây, chắc sẽ còn nhiều bỡ ngỡ, mong cô và mọi người giúp đỡ”<br />
<br />
“Ừ, vui quá! Lần đầu tiên có sinh viên tình nguyện về đây, ở lâu như vậy. Nhà cô đi làm rẫy hết rồi, có gì tụi nó về cô sẽ thông báo sau. Tụi con đi tắm biển chưa, xuống đây không đi tắm biển là uổng lắm nghen!”<br />
<br />
Rồi mọi người chào nhau trong cái bắt tay, nụ cười mới quen.<br />
<br />
<strong>Làm quen</strong><br />
<br />
Đời sống người dân lúc có điện và lúc cúp điện là hai khoảng thời gian rất khác nhau. Ban ngày, thời tiết nắng nóng, mọi người bắt tay nhau đi làm, mỗi nhà đều im thin thít, không một âm thanh sôi động nào ngoài tiếng côn trùng, tiếng sóng biển, xe cộ và vài ba tiếng người cười nói xôn xao. Đến đúng 5 giờ chiều, tất cả dường như thay đổi hẳn. Chiếc tivi, quạt máy ban ngày không làm việc, chỉ cần khi có điện là tự động bật ngay vì người dân quen để vậy, xem như “đồng hồ báo thức”. Âm nhạc ở những nhà có điều kiện, tiếng người dẫn chương trình thời sự, những bộ phim Việt Nam, nước ngoài vang lên; mọi người quây quần bên mâm cơm chia sẻ một ngày mình đã trải qua. Cũng trong lúc đó, các thiết bị dự trữ điện hoạt động dữ dội. <br />
<br />
11 giờ, điện tắt, máy móc cũng tắt ngúm, mọi thứ lại trở nên tĩnh mịch, đơn giản. </span></span></em></div>
<div style="text-align: justify;"><em><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Còn đối với chúng tôi – những người đã quen với hoàn cảnh điện nước đầy đủ ở thành phố không khỏi ngỡ ngàng. Chúng tôi tập làm quen với thời tiết và cách sử dụng điện của người dân địa phương. Ban ngày tiết kiệm pin điện thoại, máy tính và chỉ sử dụng khi cần thiết. Lúc đầu, chính tôi còn chưa quen, lúc nào cũng ôm chầm chầm điện thoại để check mail, lên facebook tìm không khí Sài Gòn rồi điện thoại tắt ngúm lúc nào không hay. Đêm đến, sau một ngày làm việc vất vả nhưng đầy niềm vui, đứa nào đứa nấy tranh thủ đi sạc các thiết bị mà ngày mai phải sử dụng; tranh thủ hứng miếng gió từ quạt máy; nấu cơm bằng nồi cơm điện và ngủ sớm vì hầu hết chúng tôi đều là những con cú đêm của Sài Gòn.<br />
<br />
“Thấy cột cờ không, dễ lắm, đi bộ 7 phút là tới” – một người dân chỉ tay lên đỉnh cột cờ Thới Lới khi chúng tôi hỏi đường. 7 phút đi bộ với người địa phương nhưng đối với “chân ướt chân ráo” như chúng tôi lên đỉnh phải mất 25 phút công với một cơ thể đầy mồ hôi. Không chỉ thế, đi dạy học, đi sinh hoạt thiếu nhi, sơn vẽ tường mầm non, đi chợ,.. đều khá xa chúng tôi ở. Ngày đầu, mọi người đi bộ đi chợ mua những vật dụng cần thiết phải mất tới 45 phút. 2 – 3 lần cũng quen, thương chúng tôi, anh đội trưởng và những người dân địa phương đã huy động phương tiện đi chuyển. Vừa đi, vừa được chiêm ngưỡng không gian tuyệt vời – trời và biển hòa làm một, núi non hung vĩ, nước biển trong có thể nhìn thấy đá bên dưới. Lý Sơn mùa này là mùa hành, mùa dưa hấu. Đi tới đâu cũng thấy người dân đang thu hoạch, buộc hành thành từng cụm, một phần để làm giống, một phần mang bán. Dọc đường đi, đâu đâu chúng tôi cũng thấy dưa hấu, người dân thường bảo chúng tôi hái đi, chẳng ai la đâu vì những quả to đã được hái mang ra chợ, còn những quả nhỏ nhỏ ở đây người ta đều cho không.<br />
<br />
Con người chất phát, cởi mở. Cảnh thiên nhiên hùng vĩ và đẹp đến ngỡ ngàng. Những câu chuyện về người dân đi đánh bắt cá, về Hải đội Hoàng Sa anh dũng, kiên cường. Vài ba đứa trẻ rụt rè, vài đứa thì quậy tưng bừng khói lửa nhưng khi được hỏi đến “Sau này tụi con muốn làm gì?” thì đều trả lời: “Con đi biển như ba”, “Con lên rẫy trồng tỏi, trồng hành”, “Con sẽ làm chú bộ đội như cậu Tám của con” khiến chúng tôi nhiều suy nghĩ. Tất cả sẽ còn dạy chúng tôi nhiều điều hơn nữa sau chuyến đi này.<br />
<br />
“Vì cuộc đời là những chuyến đi”, đi để nhận ra nhiều giá trị của cuộc sống.<br />
</span></span></em></div>
<div style="text-align: right;"><em><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
<strong>MỸ DUYÊN</strong><br />
<br />
</span></span></em></div> </html>