<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Bóng nhỏ và tình phụ tử</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Bóng nhỏ và tình phụ tử</font></b></p>
<table style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" id="table5">
<tr>
<td>
<img border="0" src="bong%20nho%20va%20tinh%20phu%20tu.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p class="tLegend" align="center"><i>
<font face="Arial" size="2" color="#808080">Yến Nhi với một lớp dạy kèm
tiếng Anh trên đường Nguyễn Thái Học, phường Mỹ Bình, thành phố Long
Xuyên</font></i></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2">Một căn nhà lụp xụp với mấy cột tre xiêu vẹo, đắp
bằng những tấm nilông trên đường Cô Giang (phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên) - nơi
mấy dì cháu của Lê Thị Yến Nhi, cô SV lớp ĐH5D1 Trường ĐH An Giang, thuê trọ bao
năm qua. </font>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Tuổi thơ của Nhi là ngày tháng vắng
bóng cha, cùng mẹ oằn lưng cõng gạch mướn ở các lò gạch, theo những chuyến ghe
đi xa hàng chục cây số, qua tận Đồng Tháp để cõng gạch lên các vựa vật tư, mấy
công trình xây dựng. “Bữa đói bữa no, mẹ con rách rưới, tội nghiệp lắm!”, bà con
ở ấp Tấn Phước, xã Tấn Mỹ cho biết. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Lên lớp 7 Nhi phải nghỉ học, cùng
mẹ cõng gạch, cắt gạch. Thấy công việc quá nặng nhọc và nguy hiểm, dì Cập, em út
của mẹ, bèn đưa cháu về Long Xuyên cho đi học lại. Dì thuê chỗ trọ, hằng ngày ra
chợ bán rau dưa. Ngoài buổi đến trường Nhi phụ bán tiếp dì, đi giao rau dưa tận
nhà, cho các quán ăn. Buôn bán loại hàng này phải thức khuya dậy sớm nhưng đồng
lời chẳng là bao, Nhi xin thêm chân lượm banh ở sân quần vợt kiếm ngày dăm ngàn
để đỡ phần vất vả cho dì. Thời gian ôn bài của cô bé là... tranh thủ mọi lúc mọi
nơi. Vậy mà Nhi học rất giỏi, thi đậu vào Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu, một
trường điểm nổi tiếng; ba năm cấp III cũng đều là học sinh giỏi, tốt nghiệp loại
giỏi rồi trúng tuyển vào Đại học An Giang 21 điểm.</font></p>
<table style="border-collapse: separate" borderColor="#ecf2fe" height="100" cellSpacing="5" borderColorDark="#456ae1" cellPadding="4" width="220" align="left" borderColorLight="#4792d9" id="table6">
<tr>
<td vAlign="center" bgColor="#cfe6f9">
<p class="pBody"><font color="#030303" face="Arial" size="2">Sáng nay
6-10 tại ĐH An Giang, chương trình “Vì ngày mai phát triển” lần 197 của
báo Tuổi Trẻ trao 75 suất học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó tại khu
vực ĐBSCL. Mỗi suất học bổng là 1,5 triệu đồng. Đây là số tiền do ông bà
Dương Quang Thiện (TP.HCM) tài trợ. </font></p>
<p class="pBody"><font color="#030303" face="Arial" size="2">Trong các
năm qua cùng với chương trình “Vì ngày mai phát triển”, ông bà Dương
Quang Thiện đã tài trợ học bổng cho 375 SV ĐH An Giang với tổng số tiền
gần 600 triệu đồng.</font></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2">“Em chọn ngành sư phạm để khỏi đóng học phí, phần vì
yêu thích nghề dạy học”, Nhi hồn nhiên bảo. Dì Út kể rằng xưa ở quê không có
tiền đóng học phí, mua sách vở, thầy cô vẫn thường giúp cho. Hồi đó do thiếu
giáo viên nên tiếng Anh của Nhi rất kém, ra thành phố phải đi học thêm. Thấy
hoàn cảnh đáng thương cô giáo không lấy tiền, còn kêu Nhi đến phụ việc, dần dà
cho đứng lớp dạy những học sinh nhỏ tuổi. Cũng nhờ vậy, tiếng Anh của Nhi khá
lên rất nhanh. Có lẽ từ đó mà Nhi chọn ngành sư phạm Anh văn mong ước sau này
làm cô giáo.</font> </P>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Mẹ đã lớn tuổi, đau yếu luôn, gần
đây thêm bệnh tim thường bị ngất. Nhi tâm sự: “Em nhớ ba lắm, ngủ mơ thấy ba
hoài”. Hè rồi Nhi quyết tâm lặn lội đi tìm ba, mới hay ba lưu lạc tận Bù Đăng
(Bình Phước). Vết thương cũ, gốc sốt rét rừng hành hạ nên ba yếu lắm, hay lên
cơn co giật. Bao năm bỏ đi biệt, thấy con gái vượt đường xa đi tìm, nước mắt
tình phụ tử đã kéo ông về với gia đình. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Những ngày này mưa bão dầm dề, hằng
đêm Nhi vẫn tất tả đến chỗ dạy kèm. Mãi hơn 22g30, mưa nhòa ngõ phố, bóng nhỏ
lầm lũi về căn chòi nilông rách nát lỗ chỗ thấm dột nước, Nhi ngồi bó gối ở một
góc chong đèn đau đáu nhớ chốn quê nghèo. Nơi đó có ba mẹ già nay yếu mai đau,
nơi đó có căn nhà lá lụp xụp vẫn thường ngập đọng nước vào mùa mưa lũ. </font>
</p>
<p class="pBody" align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo Tuổi Trẻ</i></b></font></p>
</body>
</html>