<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=utf-8">
<title></title>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><strong>Nếu xét từ giác độ lịch sử, phong trào học sinh – sinh viên xuất hiện sớm hơn ngày “Trần Văn Ơn”. Từ khi chiến tranh Thái Bình Dương nổ ra, tinh thần dân tộc chung của đồng bào trong cả nước, với Việt Minh tuyên cáo cương lĩnh giành độc lập, được khơi dậy mạnh mẽ.</strong> </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br type="_moz" />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Những đảng viên Cộng sản – ít thôi – đã đi thẳng vào phong trào đang chớm nở, truyền bá những điều kiện gì mà một cuộc cách mạng quần chúng ở một nước thuộc địa phương Đông phải hội tụ. Trí thức nhạy cảm với tình hình, thanh niên tri thức còn nhạy cảm hơn.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Từ 1941, nhân dân Việt Nam chịu “một cổ hai tròng”, Pháp từ thế kỷ trước và Nhật vào lúc này. Cả hai đều tung các chiêu bài mê hoặc. Pháp – đây là cái thua thiệt của thực dân phương Tây – vác thống chế Petain, quốc trưởng do phát xít Đức công nhận, làm biểu tượng với bài “Marechal, nous voila” (“Thống chế ơi, chúng tôi đây”) và “Những lời nói của Thống chế” hô hào ba khẩu hiệu: Cần lao – Gia đình – Tổ quốc và dấy lên phong trào “Khỏe vì nước” do trung tá Ducouroy phụ trách. Nhật – ưu thế hơn – giương ngọn cờ “đồng chủng da vàng” và thuyết “Đại Đông Á”, tô hồng cho Cường Để. Các phát thân Nhật mở rộng dần ảnh hưởng, chủ yếu qua các tôn giáo. Tờ Tân Á do đám thân Nhật biên tập, cũng thu hút được một số nhân sĩ, trí thức bởi ghét Pháp.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Số sinh viên Việt Nam, một là nặng tình quê hương, muốn làm cái gì đó cho nước nhà; hai là nói chung không ưa Nhật; ba là chịu ảnh hưởng của những người cộng sản và của Việt Minh – tập hợp thành phong trào, phát khởi từ Hà Nội sau tỏa rộng ra các nơi, nhất là Sài Gòn. Bấy giờ, trung tâm đại học cả Đông Dương là Hà Nội, cho nên Sài Gòn dù là thành phố lớn nhất Đông Dương, chưa có trường đại học. Số sinh viên quê Sài Gòn và Nam Bộ đã “Nam tiến”, mang tư tưởng cách mạng, cả chương trình của Việt Minh, vào Nam, phổ biến trong các tổ chức học sinh trung học. Số “Nam tiến” đó thành nòng cốt mà đảng bộ tại chỗ hướng dẫn thâm nhập vào các phong trào văn hóa – xã hội và phong trào “cứu trợ miền Bắc Đông Dương” đang bị đói nặng. Từng đoàn xe đạp thồ ạo ra Phan Thiết và học sinh Nam Trung Bộ chuyển tiếp, đưa gạo đến phía Bắc, dưới bom đạn của Đồng Minh…</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Sau Nhật đảo chánh Pháp, thế trận ở Đông Á và Thái Bình Dương thực sự đã đảo lộn. Ngày cáo chung của đế chế Nhật đã được báo trước.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Đảng bộ Đảng Cộng sản nắm thời cơ này, dựa vào phong trào yêu nước áp đảo, dùng danh nghĩa Thanh niên Tiền phong thực hiện một cuộc tập hợp lớn. Gọi “Thanh niên Tiền phong”, sự thật đó là một phong trào quần chúng gồm đủ lứa tuổi, huy động một lực lượng chưa từng có trong lịch sử cách mạng Sài Gòn và Nam Bộ tiến lên. Kết quả cuộc tổng biểu dương lực lượng đêm 24 và 25/8/1945 cho phép một chính quyền Việt Minh thiết lập ở vùng cực kỳ xung yếu này. Với cắp mắt phân tích lịch sử, không một ai trong chúng ta không thấy ý định chiếm Nam bộ thành phần đất của phương Tây – ý định đó không chỉ của thực dân Pháp mà cả Mỹ. Ta tự hỏi, điều gì sẽ xảy ra đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam khi Nam Bộ - mà trung tâm là Sài Gòn – vẫn nằm trong tay đế quốc? Đại thắng mùa xuân năm 1975 mới giải quyết gọn sự toàn vẹn lãnh thổ này.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Mũi xung kích chống ách thực dân của đế quốc nói chung và chia cắt đất nước nói riêng được phát khởi và hun đúc từ Sài Gòn – 300 năm trước đã là một trấn của nước Đại Việt. Trong mũi xung kích ấy, thanh niên và học sinh – sinh viên luôn là đội tiên phong.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Tuy nhiên, phải đợi đến năm 1950. Tại sao?</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Nam bộ đã được năm năm. Phong trào yêu nước ở Sài Gòn liên tục phát triển, thu hút ngày càng rộng những người mong muốn Pháp chấm dứt chiến tranh, thương lượng với chính phủ cụ Hồ. Sau khi chính sách “Nam kỳ quốc” nhằm phân ly Nam bộ ra khỏi Việt Nam bị thất bại, Pháp sử dụng lại con bài Bảo Đại lạc long cùng với một chính phủ gọi là quốc gia. Nhưng, khả năng kéo dài chiến tranh của Pháp suy giảm hẳn, chính phủ Pháp phải dựa vào tài chính của Mỹ và phải nhân nhượng cho Mỹ nhiều quyền lợi tại Việt Nam. Như vậy, một kẻ thù mới của nhân dân Việt Nam đã công khai xuất hiện.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Về mặt lực lượng học sinh – sinh viên, trong vòng 5 năm, với trung tâm đại học toàn Đông Dương triển khai ở Sài Gòn, số lượng học sinh cấp III và sinh viên tăng lên rõ rệt. Chịu ảnh hưởng cuộc kháng chiến chung và phong trào yêu nước ở thành phố, học sinh và sinh viên Sài Gòn ngày càng tỏ rõ thái độ chống Pháp, dưới rất nhiều dạng. Giữa lúc ấy, vụ sát hại học sinh Trần Văn Ơn xảy ra, lập tức ngọn lửa bấy lâu còn phân tán, nay bùng lên thành một biển lửa. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, hai chiếc tàu chiến Mỹ lại khiêu khích dân chúng Sài Gòn. Nếu phong trào Trần Văn Ơn 9/1 chủ yếu là phong trào của học sinh thì cuộc bùng nổ ngày 19/3 quy tụ một số lượng người tham gia đông đảo đến mức chỉ xếp sau ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám. Đó là phong trào của các giới nhân dân Sài Gòn, do các trí thức và nhân sĩ tiêu biểu nhất đứng đầu, do đảng bộ thành phố lãnh đạo mà lực lượng xung kích là cả học sinh lẫn sinh viên. Khẩu hiệu, lần đầu tiên ở Việt Nam tập trung chống Mỹ.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Có thể xem phong trào học sinh – sinh viên Sài Gòn từ 1945 đến 1950 vượt qua một tầng nấc về chất lượng – từ phong trào mang nhiều yếu tố tự động chuyển thành một phong trào tự giác, có tổ chức và được lãnh đạo thành một bộ phận của cách mạng trong lòng địch, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ và nhiều đại phương ở miền Nam, tác động không nhỏ vào dư luận quốc tế. Tất nhiên, trọng điểm của phong trào học sinh – sinh viên thành phố vẫn là cuộc chiến đấu chống Mỹ kéo dài 20 năm, trong đó hàng nghìn sự việc, hàng vạn con người biểu trưng cho khí phách của lớp trẻ thành phố, khí phách học sinh – sinh viên trong thời đại Hồ Chí Minh.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Biên niên sử của phong trào đóng khung trong 25 năm (1950 – 1975) dày đặc những sự tích phản ánh chất huyền thoại trong tinh thần xả thân vì nghĩa lớn của lớp trẻ.</span></span></div>
<div> </div>
<div style="text-align: right;"> </div>
<div style="text-align: right;"><strong><font face="Arial" size="2">TRẦN BẠCH ĐẰNG</font></strong></div>
<div style="text-align: right;"><em><strong style="font-size: 12px;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">12/1999</span></span></strong></em></div>
<div style="text-align: right;"><em><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">(Trích từ sách: Từ xếp bút nghiêng lên đàng đến xuống đường dậy mà đi)</span></span></strong></em></div>
<div style="text-align: right;"> </div>
</meta>
</div> </html>