“Dù làm bất kì việc gì, lớn hay nhỏ cũng phải làm hết khả năng” - đó là phương châm sống của Lê Yên Thanh (sinh viên khoa Công nghệ thông tin-trường Đại học KHTN-ĐHQGTP.HCM)
Chinh phục niềm đam mê
Tính ứng dụng của các sản phẩm công nghệ thông tin khiến Thanh tò mò và thích thú. Dần dà trở thành một niềm đam mê khi cậu càng dấn sâu vào những khám phá về máy tính, về phần mềm.
Lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC là cuộc thi để lại cho Lê Yên Thanh nhiều ấn tượng. Đó là cuộc thi có quy mô Quốc tế. Điều này khiến Lê Yên Thanh cảm thấy hạnh phúc khi bản thân đã chinh phục niềm đam mê ấp ủ. Những mô hình ứng dụng lần lượt ra đời. Tại cuộc thi Sáng tạo trẻ toàn quốc, phần mềm Bus-map với tính khả thi và sáng tạo cao đã giành giải nhất. Bus-map hiện đang được sử dụng trên hệ điều hành Android và hơn 10.000 lượt tải về.
Chinh phục niềm đam mê của mình bằng khả năng tự học. Đó là điều Lê Yên Thanh muốn chia sẻ với nhiều bạn trẻ. Ai cũng có những đam mê và mục tiêu riêng biệt nhưng chỉ có 1 con đường giống nhau cho việc chinh phục. Lê Yên Thanh cũng vậy. Cậu đặt ra cho bản thân mục tiêu sau khi học xong cử nhân ở Việt Nam sẽ đi du học tại Mỹ. Được đào tạo ở môi trường tiến bộ mà không tự học thì kết quả cũng chỉ bằng 0. Ngoài kiến thúc thầy cô truyền đạt ở lớp, về nhà Lê Yên Thanh luôn tự tìm thêm tài liệu để đọc, để học, ành cho bản thân thời gian để nghiền ngẫm và áp dụng thực hành. Càng tự học, càng tự mày mò dựa trên những gì đã học, Lê Yên Thanh càng thấy thích thú và đang đặt thêm những viên gạch đến gần với ước mơ của mình.
Tiếp xúc với những bạn sinh viên top đầu của một vài nước trên thế giới thông qua những cuộc thi, những buổi hội thảo, Lê Yên Thanh nhận thấy đặc điểm rất khác của sinh viên Việt Nam và sinh viên nước ngoài. Sinh viên nước ngoài nắm chắc những kiến thức cơ bản còn sinh viên Việt Nam có vốn kiến thức rộng về bề ngang nhưng không có độ sâu. Không mang tính chất đánh đồng trong quan điểm, Lê Yên Thanh suy nghĩ: “Sự khác nhau bắt nguồn từ môi trường giáo dục. Học sinh, sinh viên Việt Nam nhồi nhét kiến thức rất rất nhiều, lắm lúc không thể tiếp thu kịp, nặng trong khối lượng kiến thức, thời gian học ở nhà bị hạn chế. Trong khi đó phải làm bài tập, không có thời gian để tư duy. Đó là nguyên nhân khiến cho tư duy sáng tạo của sinh viên bị kìm hãm”. Lê Yên Thanh chia sẻ thêm: “Tư tưởng học để lấy tấm bằng ra trường cho bằng người này người nọ, rồi ai cũng đi học, mình ở nhà coi sao được dường như ăn nhiễm vào suy nghĩ của một số bạn trẻ”. Theo Lê Yên Thanh, để đạt thành công cần thay đổi suy nghĩ đó. Bởi khi bạn biết bạn học để tiến bộ, để trau dồi kiến thức, để mình được hiểu biết hơn, bạn sẽ nỗ lực tìm cách học hiệu quả nhất. Bạn không học vì ai, vì điều gì mà bạn học cho chính bản thân bạn. Khi đó, bạn sẽ không có cảm giác bị ép buộc, nặng nề mà ngược lại rất thú vị.
“Không chỉ có học tập”
Dẫu tâm đắc với câu nói trong 1 bài phát biểu của Tổ chức UNESCO: “Học để khẳng định bản thân” nhưng đối với Lê Yên Thanh, “không chỉ có học tập”. Tham gia các hoạt động tình nguyện, đó là cách để xả stress, cậu chia sẻ một cách dí dỏm. Tuy nhiên, giá trị thực sự sau những chuyến tình nguyện chính là sự cảm nhận vẹn nguyên của Lê Yên Thanh về tình cảm giữa con người với nhau. Sự sẻ chia, đồng cảm và giúp đỡ. Đôi khi một chút thời gian, một nụ cười hay một hành động nhỏ cũng mang lại niềm vui cho rất nhiều người khác. Và Lê Yên Thanh trân trọng hơn những giá trị mình đang có để biết rằng mình càng phải nỗ lực nhiều hơn khi có 1 xuất phát điểm cao hơn một vài người bạn khác. Những lần tham gia các hoạt động xã hội dần dần giúp Thanh thấy mình cứng cáp và trưởng thành hơn.
Với thành tích đạt được, Lê Yên Thanh được Ban Giám đốc trường Đại học Quốc gia TP.HCM trao tặng danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp ĐHQG. Chia sẻ niềm vui này, Lê Yên Thanh nói: “Đó là danh hiệu bất kì sinh viên ai cũng muốn hướng tới, muốn đạt được. Bởi lẽ đó là sự ghi nhận nỗ lực của sinh viên trên cả 5 phương diện: học tập, đạo đức, tình nguyện, thể lực và hội nhập. Đạt được danh hiệu này cũng không khó khi bạn biết xác định cho mình 1 con đường và quan trọng hơn cả là luôn ý thức bản thân thực hiện theo những gì đã vạch ra”.
Tiêu chí để lại cho Lê Yên Thanh ấn tượng nhất đó là Hội nhập tốt. Được đào tạo theo chương trình tiên tiến (mô hình đào tạo của Chính phủ có sự liên kết với các trường đại học ở nước ngoài) ngay khi còn là sinh viên năm nhất trường Đại học KHTN-ĐHQGTP.HCM, Lê Yên Thanh được học hoàn toàn bằng Tiếng Anh. Những ngày đầu còn khá nhiều khó khăn bởi là một sinh viên tỉnh lẻ không có nhiều điều kiện học Tiếng Anh như các bạn ở TP.HCM. Dẫu vậy, cậu đã không chuyển chương trình mà chinh phục bằng nỗ lực học Tiếng Anh hằng ngày. Nhìn nhận về vốn ngoại ngữ, Yên Thanh nói: “Đó là nền tảng cơ bản của Hội nhập, là cơ sở để phát triển. Trong xu thế hiện nay, các công ty nước ngoài, các chương trình liên kết đào tạo ngày càng mở rộng, muốn thành công thì phải vươn ra thế giới và muốn vươn ra thế giới thì phải thành thạo ngoại ngữ như tiếng mẹ đẻ”.
Ngoại ngữ không chỉ để học cho có bằng cấp mà là để sử dụng thực sự. Tham dự các cuộc thi quốc tế tại Thái Lan và gần đây nhất là Singapore, cũng chính nhờ vốn ngoại ngữ của mình mà Lê Yên Thanh đã học hỏi và chia sẻ nhiều điều thú vị về đất nước với các nước bạn trên thế giới.
HOÀNG HIẾU
* Khen thưởng:
- Năm 2014:
+ Đạt giải Hornorable Mention (giải thưởng danh dự) cuộc thi lập trình Sinh viên Quốc tế, vòng vô địch thế giới năm 2014
+ Đạt giải nhất cuộc thi lập trình Sinh viên Quốc tế vòng khu vực Châu Á năm 2014
+ Đạt giải nhất cuộc thi lập trình Sinh viên Quốc tế vòng online năm 2014.
+ Huy chương đồng cuộc thi lập trình Sinh viên Quốc tế khu vực Châu Á năm 2014.
+ Đạt giải đặc biệt hội thi Tin học trẻ TP. Hồ Chí Minh năm 2014
- Các năm khác:
+ Đạt Giải thưởng Khoa học Kỹ thuật Thanh niên Quả cầu vàng năm 2013.
+ Cúp vàng Olympic Tin học toàn quốc năm 2013
+ Đạt giải nhất cuộc thi sáng tạo ứng dụng di động năm 2013
+ Đạt giải nhì cuộc thi lập trình Sinh viên Quốc tế vòng khu vực Châu Á năm 2013
+ Đạt giải nhất cuộc thi lập trình Sinh viên Quốc tế vòng vòng online năm 2013.
+ Đạt giải nhất Tin học trẻ TP. Hồ Chí Minh năm 2013.
|