<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đó là chủ đề buổi báo cáo chuyên đề diễn ra vào tối 23/5 tại Nhà Văn hóa Thanh niên. Buổi báo cáo thú vị đã thu hút nhiều bạn học sinh, sinh viên tham gia. Chương trình nằm trong khuôn khổ ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam lần 2 tại TP.HCM.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tại buổi báo cáo chuyên đề, PGS.Ts Trần Minh Triết (Giảng viên Khoa Công nghệ thông tin-trường Đại học KHTN-ĐHQG TP.HCM) trình bày chủ đề một cách dí dỏm và khéo léo. Điều đó đã khiến nhiều bạn sinh viên bộc lộ khả năng sáng tạo thông qua phản xạ nhanh nhạy.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Thông qua những clip tiến bộ khoa học trên thế giới, thầy Triết chứng minh sáng tạo không phải là khó khăn. Sáng tạo không đơn thuần là đột phá mà là làm mới những cái cũ. Đưa ra ví dụ về một chiếc cọ có thể quét lại hình ảnh mà nó thu nhận được ở bất kì vật nào. Nguyên lý của sản phẩm này là gắn một chiếc máy ảnh, máy quay hoặc webcam trong thân cây cọ. Bên ngoài thiết kế như một chiếc cọ bình thường.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Giới thiệu demo về một thiết bị tàng hình, có thể cho phép 2 người ở cách xa nhau nhưng có thể nói chuyện với nhau như đang ngồi trên cùng một chiếc ghế, họp chung một phòng. Như vậy, thiết bị tạo cảm giác thật nhất, tiến bộ hơn webcam hiện đang sử dụng nhiều như bây giờ. Hoặc một chiếc điện thoại với thiết kế 2 mảnh, có chức năng đặc biệt như một người tư vấn cho bạn khi đi đường. Sau khi hỏi thì ngay tại con đường bạn đang đứng, điện thoại sẽ phát ra cảm biến hướng dẫn cho bạn chính xác nhất.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Để phát triển ý tưởng sáng tạo, cần vận dụng những nguyên lý như: đồng nhất, chất lượng cục bộ, phân tích tách nhỏ, phản hồi, trung gian, người tạm thời...Để chứng minh cho những nguyên lý thầy Triết chia sẻ, nhiều bạn sinh viên đã đưa ra rất nhiều ví dụ thú vị. Với nguyên lý “trái lại”, một bạn cho rằng nó được ứng dụng ở những cái đèn sân khấu. Thường thì đèn sẽ đặt trên cao rọi ánh sáng xuống nhưng đèn sân khấu sẽ lắp ở dưới chiếu lên trên. Nguyên lý chất lượng cục bộ đề cập đến chức năng riêng biệt của từng bộ phận dù nó được phối hợp để tạo một sản phẩm. Khi được hỏi: hãy chứng minh thông qua chai nước, một bạn sinh viên nhanh nhẹn phát biểu: “Nhiều người lấy chai đựng rượu còn nắp chai sẽ làm ly uống rượu”. Bên cạnh ý tưởng đó, một vài bạn cho rằng nước thì để uống, uống xong vỏ chai có thể làm thành những sản phẩm tái chế trang trí. Một bạn khác cho rằng chai đầy nước tạo lực có thể làm chày giã tỏi, ớt…</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Buổi báo cáo không mang tính hàn lâm lý thuyết. Những ví dụ của thầy của các bạn khiến cho mình tiếp cận lý thuyết dễ dàng, đồng thời nảy sinh ra nhiều ý tưởng. Và mình nhận ra sáng tạo nó tồn tại xung quanh mình, không chỉ là những cái cao siêu mới gọi là sáng tạo”- bạn Nhật, một khán giả theo dõi chương trình, chia sẻ.</span></span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>HOÀNG HIẾU</strong></span></span></p>
</body></html>