<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><strong>TTO - “Chúng ta không giành bất cứ điều gì không thuộc về chúng ta nhưng sẽ hết sức cương quyết với bất kỳ ai xâm phạm chủ quyền thiêng liêng của đất nước". </strong></p>
<p style="text-align:justify">Chị Tô Diệu Liên, đại diện Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Mỹ, đơn vị tổ chức hội thảo biển Đông với chủ đề “Sự lấn chiếm đất trên biển Đông và những tác động đối với hòa bình và ổn định trong khu vực” tại ĐH Harvard ngày 24-5, chia sẻ với <em>Tuổi Trẻ Online</em>.</p>
<p style="text-align:justify"> </p>
<p style="text-align:justify"><strong>Cương quyết trước hành vi xâm phạm chủ quyền</strong></p>
<p style="text-align:justify"><strong><em>* Chị Liên có thể cho biết ý tưởng tổ chức hội thảo này?</em></strong></p>
<p style="text-align:justify">- Tranh chấp biển Đông và việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của mọi người trong Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Mỹ.</p>
<p style="text-align:justify">Tháng 5 năm ngoái, khi Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, các thành viên nòng cốt của hội đã gấp rút cùng nhau thảo thỉnh nguyện thư gửi đến Nhà Trắng và một số thượng nghị sĩ có cảm tình với Việt Nam.</p>
<p style="text-align:justify">Một thỉnh nguyện thư nữa đăng tải trên trang change.org thể hiện thái độ dứt khoát của người Việt Nam ở khắp nơi trước sự xâm lấn và vi phạm luật pháp quốc tế trắng trợn của chính quyền Trung Quốc.</p>
<p style="text-align:justify">Một số thành viên tích cực của hội, với tư cách cá nhân, đã đứng ra tổ chức các cuộc tuần hành hòa bình ở nhiều nơi trên khắp nước Mỹ.</p>
<p style="text-align:justify">Từ thời điểm đó đến nay đã được một năm, Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại những hành động khiêu khích của mình. Việc tổ chức những hội thảo khoa học với ý kiến khách quan của các chuyên gia nghiên cứu biển Đông và chính trị khu vực châu Á - Thái Bình Dương là việc làm các thành viên của hội đều nhất trí.</p>
<p style="text-align:justify">Hội mong muốn có thể góp phần đưa tiếng nói của những người Việt Nam hiểu biết và yêu nước đến với đông đảo thính giả, những người cùng chia sẻ mối quan tâm về chủ quyền của đất nước mình và cuộc sống bình an, ổn định cho mọi người dân Việt Nam; đưa ý kiến của các chuyên gia, các nhà trí thức Việt Nam và nước ngoài đến những người lãnh đạo và làm chính sách Việt Nam.</p>
<p style="text-align:justify">Và những hoạt động mang tính khoa học như hội thảo lần này cũng là mong muốn thể hiện tinh thần yêu chuộng hòa bình và công bằng của người Việt Nam ở khắp nơi.</p>
<p style="text-align:justify"><strong><em>* Từ phác thảo ý tưởng đến công tác tổ chức hội thảo gặp những khó khăn gì?</em></strong></p>
<p style="text-align:justify">- Ý tưởng được đưa ra khoảng cuối tháng 3-2015. Khó khăn lớn nhất có lẽ chính là lịch làm việc và học tập bận rộn của tất cả thành viên trong nhóm. Hội được hình thành và tổ chức trên tinh thần tự nguyện của các thành viên.</p>
<p style="text-align:justify">Thành viên của hội gồm các sinh viên đại học hoặc cao học, nghiên cứu sinh tiến sĩ… thường bận rộn với công việc học hành và nghiên cứu của mình, hoặc những anh chị em đã đi làm cũng có rất nhiều mối quan tâm gia đình và công việc khác.</p>
<p style="text-align:justify">Nhưng chúng tôi quyết tâm làm điều gì đó ý nghĩa cho Tổ quốc vì hầu như ai cũng có tấm lòng hướng về quê hương, muốn đóng góp nhiều hơn nữa.</p>
<p style="text-align:justify"> </p>
<p style="text-align:justify"><strong>Nâng ý thức bảo vệ chủ quyền dân tộc</strong></p>
<p style="text-align:justify"><em><strong>* Theo chị, sinh viên và trí thức trẻ người Việt ở nước ngoài đóng vai trò như thế nào trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo dân tộc? Họ cần trang bị những gì để đấu tranh?</strong></em></p>
<p style="text-align:justify">- Không phải bạn trẻ nào ở nước ngoài cũng quan tâm đến các diễn biến trên biển Đông. Nhưng số lượng các bạn quan tâm đến chủ đề này có lẽ không hề nhỏ. Đó là một việc đáng mừng.</p>
<p style="text-align:justify">Tôi tin việc công dân tham gia những hoạt động bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và cuộc sống bình yên của người dân nước mình khi có ngoại bang xâm lấn là một việc nên làm, phải làm.</p>
<p style="text-align:justify">Họ đóng vai trò quan trọng. Những người Việt có được cơ hội đi học, đi làm ở nước ngoài, nhất là những nước phát triển, nên chăng cần thấy rằng mình đang có lợi thế và may mắn hơn nhiều người.</p>
<p style="text-align:justify">Họ cần sử dụng những gì mình học được và trải nghiệm được ở nước ngoài - tư duy cởi mở, các mối quan hệ… để góp một chút gì đó cho quê hương mình.</p>
<p style="text-align:justify">Chính họ là những người có thể khiến cho người Việt trong nước và kiều bào xích lại gần nhau hơn, nhất là trong những lúc mà sự đoàn kết dân tộc cần được ưu tiên. Chính họ là những sứ giả của một Việt Nam yêu chuộng hòa bình trong mắt bạn bè quốc tế.</p>
<p style="text-align:justify">Làm được những điều này tuy khó mà dễ. Cần tìm hiểu nhiều hơn về chủ đề biển đảo để có hiểu biết, có cái nhìn đa chiều không phiến diện. Tất cả những gì còn lại là tấm lòng dành cho quê hương.</p>
<p style="text-align:justify"><em><strong>* Các bạn sinh viên tham gia đóng góp ý kiến ra sao? </strong></em></p>
<p style="text-align:justify">- Các bạn sinh viên ở khắp nơi đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi trong suốt buổi hội thảo. Chúng tôi nhận được các câu hỏi từ Việt Nam, từ Anh, từ Hungary; cũng như từ các đầu cầu California và Missouri. Một vài câu hỏi về động thái của Mỹ đối với việc Trung Quốc khiêu khích và bành trướng trên biển Đông đã được các diễn giả khá quan tâm.</p>
<p style="text-align:justify">Hội thảo đã điểm qua lịch sử của tranh chấp biển Đông và hiện trạng của tranh chấp này, đặc biệt là với những hoạt động cải tạo, bồi đắp trên biển gần đây của Trung Quốc; các yếu tố địa chính trị và vai trò của các nước liên quan đến tranh chấp; những thách thức đối với Việt Nam trong việc ứng phó với những hành vi xâm lấn trái với luật pháp quốc tế.</p>
<p style="text-align:justify">Hội thảo cũng đã nhấn mạnh vào các khía cạnh pháp lý liên quan đến chủ quyền trên biển Đông của Việt Nam, các hoạt động cải tạo, bồi đắp mà Trung Quốc đang tiến hành và những tác động nguy hiểm của việc cải tạo này đối với hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như thế giới.</p>
<p style="text-align:justify">Các phần thảo luận đã diễn ra rất sôi nổi cùng các câu hỏi các diễn giả và người tham dự đặt ra, cùng nhiều câu hỏi từ những đầu cầu trực tiếp và khán giả ở khắp nơi gửi về.</p>
<p style="text-align:justify">Các diễn giả đều đồng quan điểm phản đối những hoạt động cải tạo biển mà Trung Quốc đang tiến hành; và khẳng định rằng theo luật biển quốc tế, đảo nhân tạo không thể được hưởng quy chế pháp lý như đảo tự nhiên.</p>
<blockquote>
<p style="text-align:justify">"<strong>Chúng tôi muốn tổ chức những hội thảo mang tính khoa học nhằm góp phần đưa thông điệp của người Việt Nam đến Trung Quốc và những nước có liên quan đến tranh chấp biển Đông cũng như bạn bè khắp thế giới, rằng người Việt Nam luôn tôn trọng hòa bình và luật pháp quốc tế, và mong muốn các quốc gia láng giềng cũng sẽ hành xử tương tự" </strong></p>
<p style="text-align:justify">Chị Tô Diệu Liên chia sẻ</p>
</blockquote>
<p style="text-align:right"><strong>Quỳnh Trung thực hiện</strong></p>
</body></html>