<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Vừa qua, “Tọa đàm tuổi trẻ thành phố sáng tạo, chủ động trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ” đã diễn ra tại hội trường Thành Đoàn. Tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý dự án, học sinh, sinh viên trên địa bàn TP. HCM.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Th.S. Huỳnh Thư (Trường ĐH Bách Khoa – ĐHQG TP. HCM) cho biết: “Có thể khẳng định rằng cụm từ “nghiên cứu khoa học” đã không còn quá xa lạ với các bạn trẻ, nhất là với các sinh viên và các nghiên cứu viên, giảng viên trẻ tại các trường, viện. Khoa học trẻ chính là nguồn lực kế thừa trọng trách phát triển đất nước của lớp lớp cha anh đi trước, là người sẽ nắm trong tay vận mệnh đất nước Việt Nam cũng như ươm mầm cho nhiều thế hệ tiếp nối mai sau”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tại tọa đàm, có 4 tham luận đã được trình bày về ý tưởng sáng tạo, thực hiện nghiên cứu khoa học (NCKH) và nêu lên những ý kiến đề xuất. Các tham luận đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của những người tham gia. Nội dung của 4 tham luận chủ yếu nhấn mạnh về những khó khăn, thách thức trong quá trình NCKH ở những đối tượng khác nhau.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Trong tham luận của mình, Th. S. Huỳnh Thư cũng nêu lên 4 khó khăn nhất mà các bạn trẻ vẫn còn trăn trở về nghiên cứu và phát triển khoa học trẻ, đó là khó khăn về kinh phí cho NCKH, tính thực tế của đề tài, thông tin về NCKH và vị thế của khoa học trẻ.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Em Lê Thái An (trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) cũng đưa ra một vài khó khăn khi học sinh THPT tham gia NCKH,trong đó em nhấn mạnh về địa điểm và cơ sở vật chất để các em có thể thoải mái làm công tác nghiên cứu. Thái An cũng đưa ra một vài mong muốn của học sinh THPT trong vấn đề NCKH như: mỗi trường nên có một phòng nghiên cứu riêng để học sinh có thể ứng dụng những kiến thức từ sách vở vào thực tế và sáng tạo thêm trên nền tảng đó. Hỗ trợ kinh phí đầy đủ cho các dự án, hỗ trợ, khuyến khích về mặt học tập trong nhà trường. Ngoài ra, trong tham luận của mình, Thái An cũng nêu ra một vài kinh nghiệm trong quá trình làm dự án của chính bản thân em.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Sinh viên Nguyễn Đức Nguyên Vỵ (Trường ĐH Luật TP. HCM), trong tham luận đã đưa ra một số cách thức để giải quyết các khó khăn mà sinh viên hay gặp phải khi NCKH. Nguyên Vỵ nhấn mạnh tính chủ động của sinh viên khi tham gia NCKH, nhất là trong quá trình tìm kiếm tài liệu, liên hệ giảng viên hướng dẫn, gia hạn thời gian làm đề tài nếu có vấn đề phát sinh,vv… Từ kinh nghiệm của bản thân, Nguyên Vỵ cũng đề xuất: “Trong quá trình vận động sinh viên NCKH, cần nhấn mạnh ý nghĩa lớn nhất của NCKH đối với sinh viên là việc NCKH cung cấp cơ hội tốt nhất để sinh viên góp sức vào việc giải quyết các vấn đề của cuộc sống”. Cần đưa môn học về kỹ năng ghiên cứu khoa học như một môn học cơ bản bắt buộc cho sinh viên. Ngoài ra, các cơ quan chức năng có liên quan cần tạo điều kiện để các tác giả công trình đạt giải cao được trực tiếp trình bày công trình của mình lên các cơ quan công quyền, giới thiệu các công trình đạt giải cao đến các hội thảo quốc tế, xuất bản các công trình nghiên cứu khoa học thành sách,vv…</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Sau phần trình bày tham luận, các nhà khoa học, nhà quản lý, thầy cô và các bạn học sinh sinh viên đã tiến hành thảo luận và trao đổi ý kiến, đưa ra các giải pháp. Những ý kiến đóng góp là cơ sở để Thành Đoàn, Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng chính sách, kế hoạch phù hợp hỗ trợ các bạn trẻ đam mê NCKH.</span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>QUỲNH DUNG</strong></span></span></p>
<p> </p>
</body></html>