<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><strong>Không ai ngờ rằng cô nữ sinh dịu dàng nữ tính nhất lớp của trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (Đồng Nai) ngày ấy lại lựa chọn ngành cơ khí.</strong></p>
<p style="text-align: justify;">Thế nhưng Vy Khanh lại thích nghi ngoạn mục với ngành học gồm 300 sinh viên của trường ĐH Bách Khoa TP. HCM trong đó chỉ mỗi mình chị ấy là nữ. Kết quả của hành trình “1 chọi 300”, Vy Khanh đã được vinh danh với nhiều giải thưởng lớn như Giải “Sao tháng giêng” của Trung Ương hội sinh viên Việt Nam, Sinh viên giỏi toàn diện năm học 2012 – 2013, Sinh viên 5 tốt trung ương v.v...</p>
<p style="text-align: justify;"><strong>Con gái mê "vọc" máy móc, giống ba</strong></p>
<p style="text-align: justify;">Câu chuyện chọn ngành của Vy Khanh bắt nguồn từ 3 lý do. Thứ nhất là vì từ nhỏ, Vy Khanh ham thích môn toán, càng về sau Vy Khanh càng hứng thú hơn với các mô hình máy móc, robot (mà đặc biệt là cuộc thi ROBOCON). Vì thế Vy Khanh muốn được học thêm về những thứ mà mình yêu thích. Thứ hai là vì Vy Khanh muốn thử thách bản thân mình. Nhiều người hiện nay vẫn còn phân biệt giữa ngành nào cho nam, ngành nào cho nữ, vì thế cũng có thể cho là bướng bỉnh khi Vy Khanh muốn chứng minh con gái hay con trai cũng có thể theo đuổi và thành công với những thứ mình đam mệ. Bên cạnh đó, từ nhỏ Vy Khanh thấy ở ba sự đam mê về kỹ thuật (dù ba học đại học kinh tế và làm về kinh tế). Ba Vy Khanh tự thiết kế các mô hình theo sở thích riêng của mình, và điều đó đã truyền cảm hứng cho Vy Khanh yêu thích kỹ thuật khi nào không hay. Sau khi tốt nghiệp THPT, Khanh làm hồ sơ thi vào cả trường Bách Khoa và Kinh tế, đa phần mọi người khuyên con gái nên chọn kinh tế, nhưng Vy Khanh nghĩ cơ hội cho tương lai chỉ quyết định trong một lần này, vì thế Vy Khanh chọn Bách Khoa. <em>"Cho đến hôm nay, Vy Khanh tự thấy cảm ơn chính mình đã có lựa chọn như vậy", Khanh chia sẻ.</em></p>
<p style="text-align: justify;"> </p>
<p style="text-align: justify;"><strong>Hành trình "1 chọi 300</strong>"</p>
<p style="text-align: justify;">Thời gian đầu mới bắt đầu đi học, Vy Khanh thực sự bị choáng ngợp vì một ngành hơn 300 bạn mà chỉ có mình Vy Khanh là nữ. Nhưng sau một thời gian tiếp xúc, các bạn nam trong lớp rất tốt bụng và giúp Vy Khanh thấy thoải mái hơn trong học tập. Đến năm thứ hai, khi Vy Khanh bắt đầu với các môn thực hành trong xưởng, các máy móc khá to nặng và nguy hiểm, thật sự sức của con gái rất khó để thực hiện tốt các công việc trong xưởng. Để giái quyết việc này, các bạn nam trong lớp và các thầy đã giúp đỡ và hướng dẫn Vy Khanh khá nhiều. Tự nhận thấy sự thiệt thòi về sức khỏe trở thành một ràn cảo không nhỏ, Vy Khanh quyết tâm đi tìm thế mạnh riêng cho bản thân thông qua việc cố gắng học tập, tham gia các cuộc thi học thuật, các đề tài nghiên cứu khoa học để bản thân luôn cảm thấy tự tin khi là con gái mà theo đuổi kỹ thuật. </p>
<p style="text-align: justify;"> </p>
<p style="text-align: justify;">Đặc biệt, Vy Khanh từng tham gia và đạt giải khuyến khích cuộc thi Olympic Cơ học môn Ứng dụng tin học trong nguyên lý máy do Hội cơ học Việt Nam tổ chức, trong đó chỉ mình Khanh là thí sinh nữ đoạt giải. Có thể nói đây là giải thưởng về học thuật mà Khanh tự hào nhất suốt thời sinh viên. Ngoài ra Khanh thực hiện 3 đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên được đánh giá cao. Các đề tài cũng như cuộc thi này đã giúp Vy Khanh rèn luyện được các kỹ năng về tự học, tự nghiên cứu, giúp Vy Khanh có thêm nhiều trải nghiệm và cái nhìn thực tế ngoài lý thuyết trên sách vở, và chúng cũng giúp Vy Khanh hứng thú hơn ngành nghề mình đang theo đuổi.</p>
<p style="text-align: justify;"> </p>
<p style="text-align: justify;">Tuy nhiên, Vy Khanh vẫn còn trăn trở, nếu có thể quay lại thời sinh viên, chị ấy sẽ tiếp tục dành thời gian để những nghiên cứu khoa học của mình mang tính thực tiễn hơn nữa.</p>
<p style="text-align: justify;"> </p>
<p style="text-align: justify;"><strong>Đoàn, hội cũng là sân chơi chuẩn bị cho tương lai</strong></p>
<p style="text-align: justify;"> </p>
<p style="text-align: justify;">Bên cạnh học tập và nghiên cứu, Vi Khanh tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể. Vy Khanh từng là Ủy viên thường vụ BCH Đoàn trường ĐH Bách Khoa TP.HCM. Vy Khanh thường tham gia các hoạt động liên quan đến tổ chức cuộc thi học thuật hoặc giới thiệu về hoạt động nghiên cứu cho sinh viên trong trường. Hiện đang là chủ tịch nhóm cựu nữ sinh nhận học bổng nữ sinh kỹ thuật (ACWES) của AMCHAM (Hội thương nghiệp Mỹ), Vy Khanh và các bạn đang tổ chức một cuộc thi đua xe mô hình cho khối THPT để khuyến khích và giúp các học sinh cấp 3, đặc biệt là các bạn nữ, có cái nhìn gần gũi hơn với khối ngành kỹ thuật. Cuộc thi đang trong giai đoạn chuẩn bị và dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6 với sự hợp tác của ACWES, CLB Robot Bách Khoa và Khoa Cơ Khí - ĐH Bách Khoa.</p>
<p style="text-align: justify;"> </p>
<p style="text-align: justify;">Cô sinh viên học chương trình Kỹ sư tài năng của trường ĐH Bách Khoa vừa tốt nghiệp năm 2013 và hiện đang trong thời gian thử việc ở vị trí thiết kế mô hình tại một công ty về thiết bị y tế cho khách hàng nước ngoài.</p>
<p style="text-align: justify;"> </p>
<p style="text-align: justify;">Khanh cho biết công việc của chị ấy khá thú vị, phù hợp với chuyên ngành học, tuy nhiên Khanh mong muốn tìm được một học bổng học lên bậc cao hơn để tiếp tục theo đuổi và tìm hiểu nhiều hơn ngành mà mình đã chọn và yêu mến. "Mình cũng muốn đi đến những vùng đất khác, không những để tiếp cận với những kiến thức mới, mà còn là tiếp cận với những đất nước mới để con người mình luôn vận động, thay đổi và học được nhiều điều hơn", Khanh nói.</p>
<p style="text-align: justify;"> </p>
<table align="center" border="1" cellpadding="0" cellspacing="1" style="width:489px">
<tbody>
<tr>
<td>
<p style="text-align: justify;"><strong>Lời khuyên cho teen nữ “nhăm nhe” ngành kỹ thuật</strong></p>
<p style="text-align: justify;"> </p>
<p style="text-align: justify;">Chắc sẽ có nhiều lời khuyên mà các bạn đã, đang và sẽ nghe khi quyết định ngành thi đại học của mình, vì thế Vy Khanh chỉ muốn nói riêng với các bạn nữ rằng đừng lo lắng hay hoảng sợ, cứ theo đúng đam mê của mình thì mình sẽ có động lực mà thực hiện tốt những điều đó.</p>
<p style="text-align: justify;"> </p>
<p style="text-align: justify;">Con gái kỹ thuật thường gặp 2 vấn đề khi bước chân vào môi trường mới, bạn có thể hình dung ra để chuẩn bị tâm lý tốt hơn hoặc lấy đó làm động lực để đi tìm thế mạnh riêng của mình:</p>
<p style="text-align: justify;"> </p>
<p style="text-align: justify;">@ Thường bị shock nếu vào một môi trường mới toàn nam: Nếu không thích nghi tốt thì hay bị sống khép kín, ảnh hướng tâm lý. Nhưng điều này thường không xảy ra vì khi trong lớp có số lượng mày râu áp đảo thì tóc dài sẽ “bị” chú ý nhiều, nên sẽ nhanh chóng thích nghi, các bạn đừng quá nhút nhát là được.</p>
<p style="text-align: justify;"> </p>
<p style="text-align: justify;">@ Con gái kỹ thuật thường yếu hơn con trai: Khi thực tập xưởng hay thực hành máy móc thì thường không làm tốt bằng. Bên cạnh đó con gái kỹ thuật thường vất vả hơn lúc theo đuổi tìm hiểu thực tế. Vì vậy các kiến thức về thực tế các bạn có thể kém hơn một tí. Để bù lại thiệt thòi này, teen hãy cố gắng học tập, tham gia các cuộc thi học thuật, các đề tài nghiên cứu khoa học để luôn thấy tự tin rằng mình là con gái kỹ thuât nhé!</p>
<p style="text-align: justify;"> </p>
<p style="text-align: justify;"><strong>(Vy Khanh)</strong></p>
</td>
</tr>
</tbody>
</table>
<div style="clear: both; text-align: justify;"> </div>
<p style="text-align: justify;"> </p>
<p style="text-align: justify;"> </p>
<p style="text-align: justify;"> </p>
</body></html>