<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="color:rgb(0, 0, 0)"><span style="font-size:14px">Đêm 12/09/2015, buổi tưởng niệm GS.TS Trần Văn Khê và chương trình Họp mặt kỉ niệm một năm thành lập CLB nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam bộ xưa đã diễn ra tại Khách sạn Sài Gòn, TP.HCM. Chương trình nhằm tổng kết chặng đường một năm hoạt động của CLB và tri ân cố GS.TS Trần Văn Khê với những đóng góp to lớn trong việc “giữ hồn dân tộc”. Chương trình do chuyên gia văn hóa Nam bộ Hồ Nhựt Quang chủ trì cùng sự phối hợp biểu diễn của nhiều văn nghệ sĩ: nghệ sĩ Xuân Lan, nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân, nghệ sĩ Kim Hương, nghệ sĩ Diệu Thanh, nghệ sĩ – TS. Lê Hồng Phước, đạo diễn Tấn Phát, Nhạc sĩ – TS. Hải Phượng, Nhạc sĩ – Ths. Huỳnh Khải và </span></span><span style="color:rgb(0, 0, 0); font-size:14px">có sự góp mặt đặc biệt của nhạc sư Vĩnh Bảo, TS. Hãn Nguyên Nguyễn Nhã; PGS.TS Trần Hồng Liên </span><span style="color:rgb(0, 0, 0)"><span style="font-size:14px">…</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="color:rgb(0, 0, 0)"><span style="font-size:14px">Được sự tin tưởng và dìu dắt của cố GS.TS Trần Văn Khê cùng nhiều học giả khác, từ tháng 9/2014 đến nay, diễn giả Hồ Nhựt Quang, Chủ nhiệm CLB đã thực hiện 9 chuyên đề vinh danh văn hóa Nam bộ với sự đồng hành, hỗ trợ của các văn nghệ sĩ và nhiều người đam mê văn hóa. Các hoạt động bao gồm: Vinh danh ẩm thực Nam bộ qua thơ ca, Vinh danh trang phục Nam bộ qua thơ ca, Vinh danh lễ giáo Nam bộ xưa qua thơ ca, Vinh danh nghề xưa của Nam bộ qua thơ ca, Độc đáo nghệ thuật khóc cười trên sân khấu, Tour xích lô tham quan Thành phố Sài Gòn xưa và nay, Nghệ sĩ tri ân cố GS.TS Trần Văn Khê – người giữ hồn dân tộc, Tết xưa của Nam bộ, Lịch sử Cải lương Nam bộ.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="color:rgb(0, 0, 0)"><span style="font-size:14px">Thời gian tới, CLB tiếp tục thực hiện việc vinh danh các giá trị tốt đẹp của văn hóa Nam bộ. Trong đó, tập trung nghiên cứu và bảo tồn vốn văn hóa nghệ thuật từ các bậc thầy nhiều kinh nghiệm như nhạc sư Vĩnh Bảo. Đồng thời lập danh sách đỏ những di tích của miền Nam về cả giá trị vật chất lẫn tinh thần như Đình làng Nam bộ, Hát ru Nam bộ…; tiếp nhận những tài năng có nhiệt tâm cùng vinh danh văn hóa nghệ thuật Nam bộ vì lợi ích cộng đồng và tổ chức sinh hoạt văn hóa định kì để chia sẻ, phục vụ cộng đồng.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="color:rgb(0, 0, 0)"><span style="font-size:14px">Nhạc sư Vĩnh Bảo đã không còn vững bước trên sân khấu nhưng vẫn khảy ngón đàn bằng 98 năm cuộc đời đã đi qua. Ông chia sẻ, tôi đến đây vì tình yêu văn hóa và vì tôi nặng mang trong mình cái hồn dân tộc. Tôi không định chia sẻ điều gì vì nay đã tuổi cao sức yếu. Tuổi này họa chăng chỉ đóng góp tối thiểu chứ không thể tối đa được nữa. Tôi mong rằng quý vị, những con người rất trẻ trước nhất phải hiểu được bản thân mình là ai.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="color:rgb(0, 0, 0)"><span style="font-size:14px">TS. Hãn Nguyên Nguyễn Nhã khẳng định: “Chúng ta hãy tiếp nối ngọn lửa truyền thống của văn hóa cổ truyền, của âm nhạc dân tộc; tiếp nối GS.TS Trần Văn Khê kể tiếp những câu chuyện về lễ giáo, đạo đức. Giữ hồn dân tộc là nhiệm vụ của tất cả chúng ta”.</span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="color:rgb(0, 0, 0)"><span style="font-size:14px"><strong>THANH ĐỨC</strong></span></span></p>
</body></html>