<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Nhiều giải pháp đột phá cho hoạt</title>
<style>
<!--
p.MsoNormal
{mso-style-parent:"";
margin-bottom:.0001pt;
font-size:13.0pt;
font-family:"Times New Roman";
font-weight:bold;
margin-left:0in; margin-right:0in; margin-top:0in}
-->
</style>
</head>
<body>
<p align="center"><font color="#0000FF" face="Arial" size="2"><b>Nhiều giải pháp
đột phá cho hoạt động hỗ trợ sinh viên trong giai đoạn mới</b></font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Sáng 2/1/2006, Hội Sinh viên Thành phố và Trung
tâm Hỗ trợ Sinh viên thành phố đã tổ chức Hội thảo <i><b>“Hoạt động hỗ trợ sinh
viên trong giai đoạn mới”</b></i>. Tham dự hội thảo có anh Tăng Hữu Phong – Chủ
tịch Hội Sinh viên TP, anh Phạm Văn Sáng – Phó trưởng phòng đảng - đoàn thể Ban
Dân vận Thành ủy, tiến sĩ Lê Khắc Huy – nguyên Phó Chánh VP Bộ Giáo dục – Đào
tạo, tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn và đại diện các trung tâm hỗ trợ sinh viên các
trường. Các đại biểu đã cùng thảo luận về vai trò, vị trí, những thuận lợi, khó
khăn trong hoạt động của các trung tâm hỗ trợ sinh viên và đề ra nhiều giải pháp
mang tính đột phá cho hoạt động hỗ trợ sinh viên trong giai đoạn mới.</font></p>
<p align="center">
<img border="0" src="trung%20tam%20ho%20tro%20sv.JPG" width="320" height="240"></p>
<p><font face="Arial" size="2" color="#008000"><b>Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên:
cung không đủ cầu</b></font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Trong những năm gần đây, hoạt động hỗ trợ sinh
viên luôn được lãnh đạo các trường Đại học – Cao đẳng – THCN và dạy nghề quan
tâm, đầu tư… Đây là một hoạt động gắn kết giữa hoạt động đào tạo của nhà trường
và nhu cầu nhân lực của xã hội. Hoạt động hỗ trợ sinh viên cũng là hoạt động
luôn được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội Sinh viên Việt Nam
TP. Hồ Chí Minh.</font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Phần lớn hoạt động của các trung tâm hỗ trợ sinh
viên (TTHTSV) hiện nay đều được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo nhà trường, gắn
liền với nhiều hoạt động Đoàn/Hội. Các TTHTSV đã huy động được nhiều nguồn lực
xã hội, vận động được ngày càng nhiều học bổng, ngày càng nhiều việc làm thêm và
chỗ trọ giá rẻ, an toàn nhằm san sẻ phần nào những gánh nặng mà sinh viên, nhất
là các bạn sinh viên đến từ nông thôn phải vượt qua. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có
khoảng 30 trường đại học – cao đẳng – trung cấp và dạy nghề có TTHTSV, ban hỗ
trợ sinh viên hoặc các hoạt động hỗ trợ sinh viên. Tuy nhiên có gần 300.000 sinh
viên đang học tập tại TP. Hồ Chí Minh. Tính bình quân một đơn vị phải phục vụ
cho trên 10.000 sinh viên. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Thầy Nguyễn Văn Ngoan – Giám đốc TTHTSV Đại học
bán công Tôn Đức Thắng cho rằng: “TTHTSV các trường là một đơn vị thực hiện công
tác phúc lợi xã hội; tuy nhiên, vấn đề tạo được nguồn kinh phí họat động, nguồn
công việc bán thời gian, nguồn nhà trọ cho sinh viên quả là một điều khó khăn.
Làm thế nào để TTHTSV các trường hoạt động có hiệu quả, tránh tình trạng hoạt
động hình thức là một điều không đơn giản”.<br>
<br>
<font color="#008000"><b>Hướng đi mới cho các trung tâm hỗ trợ sinh viên:<br>
</b></font><br>
Theo anh Lê Xuân Sinh – Giám đốc TTHTSV Đại học Mở – Bán công: “Xuất phát từ
những nhu cầu có thực trong sinh viên, chúng tôi nhận thấy những nội dung cần
được hỗ trợ đó là: chổ ở, học phí và kinh phí cho học tập (vấn đề ăn ở, học cụ,
giáo trình, các phương tiện đi lại…) cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn;
việc làm, tham quan kiến tập và thực tập tốt nghiệp; trang bị kỹ năng học tập và
hội nhập nghề nghiệp… Đó là những vấn đề cơ bản mà ngoài việc học (được trang bị
kiến thức từ nhà trường) thì nó quyết định rất lớn đến quá trình học tập của
sinh viên. Và thực tế cho thấy trong thời gian qua, các TTHTSV đã nắm bắt được
đúng nhu cầu này và dần trở thành người bạn luôn “đồng hành” cùng các bạn sinh
viên. Tuy nhiên những vấn đề trên là điều kiện cần nhưng chưa phải đủ để hoạt
động hỗ trợ sinh viên thật sự có hiệu quả. Hay nói một cách khác thì hoạt động
hỗ trợ sinh viên đang cung cấp những cái có thể cho – tặng cho sinh viên chứ
chưa hướng đến sự chủ động của sự hỗ trợ. Khái niệm: cho con cá – cái cần câu và
cách câu đang là một thực tiễn đòi hỏi cần được vận dụng một cách cụ thể. Theo
suy nghĩ của tôi thì việc hỗ trợ trước mắt là cơ bản, là thật sự cần thiết.
Nhưng cần hướng sự hỗ trợ vào sự chủ động, vào kỹ năng, vào số đông nhu cầu phi
vật chất. Công tác tư vấn sẽ giúp đối tượng tự chủ động hơn trong cách giải
quyết các vấn đề của chính mình, tìm ra được hướng giải quyết tích cực hơn, và
mang tính bền vững hơn. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Đa số các ý kiến cho rằng: TTHTSV nên tăng cường
tổ chức những chương trình mang tính chất chuyên môn cũng như mang tính chất
nghề nghiệp. Nên xoáy mạnh các chương trình đào tạo thêm kỹ năng tìm việc, kỹ
năng nghề nghiệp bên cạnh việc hỗ trợ sinh viên nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh
thần trong cuộc sống sinh viên. Đây thực sự là điều mà sinh viên rất cần. Những
hình thức như: tư vấn, giao lưu, thi đua tìm hiểu về nghề nghiệp và thực hành
nghề nghiệp nên được tập trung mạnh hơn nữa, sâu hơn nữa để thực hiện phương
châm “ học và làm” mà nhiều trường Đại học đang quan tâm theo đuổi. Theo tiến sĩ
Lê Khắc Huy: “Các TTHTSV phải có vai trò trợ giúp sinh viên nâng cao năng lực,
hòa đồng vào các hoạt động tập thể, tập làm công tác tổ chức, thuyết phục, tập
hợp quần chúng, … tạo cho sinh viên thêm cách tiếp tiếp cận và phát hiện vấn đề,
thâm nhập thực tế và giao việc là cách tốt nhất giúp họ tự phát hiện những gì họ
còn thiếu.”</font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Để hoạt động hỗ trợ sinh viên ngày càng phát
triển, đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu của sinh viên, các TTHTSV cần xác định
cho mình một hình thức hoạt động phù hợp, xây dựng một mục tiêu phấn đấu lâu
dài, đề ra các hoạt động mang tính đặc thù của đơn vị mình. TTHTSV thành phố
cùng với các TTHTSV các trường cần bàn bạc, để tìm ra một lối mở cho chương
trình liên thông các TTHTSV. Hoạt động liên thông này nhằm chia sẻ thông tin,
đưa ra các hình thức tương hỗ giữa các trung tâm đã phát triển lớn mạnh và các
trung tâm, văn phòng còn nhiều hạn chế trong công tác hỗ trợ sinh viên. TTHTSV
thành phố phải đóng vai trò tư vấn, cố vấn cho các TTHTSV các trường.</font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Bên cạnh đó, lãnh đạo các trường, các nhà giáo
dục cần đặt đúng vị trí hoạt động hỗ trợ sinh viên trong nhà trường, xem đó là
bộ phận quan trọng, góp phần không nhỏ trong giáo dục sinh viên toàn diện hơn.
Và hoạt động đó cũng góp phần cùng nhà trường đưa sinh viên tiếp cận tốt với
kiến thức thực tế để giúp sinh viên dễ dàng có được việc làm sau khi ra trường.
Và đó cũng chính là mong muốn chung của tất cả những người làm công tác hỗ trợ.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b>Đ.P.T.</b></font></p>
</body>
</html>