<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p><strong>I. THÔNG TIN CƠ BẢN:</strong></p>
<p>1. Thủ đô: Viên Chăn (Vientiane)</p>
<p>2. Diện tích: 236,800 km<sup>2</sup></p>
<p>3. Dân số:6,5 triệu người (2012)</p>
<p>4. Dân tộc: 49 dân tộc, chia thành 04 nhóm ngôn ngữ</p>
<p style="margin-left:72.0pt">(Lào – Thái, Môn – Khơ-me, Mông – Dao, Hán – Tây Tạng)</p>
<p>5. Tôn giáo: Phật giáo (85%)</p>
<p>6. Ngôn ngữ: Tiếng Lào là ngôn ngữ chính thức</p>
<p>7. Thể chế chính trị: Cộng hòa dân chủ nhân dân, từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội</p>
<p>8. Quốc khánh: 02/12/1975</p>
<p>9. GDP: 9,30 tỉ đô-la Mĩ (WB 2012)</p>
<p>10. Đơn vị tiền tệ: Đồng kíp (kip), viết tắt tiếng Anh là LAK</p>
<p>11. Mã vùng: +856</p>
<p>12. Tên miền: .la</p>
<p><strong>II. THÔNG TIN VĂN HÓA:</strong></p>
<p><strong>Phong tục tập quán</strong></p>
<p>Nhà ở của người Lào thường là nhà sàn gỗ. Nhà sàn của người Lào thường quay về hướng Bắc, lưng tựa hướng Nam. Trong cuộc sống hàng ngày, người Lào thường dùng loại khăn gọi là phạ-phe thường dùng che đầu, quàng cổ, gói quần áo buộc vào thắt lưng...</p>
<p>Với phụ nữ Lào, lúc còn nhỏ, họ có thể để tóc hoặc hớt tóc nhưng trên 10 tuổi thì phải bới tóc (chưa có chồng thì búi lệch, có chồng rồi thì búi thẳng), ngoài 50 tuổi, họ thường cắt tóc ngắn.</p>
<p>Trong gia đình, người chồng thường làm những công việc nặng nhọc như cày bừa, phát nương, đắp mương phai, săn bắt, sửa chữa nhà cửa. Những công việc nhẹ như gặt hái, trông nom vườn tược, chăn nuôi, hái lượm, nấu nướng, may vá, dệt vải, chăm sóc con cái đều do phụ nữ đảm nhiệm.</p>
<p><strong>Nghi thức giao tiếp:</strong></p>
<p>Người Lào thường chào nhau bằng một cử chỉ giống như cầu nguyện được gọi là cúi chào. Chạm vào đầu một người nào đó hoặc chỉ vào một người hay một vật bằng chân được xem là cực kỳ thô lỗ.</p>
<p>Ở Lào, việc hôn tay, ôm eo phụ nữ là hành động tối kị đặc biệt là với những cô gái chưa chồng. Nếu một người Lào không bằng lòng cho bạn sờ vào đồ vật của họ thì có thể đó là món đồ dễ gây lòng tham, hoặc cũng có thể nó mang giá trị tinh thần đặc biệt với họ nên không muốn ai đụng tới.</p>
<p>Nhiều địa phương ở Lào có tục không gọi tên thật lúc còn nhỏ, mà con gái thường được gọi là “bặc e”. Các cô gái 15, 16 tuổi trước cái tên thường dùng của mình còn có thêm tiếng “sảo”, con trai mười tám đôi mươi chưa có vợ gọi là “ai-bào” để hiểu họ là gái chưa chồng, trai chưa vợ. Cặp vợ chồng lấy nhau lâu năm không có con thì dân bản gọi là “phò pàu-mẹ pàu” (bố không, mẹ không). </p>
<p><strong>Văn hóa ẩm thực:</strong></p>
<p>Cây lương thực chủ yếu của Lào là lúa nếp và lúa tẻ. Bữa ăn của họ thường có đồ nướng (cá, thịt) và gỏi cùng những quả đắng, chua, chát như chuối xanh, me. Thức ăn được người Lào ưa thích là cá, ốc, ếch, tôm, tép và thịt các loại thú rừng nhưng loại thịt được xếp hàng thứ nhất là thịt trâu, thịt bò.</p>
<p>Ớt là loại gia vị không thể thiếu trong bữa ăn. Mắm cá được dùng nêm vào các món ăn. Món lạp được dùng trong các bữa cơm lễ hội và tiếp khách.</p>
<p>Trong bữa cơm, dù thức ăn nhiều hay ít thì khách đều phải ăn mỗi thứ một ít cho hài lòng gia chủ nhưng cũng phải để lại một ít cơm, xôi để tượng trưng cho sự no đủ, thừa thãi cơm gạo.</p>
<p><strong>Lễ hội</strong></p>
<p>Lễ cầu yên (xù-khoẳn) là một nghi lễ đơn giản nhưng thiêng liêng, trang trọng, phổ biến trong nhân dân các bản mường. Chỉ cần cây nến, bông hoa, bát gạo, sợi chỉ trắng là có thể làm lễ xù-khoẳn (vía trở lại). Mâm lễ (pha-khoẳn), người làm lễ (mỏ khoẳn) và nội dung cầu mong trong lễ (xụt-khoẳn) là các yếu tố có ý nghĩa có ý nghĩa cả về tâm linh và nghi lễ.</p>
<p>Lễ buộc chỉ cổ tay (phục khẻn) chỉ cần lễ vật là quả trứng luộc, quả chuối chín, nắm gạo, sợi chỉ trắng nhưng với nghi lễ của mình, người Lào buộc chỉ vào cổ tay khách và thể hiện sự chân thành, thận trọng và tin tưởng.</p>
</body></html>