<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Gương “Người con hiếu thảo”: Thầy Nguyễn Phước Thiện</strong></span></span></p>
<p style="text-align: center;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Như chưa hề có bóng tối</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Căn nhà nhỏ nằm trong chung cư Nguyễn Thiện Thuật (Quận 3) là mái ấm của hai mẹ con thầy Nguyễn Phước Thiện – một giáo viên Anh văn khiếm thị. Gian nhà chất đầy những chiếc đài radio cũ và những thiết bị công nghệ phục vụ cho việc dạy học của thầy. Nơi đây dường như ấm cúng hơn bởi ở đó có những câu chuyện về một người con hiếu thảo.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Giá có thể thay “Người con hiếu thảo” thành “Tấm lòng người mẹ”</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"> Đó là câu nói của thầy Thiện khiến tôi nhớ nhất khi nói chuyện về mẹ của thầy. Trong tâm trí một đứa trẻ lên 10 khi không còn thấy ánh sáng, chỉ nhớ như in tiếng xe đạp “lộc cộc lộc cộc” của mẹ. Chính tiếng xe đạp ấy, chính người mẹ ấy đã nuôi lớn người con hôm nay.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Mẹ thầy Thiện năm nay đã ngoài 60, gương mặt hiền lành hằn những nếp nhăn của thời gian, bà chia sẻ rằng trước đây nuôi thầy Thiện rất cực vì con mình nó không nhìn thấy như người ta. Ngần ấy năm bà đi bán đủ mọi thứ ở chợ Cầu Muối đến chợ Bàn Cờ để nuôi con, bao cực khổ, khó nhọc đấy nhưng bà luôn thấy hạnh phúc vì có đứa con như thầy. Biết con được bằng khen, giấy khen, bà chưa bao giờ dám nói hai tiếng tự hào nhưng trong lòng cảm thấy rất vui.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Từ ngày bắt đầu dạy thêm, thầy cũng không để mẹ cực khổ buôn bán nữa, bản thân mẹ thầy nay cũng đã<a name="_GoBack"></a> lớn tuổi lại hay bệnh, mỗi tối thầy Thiện đều đặn bóp tay chân cho mẹ, có thu nhập từ rồi mua sữa bồi bổ cho mẹ. Những lúc đau yếu, đi không được, một tay thầy cõng mẹ đi, chăm sóc và quan tâm mẹ. Bà có thói quen dậy sớm, nhưng có những đêm vì bệnh nên khó ngủ, thầy Thiện biết ý sáng không gọi mà để mẹ ngủ thêm. Bà kể có những lúc hai mẹ con rất vui, thầy Thiện khi đi ra ngoài thỉnh thoảng lại mua những món ăn nho nhỏ làm mẹ bất ngờ, khi thì ổ bánh mì, khi thì cái bánh bao. Nói đến đây mắt bà ngân ngấn nước, với người mẹ ấy nếu có ra đi cũng mãn nguyện vì có đứa con như thầy.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Thương mẹ, thầy chưa bao giờ đem những việc lớn lao ra để kể nhưng chỉ bằng những hành động nhỏ những việc làm nhỏ cũng khiến ta hiểu tình cảm mà thầy Thiện dành cho mẹ. Biết mẹ sợ điện nên mọi thiết bị, dụng cụ, dây điện trong nhà đều do một tay thầy tự mò mẫm làm, tự thiết kế sao cho thuận tiện với mình và cũng an toàn cho mẹ khi thầy đi ra ngoài.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Thầy Thiện nói: “Thầy có được như ngày nay cũng bấy nhiêu ngày mẹ thầy khó nhọc lắm. Hồi nhỏ nhà cũng khó khăn, gồng gánh bán bưng nuôi thầy. Thầy bắt đầu dạy là năm 19, 20 tuổi, thì ngần ấy năm là mười mấy năm mẹ cực khổ nuôi thầy. Hồi xưa thầy đi học bị đụng đầu hay bể gối, đi đụng vì không thấy đường, về mẹ thầy khóc, chính vì như vậy đôi khi thầy bị này kia nọ về cũng giấu mẹ thầy, sợ mẹ buồn”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đối với cuộc sống của một người khiếm thị, dù có trợ giúp đến đâu thì cũng không thể tránh khỏi những khó khăn nhất định nhưng với thầy “Mẹ nuôi mình mười mấy năm, mình không thương mẹ mình sao? Mà mình thương mẹ thì những lúc mình buồn, mình chán mình hãy nghĩ tới ba mẹ. Đó cũng là lý do để mình không được chán tấm thân mình, cuộc sống mình”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Trải qua bao năm tháng khó nhọc, đến nay, thầy Thiện đã đi dạy học và tạo ra thu nhập trang trải trong nhà, mẹ thầy giờ đây cũng đã phần nào bớt vất vả nhưng trong suy nghĩ của thầy những việc làm đó chưa là gì cả đối với công lao của mẹ.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Khiếm thị không phải là mất tất cả</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Từ khi bị mất đi khả năng nhìn, thầy Thiện theo học lớp Nhạc, dự định là dạy nhạc rồi thầy cũng sáng tác nhạc, làm thơ. Nhưng rồi từ những người bạn học cùng lớp tiếng Anh (những người sáng – theo lời của thầy) thấy thầy siêng năng, có khiếu truyền đạt lại cho người khác hiểu, vậy là thầy bắt đầu công việc dạy học. Như một cái duyên, nghề chọn mình, lớp học của thầy dần dần được nhiều người biết đến, vậy là thầy dạy học Anh văn cho đến nay.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Thầy quan niệm nếu mình ra đường làm những công việc khác thì có thể người ta tội nghiệp người ta giúp nhưng đối với việc day học nếu không hiệu quả thì sẽ không tiếp tục được. Không vịn vào việc mình là người khiếm thị, thầy luôn tự trau dồi kiến thức tiếng Anh để phục vụ tốt hơn cho việc dạy học của mình. Thời gian rảnh, thầy tìm tài liệu rồi nghiên cứu, tìm ra những phương pháp học hiệu quả hơn. Đến nay mọi thứ liên quan giảng dạy đều được sử dụng bằng điện tử từ tài liệu, màn hình dạy học, ghi âm đọc nói, loa nghe,...</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Bên cạnh việc dạy tiếng Anh, thầy Thiện cũng thường xuyên chia sẻ với học trò những câu chuyện, những bài học về cuộc sống, giúp các bạn có cái nhìn tích cực hơn, lối sống tốt đẹp hơn. Tôi có hỏi thầy về việc đâu là yếu tố mà thầy cho là quan trọng trong việc tự học, thì câu trả lời là ý thức. Theo thầy chính mình phải nhận thức tốt, phải có ý thức trách nhiệm trong việc tự học có như vậy mới thành công trong việc tự học.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Khi tôi hỏi thầy về việc thầy muốn gửi lời khuyên gì cho những bạn trẻ khuyết tật nói chung và khiếm thị nói riêng, thầy chia sẻ, khi mình bị khuyết tật dù ở dạng nào đi chăng nữa ví như nếu mình khiếm thị thì mình chỉ mất đi cái kênh nhìn thôi, mình chỉ mất một chức năng nào đó thôi còn những thứ khác mình vẫn còn bình thường. Nếu mình nghĩ như vậy thì mình sẽ không thấy mình mất tất cả, quan trọng nhất là mình còn bộ óc sáng suốt, mình có thể vươn lên trong cuộc sống, còn nếu mình biết sống tốt sống đẹp nữa thì càng tốt.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"> Không chỉ là một tấm gương về người con hiếu thảo, ở thầy còn là tấm gương về việc tự học và ý chí vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Vẫn còn đó những khó khăn, nhưng người viết tin rằng với niềm tin và sự lạc quan, thầy sẽ có đủ nghị lực để bước tiếp.</span></span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>LÊ CHÂU – VY VY</strong></span></span></p>
</body></html>