<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Trả lại tên cho em</title>
<style>
<!--
p.MsoNormal
{mso-style-parent:"";
margin-bottom:.0001pt;
font-size:13.0pt;
font-family:"Times New Roman";
font-weight:bold;
margin-left:0in; margin-right:0in; margin-top:0in}
table.MsoNormalTable
{mso-style-parent:"";
font-size:10.0pt;
font-family:"Times New Roman";
}
-->
</style>
</head>
<body>
<p class="MsoNormal" align="center"><font color="#0000FF">
<span style="font-size: 10pt; font-family: Arial">Trả lại tên cho em</span></font></p>
<p class="MsoNormal"> </p>
<table class="MsoNormalTable" border="0" cellspacing="0" cellpadding="0" align="right" width="40" style="width: 30.0pt" id="table1">
<tr>
<td style="padding: 0in">
<p class="MsoNormal">
<img border="0" src="tra%20lai%20ten%20cho%20em.bmp" width="136" height="200"></td>
</tr>
<tr>
<td style="padding: 0in">
<p class="MsoNormal" align="center">
<span style="font-family: Arial; color: #888888; font-weight: normal; font-style: italic">
<font size="2">Vân (</font></span><i><span style="font-family: Arial; color: #888888; font-weight: normal"><font size="2">đeo
kính</font></span></i><span style="font-family: Arial; color: #888888; font-weight: normal; font-style: italic"><font size="2">)
và các em Tân, Ngọc đã tìm lại được tên mình từ dự án "Tồn tại hay không
tồn tại"</font></span></td>
</tr>
</table>
<p class="MsoNormal">
<span style="font-size: 10.0pt; font-family: Arial; color: #5F5F5F">Trong căn
nhà tối tăm vang lên tiếng cười rộn rã - tiếng cười của những đứa trẻ lần đầu
tiên được có cái tên chính thức. Còn cha mẹ các em xúc động rơm rớm nước mắt:
“Con tôi không còn vô danh nữa”. </span></p>
<p class="MsoNormal"> </p>
<p class="MsoNormal">
<span style="font-size: 10pt; font-family: Arial; color: #008000">Những số phận
“vô danh”</span></p>
<p class="MsoNormal"> </p>
<p class="MsoNormal">
<span style="font-size: 10.0pt; font-family: Arial; color: black; font-weight: normal">
Dưới gầm cầu Long Biên, Hà Nội một đêm mưa dầm lạnh lẽo, khách qua đường ái ngại
nhìn cậu bé ngồi co ro khóc bên hè, quyển vở trong tay em cứ nhạt dần dưới cơn
mưa. Một thanh niên dừng xe đến ngồi cạnh an ủi em. Cậu bé sụt sùi: “Em không có
khai sinh nên các cô ở trường bổ túc nói phải nghỉ học, không được chuyển lên
cấp III”. </span></p>
<p class="MsoNormal"> </p>
<p class="MsoNormal">
<span style="font-size: 10.0pt; font-family: Arial; color: black; font-weight: normal">
Đêm đã khuya, chàng thanh niên chở cậu bé về nhà. Câu chuyện buồn bắt đầu dưới
mái nhà ổ chuột. Cậu bé tên Vũ Thanh Quyền, 15 tuổi, con đầu trong gia đình có
ba anh em đều “vô danh” vì không ai có bất cứ giấy tờ pháp lý nào chứng minh tên
tuổi, sự tồn tại của mình. Chị Đào Thị Quý, mẹ của đám trẻ, cũng chẳng có tấm
giấy gì trong người. Chàng thanh niên theo cậu bé Quyền về nhà ngồi nghe lặng
thinh hồi lâu mới nói: “Anh sẽ giúp em có cái tên để trở lại trường”. Chàng
thanh niên tên Tạ Ngọc Vân.</span></p>
<p class="MsoNormal"> </p>
<p class="MsoNormal">
<span style="font-size: 10.0pt; font-family: Arial; color: black; font-weight: normal">
Theo chân Tạ Ngọc Vân đi khắp những xóm nghèo trong các ngõ ngách Hà Nội, tôi
được biết thêm nhiều cảnh đời “vô danh” buồn như thế. Em Nguyễn Ngọc Bảo đã sống
gần 16 năm với người cha cũng chẳng có tên tuổi chính thức trong giấy tờ nào.
Quê Bảo ở Quảng Xương, Thanh Hóa. Mẹ mất khi em mới ba tháng tuổi, hai cha con
dắt díu nhau về Hà Nội kiếm sống trên thuyền. Rồi một đêm dông bão, con thuyền
cũ kỹ bị sóng đánh vỡ. Người cha chỉ kịp ôm con chui vào gầm cầu Long Biên.
Người cha thương con đi năn nỉ hết trường này đến trường khác cũng chẳng ai chịu
nhận một học sinh không có giấy tờ gì. Cuối cùng Bảo phải xin học lớp tình
thương buổi tối, nên đã 17 tuổi mà cậu mới học đến lớp 4... </span></p>
<p class="MsoNormal"> </p>
<p class="MsoNormal">
<span style="font-size: 10.0pt; font-family: Arial; color: black; font-weight: normal">
Hoàn cảnh của Nguyễn Văn Thủy còn đáng thương hơn. Cha bỏ đi lúc em còn chưa nhớ
mặt. Hai mẹ con phải đi ăn xin. Một đêm, sau một ngày khất thực về, em được
người ta báo tin mẹ đã mất ở lề đường. Từ đó, cậu bé 12 tuổi hoàn toàn “vô danh”
trên cõi đời vì không còn cha mẹ, giấy tờ gì... Rất nhiều những cảnh đời nghèo
khó đến cái tên gọi cũng không có như thế...</span></p>
<p class="MsoNormal"> </p>
<table class="MsoNormalTable" border="0" cellspacing="5" cellpadding="0" align="right" width="200" style="width: 150.0pt" id="table2">
<tr>
<td style="padding: 3.0pt; background: #CFE6F9">
<p class="MsoNormal">
<span style="font-size: 10.0pt; font-family: Arial; color: black; font-weight: normal">
Dự án “Tồn tại hay không tồn tại” đã hỗ trợ 22 trường hợp. Ngoài làm
khai sinh, chứng minh nhân dân cho các em, dự án còn làm hộ khẩu, giấy
đăng ký kết hôn cho cả cha mẹ các em. Nguồn kinh phí dự án do Đại sứ
quán New Zealand tài trợ. Sắp tới sẽ mở rộng đối tượng đến các nhà mở,
mái ấm trên cả nước.</span></td>
</tr>
</table>
<p class="MsoNormal">
<span style="font-size: 10pt; font-family: Arial; color: #008000">“Đời có tên
tụi mình”</span></p>
<p class="MsoNormal"> </p>
<p class="MsoNormal">
<span style="font-size: 10.0pt; font-family: Arial; color: black; font-weight: normal">
Tạ Ngọc Vân mở cho tôi xem nhật ký của mình. Những nét chữ nguệch ngoạc của
chàng thanh niên 24 tuổi, cựu SV trường luật, là những số phận, những mảnh đời
“vô danh”. Vân cho biết đó là những thông tin mình thu nhặt được từ hè phố, gầm
cầu, bến sông từ hai năm qua để triển khai dự án mang tên “<i>Tồn tại hay không
tồn tại</i>” cho Quĩ bảo trợ trẻ em Rồng Xanh, VN. Vân bảo: “Ít ra mình cũng
giúp các em có được một tấm giấy khai sinh chứng minh nhân thân để đường vào đời
vơi bớt gian khổ”.</span></p>
<p class="MsoNormal"> </p>
<p class="MsoNormal">
<span style="font-size: 10.0pt; font-family: Arial; color: black; font-weight: normal">
Vân và những đồng sự thiện nguyện đã rong ruổi đi khắp nơi xác minh và xin làm
giấy tờ cho các em. Chính Vân đã thuyết phục chị Đào Thị Quý cùng mình trở lại
quê Hưng Yên để làm giấy khai sinh cho ba đứa con. Ban đầu, cán bộ hộ tịch xã
Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên lắc đầu trước trường hợp đặc biệt này.
Họ nói: “Chị Quý đã rời địa phương gần 20 năm, xã không còn quản lý giấy tờ gì
nữa...”. Nhưng Vân vẫn kiên trì thuyết phục, kể cả dùng lý lẽ luật pháp. Cuối
cùng, cán bộ xã gật đầu. Chính Vân là người mang những tờ giấy khai sinh về cho
ba anh em Quyền. Chỉ một tờ giấy khai sinh thôi nhưng cả ba anh em cứ xem đi xem
lại mãi cái tên mình và cười vang, và Quyền tiếp tục được học lên cấp III.
</span></p>
<p class="MsoNormal"> </p>
<p class="MsoNormal">
<span style="font-size: 10.0pt; font-family: Arial; color: black; font-weight: normal">
Không chỉ phía Bắc, Vân nhiều lần lặn lội vào tận miền Trung, miền Nam xa xôi để
giúp những đứa trẻ “tồn tại hay không tồn tại”. Em Trần Văn Ngọc ở xã Phú Hải,
huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã 14 tuổi vẫn chưa có giấy khai sinh. Ba
lần đầu Vân lên UBND xã trình bày làm giấy tờ cho gia đình này đều trở về tay
không. Đến lần thứ tư thì Vân thành công; không chỉ làm được ba giấy khai sinh
mà còn làm cả hộ khẩu và chứng minh nhân dân cho cha mẹ Ngọc. Đặc biệt, Quĩ bảo
trợ trẻ em Rồng Xanh còn giúp Ngọc ra Hà Nội ăn ở miễn phí và đi học.</span></p>
<p class="MsoNormal"> </p>
<p class="MsoNormal">
<span style="font-size: 10.0pt; font-family: Arial; color: black; font-weight: normal">
Xúc động nhất là trường hợp mẹ em Phạm Văn Toàn, trước ngày nhập viện chữa bệnh
ung thư mẹ Toàn nói với Vân: “Anh ráng giúp em có cái tên, tôi sợ mình không qua
khỏi”. Vân lên đường ngay. Ngày Vân cầm giấy khai sinh có tên tuổi Toàn về trao
cho hai mẹ con ngay trên giường bệnh, mẹ Toàn òa khóc vì sung sướng. Đến giờ các
bạn của Toàn là Thủy, Bảo, Chiên, Trang... cũng không còn “vô danh” nữa. Những
gương mặt trẻ thơ ấy đã có thể “tồn tại” như ước mơ của Tạ Ngọc Vân khi anh đội
mưa đội nắng chui xuống gầm cầu Long Biên nhiều năm về trước...</span></p>
<p class="MsoNormal"> </p>
<p class="MsoNormal" align="right"><i><font face="Arial" size="2">Theo TTO</font></i></p>
</body>
</html>