<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Sáng 19/11, Quận ủy - Ủy ban Nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 12 đã tổ chức kỉ niệm 33 năm ngày truyền thống Nhà giáo Việt Nam 20 – 11 ( 20/11/1982 – 20/11/2015). Đây cũng là dịp để các em học sinh hướng về các thầy cô với tấm lòng thành kính, những học trò hôm qua và những học trò hôm nay đã, đang và sẽ luôn khắc ghi trong lòng đạo lý: Uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo. Yêu nghề giáo và trọn đời thủy chung, son sắt với nghề.</span></span></p>
<p><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nghề giáo được vinh danh là “kỹ sư tâm hồn”, nghề dạy học được vinh danh là “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Tôn vinh người thầy đã trở thành đạo lý, thành tình cảm tự nhiên của mỗi học trò.</span></span></p>
<p><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Bác Hồ đã từng nói: “Người thầy giáo tốt, người thầy giáo xứng đáng là người thầy vẻ vang nhất, dù tên tuổi không đăng trên báo, không được khen thưởng huân chương. Song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh”.</span></span></p>
<p><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"> “Thầy cô giáo là niềm động viên, góp phần đưa các em đến bến bờ vinh quang” -Trần Hoàng Ánh Duyên (9A2 – THCS Phan Bội Châu) chia sẻ.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Em rất ngại khi phải nói với thầy cô những lời như: Em cảm ơn cô, em thương cô, em sẽ cố gắng học tập thật tốt… Em chỉ có thể viết vào giấy, hay ghi vội vào một góc nào đó của quyển vở để có thể biết ơn đến thầy cô của em”. Ánh Duyên cho biết thêm.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Cùng suy nghĩ với Duyên, bạn Thanh Thảo cũng cho rằng: “Với em tình yêu thương có nhiều cách để thể hiện, chỉ cần đó là sự thật lòng, xuất phát từ chính trái tim, chứ không phải đó là một hình thức chỉ để khoe khoang thì em nghĩ thầy cô sẽ hiểu và chấp nhận tình cảm đó”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Trong học tập, kiến thức quan trọng, rất cần thiết, nhưng nhân cách, đạo đức con người mới là điều đáng quý”, ông Nguyễn Văn Đức, Phó chủ tịch UBND Quận 12, chia sẻ. Chính những tâm huyết, lòng yêu thương, nhân ái của con người đã góp phần để thầy cô có thể dạy dỗ học trò mình thành những người công dân tốt góp phần phục vụ cho đất nước.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Kiến thức mất đi rồi có thể tìm lại được, có chăng chỉ là sự cố gắng, sự kiên trì, không ngại khó khăn, gian khổ. Nhưng khi đạo đức, nhân cách con người bị mất đi thì khó có thể lấy lại”, cô Bảo Trân cho biết.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Học trò có thể chỉ học thầy cô đó một lần, nhưng thầy cô thì dạy cả một thế hệ, dạy từ năm này qua năm khác. Chính vì vậy, nhiều lúc tôi cũng quên hẳn là người học trò này tôi đã dạy dỗ, nhưng với tôi dù có dạy em nào đi chăng nữa, em đó ngoan hay nghịch thì tôi vẫn dạy dỗ bằng cả tấm lòng mình”, cô Châu Hoàng Bảo Trân (Tiểu học Quang Trung, Phường Trung Mỹ Tây) bộc bạch.</span></span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>MỸ NƯƠNG</strong></span></span></p>
</body></html>