<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><em>Trong chương trình tuyên dương nhà giáo trẻ thành phố năm 2015 vừa qua có 3 nhà giáo đạt danh hiệu 6 năm liền, trong đó có nhà giáo Trần Quốc Trung, hiện đang là giáo viên trường Đại học Ngoại thương cơ sở 2 TP. Hồ Chí Minh.</em></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Cầm trong tay 2 bằng cử nhân Đại học Ngoại Thương và Học viện Hành chính nhưng thầy quyết định gắn bó với nghề giáo, đó không phải là quyết định có dự tính sẵn mà với thầy đó là cái duyên - một cái duyên đẹp của cuộc đời.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Thầy kể sau khi tốt nghiệp cũng đã xin vào nhiều công ty trong và ngoài nước để làm nhưng nhận thấy khó khăn và không phù hợp. Cho đến khi nộp đơn xét tuyển vào trường, thầy mới cảm thấy đây là nơi mà mình có thể phát triển, nơi mình có thể dạy học trò và nơi để học thêm về cuộc sống. Có nhiều công ty, doanh nghiệp cũng đề nghị thầy về làm chung với họ nhưng thầy từ chối, chỉ đơn giản vì giáo viên không chỉ là nghề mà còn là nghiệp của thầy.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"> “Là một giáo viên trẻ, trở ngại lớn nhất là kiến thức và kinh nghiệm còn non, vậy nên phải tự mình rèn luyện mình, học hỏi thêm từ đồng nghiệp để hoàn thành sứ mệnh một cách tốt nhất” - thầy tâm sự. Với thầy, bất kể nghề gì cũng vậy, đặc biệt là nghề giáo - đây là một nghề của tập thể. Vì không một nhà giáo nào có thể lớn lên thật nhanh, thật trưởng thành và toàn diện khi không có sự giúp đỡ của học trò, của đồng nghiệp. Thầy giáo trẻ chưa bao giờ coi khó khăn trong công việc là cản lực của mình mà luôn đặt nó như một động lực, là cơ hội để mình tự tìm tòi, học tập và phát triển.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Thầy luôn cho rằng muốn truyền đạt lại kiến thức cũng như cảm hứng đối với các bạn sinh viên quan trọng nhất vẫn là cái tâm của người dạy. “Đã là người đi truyền lại kiến thức cho thế hệ sau thì ai cũng có phương pháp riêng nhưng theo thầy thì áp dụng nó vào việc dạy như thế nào để phù hợp và hiệu quả nhất mới là vấn đề cần được đặt lên đầu”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"> Sự phát triển của công nghệ thông tin thời đại hiện nay đòi hỏi mỗi người thầy giáo phải luôn đưa yếu tố thực tế vào bài giảng, nếu cứ mải mê chạy theo những lí thuyết trong sách thì sẽ khiến học sinh chán. Vì vậy trong các bài giảng, thầy chú trọng đưa những vấn đề nóng của thực tế để các bạn tranh luận và có cơ hội trình bày ý kiến cá nhân của mình. Thầy không bao giờ phán xét ý kiến của ai là đúng, ai là sai, và ý kiến của thầy cũng chỉ là một quan điểm chứ không phải đáp án bài học. Và muốn học trò tiếp thu được nhiều nhất, tốt nhất thì giáo viên phải là người tự học trước, phải đem nhiệt tâm vào bài giảng, chỉ như thế, học trò mới trân trọng và chia sẻ bài học với mình.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Thầy Trung quan niệm dạy sinh viên không chỉ là dạy kiến thức mà còn dạy cả cách sống, vì thế thầy luôn dành thời gian để học hỏi, nâng cao kiến thức bản thân thông qua việc đã hoàn thành luận án Tiến sĩ tại Đại học Lille 2 (Cộng hòa Pháp), dự kiến bảo vệ luận án vào cuối 2015 hoặc đầu 2016 và viết bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế và trong nước. Ngoài ra thầy còn tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện vì những người có hoàn cảnh khó khăn, cho các em nhỏ kém may mắn. Với thầy, hoạt động tình nguyện có ý nghĩa đối với cuộc sống và công việc giảng dạy, thầy muốn bản thân là nơi dẫn dắt sinh viên của mình đến với những hoạt động có ích cho xã hội.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"> “Nghề giáo là một nghề cao quý, được mọi người và xã hội tôn vinh, vì vậy bản thân người nhà giáo phải không ngừng rèn luyện về cả cái tài lẫn cái tâm”, thầy tâm sự.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đối với người thầy trẻ tuổi đầy tài năng và tâm huyết này, mỗi thế hệ sinh viên là một kí ức để đời, một bài học để trưởng thành và là một thời để nhớ và mỉm cười. Nghề giáo mang lại cho thầy những giá trị đáng trân quý và thầy đang sống trọn vẹn với nghề nghiệp của mình.</span></span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>THỦY PHAN – TUYẾT VY</strong></span></span></p>
</body></html>